Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?

01/06/2018 16:11

(kiemsat.vn)
Trong xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, vấn đề liên quan đến án phí được Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 hướng dẫn về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án tương rõ ràng. Tuy nhiên, trong thực tiễn có tính án phí trên khoản tiền nợ chung của vợ chồng hay không thì còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Ảnh minh họa

Nội dung vụ việc:

Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N kết hôn năm 2015. Ngày 01/4/2018, Nguyễn Văn A yêu cầu Tòa án thị xã X giải quyết cho ly hôn. Do vợ chồng chưa có con và không có tài sản chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết; chỉ có khoản tiền nợ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X là 30.000.000 đồng.

Tòa án thị xã X giải quyết chấp thuận cho Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N được ly hôn. Tài sản chung, con chung không đặt ra xem xét, giải quyết. Buộc Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải có trách nhiệm liên đới trả khoản nợ 30.000.000 đồng cho ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã X. Về án phí Nguyễn Văn A phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm.

Đối với quyết định của Tòa án thị xã X, có hai nhóm ý kiến trái chiều nhau về việc Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải liên đới chịu án phí đối với khoản nợ 30.000.000 đồng.

- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N phải liên đới chịu án phí đối với khoản nợ 30.000.000 đồng vì theo điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, quy định như sau: “Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tai sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng”. Như vậy, trường hợp này mặc dù Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N bị buộc thực hiện nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng nhưng vẫn phải chịu án phí. Trường hợp này Tòa án thị xã X không tính án phí đối với khoản nợ trên là sai. Đây cũng là ý kiến của tác giả.

- Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị N không phải liên đới chịu án phí đối với khoản nợ 30.000.000 đồng vì đây là khoản nợ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 hướng dẫn về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, không quy định nghĩa vụ chịu án phí đối với nợ chung của vợ chồng. Trường hợp này Tòa án thị xã X không tính án phí đối với khoản nợ trên là đúng.

Mong nhận được ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

Xem thêm>>>

Những trường hợp ngoại lệ về án phí

Thuận tình ly hôn, mỗi bên chỉ chịu 25% mức án phí

Những lưu ý về miễn nộp án phí trong các vụ án kinh doanh thương mại

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang