T lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức?
(kiemsat.vn) Những năm gần đây, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án có liên quan đến hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả vẫn còn nhiều ý kiến giải quyết khác nhau, trong đó có việc định tội danh.
Kinh nghiệm xây dựng bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên
Biện pháp thu thập, chuyển hóa, sử dụng chứng cứ điện tử trong vụ án sử dụng công nghệ cao
Kinh nghiệm nhận diện một số vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính
Ngày 15/2/2020, khi nghe T giới thiệu là giảng viên trường Đại học V, có khả năng cấp văn bằng thật của nhà trường mà không cần qua quá trình học tập, H đã nhờ T làm giúp 01 bằng Cao đẳng để được xét nâng bậc lương. T nhận lời làm bằng Cao đẳng cho H với giá 18 triệu đồng. Ngày 27/02/2020, H đưa trước cho T 10 triệu đồng; vài ngày sau, T giao bằng cho H và nhận số tiền còn lại là 8 triệu đồng. H kiểm tra bằng T đưa, phát hiện ghi sai giới tính nên yêu cầu T sửa chữa. Sau một tuần, T đem bằng Cao đẳng mới đưa cho H và thu hồi lại bằng in sai giới tính.
Ngày 16/4/2020, H tiếp tục nhờ T làm bằng Cử nhân cho N, T nhận lời với giá là 30 triệu đồng. H đưa trước cho T 20 triệu đồng. Ngày 20/5/2020, T giao cho H bằng Cử nhân của N và nhận nốt 10 triệu đồng. H kiểm tra bằng của N, phát hiện là bằng Cử nhân giả nên đòi T trả lại tiền, nhưng T không trả. H trình báo Cơ quan điều tra.
Kết quả giám định cho thấy, văn bằng Cao đẳng mang tên H và văn bằng Cử nhân mang tên N đều là giả, không phải do trường Đại học V cấp.
Quá trình điều tra, T khai các văn bằng trên T đặt làm qua mạng xã hội với một đối tượng tên L, giá làm giả một văn bằng là 12 triệu đồng. Cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên chưa có cơ sở xử lý đối với L.
T đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho H và N. H, N có đơn xin bãi nại giảm hình phạt cho T.
Khi xem xét trách nhiệm, xác định tội danh đối với T, hiện có 03 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, T phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015; H và N là bị hại trong vụ án.
Dù không phải giảng viên của trường Đại học V nhưng T đã nói dối, lấy danh nghĩa này với mục đích “câu khách”, tạo niềm tin trong việc làm văn bằng. Do H và N nghĩ T là giảng viên của trường thì họ sẽ được cấp văn bằng thật nên mới tin tưởng giao tiền. Như vậy, T đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật, làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho mình.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của T cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; H và N là bị hại. Ngoài ra, hành vi của T còn cấu thành Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Hành vi của T chỉ cấu thành Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015 mà không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của H có dấu hiệu đồng phạm với T theo Điều 17 BLHS năm 2015. Do đó, H và N không phải là bị hại trong vụ án. Số tiền 48 triệu đồng đưa cho T để làm văn bằng giả là số tiền dùng vào việc phạm tội (T trả tiền thuê L 24 triệu đồng) và là tiền thu lợi bất chính của T (24 triệu đồng) nên phải được tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo Điều 47 BLHS năm 2015.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba. Căn cứ nội dung vụ án, có thể thấy, khi nhận làm bằng Cao đẳng (không phải qua học tập) cho H và bằng Cử nhân cho N, T đã vào mạng xã hội liên hệ với một đối tượng tên L đặt làm giả những văn bằng này để lấy tiền chênh lệch. Hành vi này của T thỏa mãn dấu hiệu của Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bởi T không có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Mặt khác, H và N không học tại trường Đại học V nhưng vẫn nhờ T làm văn bằng cao đẳng và cử nhân. Khi nhờ T làm văn bằng cho mình và cho N, H đã nhận thức rõ hành vi nhờ T (có trả tiền) làm văn bằng giả là bất hợp pháp. Việc T giới thiệu mình là giảng viên trường Đại học V chỉ nhằm tạo niềm tin đối với H về khả năng làm được văn bằng giả của T, để H cung cấp thông tin cá nhân và đưa tiền cho T làm bằng giả chứ không phải để H tin rằng T là giảng viên thật của trường Đại học V nên H và N sẽ được cấp văn bằng thật. Với việc H cung cấp thông tin của mình và của N để T điền vào văn bằng mang tên H và N thì H đã tham gia vào quá trình tạo ra văn bằng giả; thể hiện sự đồng tình, tiếp tay cho T.
Đây là tình huống điển hình, phát sinh trong thực tiễn, việc giải quyết gặp khó khăn do tính chất phức tạp. Do đó, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý độc giả trên tạp chí Kiểm sát đối với nội dung vụ việc nhằm tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất./.
Bài viết chưa có bình luận nào.