Vướng mắc trong xử lý một số loại vật chứng
(kiemsat.vn) Việc xác định vật chứng có là công cụ, phương tiện để phạm tội hay không? vật chứng nào thì phải xem xét tịch thu nộp ngân sách nhà nước hay trả lại cho chủ quản lý còn nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng chưa thống nhất.
Kinh nghiệm xây dựng bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên
Biện pháp thu thập, chuyển hóa, sử dụng chứng cứ điện tử trong vụ án sử dụng công nghệ cao
Kinh nghiệm nhận diện một số vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính
1. Một số khó khăn, vướng mắc
- Đối với vật chứng là lâm sản (gỗ) thuộc sở hữu nhà nước:
Trong các vụ án hình sự về vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015), vật chứng là gỗ được phát hiện và thu giữ trong các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, dẫn đến việc áp dụng biện pháp tư pháp khi xử lý vật chứng trong từng vụ án có sự khác nhau, trên thực tế đã xảy ra những trường hợp vật chứng của vụ án hình sự là gỗ thuộc sở hữu nhà nước, đã xác định rõ Chủ quản lý rừng (hay còn gọi là người quản lý hợp pháp), nhưng khi xử lý vật chứng đối với những trường hợp này trên thực tế chưa thống nhất, cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: Ngày 13/02/2018, Nguyễn Văn B cùng một số người đến khu vực rừng phòng hộ thuộc huyện L, tỉnh Q khai thác 10 cây gỗ nghiến, thuộc nhóm IIA có khối lượng 80,376 m3 (chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện L). Trong vụ án này, toàn bộ khối lượng gỗ nghiến bị các bị cáo khai thác còn lại tại hiện trường đã được Tòa án tuyên giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện L bảo quản và xử lý theo quy định; đối với số lượng gỗ nghiến đã được sơ chế mà các bị cáo khai thác đem ra khỏi hiện trường sau thu giữ đã được Tòa án tuyên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
Trường hợp thứ hai: Cuối tháng 8/2018, Nguyễn Văn K cùng Trần Thanh H, đến khu rừng S thuộc xã S, huyện M (là rừng phòng hộ) khai thác 01 cây gỗ sâng (nhóm VI) khối lượng 23,428 m3, Ủy ban nhân dân xã S được xác định chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ rừng. Trong vụ án này, toàn bộ khối lượng gỗ các bị cáo khai thác để lại tại hiện trường (tại rừng) đã được Tòa án xét xử tuyên giao cho Hạt kiểm lâm huyện M (là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức bảo vệ rừng) quản lý, xử lý theo thẩm quyền.
Trường hợp thứ ba: Tháng 4/2019, Huỳnh Kim B và Đặng Kim H khai thác trái phép hai cây gỗ nghiến (thuộc nhóm IIA) có khối lượng là 13,53m3, tại khu vực rừng đặc dụng C, khu vực K, xã Y, huyện H (Uỷ ban nhân dân xã Y chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng) và vận chuyển về nhà. Sau đó H và B bị tổ công tác Trạm kiểm lâm xã Y, huyện H phát hiện và thu giữ toàn bộ vật chứng. Toàn bộ khối lượng gỗ các bị cáo khai thác để lại tại hiện trường và khối lượng gỗ đã bị thu giữ tại gia đình bị cáo đều được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên giao cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện H để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể thấy, việc xử lý vật chứng là lâm sản thuộc sở hữu nhà nước trên thực tế còn chưa thống nhất, nơi thì tuyên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước, nơi thì giao cho cơ quan Kiểm lâm, nơi thì giao cho Chủ quản lý rừng, do còn có các ý kiến khác nhau trong việc xử lý vật chứng lâm sản (gỗ). Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, vật chứng là gỗ đã được phát hiện và thu giữ thì căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khối lượng lâm sản (tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước) do các đối tượng phạm tội khai thác trái phép, đang bị tạm giữ và đó là tài sản do phạm tội mà có.
Ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và khoản 2 Điều 47 BLHS năm 2015, khi xét xử cần giao vật chứng (khối lượng lâm sản) đã bị các đối tượng phạm tội khai thác trái phép cho Chủ rừng (người quản lý hợp pháp). Chủ rừng có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với số gỗ (lâm sản) đã bị thu giữ để xử lý theo quy định.
Theo tác giả, nếu theo ý kiến thứ nhất thì chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 và khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bởi lẽ, tài sản nhà nước phải được tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Ý kiến thứ hai thì phù hợp với quy định của pháp luật, vì gỗ (lâm sản) vừa là vật chứng, vừa là tài sản đã xác định được Chủ quản lý rừng nên phải giao lại cho họ. Tuy nhiên, vì đây là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, Chủ quản lý rừng không có thẩm quyền bán sung vào ngân sách nhà nước, mà sau khi được giao vật chứng để xử lý thì Chủ quản lý rừng vẫn có trách nhiệm nhận quản lý bảo quản và báo cáo cấp trên có thẩm quyền xử lý theo quy định. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án tuyên trả lại vật chứng cho Chủ quản lý rừng cũng chưa phù hợp yêu cầu thực tế.
- Đối với vật chứng là tài sản thế chấp:
Tình huống cụ thể: Ngày 14/11/2018 và ngày 27/11/2018, Nguyễn Ngọc T điều khiển xe ô tô tải đi trộm cắp tài sản là gỗ keo nguyên liệu đã bị Công an phát hiện và thu giữ xe ô tô tải. Trong quá trình điều tra, Công an đã xác định được xe ô tô tải dùng làm phương tiện trộm cắp là tài sản chung của vợ chồng T trị giá 219.000.000 đồng và T đã thế chấp chiếc xe này tại Ngân hàng để vay số tiền 90.000.000 đồng (đến ngày 11/5/2019 thì hết hạn hợp đồng). Giấy tờ gốc của xe ô tô tải (đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận bảo hiểm) do Ngân hàng giữ. Nguyễn Ngọc T bị Viện kiểm sát huyện Q truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Trong vụ án này, có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý vật chứng được thu giữ. Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất, xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng T, được xác định là phương tiện phạm tội. T dùng xe ô tô tải làm phương tiện phạm tội thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015, tịch thu sung vào ngân sách nhà nước (nếu vợ T biết T dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản); tịch thu 1/2 giá trị xe để sung vào ngân sách nhà nước, trả lại cho vợ T 1/2 giá trị xe ô tô tải (nếu vợ T không biết T dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản). Việc T dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng không làm mất đi quyền sở hữu của T, khi T dùng xe ô tô làm phương tiện phạm tội thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Ý kiến thứ hai, xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Nguyễn Ngọc T, nhưng T đã dùng xe ô tô tải thế chấp tại Ngân hàng để vay số tiền là 90.000.000 đồng. Trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự thì: Trong trường hợp hợp đồng thế chấp hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp được giao cho bên nhận thế chấp khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Phương thức xử lý do các bên trong hợp đồng thế chấp thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thanh toán nợ. Vì vậy, giao lại xe ô tô của T cho Ngân hàng để Ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo (vì đã hết thời hạn vay, nhưng T không có khả năng trả nợ) là phù hợp.
Ý kiến thứ ba cũng là ý kiến của tác giả, xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng T, nhưng T đã dùng xe ô tô tải thế chấp tại Ngân hàng để vay số tiền là 90.000.000 đồng. Tuy nhiên, xe ô tô tải được vợ chồng T mua ban đầu với số tiền là 219.000.000 đồng. Do đó, cần áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tịch thu xe ô tô, giao cho Ngân hàng bán đấu giá để thu hồi số tiền mà bị cáo T đã vay là 90.000.000 đồng và tiền lãi (vì đã hết thời hạn vay, nhưng T không có khả năng trả nợ). Số tiền bán xe ô tô tải sau khi trừ tiền vay, lãi và chi phí bán đấu giá còn lại (nếu còn) chia đôi, trả cho vợ T 1/2 số tiền (nếu vợ không biết T dùng xe ô tô tải thực hiện hành vi phạm tội). Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước 1/2 số tiền (phần của T).
Tác giả cho rằng, việc xử lý vật chứng là tài sản thế chấp như vậy là hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng và những chủ thể khác có liên quan, đồng thời phù hợp với quy định của BLTTHS, Bộ luật Dân sự và cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, hiệu quả.
- Đối với vật chứng là số thuê bao (sim) điện thoại:
Ngay từ giai đoạn đầu của việc tạm giữ vật chứng, Cơ quan điều tra chỉ xác định chiếc điện thoại di động, chiếc sim với số seri (vật cá thể, hữu hình) là vật chứng, tiến hành mô tả, niêm phong và bảo quản trong suốt quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc chỉ xác định các vật hữu hình, cá thể hóa trên lại chưa dự liệu đến việc số sim với sự quản lý của các nhà mạng chính là đầu mối, là “công cụ” chính để các đối tượng liên quan đến vụ án có thể liên lạc hoặc làm cơ sở xác định đầu mối liên lạc. Có nhiều vụ án, sau khi bị tịch thu điện thoại, các đối tượng liên quan đến vụ án hoặc chủ đăng ký sim đã đăng ký lại và tiếp tục sử dụng số sim này khi vụ án còn chưa được giải quyết hoặc vật chứng chưa được xử lý, khai thác thông tin có giá trị chứng minh tội phạm.
