Vướng mắc trong xác định thẩm quyền của TAND cấp tỉnh

29/05/2018 09:44

(kiemsat.vn)
Quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án khi áp dụng vào thực tiễn phát sinh một số vướng mắc trường hợp vụ án có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài; vụ án có bị cáo là lãnh đạo chủ chốt...

Ảnh minh họa

Thứ nhất, tại điểm b khoản 2 điều 268 BLTTHS 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài. Quy định này gây khó khăn khi áp dụng trên thực tiễn trong trường hợp xác định cụ thể như thế nào là vụ án có đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài mà chỉ thuộc phạm vi giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự có thể giải quyết đơn giản hoặc có thể tách ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết bằng một vụ án dân sự theo quy định tại điều 30 BLTTHS 2015.

Ví dụ: Cơ quan điều tra cấp huyện đang tiến hành điều tra vụ án Nguyễn Văn A gây tai nạn giao thông làm chết chị Nguyễn Thị B thì phát sinh vấn đề dân sự là trong số người được hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất của chị B có 01 người đang xuất khẩu lao động hợp pháp tại Đài Loan. Nếu họ có đơn đồng ý để một người ở trong nước đại diện cho mình giải quyết vấn đề dân sự thì vụ án này có thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh hay không? và nếu không liên lạc được với họ thì Cơ quan điều tra cấp huyện đã quyết định tách phần dân sự để xác định vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện có đảm bảo đúng quy định hay không ?

Thứ hai, tại điểm c khoản 2 điều 268 BLTTHS 2015 quy định TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thuộc thầm quyền xét xử của TAND cấp huyện nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Quy định này cũng phát sinh rất nhiều vướng mắc như sau:

- Việc xác định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án là mang tính định tính, thực tế ở một đơn vị cấp huyện hàng năm đều có khá nhiều vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều quan điểm chưa thống nhất về tính chất vụ án và phải thỉnh thị lên cấp trên thì vụ án này có thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh hay không?

- Việc xác định vụ án liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cũng khá phức tạp, ví dụ trong vụ án kinh tế chức vụ thường liên quan đến cấp xã và các phòng ban ở cấp huyện thì vụ án này có được coi là liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh hay không bởi liên quan từ 2 cấp, 2 ngành trở lên là đã thuộc trường hơp liên quan nhiều cấp, nhiều ngành?

Thứ ba, tại điểm c khoản 2 điều 268 BLTTHS 2015 chỉ quy định TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án mà bị cáo là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, không nêu rõ vụ án mà bị cáo là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp trung ương thì thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của cấp nào. Đây là thiếu sót về mặt kỹ thuật trong quá trình xây dựng ban hành luật cũng cần được khắc phục để tránh gây khó khăn vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn nhất.

Thứ tư:, tại điểm c khoản 2 điều 268 BLTTHS 2015 quy định TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án mà bị cáo là Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện... cũng cần được hướng dẫn rõ trong trường hợp bị cáo đã từng là cán bộ chủ chốt cấp huyện trở lên hoặc đã từng là KSV, ĐTV, Thẩm phán thì vụ án có thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh hay thuộc TAND cấp huyện.

Thiết nghĩ, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện xác định được vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố vụ án, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hoặc liên ngành tư pháp trung ương sớm có văn bản hướng dẫn thi hành điều 268 BLTTHS 2015.

Xem thêm>>>

Những án lệ đã được TAND tối cao công bố

TAND tối cao hướng dẫn xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang