Về nhận cha, mẹ, con và xác định cha, mẹ, con theo Luật hộ tịch năm 2014

19/12/2021 08:00

(kiemsat.vn)
Việc xác định cha, mẹ, con được quy định và hướng dẫn tại nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật ở một số nơi còn chưa thống nhất và còn có nhiều cách hiểu không thống nhất gây khó khăn cho công dân khi liên hệ để thực hiện các thủ tục.

Tình huống cụ thể:

Anh Ngô Văn A và chị Lý Thị B cùng đăng ký thường trú tại xã HA, huyện PH, tỉnh H, chung sống với nhau như vợ chồng vào năm 2014, không có đăng ký hôn. Quá trình chung sống đến năm 2015, A và B sinh được một con chung là cháu Ngô Văn C, nhưng do Ngô Văn D (là em trai của A) và vợ của D là Võ Thị E không có con nên muốn nhận C làm con đỡ đầu. Hơn nữa, do A và B không có đăng ký kết hôn, nên nhờ vợ chồng của D đi đăng ký khai sinh và đứng tên là cha, mẹ của C trên giấy khai sinh. Mặc dù, trên giấy tờ thì cháu C là con của D và E nhưng thực tế C vẫn sống chung và do anh A và chị B chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến năm 2021, C đến tuổi đi học, nên anh A và chị B muốn thay đổi phần ghi cha mẹ trong giấy khai sinh của C.

Anh A và chị B có nộp đơn đến Ủy ban nhân dân (UBND) xã HA để xin xác định C là con ruột của anh A và chị B, đồng thời thay đổi phần ghi cha, mẹ trong giấy khai sinh và kèm theo  kết quả giám định ADN xác định C có cùng quan hệ huyết thống với anh A và chị B nhưng được đại diện của UBND xã HA trả lời là không thuộc thẩm quyền và hướng dẫn đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện PH, tỉnh H để làm thủ tục giải quyết. Sau đó, anh A đến TAND huyện PH để nộp đơn yêu cầu xác định C là con ruột của A và B nhưng TAND huyện PH lại hướng dẫn A và B về UBND xã HA để làm thủ tục giải quyết. Sự việc kéo dài cho đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vậy trong trường hợp này, là nhận cha, mẹ, con hay là xác định cha, mẹ, con và thẩm quyền giải quyết sự việc trên cho anh A và chị B thuộc về cơ quan nào?

Quan điểm giải quyết

Xuất phát từ yêu cầu của anh A và chị B thì hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều chưa thống nhất trong cách hiểu và vận dụng, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND xã HA. Bởi lẽ, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 thì nhận cha, mẹ, con là sự kiện hộ tịch được xác nhận vào sổ hộ tịch. Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 7 và Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con cho công dân trong nước là của UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Mặt khác, khoản 1 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp”. Trong tình huống này, cả anh A, chị B và anh D, chị E đều thống nhất và thừa nhận C là con ruột của A và B. Đồng thời, theo kết luận giám định ADN thì xác định C có cùng quan hệ huyết thống với A và B. Các bên không có tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con. Về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con quy định tại Điều 25 Luật hộ tịch năm 2014 gồm các bước sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.

Đồng thời, theo Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP  ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch (Thông tư số 04/2020) và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch (Nghị định số 123/2015) thì chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 Luật hộ tịch năm 2014 gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Như vậy, trong trường hợp này nếu anh A và chị B nộp đầy đủ, hợp lệ các chứng cứ chứng minh theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ghi vào sổ hộ tịch và xác nhận việc đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trong trường hợp trên, TAND huyện PH có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con. Theo khoản 1 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 thì khai sinh và nhận cha, mẹ, con là nội dung đăng ký hộ tịch được xác nhận vào sổ hộ tịch. Đồng thời, tại khoản 10 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 cũng ghi nhận: “Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.” Như vậy, việc thay đổi thông tin cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký trước đó thuộc trường hợp thay đổi hộ tịch.

Mặt khác, theo điểm b khoản 2 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 quy định xác định cha, mẹ, con sẽ được ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, việc xác định cha, mẹ, con là một nội dung thay đổi hộ tịch và được thay đổi khi có bản án, quyết định của Tòa án. Trong tình huống trên, cháu C đã có giấy khai sinh và trong phần ghi cha, mẹ là tên của D và E nhưng thực tế cha, mẹ ruột của C là anh A và chị B nên anh, chị có yêu cầu xác định lại phần ghi cha, mẹ là tên của anh A và chị B. Cụ thể, anh A và chị B có yêu cầu thay đổi thông tin cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký trước đó nên thuộc trường hợp thay đổi hộ tịch và được cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện khi có bản án, quyết định của Tòa án. Cho nên yêu cầu này là xác định cha, mẹ, con mà không phải là nhận cha, mẹ, con.

Do vậy, thẩm quyền xác định cha, mẹ, con chỉ thuộc TAND huyện PH và sau khi có bản án, quyết định thì A và B có quyền liên hệ cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện thay đổi hộ tịch theo quy định.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, xác định thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân huyện PH. Bởi lẽ, tình huống đề cập đến việc cháu C đã có giấy khai sinh có tên cha là Ngô Văn D, mẹ là Võ Thị E. Anh Ngô Văn A, chị Lý Thị B có yêu cầu xác định cháu C là con ruột của anh A, chị B. Đồng thời đề nghị ghi tên của anh, chị là cha, mẹ của C trong giấy khai sinh. Như vậy, cháu C đã được cấp giấy khai sinh có đầy đủ tên cha, mẹ và đúng quy định. Nhưng anh A và chị B có yêu cầu thay đổi phần ghi cha, mẹ trong giấy khai sinh. Đối chiếu với khoản 1 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 thì khai sinh và nhận cha, mẹ, con là nội dung đăng ký hộ tịch được xác nhận vào sổ hộ tịch. Còn theo điểm b khoản 2 Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 thì việc ghi vào sổ hộ tịch về thay đổi hộ tịch của cá nhân về xác định cha, mẹ, con sẽ được thực hiện khi có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, trường hợp của anh A và chị B yêu cầu xác định cháu C là con ruột và thay đổi phần ghi tên cha, mẹ trong giấy khai sinh là sự kiện hộ tịch về xác định cha, mẹ, con mà không phải trường hợp nhận cha, mẹ, con. Do đó, cần áp dụng các quy định của pháp luật về xác định cha, mẹ, con để xử lý tình huống trên. 

Trong tình huống này, anh A và chị B phải nộp đơn đến TAND huyện PH để được hướng dẫn và làm thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì anh A, chị B có quyền liên hệ với bộ phận đăng ký hộ tịch tại UBND xã HA để thực hiện thay đổi thông tin hộ tịch.

Từ vấn đề nêu trên, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về cách xác định trường hợp như thế nào là yêu cầu xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp và yêu cầu xác định cha, mẹ, con có tranh chấp. Đồng thời, cần làm rõ quy định này có mâu thuẫn với Luật hộ tịch năm 2014 hay không, khi luật này quy định để thay đổi về việc xác định cha, mẹ, con vào sổ hộ tịch cần phải có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.

Một số khía cạnh của vật quyền hưởng dụng

(Kiemsat.vn) - Vật quyền hưởng dụng là một chế định quan trọng và phức tạp trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Bài viết này phân tích một số khía cạnh của quyền hưởng dụng và tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, từ đó giúp thống nhất nhận thức pháp luật trong thực tiễn.

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài

(Kiemsat.vn) - Ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là việc Tòa án ra quyết định nhằm gỡ bỏ những ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc có yếu tố nước ngoài, tác giả thấy có một số khó khăn vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với việc công nhận thuận tình ly hôn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang