Bàn về thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người được hưởng án treo

18/02/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 là trường hợp bị cáo bị kết án phạt tù nhưng được cho hưởng án treo thì thời hạn tạm giữ, tạm giam đó do Hội đồng xét xử trừ vào thời hạn phạt tù trong bản án đã cho hưởng án treo, hay khi họ phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc Hội đồng phiên họp trừ khi họ vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên?

Hình phạt tù có thời hạn là một trong bảy hình phạt chính được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Người bị kết án nếu không thuộc trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù thì họ bị đưa vào cơ sở giam giữ, bị tước quyền tự do, cách ly khỏi đời sống xã hội để chấp hành toàn bộ bản án, trong đó có phần thời hạn phạt tù theo quyết định của bản án, trừ khi họ được miễn chấp hành hình phạt, giảm hoặc được tha tù trước thời hạn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 38 BLHS năm 2015 quy định: “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù”. Theo đó, bất kỳ người nào trước đó đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam để giải quyết vụ án mà khi xét xử Tòa án tuyên bố áp dụng hình phạt tù có thời hạn và quyết định thời hạn chấp hành hình phạt phạt tù, thì đều được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam đó vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành quy định này là trường hợp bị cáo bị kết án phạt tù nhưng được cho hưởng án treo thì thời hạn tạm giữ, tạm giam đó do Hội đồng xét xử trừ vào thời hạn phạt tù trong bản án đã cho hưởng án treo, hay khi họ phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc Hội đồng phiên họp trừ khi họ vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên?

Về vấn đề này, có các quan điểm khác nhau như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi xử án, trong mọi trường hợp, Tòa án phải tuyên trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án trước khi quyết định mức hình phạt cuối cùng mà bị cáo phải chấp hành. Với cách hiểu này, trường hợp bị cáo được hưởng án treo thì thời hạn đã tạm giữ, tạm giam phải được trừ vào thời hạn tù trong bản án treo, do đó thời gian thử thách được xác định trên cơ sở mức phạt tù còn lại sau khi đã khấu trừ. Bởi theo Nghị quyết số 01/2007/NQ- HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Nghị quyết số 01/2007), tại tiểu mục 6.4 quy định: b) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành...”. Ví dụ: Toà án xử phạt A 03 năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam 01 năm, nên mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là 02 năm. Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A là 04 năm”. Mặc dù Nghị quyết này đã bị thay thế bởi Nghị quyết số 02/2018 NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (Nghị quyết số 02/2018) nhưng quan điểm này vẫn được áp dụng trong thực tiễn vì có phần hợp lý và cơ bản khắc phục được thiếu sót đối với trường hợp người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách.

Điểm hợp lý của ý kiến này là đảm bảo được tính bình đẳng và chính sách nhân đạo của pháp luật được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015: “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật”. Những người thực hiện hành vi phạm tội bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ hoặc tạm giam đều bị đưa vào cơ sở giam giữ, bị hạn chế quyền công dân nhiều hơn so với người cũng thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, khi họ phạm tội mới hoặc cố ý vi phạm nghĩa vụ thì Tòa án xem xét và quyết định không cho họ được hưởng án treo nữa. Đối với người phạm tội mới, họ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm, đối với người cố ý vi phạm nghĩa vụ thì giống như người phạm tội mới họ cũng phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù mà bản án đã tuyên, trừ trường hợp được miễn, giảm, tha tù trước thời hạn theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo công bằng cho họ, BLHS và các văn bản hướng dẫn liên quan đều quy định rõ về việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam, nếu có vào thời hạn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án phạt tù có thời hạn. Đối với những người bị Tòa án tuyên phạt tù có thời hạn nhưng cho hưởng án treo mà trước đó từng bị tạm giữ, tạm giam, đều có quyền được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam đó vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Pháp luật không cho phép coi án treo là nhẹ hơn so với hình phạt khác để tùy tiện tăng thời hạn phạt tù (tăng hình phạt) không có căn cứ.

Mặt khác, lập luận trên còn phản biện ý kiến cho rằng người được hưởng án treo mà phạm tội mới hoặc cố ý vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách của bản án treo thì phải xử lý nghiêm khắc và không trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù cho họ.

Ví dụ: A và B đều phạm tội “Hủy hoại rừng”, đã bị tạm giam 06 tháng, không có tình tiết tăng nặng, có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhưng A không có nơi cư trú rõ ràng, B có nơi cư trú rõ ràng. Tòa án tuyên: Phạt tù 20 tháng đối với cả hai bị cáo, trừ thời gian tạm giam cho bị cáo A là 6 tháng, A còn phải chấp hành 14 tháng; bị cáo B được hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách và không trừ 6 tháng B đã bị tạm giam. Bản án có hiệu lực pháp luật. A chấp hành hình phạt tù 14 tháng còn lại tại cơ sở giam giữ. B trong thời gian thử thách đã cố ý vi phạm nghĩa vụ, do đó Tòa án buộc B phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Do không được trừ thời gian đã tạm giam cho nên B phải chấp hành toàn bộ thời hạn phạt tù là 20 tháng và 06 tháng bị tạm giam, tổng thời gian B bị giam giữ tại cơ sở giam giữ là 26 tháng.

Ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án trừ thời hạn đã tạm giữ, tạm giam vào thời hạn thực tế phải chấp hành án phạt tù mà không trừ vào thời hạn phạt tù khi kết án. Do đó, người đang hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì khi xét xử đối với tội mới, Tòa án thực hiện việc trừ thời hạn bị tạm giữ, tạm giam. Đây là cách hiểu theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2018: “Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Như vậy, việc trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù được hiểu là trừ vào thời hạn mà người đó thực tế phải chấp hành hình phạt tù.

Ý kiến này cũng phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 58/TANDTC-PC ngày 06/5/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc xác định thời hạn chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo: “Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện đúng quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, theo đó thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới”.

Tuy nhiên, Điều 7 Nghị số 02/2018 chỉ hướng dẫn đối với trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì còn có trường hợp khác bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, đó là trường hợp vi phạm nghĩa vụ đã cam kết 02 lần trở lên trong thời gian thử thách. Đối với trường hợp này thì việc khấu trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam được thực hiện thế nào, hiện nay chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, còn một số ý kiến cho rằng, nếu người đang hưởng án treo mà cố ý vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách, thì Hội đồng phiên họp (trong phiên họp xét, quyết định buộc người này phải chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo) thực hiện việc tuyên trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn người bị kết án sẽ phải chấp hành hình phạt tù.

Song nghiên cứu Điều 10, Điều 11 của Nghị quyết số 02/2018 tác giả nhận thấy quy định về việc Hội đồng phiên họp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo, không có quy định về việc trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam vào thời hạn thực tế người đó sẽ phải chấp hành hình phạt tù như đã quy định đối với trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách. Để đảm bảo việc nhận thức và áp dụng pháp luật thống nhất, bản án ban hành có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn bổ sung liên quan đến vấn đề này./.

Những kết quả trong xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, nhiệm kỳ 2016 - 2021

(Kiemsat.vn) - Ngành Kiểm sát nhân dân đã kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ 2016 - 2021 với những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp. Trong đó, ngoài những kết quả về công tác chuyên môn, nghiệp vụ thì công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân luôn được đánh giá tích cực, là một trong những điểm sáng xuyên suốt nhiệm kỳ cải cách tư pháp 2016 - 2021.

Bất cập trong áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay còn tồn tại những bất cập trong việc áp dụng pháp luật đối với những vấn đề như: Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp đối với trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,…
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang