Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự

06/04/2017 01:22

(kiemsat.vn)
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự được hiểu là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. BLTTDS năm 2004 thiếu quy định về thời hạn giao nộp, cung cấp chứng cứ đã tạo ra một lỗ hổng pháp luật là đương sự thường trì hoãn việc giao nộp.

Ảnh minh họa: Internet

Quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự

Điều 84 BLTTDS năm 2004 quy định: Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Ngoài các quy định về thủ tục cung cấp, giao nộp chứng cứ, BLTTDS năm 2004 thiếu quy định về thời hạn giao nộp, cung cấp chứng cứ đã tạo ra một lỗ hổng pháp luật đó là các đương sự thường trì hoãn việc giao nộp chứng cứ, chọn thời điểm có lợi cho mình mới giao nộp chứng cứ, dẫn đến thời gian giải quyết vụ án dân sự bị kéo dài, tăng chi phí tố tụng, không bảo đảm điều kiện để các đương sự thực hiện tranh tụng công khai tại phiên tòa… Hơn nữa, việc pháp luật Việt Nam không quy định thời hạn giao nộp, cung cấp chứng cứ là không phù hợp với nguyên tắc giao nộp, cung cấp chứng cứ ở nhiều nước trên thế giới.

Khắc phục hạn chế của BLTTDS năm 2004, khoản 4 Điều 96 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Việc quy định thời hạn giao nộp chứng cứ do Thẩm phán xác định là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới và thông thường sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đương sự không có quyền cung cấp chứng cứ mới. Việc giới hạn thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự sẽ buộc đương sự phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình; đồng thời, tránh trường hợp đương sự lợi dụng quy định có quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng để kéo dài vụ kiện, Tòa cấp sơ thẩm phải hoãn phiên tòa để thu thập chứng cứ, Tòa án cấp trên hủy án của Tòa án cấp dưới do đương sự xuất trình chứng cứ mới…

Một số vướng mắc cần hướng dẫn

Tuy nhiên, theo chúng tôi: Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự là chưa hợp lý, bởi trong tố tụng dân sự nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thuộc về các đương sự, Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong một số trường hợp.

Nghĩa vụ chứng minh của đương sự cần được hiểu là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đưa ra các căn cứ pháp lý, lý lẽ, lập luận để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Điều đó có nghĩa, khi đương sự không thể tự thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu hoặc các trường hợp Tòa án buộc phải chủ động thu thập chứng cứ mới có thể giải quyết được vụ án thì Tòa án mới xác minh, thu thập chứng cứ. Mức độ hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động chứng minh của các đương sự phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết pháp luật của đương sự, mức độ tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ chế tố tụng và các điều kiện kinh tế xã hội khác. Vì vậy, tùy theo truyền thống tố tụng, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân mà pháp luật của mỗi nước quy định mức độ hỗ trợ của Tòa án đối với việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự là khác nhau. Theo quy định tại Điều 6 BLTTDS năm 2015, với tư cách là cơ quan xét xử, Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong các trường hợp khi họ không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu hoặc các trường hợp do pháp luật quy định.

Như vậy, sự hỗ trợ của Toà án đối với việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự nhằm bảo đảm tìm ra chân lý, có thể làm giảm những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của mình, không phải Tòa án làm thay đương sự.

Do đó, với quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS năm 2015 theo hướng Tòa án có trách nhiệm xác định các chứng cứ đương sự cần giao nộp là không hợp lý. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả đối với các trường hợp, mặc dù đương sự đã có chứng cứ nhưng họ cố tình không giao nộp và nếu Tòa án không yêu cầu họ giao nộp thì tại phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm đương sự vẫn có quyền cung cấp chứng cứ mới. Quy định này là mâu thuẫn với Điều 6 BLTTDS năm 2015 và không phân định rõ ràng nghĩa vụ chứng minh của các đương sự và trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án đối với việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự.

Vì vậy, Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2015 cần hướng dẫn rõ những trường hợp có lý do chính đáng mà được quyền chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ; đồng thời không nên quy định Tòa án phải nêu cụ thể những tài liệu, chứng cứ yêu cầu đương sự giao nộp.

(Trích bài Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự và phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo quy định của BLTTDS năm 2015 của Ts. Bùi Thị Huyền – Trường Đại học Luật Hà Nội. TCKS số 10/2016)

Mời các bạn xem bài tiếp theo: Phiên họp kiểm tra việc giao nộp chứng cứ.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ

Ngày 23/06/2017, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học về những quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Phó hiệu trưởng chủ trì Hội nghị.

Khi ly hôn mà vợ chồng không cùng nơi cư trú, xác định Tòa án nào giải quyết?

(Kiemsat.vn) - Đối với vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà nguyên đơn và bị đơn đều cư trú ở hai nơi khác nhau, tài sản là bất động sản lại ở nơi khác thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang