Bàn về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

26/01/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Khi xem xét điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, còn có ý kiến khác nhau về việc liệu người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã do sử dụng trái phép chất ma túy có được coi là cùng nhóm hành vi quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hay không?

Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020 (Luật XLVPHC năm 2012) để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định (Khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn có nhận thức khác nhau về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vụ việc sau đây là một ví dụ:

Nội dung vụ việc:

Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1990, thường trú tại xã X, huyện T, tỉnh P. Ngày 22/11/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn T ra Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Nguyễn Văn Đ, thời hạn 03 tháng, kể từ ngày 22/11/2020 đến ngày 22/02/2021, do ngày 15/11/2020, Đ sử dụng trái phép chất ma túy bị Công an thị trấn T phát hiện và phối hợp với Trạm y tế thị trấn T xét nghiệm, kết quả Đ dương tính với chất ma túy Heroine.

Nguyễn Văn Đ đang trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã do sử dụng chất ma túy, nhưng đã 03 lần thực hiện hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác, cụ thể:

Lần thứ nhất: Ngày 06/01/2021, Nguyễn Văn Đ đến quán chị Nguyễn Thị H ở cùng xã uống nước thì gặp anh Nguyễn Q. Anh Q thấy Đ đội mũ có nhiều hoa văn nên nhìn. Đ cho rằng anh Q “nhìn đểu” nên đã tát vào mặt anh Q. Sự việc đã bị tổ tuần tra Công an thị trấn T phát hiện. Quá trình làm việc với Công an thị trấn T, Nguyễn Văn Đ đã khai nhận toàn bộ sự việc đánh anh Q. Công an thị trấn T đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND thị trấn T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm phạm đến sức khỏe của người khác”.

Lần thứ hai: Ngày 16/01/2021, Đ chơi ở thị trấn T, huyện T, tỉnh P thì thấy anh Trần Xuân T đang bán hoa quả ở vỉa hè. Đ hỏi mua nhưng cho rằng anh T bán đắt nên đã chửi và đánh anh T. Sự việc đã bị tổ tuần tra Công an thị trấn T phát hiện và đề nghị Chủ tịch UBND thị trấn T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm phạm đến sức khỏe của người khác”.

Lần thứ ba: Ngày 22/02/2021, Đ thấy anh Hà Duy T đang đứng một mình ở vỉa hè trước cửa nhà chị Hà Thị Th. Đ nghĩ anh T có ý đồ xấu nên đã đến hỏi anh T: “Mày đến đây làm gì? Mày ở đâu đến đây”. Do bị hỏi anh T thấy khó chịu nên hai bên đã to tiếng với nhau, Đ bực tức đã tát, đánh anh T. Anh T bỏ chạy đến Công an thị trấn T trình báo, đề nghị giải quyết vụ việc. Công an thị trấn T đã xác minh, làm rõ sự việc và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Căn cứ hồ sơ đề nghị của Công an huyện T, Tòa án nhân dân huyện T quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ thời hạn 09 tháng, kể từ ngày Đ bị tạm giữ để đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Tuy nhiên, vụ việc trên còn có hai quan điểm khác nhau về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn Đ không đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vì theo khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 thì: “Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”; khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC năm 2012 quy định: “Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 92, khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 khi đối tượng đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng; Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quy định: “…đ) Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với lần vi phạm này, thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012 cần phải đáp ứng hai điều kiện cần và đủ sau đây:

Một là, người bị đề nghị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Hai là, trong thời hạn 06 tháng, người bị áp dụng tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc trên, Công an huyện T căn cứ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã do thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn Đ là chưa đủ điều kiện áp dụng (do quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã vì sử dụng trái phép chất ma túy không cùng nhóm với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Nguyễn Văn Đ đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vì:

Thứ nhất, người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (có thể do sử dụng trái phép chất ma túy hoặc thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn). Nghĩa là người bị đề nghị chỉ cần có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thứ hai, trong thời hạn 06 tháng, người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (người bị đề nghị thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012).

Với nhận định trên, quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn Đ đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do sử dụng trái phép chất ma túy, đó là hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ma túy, cũng có thể xếp cùng nhóm với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật XLVPHC năm 2012. Cho nên trong vụ việc nêu trên, Nguyễn Văn Đ đã đủ hai điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Do còn có ý kiến chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật với trường hợp nêu trên, tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và Quý bạn đọc trên Tạp chí Kiểm sát./.                       

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong Thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự còn gặp những khó khăn, vướng mắc, tác giả đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát lĩnh vực này như: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên…

Bàn về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự

(Kiemsat.vn) - Trong tố tụng dân sự, người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án được đương sự yêu cầu hoặc Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Mặc dù, pháp luật tố tụng dân sự có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang