Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

16/12/2021 08:00

(kiemsat.vn)
Thực tiễn xét xử cho thấy, tội phạm diễn ra rất đa dạng, không phải trường hợp phạm tội nào cũng đơn thuần có các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong nhiều vụ phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng đan xen nhau dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá chưa thống nhất.

Theo Mục 4.I Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ (Giải đáp số 01/2017) thì “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999… là “từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”.

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và 106 của Bộ luật Hình sự (BLHS) về tha tù trước thời hạn (Nghị quyết số 01/2018), quy định về phạm tội lần đầu: “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Trước đó chưa phạm tội lần nào; b. Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c. Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d. Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu có sự khác nhau ở từng trường hợp. Cụ thể đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS thì áp dụng Mục 4.I Giải đáp số 01/2017 còn khi áp dụng tình tiết thực hiện Điều 66 và 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn thì vận dụng khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018 để xử lý.

Xung đột trong áp dụng tình tiết và “phạm tội tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “phạm tội hai lần trở lên” khi quyết định hình phạt.

Hai tình tiết đối lập, loại trừ lẫn nhau: Tại nhiều địa phương, hai tình tiết phạm tội tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội hai lần trở lên được xem là hai tình tiết đối lập, phủ định lẫn nhau. Khi quyết định hình phạt đối với một cá thể nhất định, không thể vừa áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, vừa áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội hai lần trở lên. Một khi người phạm tội bị áp dụng tình tiết phạm tội hai lần trở lên đồng nghĩa với việc không thỏa mãn điều kiện để xem xét áp dụng phạm tội tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Quan điểm này tương đối phổ biến, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương.

Thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không chính xác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B nhận định: Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2020/HSST ngày 23/6/2020 của TAND huyện A đã tuyên bố bị cáo N.H.C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Căn cứ khoản 1 Điều 323; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 55 và Điều 38 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo N.H.C 03 tháng tù về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và 03 tháng tù về Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội là 06 tháng tù. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử đều nhận định bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng để áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 cho bị cáo là không chính xác, không đúng với hướng dẫn tại văn bản Giải đáp số 01/2017. Vì bị cáo còn có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội hai lần trở lên được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nên không thỏa mãn điều kiện phạm tội lần đầu. Do vậy, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Hai tình tiết độc lập, không phủ nhận nhau: Trái ngược quan điểm trên, hai tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội hai lần trở lên được xem là hai tình tiết độc lập, không phủ nhận và loại trừ lẫn nhau. Việc xuất hiện tình tiết này không làm tiêu biến tình tiết kia, cả hai tình tiết có thể được áp dụng đồng thời, cùng lúc để làm căn cứ xác định hình phạt.

Tại Thông báo rút kinh nghiệm số 18/TB-VC1-HS ngày 26/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định: Thông qua công tác giải quyết đơn đề nghị thủ tục giám đốc thẩm, đối với vụ án D.B.T và T.Q.H phạm tội đánh bạc bị Tòa án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm tại Bản án hình sự số 971/2019/HSPT ngày 12/12/2019, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thấy: “Trong ngày 14/6/2018, T.Q.H đã có 02 lần thực hiện hành vi đánh bạc (trên 5 triệu đồng), bị xử lý theo khoản 1 Điều 321 BLHS là đúng quy định. Bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 và 01 tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo 19 tháng tù là phù hợp. Ngoài ra, T.Q.H còn thực hiện nhiều hành vi đánh bạc trong các ngày 12,13/6/2018 với số tiền dưới 5 triệu đồng. Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018 thì hành vi phạm tội nhiều lần của bị cáo T.Q.H không thuộc trường hợp được hưởng án treo. Hơn nữa, tại cấp phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới nhưng Tòa án cấp phúc thẩm quyết định cho T.Q.H được hưởng án treo là trái quy định”.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật tại các địa phương phủ nhận sự tồn tại song song hai tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “phạm tội hai lần trở lên” khi quyết định hình phạt trong cùng một vụ án cho thấy, điểm loại trừ, gây mâu thuẫn giữa hai tình tiết là yếu tố “phạm tội lần đầu”. Việc làm rõ khái niệm này là mấu chốt để trả lời câu hỏi, có thể áp dụng đồng thời cả hai tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội hai lần trở lên không?

Nếu xác định trước đó là thời điểm vụ án được xét xử, khi các vấn đề về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự được Hội đồng xét xử cân nhắc, quyết định sẽ không phù hợp. Bởi vì, nếu tính từ thời điểm này thì lần nào xét xử cũng là lần đầu phạm tội.

Nếu xác định trước đó là thời điểm tội phạm bị phát hiện, xử lý (giả định là phạm tội nhiều lần) sẽ có trường hợp lần phạm tội bị phát hiện là lần phạm tội đầu tiên hoặc lần phạm tội tiếp theo hoặc lần phạm tội sau cùng. Không kể đến trường hợp lần phạm tội bị phát hiện là lần tiếp theo hoặc sau cùng, nhưng nếu lần phạm tội đó là lần đầu tiên thì sẽ là cơ sở để áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Quan điểm này phù hợp với việc xem hai tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội nhiều lần độc lập, không phủ nhận nhau.

Nếu xác định trước đó được tính từ lần hành vi phạm tội sau cùng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đương nhiên, trong các trường hợp phạm tội nhiều lần sẽ không có yếu tố phạm tội lần đầu. Quan điểm này là cơ sở để xem phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội nhiều lần là hai tình tiết đối lập, loại trừ lẫn nhau, không thể áp dụng đồng thời khi xem xét quyết định hình phạt.

Dù không trực tiếp xác định, nhưng Công văn giải đáp số 01/2017 cho rằng: "Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội... chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Như vậy, có thể hiểu, phạm tội lần đầu là chỉ mới phạm tội một lần và lần đó là lần duy nhất. Các lần phạm tội trước khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự với lần phạm tôi sau thì không được coi là phạm tội lần đầu. Do đó, không thể áp dụng đồng thời cả hai tình tiết phạm tội tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội hai lần trở lên. Quan điểm này cũng sẽ hợp lý hơn khi xem xét dưới góc độ nhân thân người phạm tội. Bởi cả hai tình tiết đều được xây dựng trên cơ sở các đặc điểm, đặc tính về tâm lý, đạo đức, cách cư xử trong cuộc sống, ý thức chấp hành pháp luật của người phạm tội.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng tình tiết phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng cần được hiểu và áp dụng như sau: Là trường hợp khi đưa ra xét xử một đối tượng phạm tội (cá nhân hoặc pháp nhân thương mại) đối tượng phạm tội chỉ thực hiện hành vi có một lần cấu thành tội phạm duy nhất và trường hợp phạm tội này thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Nếu trong lần xét xử đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có nhiều tội, mà tội phạm vi phạm lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này./.

Một số khía cạnh của vật quyền hưởng dụng

(Kiemsat.vn) - Vật quyền hưởng dụng là một chế định quan trọng và phức tạp trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Bài viết này phân tích một số khía cạnh của quyền hưởng dụng và tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, từ đó giúp thống nhất nhận thức pháp luật trong thực tiễn.

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài

(Kiemsat.vn) - Ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là việc Tòa án ra quyết định nhằm gỡ bỏ những ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc có yếu tố nước ngoài, tác giả thấy có một số khó khăn vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với việc công nhận thuận tình ly hôn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang