Phải tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ

04/06/2018 09:07

(kiemsat.vn)
Khoản nợ ngân hàng 30.000.000 đồng trong thời kỳ hôn nhân là khoản nợ chung. Trước khi mở phiên tòa Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N không thỏa thuận được về việc trả nợ này, Tòa án nhân dân thị xã X không tính án phí khoản nợ trên là không đúng.

Về bài trao đổi: “Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không” của tác giả Thanh Bình, VKSND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đăng trên tạp chí Kiemsat.vn ngày 01/6/18. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi các lý do sau đây:

Nội dung vụ việc:

Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N kết hôn năm 2015. Ngày 01/4/2018, Nguyễn Văn A yêu cầu Tòa án thị xã X giải quyết cho ly hôn. Do vợ chồng chưa có con và không có tài sản chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết; chỉ có khoản tiền nợ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X là 30.000.000 đồng.

Tòa án thị xã X giải quyết chấp thuận cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N được ly hôn. Tài sản chung, con chung không đặt ra xem xét, giải quyết. Buộc Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải có trách nhiệm liên đới trả khoản nợ 30.000.000 đồng cho ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X. Về án phí Nguyễn Văn A phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm.

Đối với quyết định của Tòa án thị xã X, có hai nhóm ý kiến trái chiều nhau về việc Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải liên đới chịu án phí đối với khoản nợ 30.000.000 đồng.

Về nguyên tắc khi giải quyết việc ly hôn và có yêu cầu phân chia tài sản mà người khác nợ vợ chồng họ hoặc vợ chồng họ nợ người khác thì cần phải đưa người nợ hoặc chủ nợ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trừ các trường hợp sau đây: Vợ chồng cùng đồng ý không buộc người nợ phải trả nợ cho họ; chủ nợ đồng ý không buộc vợ chồng họ phải trả nợ cho chủ nợ; chủ nợ chưa có yêu cầu vợ chồng họ phải trả nợ cho chủ nợ;

Như vậy, trong trường hợp này Tòa án nhân dân thị xã X phải đưa Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Mặc dù, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết số 326), không quy định nghĩa vụ chịu án phí đối với nợ chung của vợ chồng.

Như vậy, số tiền 30.000.000 đồng Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N vay của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X trong thời kỳ hôn nhân được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng, vì vậy đây là tài sản chung của vợ chồng. Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X khi đến hạn phải trả nợ. Nên khi ly hôn Tòa án phải xác định đây là tài sản chung của vợ chồng vay trong thời kỳ hôn nhân.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm như sau:

1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

2. Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

3. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

Tại điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định: “Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng”.

Như vậy, trong trường hợp này trước khi hòa giải và trước khi mở phiên tòa  Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N không thỏa thuận được về việc trả nợ số tiền 30.000.000 đồng cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X và có yêu cầu Tòa án giải quyết phần phải trả nợ số tiền 30.000.000 đồng, nên Tòa án phải buộc Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N mỗi người phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà mỗi người phải trả cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X là 15.000.000 đồng (án phí mỗi người phải chịu 750.000 đồng).

Việc Tòa án nhân dân thị xã X không tính án phí với khoản nợ trên đối với Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N là không đúng.

Xem thêm>>>

Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?

Những trường hợp ngoại lệ về án phí

Có tính án phí cấp dưỡng nuôi con đối với việc hôn nhân gia đình không?

(2) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang