Về áp dụng các nguồn của luật dân sự tại tòa án
(kiemsat.vn) Vấn đề áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành mà văn bản luật đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thay thế, xác định thời hiệu khởi kiện và tính bắt buộc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự là những bất cập trong thực tiễn áp dụng các nguồn của luật dân sự tại Tòa án hiện nay.
Tìm hiểu về đạo luật Megan của Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam trong ngăn chặn tội phạm tình dục
Một số vấn đề về giải quyết vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Tài sản của quân đội trong vụ án xâm phạm sở hữu nhìn từ góc độ pháp luật dân sự
1. Khái quát về nguyên tắc áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án
Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và văn bản pháp luật nội dung áp dụng là hai vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với phương án tư vấn cũng như giải quyết vụ việc dân sự. Để xác định quan hệ tranh chấp, cần làm rõ các bên tranh chấp về vấn đề gì, tranh chấp giữa ai với ai, đồng thời dựa vào văn bản pháp luật nội dung áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp đó. Xác định đúng pháp luật nội dung và các nguồn luật bổ trợ khác của tranh chấp dân sự; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại, lao động (viết tắt là dân sự) không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vấn đề mấu chốt của vụ việc, thu thập, cung cấp chứng cứ, đưa ra phương án giải quyết, soạn thảo bản luận cứ...
Thông thường, văn bản pháp luật nội dung áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự là pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch hoặc sự kiện pháp lý xảy ra. Tuy nhiên, cần lưu ý các nguyên tắc áp dụng luật nội dung giải quyết tranh chấp dân sự bao gồm: Nguyên tắc áp dụng luật chung, luật chuyên ngành là “riêng phủ định chung”; áp dụng luật theo hiệu lực về thời gian của văn bản pháp luật; áp dụng luật theo hiệu lực về không gian của văn bản pháp luật; áp dụng luật theo cơ quan ban hành văn bản pháp luật.
Trong trường hợp không có văn bản luật điều chỉnh cụ thể nội dung tranh chấp, người áp dụng pháp luật cần có kỹ năng áp dụng các nguồn bổ trợ khác của pháp luật. Nguồn bổ trợ của pháp luật theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 bao gồm: Tập quán; áp dụng tương tự pháp luật; các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 và BLDS năm 2015 thì: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015).
2. Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án
2.1. Về việc áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật khi đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế
- Về xác định thẩm quyền đối với yêu cầu kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Dựa trên nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng, nên ở các điều khoản “quét” của các điều từ 26 đến 33 BLTTDS năm 2015 quy định: Các tranh chấp, yêu cầu dân sự nếu chưa được liệt kê cụ thể từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS năm 2015 và pháp luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án phải thụ lý để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Để tránh việc quá tải, không phải yêu cầu nào của cơ quan, tổ chức, cá nhân Tòa án cũng thụ lý giải quyết. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã giới hạn vụ việc chưa có điều luật để áp dụng mà Tòa án phải thụ lý giải quyết là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh, pháp luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao chưa có thống kê về số vụ việc thuộc các trường hợp nêu trên mà Tòa án các địa phương đã thụ lý, giải quyết. Hiện nay, thực tiễn giải quyết các vụ việc thuộc trường hợp này còn có quan điểm khác nhau giữa các Tòa án. Ví dụ: Vụ tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do TAND thành phố B tỉnh Đ và TAND tỉnh Đ giải quyết có các quan điểm khác nhau.
Nội dung vụ việc: Ngày 20/4/2012, bà Nguyễn Thị H cùng bà Huỳnh Thị M đến Văn phòng công chứng A để công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giữa bên nhận thế chấp là chi nhánh ngân hàng Agribank tỉnh Đ, bên thế chấp là ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H, bên vay là ông Phan Thành L và bà Huỳnh Thị M. Ngày 08/5/2015, TAND thành phố B tỉnh Đ xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn K, bà Nguyễn Thị H với ông Phan Thành L, bà Huỳnh Thị M do Văn phòng công chứng A công chứng với lý do bà M đã giả mạo chữ ký của ông K. Tòa án nhân dân thành phố B tỉnh Đ đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng thế chấp trên là vô hiệu. Song Tòa án lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là việc chi nhánh ngân hàng Agribank tỉnh Đ đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.
Ngày 27/7/2017, ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H khởi kiện chi nhánh ngân hàng Agribank tỉnh Đ yêu cầu ngân hàng trả lại ông bà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ngân hàng đang giữ.
Tòa án nhân dân thành phố B tỉnh Đ xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản đang tranh chấp (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ngân hàng trả lại cho nguyên đơn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 10/8/2017, ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án trên. Tại Bản án phúc thẩm số 47/2018 ngày 12/3/2018, TAND tỉnh Đ đã nhận định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là tài sản hay quyền tài sản, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nó chỉ là chứng thư pháp lý thể hiện quyền sử dụng đất. Do đó, đương sự không có quyền khởi kiện tại Tòa án” và áp dụng Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Công văn số 141) để chấp nhận kháng cáo của ngân hàng và hủy Bản án sơ thẩm ngày 27/7/2017 của TAND thành phố B tỉnh Đ.
Theo chúng tôi, Công văn số 141 nêu trên được ban hành trong bối cảnh khoản 12 Điều 25 BLTTDS năm 2004 quy định các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Có thể thấy, kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tranh chấp dân sự và cho đến nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể dạng tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức nào. Do đó, áp dụng khoản 14 Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Mặc dù, Công văn số 141 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, song lại có ý nghĩa quan trọng đối với các tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự. Theo khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) thì khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Như vậy, với quy định này, dẫn đến cách hiểu là tinh thần của văn bản hướng dẫn thi hành sẽ vẫn được áp dụng cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật thay thế. Theo Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Do đó, theo tác giả, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 thì TAND tối cao cần ra văn bản hủy bỏ Công văn số 141 nêu trên.
- Về thẩm quyền đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất:
Khi giải quyết vụ án dân sự, trước hết Tòa án phải xác định tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc hay không, sau đó sẽ xác định tranh chấp đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh hay TAND cấp huyện và cuối cùng là xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cụ thể nào (thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ). Theo điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS năm 2004) thì “Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản”. Trên cơ sở Điều 35 BLTTDS năm 2004, khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Nghị quyết số 03/2012) hướng dẫn: “Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,... mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS”.
Quy định và hướng dẫn trên dựa trên cơ sở cho rằng, bản chất của tranh chấp về thừa kế bất động sản là tranh chấp thừa kế mà không phải tranh chấp bất động sản. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định trên đã gặp phải vướng mắc trên thực tế, bởi Tòa án có điều kiện tốt nhất để giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản phải là Tòa án nơi có bất động sản. Do đó, điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 và quy định theo hướng: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Ngày 13/9/2019, TAND tối cao ban hành Công văn số 212/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, có hướng dẫn về trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau. Điểm 7 Phần III Công văn nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của BLTTDS thì tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”. Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 BLTTDS, nên căn cứ các quy định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, cho đến nay chưa có hướng dẫn nào khác khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012 về thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
Về nguyên tắc, khi điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 đã được BLTTDS năm 2015 sửa đổi thì nội dung hướng dẫn tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012 đương nhiên không còn giá trị áp dụng. Tuy nhiên, cũng theo lập luận ở trên, do chưa có văn bản nào của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy bỏ khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012 nên thực tế hiện nay, nhiều Tòa án vẫn áp dụng quy định này để xác định thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về thừa kế bất động sản là quyền sử dụng đất là không hợp lý. Ví dụ, vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn D ở phường T, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; bị đơn là bà Nguyễn Thị Thu H, tổ H2, phường T, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Phần nhận định của bản án đã nhận định về vấn đề xác định thẩm quyền theo lãnh thổ trong trường hợp này như sau: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và yêu cầu của các đương sự, Hội đồng xét xử xác định thẩm quyền và quan hệ pháp luật là: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân thành phố Bắc Giang được quy định tại khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS năm 2015”.
2.2. Áp dụng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
- Theo khoản 3 Điều 150 BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Quy định này dẫn đến cách hiểu: Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện là một trong các điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Ý kiến cho rằng: “Pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi. Do đó, việc khởi kiện vụ án dân sự phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện như quy định tại các điều 184, 185 BLTTDS năm 2015”.
Tác giả không đồng tình với ý kiến trên, bởi để xác định một tranh chấp dân sự còn hay hết thời hiệu khởi kiện cần phải xét đến các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Trong khi đó, khi khởi kiện, người khởi kiện chỉ mới cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ ban đầu để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án theo Điều 96 BLTTDS năm 2015. Do đó, theo khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, Tòa án sẽ không trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, tức là khi xem xét thụ lý vụ án dân sự, Tòa án chưa xét đến điều kiện về thời hiệu khởi kiện. Sau khi thụ lý vụ án, các đương sự cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ, Tòa án thu thập thêm chứng cứ mà không có căn cứ chứng minh còn thời hiệu khởi kiện và đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án sẽ áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
- Về xác định hậu quả pháp lý đối với trường hợp hợp đồng vay tài sản đã hết thời hiệu khởi kiện:
Theo quy định tại Điều 427 BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm. Điều 429 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Bộ luật Dân sự năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 hướng dẫn: “Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”.
Ví dụ 1: Ngày 01/01/2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 01 năm. Đến ngày 01/01/2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03/4/2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung”.
Theo Điều 469 BLDS năm 1995, Điều 472 BLDS năm 2005 và Điều 464 BLDS năm 2015 đều quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Do đó, kể từ thời điểm bên vay nhận tiền thì bên vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và người cho vay không còn quyền sở hữu đối với số tiền đó. Vì vậy, hướng dẫn trên cho rằng tranh chấp hợp đồng vay tài sản là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản để không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với phần nợ gốc có phần khiên cưỡng.
2.3 Việc áp dụng án lệ khi giải quyết vụ việc dân sự
Bắt buộc áp dụng án lệ khi giải quyết vụ việc dân sự hay không là vấn đề hiện nay có các ý kiến khác nhau. Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án cho thấy, từ ngày 01/12/2018 đến 30/11/2019, toàn ngành Tòa án đã thụ lý 554.269 vụ việc, đã giải quyết được 494.403 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,2%), trong đó các TAND đã thụ lý 432.666 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 379.441 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,7%, nhưng chỉ có hơn 600 bản án, quyết định của Tòa án viện dẫn án lệ.
Theo điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức TAND năm 2014 thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn lựa chọn quyết định giám đốc thẩm, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.
Tuy nhiên, có thể thấy, việc áp dụng là không bắt buộc do không có quy định cụ thể về chế tài trong trường hợp Thẩm phán không áp dụng án lệ đối với các vụ việc có tính chất tương tự. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn về chế tài đối với việc không áp dụng án lệ./.
Những kết quả trong xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Bất cập trong áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.