Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài

22/11/2021 10:28

(kiemsat.vn)
Ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là việc Tòa án ra quyết định nhằm gỡ bỏ những ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc có yếu tố nước ngoài, tác giả thấy có một số khó khăn vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với việc công nhận thuận tình ly hôn.

Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền duy nhất giải quyết việc ly hôn nói chung là Tòa án nhân dân các cấp và giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Điều 127, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này (i); Trong trường hợp hai bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam (ii); Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó (iii).

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc có yếu tố nước ngoài, tác giả thấy vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với việc công nhận thuận tình ly hôn, qua đó kiến nghị đến các cơ quan chức năng để có hướng dẫn xử lý, giải quyết.

Từ một vụ việc cụ thể như sau:

Anh Nguyễn Minh T và chị Khuất Hà M có hộ khẩu thường trú tại tổ 4, phường D, quận C, TP. Hà Nội.

Ngày 24/4/2017, anh T, chị M đăng ký kết hôn ở Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức. Hiện anh, chị đang cư trú tại 12623 Berlin, CHLB Đức. Sau khi kết hôn, anh chị chung sống hạnh phúc được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn.

Ngày 17/5/2021, anh T, chị M gửi đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đến TAND TP. Hà Nội yêu cầu:

Về tình cảm: anh T, chị M xác định tình trạng hôn nhân đã không thể hàn gắn được, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên anh chị làm đơn đề nghị TAND TP. Hà Nội giải quyết cho thuận tình ly hôn.

Về con chung: Anh chị không có con chung.

Về tài sản chung: Anh T, chị M tự thỏa thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về nợ chung: anh T, chị M không nợ ai, không cho ai vay nợ, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do tình hình dịch bệnh Covid phức tạp nên anh T, chị M không thể về Việt Nam. Anh, chị đã ủy quyền cho anh Đ thay mặt giao, nhận toàn bộ các tài liệu, văn bản, chứng cứ; nhận văn bản tố tụng của Tòa án cho đến khi giải quyết xong vụ việc. anh T, chị M đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

Các tài liệu kèm theo Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của anh T, chị M gồm có: Bản tự khai, giấy ủy quyền, bản sao hộ chiếu sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức).

Về giải quyết vụ việc, hiện đang có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, cụ thể:

Tại điểm h khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn… cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

Điều 11 Luật cư trú năm 2020 quy định về nơi cư trú của công dân: (i) Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú; (ii) Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

Điều 14. Luật cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của vợ, chồng: Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

Do đó, thời điểm xin ly hôn thì anh T, chị M hiện đang sống và làm việc tại nước ngoài. Vì vậy, căn cứ vào các quy định trên thì việc TAND TP. Hà Nội thụ lý là không đúng thẩm quyền. Trong vụ việc này, anh T, chị M phải có mặt tại Việt Nam để giải quyết thì mới thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Hà Nội.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Căn cứ khoản 2 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự thì TAND TP. Hà Nội thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.

Qua nghiên cứu các quy định Luật Quốc tịch năm 2008; Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định của BLTTDS 2015, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Hiện nay giữa Việt Nam và CHLB Đức chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp về giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình. Vì vậy anh T, chị M hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 4 phường D, quận C, TP. Hà Nội. Các tài liệu yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn do anh T, chị M gửi về đều đã được Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài xác nhận về nhân thân, về ý chí tự định đoạt của các đương sự. Do đó hoàn toàn có giá trị pháp lý.

Mặt khác, trong thời điểm hiện nay do tình hình dịch Covid 19, anh T, chị M không thể về Việt Nam được là nguyên nhân khách quan. Do đó, các đương sự đề nghị giải quyết vắng mặt và có văn bản ủy quyền cho ông Đ là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015. Vì vậy, việc TAND TP. Hà Nội thụ lý là đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, để áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được kiểm sát một cách chặt chẽ, chính xác; tác giả kiến nghị hai ngành Tòa án – Viện kiểm sát cần phải ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn chi tiết vấn đề này để tránh gặp khó khăn, lúng túng trong công tác kiểm sát các vụ việc nói trên.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang