Trao đổi về định tội đối với hành vi sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

24/03/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội facebook đang diễn ra hết sức phức tạp về cách thức cũng như hành vi… Vấn đề định tội đối với hành vi này của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn chưa có sự thống nhất. Từ việc phân tích, bình luận vụ án cụ thể, tác giả đưa ra quan điểm cá nhân để bạn đọc cùng trao đổi.

Vụ án thứ nhất:

Từ tháng 6/2020, trên mạng xã hội, Hoàng Hữu A, sinh năm 1996, trú tại xã T, huyện P, tỉnh T sử dụng tài khoản facebook có tên “Quậy Harold”, vào các nhóm của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động tại nước ngoài, gửi lời kết bạn đến các thành viên trong nhóm. Sau khi kết bạn, A vào trang cá nhân của họ tìm kiếm thông tin cá nhân (họ tên, ngày, tháng, năm sinh) để dò tìm mật khẩu. Khi tìm được mật khẩu, A thay đổi mật khẩu và chiếm đoạt quyền sử dụng các tài khoản facebook này, đồng thời vào danh sách bạn bè của họ, xem nội dung, lịch sử nhắn tin trong mục messenger để mạo danh nhắn tin đề nghị họ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của mình, với lý do cần tiền để giải quyết công việc, rồi chiếm đoạt. A đã chiếm đoạt được tài khoản facebook “Van H Nguyen” của anh Nguyễn Văn H, là người tỉnh B, đang làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. A sử dụng tài khoản facebook này, mạo danh anh H, nhắn tin bằng ứng dụng messenger cho tài khoản “H Nước” của anh Lê Thanh H (sinh năm 1974, trú tại phường Đ, thành phố H) và tài khoản facebook “Nguyễn Thị D” của chị Nguyễn Thị D (sinh năm 1971, trú tại  huyện Q, tỉnh B), đề nghị anh H, chị D chuyển tiền, rồi chiếm đoạt. Tổng số tiền A chiếm đoạt là 109,5 triệu đồng, trong đó của anh Lê Thanh H là 72 triệu đồng, của chị Nguyễn Thị D là 37,5 triệu đồng.

Hoàng Hữu A bị truy tố và xét xử về Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo điểm đ khoản 2 Điều 290 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

Vụ án thứ hai:

Đầu năm 2020, Nguyễn Thế V sinh năm 1995, trú tại xã T, huyện P, tỉnh T đã truy cập vào website Weebly.com để tạo lập tài khoản và website giả có hình ảnh, tên miền là “binhchongionghatViet.Weebly.com”. Sau đó V lập tài khoản facebook, kết bạn với nhiều người, nhắn tin trò chuyện qua ứng dụng messenger và gửi đường link của website có nội dung bình chọn giọng hát Việt đến cho họ, đề nghị họ truy cập đường link để bình chọn cho người thân của mình. Khi có người bình chọn, đường link này sẽ dẫn đến một website giả do V tạo lập, có khung đăng nhập tài khoản facebook, khi họ nhập tên và mật khẩu để đăng nhập thì thông tin này sẽ được gửi đến tài khoản Weebly của V.

Nguyễn Thế V khi có được thông tin liền cung cấp các tài khoản facebook này cho Lê Anh H (sinh năm 1995, trú tại xã L, huyện T, tỉnh Q) sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người thân quen với những người có facebook bị chiếm đoạt. Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 23/3/2020, Nguyễn Thế V thông tin cho Lê Anh H về tài khoản facebook của anh Lê Văn Q (sinh năm 1990, quê quán huyện T, tỉnh Q, đang lao động tại Cộng hòa Ba Lan). Lê Anh H đã đăng nhập vào tài khoản facebook của anh Q, thay đổi mật khẩu và chiếm đoạt quyền sử dụng. H vào đọc nội dung tin nhắn của anh Q, tìm kiếm bạn bè có trong danh bạ, nhắn tin yêu cầu họ chuyển tiền để chiếm đoạt. Trong đêm 23 và 24/3/2020, H giả danh anh Q, nhắn tin với tài khoản facebook “Kim Thiên Tử” của anh Lê Văn T (sinh năm 1995, là em trai của anh Q, trú tại xã T, huyện B, tỉnh Q), đề nghị anh T chuyển tiền. Anh Lê Văn T tưởng đó là anh trai mình yêu cầu, nên đã chuyển tiền 3 lần vào tài khoản do H cung cấp, với tổng số tiền là 58 triệu đồng. H đã chiếm đoạt số tiền này.

Sau khi chiếm đoạt được quyền sử dụng tài khoản facebook của anh Lê Văn Q, chiếm đoạt được số tiền 58 triệu đồng của anh Lê Văn T; Lê Anh H đã đưa tài khoản facebook của anh Lê Văn Q cho Đỗ Duy A (sinh năm 1998, trú tại xã L, huyện T, tỉnh Q). Đỗ Duy A vào mục danh sách bạn bè trong facebook của anh Lê Văn Q, tìm những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, lấy thông tin cá nhân và hình ảnh trên trang công khai của họ, rồi tạo lập facebook giả có thông tin và hình ảnh giống với facebook thật của họ để nhắn tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, cuối tháng 3/2020, Đỗ Duy A sử dụng thông tin và hình ảnh của anh Nguyễn Tiến K (sinh năm 1991, trú tại thị xã Đ, tỉnh B) để tạo lập tài khoản facebook giả mạo giống với tài khoản facebook của anh K. Sau đó, Đỗ Duy A sử dụng tài khoản facebook giả, kết bạn với chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1990, trú tại thị xã B, tỉnh Q. Ngày 29/3/2020, A sử dụng facebook giả và giả danh anh K nhắn tin, đề nghị chị L chuyển số tiền 06 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng do A cung cấp nhằm mục đích chiếm đoạt. Chị L tưởng người thân của mình là anh K yêu cầu nên làm thủ tục chuyển tiền, nhưng đã kịp thời phát hiện mình bị lừa nên dừng giao dịch. Vì vậy A chưa chiếm đoạt được số tiền 06 triệu đồng của chị L.

Nguyễn Thế V và Lê Anh H bị điều tra, truy tố và xét xử về Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo điểm đ khoản 2 Điều 290 BLHS năm 2015; Đỗ Duy A bị điều tra, truy tố và xét xử về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015.

Về việc điều tra, truy tố và xét xử đối với hai vụ án trên, tác giả có một số ý kiến trao đổi về định tội danh như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015, hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các công cụ phạm tội như sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thể hiện ở một số dạng sau:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, nếu một hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm không trong các hành vi trên thì không thể truy tố, xét xử người đó về Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS năm 2015 được.

Trở lại hai vụ án trên, có thể thấy dấu hiệu thuộc hành vi khách quan của các bị can, bị cáo bị truy tố và xét xử về Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, không thỏa mãn bất cứ hành vi nào trong năm loại hành vi khách quan nói trên. Cụ thể, hành vi tìm được, lấy được mật khẩu để chiếm đoạt tài khoản facebook của người khác, sau đó tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người thân quen của những người có tài khoản facebook bị chiếm đoạt không phải là hành vi được quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015.

Thực chất ở đây có xảy ra sự đồng âm khác nghĩa đối với thuật ngữ “tài khoản”, dẫn đến có sự nhầm lẫn. Cụ thể, thuật ngữ “tài khoản” quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015 là nói đến tài khoản về tiền được đăng ký ở các tổ chức tín dụng, nghĩa là khi xảy ra việc sử dụng thông tin về tài khoản, truy cập bất hợp pháp vào tài khoản là ngay sau đó có thể chiếm đoạt được tiền, tài sản; còn “tài khoản facebook” không liên quan gì đến tiền, tài sản. Việc chiếm đoạt được tài khoản facebook của người khác thực chất chỉ là việc có được mật khẩu facebook của họ, nên có được những thông tin và đăng được những thông tin trên đó (mà lẽ ra việc này chỉ có người lập ra facebook của mình mới thực hiện được); đồng thời, thay đổi mật khẩu để chính người đã lập ra facebook không vào được facebook của họ để xem và đăng thông tin trong đó. Như vậy, việc chiếm đoạt facebook không liên quan gì đến việc chiếm đoạt tiền, tài sản. Muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác, người chiếm đoạt tài khoản facebook phải có thêm hành vi khác, đó là giả danh người chủ tài khoản facebook để liên hệ với bạn bè, người thân của họ, yêu cầu những người này chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng nào đó mà người đã chiếm đoạt tài khoản facebook đang quản lý để chiếm đoạt khi tiền được chuyển đến. Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook, sau đó lừa những người thân quen của những người có tài khoản facebook bị chiếm đoạt để chiếm đoạt tài sản của họ cũng không phải là hành vi được quy định tại các điểm b, d, đ khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015.

Do đó, việc truy tố, xét xử các bị can, bị cáo trong hai vụ án nói trên về Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 290 BLHS năm 2015 là không thỏa đáng.

Thứ hai, Điều 290 BLHS năm 2015 là điều luật được sửa đổi, bổ sung từ Điều 226b BLHS năm 1999. Trong thời gian Điều 226b có hiệu lực thi hành, có một vướng mắc khi định tội danh, đó là một hành vi khách quan thỏa mãn ít nhất một trong các dấu hiệu quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 226b BLHS năm 1999, đồng thời hành vi này cũng thỏa mãn các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của Tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS năm 1999), hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS năm 1999). Để tháo gỡ vướng mắc này, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung Điều 226b thành Điều 290 như sau:

 “1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) …”

Theo quy định trên, nếu người thực hiện hành vi vừa thỏa mãn các dấu hiệu tại Điều 173 hoặc Điều 174 BLHS năm 2015, vừa thỏa mãn dấu hiệu tại ít nhất một trong các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015, thì phải truy tố, xét xử người này về Tội trộm cắp tài sản hoặc về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 173, Điều 174 BLHS năm 2015).

Về hai vụ án nói trên, rõ ràng hành vi của các bị can, bị cáo hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể là người phạm tội đã có hành vi gian dối, làm cho bị hại tưởng giả là thật để chuyển giao tài sản của mình cho các bị can, bị cáo và các bị can, bị cáo đã chiếm đoạt tài sản khi được chuyển giao. Hành vi này như đã phân tích ở phần trước không phải là một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015. Do đó, theo tác giả, phải điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015. Mặt khác, trong trường hợp chưa có sự thống nhất về hiểu thuật ngữ “tài khoản”, thì vẫn phải truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo Điều 174 BLHS năm 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì các hành vi trên thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đã thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải ưu tiên áp dụng tội danh này. Thực tiễn xét xử trước ngày 01/01/2010 (là ngày Điều 226b BLHS năm 1999 có hiệu lực pháp luật), các hành vi như hai vụ án nêu trên đều được điều tra, truy tố và xét xử về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc điều tra, truy tố và xét xử như vậy là hoàn toàn chính xác.

Thứ ba, ở vụ án thứ hai, Lê Anh H sau khi được Nguyễn Thế V cung cấp mật khẩu facebook của anh Lê Văn Q, đã đăng nhập vào tài khoản này, thay đổi mật khẩu để chiếm đoạt tài khoản; sau đó, lợi dụng biết được một số thông tin trong tài khoản facebook này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của anh Lê Văn T. Còn Đỗ Duy A lợi dụng việc bạn bè của mình là Nguyễn Thế V và Lê Anh H chiếm đoạt được tài khoản facebook của anh Lê Văn Q, biết được thông tin trong đó, đã có hành vi sử dụng hình ảnh của anh Nguyễn Tiến K, lập một facebook giả giống với facebook do anh Nguyễn Tiến K lập trước đó, tự xưng là anh K để lừa chị Nguyễn Thị L, yêu cầu chị L chuyển tiền cho mình nhằm chiếm đoạt. Có thể thấy hai loại hành vi này tuy biểu hiện bên ngoài khác nhau, nhưng bản chất pháp lý là hoàn toàn giống nhau, đó là đều giả danh người khác trên môi trường mạng xã hội để yêu cầu một người thân quen nào đó của người mà người thực hiện hành vi phạm tội giả danh, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do họ quản lý để chiếm đoạt. Do đó, nếu điều tra, truy tố, xét xử loại hành vi này theo hai tội danh khác nhau là không thuyết phục, vì thực chất đây đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với các phân tích trên, tác giả cho rằng việc định tội danh bị can, bị cáo ở hai vụ án nói trên theo tội danh quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015 là chưa chính xác./.

Hoàn thiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(Kiemsat.vn) - Bài viết tập trung phân tích, làm sáng tỏ một số chủ trương, định hướng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời, đề cập đến vai trò của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, từ đó đưa ra một số yêu cầu và giải pháp tiếp tục hoàn thiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Kỹ năng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế

(Kiemsat.vn) - Kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đòi hỏi Kiểm sát viên phải xác định rõ nội dung, đối tượng kiểm sát; đồng thời, chú ý các kỹ năng kiểm sát chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án; kiểm sát việc thỏa thuận về thi hành án; kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án...
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang