Trách nhiệm hình sự của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong Bộ luật Hình sự Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

12/01/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 quy định chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài cá nhân còn có thể là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, thậm chí là cơ quan nhà nước. Việc ghi nhận rõ ràng về trách nhiệm hình sự của “đơn vị, tổ chức phạm tội” là điểm khác biệt so với Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Pháp luật hình sự của Trung Quốc và Việt Nam đều thuộc hệ thống pháp luật thành văn (civil law) và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư duy lập pháp kiểu Liên Xô. Sau khi giành được độc lập, với sự giao lưu, hợp tác, học hỏi từ các nhà khoa học pháp lý của Liên Xô, pháp luật hình sự của hai nước được xây dựng dựa trên những lý luận cơ bản của hệ thống pháp luật hình sự Xô Viết nên có nhiều điểm tương đồng. Bên cạnh đó, cả hai nước đều lấy chủ nghĩa Mác làm cơ sở lý luận, làm nền tảng để xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Xét trên phương diện kinh tế, hai nước cũng đều trải qua quá trình từ xây dựng nền kinh tế tập trung, hành chính, bao cấp đến thực hiện chính sách cải cách mở cửa và chuyển dần sang nền kinh tế thị trường. Do đó, việc nghiên cứu pháp luật hình sự Trung Quốc, trong đó có vấn đề về trách nhiệm hình sự (TNHS) của cơ quan, đơn vị và tổ chức có sự liên hệ với pháp luật Việt Nam là rất cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trách nhiệm hình sự của cơ quan, đơn vị và tổ chức trong pháp luật hình sự Trung Quốc

Trước hết, khái niệm tội phạm được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (gọi tắt là BLHS Trung Quốc năm 1997) với 04 dấu hiệu tương tự như khái niệm trong BLHS Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS Việt Nam năm 2015) gồm: Tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi và tính phải chịu hình phạt. Tuy nhiên, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được nhà làm luật Trung Quốc mô tả rõ hơn. Cụ thể, Điều 13 BLHS Trung Quốc năm 1997 quy định về tội phạm trên cơ sở dấu hiệu tính nguy hại và các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm như sau: “Mọi hành vi gây nguy hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; chia cắt quốc gia; lật đổ chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; phá hoại trật tự kinh tế và trật tự xã hội; xâm phạm tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu tập thể của quần chúng nhân dân lao động; xâm phạm các quyền nhân thân dân chủ và các quyền khác của công dân cũng như những hành vi khác gây nguy hại cho xã hội được quy định là tội phạm. Những hành vi nhỏ gây hại không đáng kể thì không phải là tội phạm”. Như vậy, TNHS là “một phạm trù khoa học của luật hình sự, được đặt ra để thể hiện phản ứng của Nhà nước đối với chủ thể của tội phạm bằng việc quy định hậu quả của việc thực hiện hành vi phạm tội, thông qua đó, buộc một cá nhân, pháp nhân (thương mại) đã phạm tội phải gánh chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do BLHS quy định”. Bên cạnh quan điểm truyền thống về TNHS của cá nhân, pháp nhân hiện nay cũng được coi là một “thực thể xã hội độc lập” và có thể phải chịu TNHS.

Pháp luật hình sự Trung Quốc đã ghi nhận TNHS của cơ quan, đơn vị và tổ chức tại Điều 30, Điều 31 của mục 4 Chương II Phần chung BLHS năm 1997, cụ thể:

“Điều 30. Công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, pháp luật coi là đơn vị phạm tội và phải chịu TNHS.

Điều 31. Đơn vị nào phạm tội sẽ bị phạt tiền; người trực tiếp thực hiện và những người có trách nhiệm trực tiếp khác của đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu Phần riêng của Bộ luật này và những quy định có liên quan của luật khác có quy định khác thì áp dụng theo quy định đó”.

“Đơn vị” (Unit) theo quy định trong BLHS Trung Quốc năm 1997 có phạm vi không chỉ bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức được thành lập theo Luật doanh nghiệp của Trung Quốc, mà còn bao gồm một số đơn vị trong khu vực công. Trong một bản án của Tòa án tỉnh An Huy đã tuyên TNHS đối với phòng giáo dục cấp huyện theo Điều 387 Bộ luật này về tội “Nhận hối lộ”[6]. Bản án này đã cho thấy rõ ràng việc một cơ quan nhà nước cũng có thể trở thành đối tượng của TNHS. Việc truy cứu TNHS đối với các đơn vị trong luật hình sự Trung Quốc xuất phát từ thực tiễn một số công ty, tập đoàn tư bản vì mục tiêu lợi nhuận mà phạm tội (như tội “Gây ô nhiễm môi trường”, tội “Trốn thuế”, tội “Buôn lậu”,...). Nếu chỉ xử lý hình sự đối với một vài cá nhân với tư cách là người đứng đầu (đại diện theo pháp luật) thì chưa triệt để, bởi các cá nhân đó thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân và mang lại lợi ích cho pháp nhân đó chứ không chỉ riêng cá nhân họ. Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị và tổ chức cũng phải bị truy cứu TNHS và phải chịu các biện pháp cưỡng chế hình sự.

Nhìn chung, nguyên tắc chịu TNHS đối với cơ quan, đơn vị và tổ chức trong luật hình sự Trung Quốc được thiết lập chủ yếu dựa trên cơ sở nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm (theory of identification liability). Nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm thể hiện rõ ràng nhất tại Điều 31 BLHS Trung Quốc năm 1997, trong đó ghi nhận TNHS đối với cả cả đơn vị và cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc chịu trách nhiệm trực tiếp việc thực hiện tội phạm. Nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm, quy TNHS cho đơn vị trên cơ sở hành vi và lỗi của những người “trực tiếp phụ trách” hoặc “chịu trách nhiệm trực tiếp” của đơn vị, điển hình như các tội phạm về buôn lậu (Mục 2 Chương III Phần các tội phạm), về xâm phạm trật tự quản lý tiền tệ (Mục 4 Chương III Phần các tội phạm), về gây nguy hại cho vệ sinh công cộng (Mục 5 Chương VI Phần các tội phạm), về phá hoại tài nguyên môi trường (Mục 6 Chương VI Phần các tội phạm),… trong BLHS Trung Quốc năm 1997. Các nhà làm luật Trung Quốc nhận định rằng, một đơn vị không thể có các nhận thức và ý chí để kiểm soát nhận thức như con người, chỉ có thể hành động thông qua con người và với tư cách của đơn vị, tư tưởng chỉ đạo hoạt động của người đó là ý chí của cả đơn vị, chính vì vậy mà BLHS Trung Quốc năm 1997 ghi nhận người đó phải là người “trực tiếp thực hiện” hoặc “chịu trách nhiệm trực tiếp”. Cá nhân “trực tiếp thực hiện” tội phạm được coi là người quyết định, phê chuẩn, chỉ đạo hoặc thông đồng cho việc thực hiện một hoạt động phạm tội, mà thường là người ra quyết định trong một cơ quan, đơn vị, tổ chức (người đại diện theo pháp luật); còn cá nhân “trực tiếp chịu trách nhiệm” thực hiện tội phạm thường là người có vai trò tương đối quan trọng trong việc thực hiện tội phạm, thường là người quản lý, giám sát hoặc là nhân viên bình thường nhưng có quyền thực hiện các quyết định do ban điều hành/quản lý chỉ đạo, ủy quyền.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy một số hạn chế nhất định của nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm, tiêu biểu trong trường hợp xác định TNHS của các tập đoàn kinh tế lớn, khi những người được coi là “chịu trách nhiệm trực tiếp” thường ở xa những địa bàn kinh doanh cụ thể - nơi mà hành vi phạm tội được thực hiện, trong khi đó, tội phạm lại thường được thực hiện bởi những chủ thể ở cấp quản lý thấp hơn.

So sánh quy định về trách nhiệm hình sự của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong luật hình sự Trung Quốc với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong luật hình sự Việt Nam

Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận TNHS của pháp nhân thương mại. Từ sự so sánh, đánh giá với BLHS Trung Quốc năm 1997, có thể rút ra một số điểm tương đồng và khác biệt sau đây:

Thứ nhất, về kỹ thuật lập pháp, TNHS của pháp nhân thương mại trong luật hình sự Việt Nam hay của cơ quan, đơn vị và tổ chức trong luật hình sự Trung Quốc đều được quy định rải rác trong các quy phạm pháp luật hình sự của BLHS. Bởi lẽ, Việt Nam và Trung Quốc đều mang đặc điểm truyền thống của hệ thống pháp luật Civil law nên việc xác định về mặt lý luận nguồn quy định tội phạm và hình phạt cũng như các biện pháp hình sự phi hình phạt là các văn bản luật (BLHS hoặc luật khác xác định tội phạm và quy định hình phạt).

Thứ hai, về bản chất, TNHS của cơ quan, đơn vị và tổ chức trong luật hình sự Trung Quốc mang bản chất của TNHS thay thế hoặc TNHS đồng nhất. Điều quan trọng là dù được xác định theo loại hình TNHS nào thì TNHS của cơ quan, đơn vị và tổ chức vẫn là TNHS phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân con người và “đơn vị” chỉ là chủ thể của TNHS mà không trở thành một chủ thể khác của tội phạm. Trong khi đó, BLHS Việt Nam chưa thể hiện rõ ràng bản chất TNHS như trên của pháp nhân thương mại, cụ thể là chưa rõ ràng trong cách quy định về TNHS của pháp nhân thương mại. Ví dụ: Điều 8 BLHS Việt Nam năm 2015 quy định khái niệm tội phạm do cả hai chủ thể độc lập, tách biệt là cá nhân và pháp nhân thương mại thực hiện, nhưng lại chỉ ghi nhận bằng một quy phạm với các dấu hiệu chung là “thực hiện một cách cố ý” và xâm phạm các loại khách thể tương tự nhau, mặc dù hai chủ thể này có các đặc điểm hoàn toàn khác nhau (chỉ cá nhân mới có năng lực nhận thức, năng lực hành vi và hành vi phạm tội của cá nhân mới xâm hại đến mọi khách thể được liệt kê tại điều này). Quy định này đồng thời mâu thuẫn với khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 về điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại là “hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại”. Có thể hiểu pháp nhân thương mại không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn do cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại trực tiếp thực hiện; hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân. Trong khi đó, Điều 30 BLHS Trung Quốc năm 1997 đã ghi nhận riêng và rõ ràng về TNHS của đơn vị, trong đó giải thích thế nào được coi là “đơn vị phạm tội” và “phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Thứ ba, về phạm vi chủ thể bị truy cứu TNHS, luật hình sự Trung Quốc xác định chủ thể bị truy cứu TNHS ngoài cá nhân còn có các cơ quan, đơn vị và tổ chức, bao gồm mọi loại hình công ty, hiệp hội hoặc bất kì tổ chức nào, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Việc không giới hạn phạm vi cơ quan, đơn vị và tổ chức có thể phải chịu TNHS đảm bảo việc áp dụng pháp luật một cách triệt để, công bằng đối với nhiều đối tượng.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về bản chất TNHS của pháp nhân thương mại và ghi nhận bản chất của TNHS của pháp nhân thương mại là TNHS phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân. Vì vậy, việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại cũng như áp dụng trong thực tiễn cần bảo đảm sự thống nhất và tính ổn định của những quy định về tội phạm và TNHS. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn để giải thích một số vấn đề pháp lý (như thế nào là hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại và vì lợi ích của pháp nhân thương mại; sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại được thể hiện như thế nào và qua hành vi của ai,…). Tương tự như luật hình sự Trung Quốc, trên cơ sở nguyên tắc đồng nhất trách nhiệm thì việc áp dụng các quy định về miễn TNHS, miễn hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS,… cho người phạm tội và pháp nhân thương mại cần thống nhất chứ không tách biệt, riêng rẽ. Theo đó, các quy định về TNHS của pháp nhân thương mại đối với những tội phạm cụ thể tại Phần thứ hai của BLHS năm 2015 cần được xem xét sửa đổi theo hướng thống nhất xác định pháp nhân bị áp dụng hình phạt cụ thể tại điều luật về tội phạm đó nếu thỏa mãn các điều kiện phải chịu TNHS theo Điều 75 Bộ luật này. Cách quy định này giúp khẳng định TNHS của pháp nhân thương mại chỉ có thể phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân và vẫn bảo đảm tính kết nối, tính thống nhất với quy định chung về điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại.

Thứ hai, trên cơ sở kinh nghiệm của luật hình sự Trung Quốc trong việc xác lập TNHS đối với cơ quan, đơn vị và tổ chức, trong tương lai, BLHS Việt Nam cần quy định theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng chịu TNHS không chỉ là pháp nhân thương mại, mà còn có thể là pháp nhân phi thương mại. Tuy nhiên, với bối cảnh thể chế, chính trị của Việt Nam hiện nay thì “cơ quan nhà nước” không thể là chủ thể của TNHS, vì đây là chủ thể đặc biệt đã được Hiến pháp ghi nhận.

Như vậy, việc nghiên cứu TNHS của tổ chức theo luật hình sự Trung Quốc trong mối quan hệ so sánh với quy định về TNHS của pháp nhân thương mại trong luật hình sự Việt Nam cho thấy triết lý, mô hình TNHS của pháp nhân mà Việt Nam vận dụng, vừa thể hiện điểm tương đồng cũng như điểm khác biệt trong cách ghi nhận loại TNHS này ở hai quốc gia. Từ kinh nghiệm của luật hình sự Trung Quốc, có thể thấy một số điểm còn thiếu nhất quán trong việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại trong luật hình sự Việt Nam, điều này khiến việc áp dụng trong thực tiễn gặp khó khăn. Việc đưa ra những giải thích để áp dụng thống nhất các quy định của BLHS năm 2015 về TNHS của pháp nhân thương mại cũng như có những sửa đổi đối với các quy định này trong tương lai dựa trên kinh nghiệm của luật hình sự Trung Quốc sẽ góp phần bảo đảm tính nhất quán, đúng đắn và khả thi của pháp luật hình sự Việt Nam./.

Về nhận cha, mẹ, con và xác định cha, mẹ, con theo Luật hộ tịch năm 2014

(Kiemsat.vn) - Việc xác định cha, mẹ, con được quy định và hướng dẫn tại nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật ở một số nơi còn chưa thống nhất và còn có nhiều cách hiểu không thống nhất gây khó khăn cho công dân khi liên hệ để thực hiện các thủ tục.

Kinh nghiệm xây dựng bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên

(Kiemsat.vn) - Bản yêu cầu điều tra là văn bản tố tụng do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra đề ra sau khi có quyết định khởi tố và trong suốt quá trình điều tra vụ án hình sự nhằm làm rõ tội phạm, người phạm tội và những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự hoặc yêu cầu về mặt tố tụng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang