Vấn đề về xác định trí tuệ nhân tạo là chủ thể mới của quan hệ pháp luật
(kiemsat.vn) Các thực thể mang trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên giống và thay thế con người tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật. Việc thiếu các quy định về địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo dẫn đến sự lúng túng khi giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề này. Bài viết tập trung so sánh tính tương đồng giữa trí tuệ nhân tạo với các chủ thể của quan hệ pháp luật, từ đó đề xuất xây dựng quy định điều chỉnh địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo.
Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Thẩm quyền điều tra và thời hạn điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát
Một số khó khăn trong hoạt động công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
1. Trí tuệ nhân tạo và quy định của Việt Nam về chủ thể trong quan hệ pháp luật
Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo - AI được định nghĩa như một lĩnh vực, do đó việc xác định tư cách pháp lý đúng là phải được đặt trên những công nghệ về AI hoặc thực thể mang AI (công nghệ AI có thể tồn tại trong những hệ thống dữ liệu như chương trình máy tính, chat bot, phần mềm... mang tính vô hình và cũng có thể được mang bởi một thực thể hữu hình hay còn gọi là các tác tử thông minh như robot hay xe tự lái). Vì vậy, trong bài viết này, thuật ngữ AI được sử dụng như một danh từ đếm được để chỉ một thực thể do con người tạo ra có thể hoạt động theo những cách đặc trưng của những sinh vật thông minh, đặc biệt là con người.
Trí tuệ nhận tạo - AI được hiểu là “lý thuyết và sự phát triển của các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người”; là “ứng dụng của các thuật toán máy tính để thực hiện các nhiệm vụ trí tuệ”; AI đại diện cho “khả năng của một máy tính kỹ thuật số hoặc robot được điều khiển bằng máy tính để thực hiện các nhiệm vụ thường liên quan đến những sinh vật thông minh”. Có thể chia AI thành bốn nhóm lớn, bao gồm:
Hệ thống suy nghĩ như con người: Ý tưởng là thay vì xác định xem một cỗ máy có thể suy nghĩ hay không, thì nên xác định liệu một cỗ máy có thể thuyết phục con người rằng nó có thể suy nghĩ hay không. Nhìn chung, máy tính phải có các khả năng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên để có thể giao tiếp thành công bằng tiếng Anh; phô diễn tri thức để lưu trữ những gì nó biết hoặc nghe được; lập luận tự động để sử dụng thông tin được lưu trữ nhằm trả lời các câu hỏi và đưa ra kết luận mới; học tập để thích ứng với hoàn cảnh mới, phát hiện và ngoại suy các mẫu.
Hệ thống hoạt động như con người: Nếu hành vi đầu vào - đầu ra của chương trình khớp với hành vi tương ứng của con người, thì đó là bằng chứng cho thấy một số cơ chế của chương trình cũng có thể hoạt động ở người.
Hệ thống suy nghĩ hợp lý: Các nhà logic học vào thế kỷ 19 đã phát triển các câu lệnh chính xác cho các tuyên bố về tất cả các loại vật thể trên thế giới và mối quan hệ giữa chúng. Đến năm 1965, về nguyên tắc, các chương trình đã có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào được mô tả trong hệ ký hiệu logic (nếu không có giải pháp nào tồn tại, chương trình có thể lặp lại mãi mãi).
Hệ thống hoạt động hợp lý: Hệ thống cần hoạt động tự chủ, nhận thức được môi trường, tồn tại trong một khoảng thời gian dài, thích ứng với sự thay đổi, sáng tạo và theo đuổi mục tiêu. Nó hành động để đạt được kết quả tốt nhất hoặc ít nhất là kết quả tốt nhất được mong đợi.
Các định nghĩa trên liên quan đến quá trình suy nghĩ, lập luận và quá trình hoạt động; đo lường độ tương thích so với con người hoặc so với tính hợp lý - một hệ thống được xem là hợp lý nếu nó làm “điều đúng”, dựa trên những gì nó biết. Theo các chuyên gia, AI có các đặc tính cơ bản sau đây: (1) Tính sáng tạo; (2) Tính không thể dự đoán trước; (3) Tính độc lập, tự chủ trong hoạt động, không có sự can thiệp của con người; (4) Tính hợp lý; (5) Khả năng tự học tập và không ngừng cải tiến, phát triển thông qua sự tương tác với môi trường; (6) Khả năng thu thập dữ liệu và truyền đạt; (7) Tính hiệu quả, chính xác; (8) Khả năng tự do sử dụng các phương án thay thế.
Tốc độ phát triển vượt bậc và vai trò của AI trong đời sống hiện nay đặt ra vấn đề xem xét địa vị pháp lý cho AI, cụ thể là liệu có thể xem những thực thể này như một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật hay không. Hiện nay, pháp luật thừa nhận cá nhân và pháp nhân là những chủ thể độc lập tham gia quan hệ pháp luật, trong một số trường hợp có sự tham gia của Nhà nước, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương. Pháp luật các nước trên thế giới thường cũng chỉ ghi nhận hai chủ thể cơ bản là thể nhân (natural person) hoặc cá nhân (theo cách gọi của Việt Nam) và pháp nhân (legal person), các dạng thức tổ chức không có tư cách pháp nhân khác thường được điều chỉnh qua cơ chế cá nhân tham gia quan hệ pháp luật.
Về cá nhân, đây là một thực thể sinh học tự nhiên và đồng thời cũng là một thực thể xã hội. “Cá nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm chỉ một con người cụ thể khi tham gia quan hệ dân sự, bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch”. Mặc dù pháp luật không định nghĩa cá nhân nhưng có các quy định cho phép nhận dạng cá nhân, xác định năng lực cá nhân trong cuộc sống dân sự và cách thể hiện năng lực ấy. Theo đó, có thể hiểu cá nhân là “con người cụ thể, tồn tại trong xã hội, được nhận biết bằng các yếu tố xác định lai lịch, có năng lực hưởng và thực hiện quyền dân sự theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hơn, vị trí pháp lý của một người được xác định bởi các thuộc tính sau: Năng lực pháp luật, năng lực thực hiện hành vi theo pháp luật, họ và tên, nơi cư trú, tình trạng hôn nhân, tình trạng cá nhân và các quyền nhân thân…
Về pháp nhân, trước hết, pháp nhân là một thực thể xã hội do nhiều cá nhân tập hợp thành. Pháp nhân được các cá nhân tạo ra nhằm cùng theo đuổi một mục đích chung, trong đó mục tiêu cao nhất là phục vụ cho lợi ích của các cá nhân đó. Đến đây, pháp nhân chỉ mới thể hiện những đặc điểm của tổ chức nói chung. Tuy nhiên, tổ chức này không đơn thuần là số cộng đơn giản của các cá nhân, mà bản thân nó là một chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ luật định, phân biệt với quyền và nghĩa vụ của các thành viên sáng lập ra nó. Như vậy, “pháp nhân là tổ chức nhưng không phải tổ chức nào cũng là pháp nhân mà chỉ những tổ chức đáp ứng các điều kiện luật định thì mới có thể trở thành pháp nhân, có tư cách chủ thể độc lập để tham gia vào các quan hệ pháp luật, tức là có địa vị pháp lý gần giống như cá nhân con người và bình đẳng với con người”. Lúc này, thực thể xã hội nói trên đã trở thành thực thể pháp lý. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đầy đủ tất cả các điều kiện luật định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Với các quy định trên, AI chắc chắn không thể có địa vị pháp lý của một cá nhân - con người tự nhiên. Vì vậy, trong trường hợp ghi nhận tư cách chủ thể cho AI, có thể xem xét khả năng thích ứng của AI với các yêu cầu của pháp nhân, do năng lực pháp lý của AI và pháp nhân đều xuất phát từ các quy định của pháp luật. Nếu điều đó không khả thi, cần xây dựng những quy định mới để đối xử với AI như một chủ thể đặc biệt của pháp luật, hoặc không cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI mà tập trung định nghĩa AI và các vấn đề phát sinh.
2. Xác định tư cách chủ thể cho trí tuệ nhân tạo
Để tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể, các chủ thể phải có tư cách chủ thể, được thể hiện thông qua năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Đây là những điều kiện pháp luật buộc các chủ thể phải đáp ứng khi tham gia quan hệ pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Nhìn chung, các chủ thể được thực hiện những hành vi mà pháp luật không cấm, phát sinh quyền và nghĩa vụ từ những hành vi đó, đồng thời nếu có khả năng thực hiện những hành vi đó thì chủ thể có thể tự mình tham gia quan hệ pháp luật, trở thành một chủ thể đúng nghĩa và toàn diện. Có thể kết luận rằng, tư cách pháp lý tương đương với có năng lực pháp luật, nên việc quyết định xem AI có tư cách pháp lý hay không cần tham chiếu đến khả năng có được năng lực pháp luật của nó.
Do năng lực pháp luật của AI, nếu có, xuất phát từ các quy định của pháp luật, nên có thể xem xét khả năng tương đồng giữa AI với pháp nhân. Hầu hết các cuộc thảo luận về tư cách pháp nhân của AI đều tập trung vào ba khía cạnh: Giá trị đạo đức của AI (khía cạnh giá trị căn bản); liệu AI có thể hoặc nên chịu trách nhiệm hay không (khía cạnh trách nhiệm); hoặc liệu AI có thể có được vai trò độc lập hơn trong các giao dịch thương mại hay không (khía cạnh giao dịch):
Về khía cạnh giá trị căn bản: Giả định rằng xã hội trở nên lo ngại về việc đối xử tệ với các robot gia dụng hình người vì những robot này được cho là biết đau đớn. Cơ quan lập pháp sau đó ban hành Đạo luật phúc lợi cho robot, theo đó, cấm một số hành vi tàn ác đặc biệt vô cớ đối với robot. Những lệnh cấm như trên mang lại quyền cho robot (giả sử robot có giá trị căn bản). Động vật cũng có các quyền pháp lý tương tự, nhưng động vật đã được phân loại và chính xác là không phải con người. Do đó, cần phân biệt robot với tư cách là chủ thể quyền như một pháp nhân nhằm ngăn chặn sự sai lệch về đạo đức như việc robot bị đối xử như nô lệ. Những robot hình người có thể sẽ đủ tiêu chuẩn là pháp nhân nếu chúng không còn được sở hữu và nhận được các biện pháp bảo vệ cơ bản trên phạm vi rộng (ví dụ: Hành vi cố ý tắt nguồn robot sẽ bị xem là giết người).
Việc công nhận tư cách pháp lý cho AI sẽ đảm bảo bảo vệ chúng khỏi sự thao túng hay lạm dụng của con người. Với tư cách chủ thể, AI sẽ có khả năng khởi kiện và bị kiện, được công nhận và có danh tính độc lập của riêng mình. Điều này là vì lợi ích của AI và trên thực tế chỉ có thể thực hiện được nếu có tư cách pháp lý. Chỉ khi được trao tư cách pháp lý, cùng với đó là các quyền hợp pháp thì AI mới có cơ hội được đối xử như nhân viên, thay vì như các nô lệ.
Về khía cạnh trách nhiệm: Trường hợp lý tưởng là các lập trình viên đảm bảo lập trình AI không tham gia vào một số hành vi nhất định (như giết người, trộm cướp, lừa đảo…) và luôn tuân theo các nghĩa vụ pháp lý của mình. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn, một là, bản thân lập trình viên có thể từ chối việc lập trình AI như trên; hai là, đôi khi, việc vi phạm một số nghĩa vụ pháp lý lại mang đến lợi ích kinh tế như cách con người vẫn linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh; ba là, AI có thể bị nhầm lẫn về nội dung của luật. Con người thường không được lấy lý do thiếu hiểu biết pháp luật để bào chữa cho mình, vì vậy, có lẽ AI cũng nên bị xử phạt vì vi phạm pháp luật - hoặc ít nhất phải bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào mà nó gây ra do hành vi vi phạm của mình. Có tác giả khẳng định rằng, không có sự khác biệt về mặt pháp lý đáng kể giữa ý tưởng về trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân và đối với các thực thể AI.
Khi AI tự mình gây ra thiệt hại, nghĩa là thiệt hại đó không có sự tác động của con người mà là do sự sai lệch bản năng thuật toán về công nghệ thì trên phương diện logic, lỗi thuộc về các thực thể AI, nên AI phải chịu trách nhiệm. Đương nhiên là các lập trình viên, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm nếu cố ý tạo ra AI để phạm tội. Ngược lại, nếu chỉ vô ý thì việc AI tự chịu trách nhiệm cũng có lợi cho lập trình viên, chủ sở hữu vì suy cho cùng, một robot có khuynh hướng làm trái với các quy tắc pháp lý cơ bản có thể cho rằng người chủ là trở ngại cho mục tiêu của nó. Như vậy, AI nên tự chịu trách nhiệm về mặt đạo đức và/hoặc pháp lý về hành động của mình.
Về khía cạnh giao dịch: Tác giả nhận thấy, bản thân AI đã có sẵn một số điểm tương đồng với pháp nhân, hơn nữa còn có năng lực giống con người trong việc suy nghĩ, nhận thức và làm chủ hành vi, vì vậy, cần cân nhắc khả năng công nhận tư cách chủ thể cho AI. Mặt khác, nếu quy định các hành vi của AI do lập trình viên, chủ sở hữu chịu trách nhiệm thì khi những chủ thể này không còn sẽ không có người chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, vì không hoàn toàn giống một chủ thể hiện hành nào, nên AI cần được xem xét như một chủ thể mới trong quan hệ pháp luật.
Khi xây dựng khung pháp lý cho AI, có thể tham khảo cách quy định của pháp luật Liên bang Nga. Cụ thể, Robot Agent phải được nhà sản xuất đăng ký trong một sổ đăng ký thống nhất và chỉ khi được đăng ký công khai thì Robot Agent mới có năng lực pháp lý. Đồng thời, các quy định về pháp nhân có thể được áp dụng tương tự cho các quan hệ pháp luật dân sự với Robot Agent, trừ khi luật có quy định khác và lẽ dĩ nhiên là phải trong chừng mực không mâu thuẫn với bản chất của các quan hệ đó. Như vậy, những quyền và nghĩa vụ mà chỉ con người tự nhiên hoặc pháp nhân mới có, do đặc điểm riêng biệt của những chủ thể này, thì AI không thể có được. Về khả năng tham gia giao dịch dân sự, các Robot Agent bị giới hạn chỉ có thể tham gia vào giao dịch trong các phạm vi được thiết lập bởi cơ quan có thẩm quyền về robot của Liên bang Nga. Pháp luật Liên bang Nga rất cẩn trọng trong việc công nhận địa vị pháp lý cho AI, bởi vì bất kể quyền tự chủ nào của robot, quốc gia này vẫn áp đặt tất cả trách nhiệm cho nhà phát triển, người vận hành hoặc nhà sản xuất robot. Theo đó, Robot Agent hành động với tư cách là một bên trong các mối quan hệ pháp lý và chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do hoạt động gây ra nguy hiểm gia tăng cho cộng đồng, bất kể lỗi là gì.
Nhìn chung, khi công nhận thực thể AI là chủ thể của quan hệ pháp luật, thì cần thỏa mãn hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là mức độ tinh vi của AI thể hiện qua năng lực suy nghĩ, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Để đảm bảo tiêu chí này, cần có một bài kiểm tra chuyên môn, xác định thực thể AI có tư duy độc lập và năng lực tự chủ như một người thành niên bình thường. Điều kiện thứ hai là đăng ký danh tính công khai, như con người cần được khai sinh và pháp nhân cần được đăng ký. Cơ chế đăng ký AI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thực thể AI xác lập, thực hiện giao dịch với các chủ thể khác. Để thủ tục đăng ký AI phát huy hiệu quả thì việc đăng ký phải được công bố công khai, tư cách chủ thể của AI được minh bạch hóa, đồng thời tuyên bố với bên thứ ba về tính độc lập giữa AI với người sản xuất, chủ sở hữu.
Với tốc độ phát triển vượt bậc của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xã hội mà con người và những thực thể AI không khác gì con người cùng chung sống không còn là viễn tưởng. Khi đó, nhiều quy định sẽ không còn phù hợp, các quy chuẩn hiện hành về trách nhiệm pháp lý sẽ là không đủ trong trường hợp thiệt hại bị gây ra hoàn toàn do các quyết định mà robot đưa ra một cách độc lập hoặc nếu máy móc được thiết kế để bản thân chúng có thể tự lựa chọn đối tác, thỏa thuận về các điều khoản hợp đồng, ký kết và quyết định cách thức thực hiện các thỏa thuận đó, rõ ràng các nguyên tắc thông thường sẽ không áp dụng với chúng. Xu hướng hiện nay là mở rộng phạm vi chủ thể của các quyền thay vì chỉ dành cho chủ thể truyền thống là các cá nhân con người. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị cho những đòi hỏi trên của xã hội, đảm bảo có thể bảo vệ cũng như kiểm soát AI bằng pháp luật.
Góp ý một số vấn đề khi sửa đổi Luật đất đai
Khung pháp lý đấu tranh với tội phạm mạng tại Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
1Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
-
2Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội
-
3Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay
Bài viết chưa có bình luận nào.