Tài sản của quân đội trong vụ án xâm phạm sở hữu nhìn từ góc độ pháp luật dân sự
(kiemsat.vn) Hiện có hai ý kiến trái chiều về cách hiểu thế nào là “tài sản của Quân đội”. Điều này gây khó khăn trong việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án có tài sản của Quân đội nhưng giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng không nhằm phục vụ chiến đấu, quân sự. Tác giả phân tích quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để khẳng định tài sản trong trường hợp này là tài sản của Quân đội.
Hiểu thế nào cho đúng về tình tiết “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”?
Bàn về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự
T lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức?
Hiện nay, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn nhận thức khác nhau về nội dung của điểm b khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “… gây thiệt hại đến tài sản của Quân đội nhân dân”. Theo đó, có hai luồng ý kiến trái chiều về “tài sản của Quân đội” để xác định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hay Tòa án nhân dân:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, tài sản của Quân đội được hiểu theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (Thông tư liên tịch số 01/2005). Theo đó, “tài sản của Quân đội là tài sản do Quân đội quản lý, sử dụng, kể cả trường hợp Quân đội giao tài sản đó cho dân quân tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự”. Như vậy, với những trường hợp tài sản của Quân đội giao cho cá nhân hoặc tổ chức khác sử dụng không nhằm mục đích phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự thì không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Ý kiến thứ hai cho rằng, tài sản của Quân đội được hiểu bao gồm cả trường hợp Quân đội giao tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức khác sử dụng không nhằm mục đích chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Với hai nhận thức trái chiều như trên dẫn đến quá trình phối hợp giải quyết án hình sự của các cơ quan tố tụng trong và ngoài Quân đội hiện đang xảy ra xung đột về thẩm quyền xét xử đối với các vụ án liên quan đến tài sản của quân đội giao cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng không nhằm mục đích phục vụ chiến đấu, hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự. Do đó, để làm rõ thế nào là “tài sản của Quân đội nhân dân”, tác giả đi sâu phân tích về quan hệ sở hữu tài sản theo pháp luật dân sự - là pháp luật điều chỉnh về quan hệ sở hữu tài sản.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu tài sản bao gồm ba loại quyền là: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Trong đó, quyền chiếm hữu là quyền của chủ thể trong việc nắm giữ, chi phối tài sản. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản; chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để lại thừa kế, hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản; người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong ba loại quyền thì quyền định đoạt thể hiện rõ nét nhất quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản, bởi chủ sở hữu có quyền định đoạt về tình trạng thực tế (tiêu dùng hết, tiêu hủy) hoặc tình trạng pháp lý (bán, tặng cho, để lại thừa kế) tài sản mình đang sở hữu. Đây là quyền mà những người không phải là chủ sở hữu không có. Pháp luật dân sự quy định người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt tài sản trong “phạm vi ủy quyền” của chủ sở hữu, điều này thể hiện rõ nhất trong các điều khoản của hợp đồng hoặc nội dung của di chúc.
Đối với các vụ án xâm phạm sở hữu mà tài sản được chủ sở hữu giao cho người khác quản lý, sử dụng, thì giữa chủ sở hữu và người được giao quản lý, sử dụng (người chiếm hữu) đã phát sinh một hợp đồng dân sự thông qua các hành vi như cho mượn (hợp đồng cho mượn tài sản), cho thuê (hợp đồng cho thuê tài sản), trong đó đã trao cho người quản lý, sử dụng quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản. Tức là, người quản lý, sử dụng được chủ sở hữu trao cho quyền nắm giữ, quản lý và sử dụng, khai thác công dụng của tài sản theo ý chí chủ quan của người đang chiếm hữu. Do không có quyền định đoạt tài sản nên trường hợp tài sản bị mất hoặc bị thiệt hại, pháp luật dân sự đặt ra nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người đang quản lý, sử dụng cho chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, trong thực tiễn giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu, người đang quản lý, sử dụng tài sản được xác định tư cách tham gia tố tụng là bị hại, còn chủ sở hữu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong các vụ án xâm phạm tài sản của Quân đội giao cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, sử dụng, thì giữa Quân đội và cá nhân, tổ chức khác cũng đã giao kết một hợp đồng dân sự như hợp đồng thuê thi công, hợp đồng cho thuê tài sản. Do đó, cá nhân, tổ chức đang quản lý, sử dụng tài sản của Quân đội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại, Quân đội là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tài sản bị xâm phạm vẫn thuộc sở hữu của Quân đội.
Qua phân tích trên, xét thấy hai luồng ý kiến về hiểu thế nào là “tài sản của Quân đội” xuất phát từ nhận thức về phạm vi của quyền sở hữu tài sản có sự khác nhau. Với ý kiến thứ nhất, trường hợp giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, sử dụng nhằm mục đích chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự, cá nhân, tổ chức này được xác định là những người được Quân đội trưng tập, sử dụng tài sản của Quân đội làm nhiệm vụ quân sự và các đơn vị mà Quân đội trực tiếp quản lý. Từ đó, xác định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự do hành vi phạm tội tác động trực tiếp đến tài sản do Quân đội quản lý, sử dụng. Trường hợp Quân đội giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, sử dụng nhằm mục đích khác như cho thuê, cho mượn, Quân đội đã trao quyền chiếm hữu, sử dụng cho chủ thể khác nên tài sản lúc này được xác định không phải “tài sản của Quân đội”. Như vậy, phạm vi quyền sở hữu tài sản của Quân đội chỉ giới hạn trong quyền chiếm hữu và sử dụng, bởi như phân tích ở trên, khi chuyển giao quyền quản lý, khai thác công năng của tài sản cho cá nhân, tổ chức khác nằm ngoài phạm vi quản lý của Quân đội, những người theo ý kiến thứ nhất đã xác định không phải “tài sản của Quân đội”.
Với ý kiến thứ hai, tài sản của Quân đội được hiểu là tất cả tài sản của Quân đội dù được sử dụng với mục đích gì. Trường hợp này, tài sản của Quân đội được xác định ở phạm vi quyền sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi Quân đội giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, sử dụng, thực chất là chỉ giao quyền chiếm hữu, quyền sử dụng nhưng không giao quyền định đoạt về tài sản. Vì vậy, dù trường hợp Quân đội giao tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức khác sử dụng nhằm mục đích chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự hay là nhằm mục đích khác thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của Quân đội, bởi Quân đội vẫn giữ quyền định đoạt về tài sản và gián tiếp chịu thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra.
Điều này dẫn đến trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tài sản của Quân đội đang giao cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, sử dụng, còn có sự bất đồng quan điểm khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Ví dụ: Những vụ án trộm cắp tài sản liên quan đến Quân đội trên địa bàn Quân khu 4, quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát xác định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự do hành vi phạm tội xâm phạm trực tiếp đến tài sản của Quân đội, không phụ thuộc vào tư cách tham gia tố tụng của Quân đội là bị hại hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, Tòa án quân sự vẫn còn cân nhắc vụ án thuộc hay không thuộc thẩm quyền xét xử do Quân đội không phải là bị hại. Do đó, Tòa án quân sự xác định vụ án không thuộc thẩm quyền nên ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự để chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền truy tố.
Qua phân tích về thuật ngữ “tài sản của Quân đội” từ góc độ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền sở hữu tài sản, theo tác giả, giải thích “tài sản của Quân đội” giới hạn ở “quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản” như tại Thông tư liên tịch số 01/2005 là chưa hợp lý. Bởi Thông tư liên tịch này hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, đây là những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực. Do đó, việc tiếp tục áp dụng Thông tư liên tịch số 01/2005 là trái với khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngoài ra, nội dung điểm b Mục I.2 Thông tư liên tịch số 01/2005 hướng dẫn thuật ngữ “gây thiệt hại cho Quân đội” quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cũng khác với “gây thiệt hại đến tài sản của Quân đội nhân dân” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nên cũng không có căn cứ để áp dụng văn bản dưới luật hướng dẫn văn bản pháp luật đã hết hiệu lực theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 là “tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới”.
Tóm lại, cần phải hiểu “tài sản của Quân đội” tại điểm b khoản 2 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo nghĩa quyền sở hữu tài sản quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu. Theo tác giả, trong thời gian tới, để đảm bảo quá trình truy tố, xét xử vụ án hình sự liên quan đến tài sản của Quân đội đang giao cho cá nhân, tổ chức khác quản lý sử dụng được thuận lợi, cần ban hành hướng dẫn giải thích cụ thể thế nào là “tài sản của Quân đội” theo điểm b khoản 2 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015./.
Bài viết chưa có bình luận nào.