Việc kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến vật chứng, chủ yếu dựa trên các thông tin còn lại trên điện thoại di động mà Cơ quan điều tra không hoặc chưa tính đến các đầu mối và kho dữ liệu thông tin chủ yếu lại đến từ dữ liệu tồn tại trên không gian từ các nhà mạng quản lý các số sim này. Do vậy, Cơ quan điều tra chưa thể khai thác, sử dụng hết các nguồn chứng cứ để chứng minh và xác định tính liên quan của các vật chứng đối với vụ án. Hiện nay, việc Cơ quan điều tra ra văn bản yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin lưu tồn trên cơ sở quản lý số sim hoặc trưng cầu giám định đối với các dữ liệu trên sim còn rất ít và chưa triệt để trong việc chứng minh tội phạm. Điển hình như việc khai thác nguồn tin nhắn, cuộc gọi thoại và các dữ liệu ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) dựa trên đăng ký tài khoản bằng số sim di động của người dùng.
Hiện nay, các nhà mạng đã triển khai hầu hết việc đăng ký thông tin cá nhân sử dụng các thuê bao di động (số sim). Thậm chí, các số sim này là tài sản có giá trị, mà các cá nhân sử dụng có thể trao đổi, mua bán dựa trên sự quản lý, đăng ký của các nhà mạng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc có coi số sim này là tài sản cá nhân, mà mỗi chủ thể sở hữu, quản lý, sử dụng phải có quyền hạn, nghĩa vụ nhất định. Đặc biệt, đối với các số sim được coi là sim số đẹp, được người dùng hiện nay coi là “vật có giá”, thậm chí được định giá rất cao (sim tứ quý, sim tiến…). Trên thực tế, khi tuyên án, Tòa án thường chỉ tuyên án xử lý đối với chiếc điện thoại di động và cá thể chiếc sim chứ không tuyên án và xử lý đối với số sim được sử dụng làm phương tiện liên lạc nhằm thực hiện hành vi phạm tội, có liên quan đến vụ án, .
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, khi xử lý vật chứng là lâm sản thuộc sở hữu Nhà nước đã xác định được chủ quản lý hợp pháp, cần căn cứ thực trạng của vật chứng đã và đang được bảo quản trên thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu vật chứng là lâm sản vẫn được để ở trong khu vực thuộc quản lý của chủ rừng thì giao cho Chủ rừng (tức người quản lý hợp pháp) có trách nhiệm phối hợp với Kiểm lâm quản lý và bảo quản theo quy định; trường hợp vật chứng đã được vận chuyển ra khỏi rừng (ngoài hiện trường) thì tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước để tránh việc phải vận chuyển, bảo quản tốn kém không cần thiết. Các cơ quan liên ngành trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc xử lý vật chứng được thống nhất, đúng quy định BLTTHS và BLHS.
Hai là, để bảo đảm việc áp dụng quy định của pháp luật về xử lý vật chứng là tài sản thế chấp trong vụ án hình sự được thống nhất, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản, và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự để thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết tốt các vụ án.
Ba là, ngay khi tiếp nhận nhận chứng cứ là điện thoại di động có sim và số sim đang sử dụng được xác định có liên quan đến vụ án, trước hết cần kiểm tra thông tin trên điện thoại và có văn bản đề nghị các nhà mạng phối hợp trong việc phong tỏa, bảo lưu thông tin của số sim; đồng thời tiến hành trưng cầu giám định các thông tin cần thiết để có thể khai thác, sử dụng cho việc chứng minh, giải quyết vụ án. Vì vậy, tác giả kiến nghị, các cơ quan ngành thông tin và truyền thông, đặc biệt là cơ quan quản lý chuyên môn về lĩnh vực mạng di động cần có các văn bản hướng dẫn về việc xác định cơ chế sở hữu, quản lý, sử dụng và ban hành các quy định về trách nhiệm người dùng đối với các số sim di động, các cơ quan tư pháp có hướng dẫn để xử lý chung, cụ thể và triệt để vấn để liên quan đến thu thập, bảo quản, khai thác thông tin và xử lý vật chứng liên quan đến số sim di động./.
Bài viết chưa có bình luận nào.