Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính

23/10/2024 09:36

(kiemsat.vn)
Từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm sát; đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

1. Một số vướng mắc, bất cập

Sau khi Luật tố tụng hành chính (TTHC) và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016) được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa các mặt công tác thi hành án hành chính từng bước đi vào nề nếp, từ công tác quản lý nhà nước đến sự chuyển biến trong kết quả thi hành án hành chính, qua đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước.

Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thi hành án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016, góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc, cụ thể sau:

Thứ nhất, công tác kiểm sát thi hành án hành chính của Viện kiểm sát chỉ được quy định chung tại Điều 315 Luật TTHC năm 2015 và quy định lồng ghép tại Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Các điều luật này chỉ quy định các nội dung mang tính cơ bản về kiểm sát thi hành án hành chính mà chưa có các quy định chi tiết, cụ thể để điều chỉnh. Chính điều này dẫn đến công tác kiểm sát thi hành án hành chính của Viện kiểm sát gặp nhiều khó khăn và phần nào cũng làm giảm hiệu quả tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành trên thực tế.

Thứ hai, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án còn hạn chế. Theo khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Quyết định buộc thi hành án phải được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc thi hành án hành chính cũng phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án.

Như vậy, theo quy định trên, đối với những chủ thể được gửi quyết định buộc thi hành án đều có quyền hạn nhất định để bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành. Trong khi đó, điều luật này không quy định Viện kiểm sát được thực hiện quyền gì khi nhận được quyết định của Tòa án. Nếu căn cứ vào Điều 315 Luật TTHC năm 2015 về kiểm sát thi hành án hành chính thì Viện kiểm sát được thực hiện quyền kiến nghị để bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được thực hiện một cách hiệu quả, nhưng thực tế không có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung này nên việc triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn.

Thứ ba, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 thì người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm của khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án quy định tại khoản này bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó. Như vậy, Luật TTHC năm 2015 không quy định cơ quan phải thi hành bản án hành chính phải thông báo kết quả thi hành án cho Viện kiểm sát.

Thứ tư, khó khăn trong công tác kiểm sát quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. Nghị định số 71/2016 của Chính phủ chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc phải thi hành án cố tình kéo dài không thực hiện, khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, chỉ quy định cơ quan Thi hành án có trách nhiệm đôn đốc và báo cáo tiến độ thi hành bản án, quyết định của người phải thi hành án, trách nhiệm chính khi thực hiện quyết định là người phải thi hành án. Điều 13 Nghị định số 71/2016 quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Tòa án... Các văn bản chỉ đạo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm”, tuy nhiên trên thực tế thì cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án không gửi văn bản chỉ đạo người phải thi hành án cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm.

Thứ năm, Điều 35 Nghị định số 71/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự trong thi hành án hành chính quy định đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án nếu vi phạm. Các hành vi vi phạm theo quy định là: Chậm thi hành án, cản trở thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Quy định trên cho thấy, một trong những hành vi vi phạm của người phải thi hành án bị đề nghị xử lý là hành vi “không chấp hành” bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án. Tuy nhiên, Nghị định không quy định thời hạn cuối cùng phải thi hành xong bản án hành chính. Nếu người phải thi hành án cho rằng họ đang thi hành, nhưng không rõ thời gian thi hành xong, vì vậy, trong một thời điểm cụ thể khó có thể nhận diện được hành vi có vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào để đưa ra kiến nghị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm.

Thứ sáu, về việc ủy quyền trong thi hành án hành chính: Tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định ủy quyền tham gia Tòa hành chính như sau: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.

Tuy nhiên, quy định về thi hành án hành chính lại không quy định cụ thể về đối tượng được ủy quyền. Thực tế cho thấy, sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công tiến hành làm việc với người phải thi hành án là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Thông thường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thay mặt làm việc với Chấp hành viên. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc ủy quyền như vậy là chưa hợp lý, làm hạn chế hiệu quả thi hành án hành chính.

Thứ bảy, theo quy định của Nghị định số 71/2016 thì người phải thi hành án có trách nhiệm thông báo kết quả cho cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thi hành án gửi Cục thi hành án dân sự tỉnh để tổng hợp, theo dõi. Tuy nhiên, thực tế công tác cung cấp thông tin cho Cục thi hành án dân sự tỉnh nhìn chung còn chậm; đối với các vụ việc chưa thi hành xong nhưng báo cáo chưa đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến công tác cập nhật thông tin có lúc chưa chính xác, phân tích, đánh giá còn hạn chế.

Thứ tám, vướng mắc về thời hạn tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án...”. Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71/2016 quy định “người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng hành chính”. Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể đây là thời hạn người phải thi hành án phải thi hành xong bản án hay thời hạn người phải thi hành án bắt đầu tiến hành hành vi công vụ để thi hành án. Có quan điểm cho rằng, đây là thời hạn người phải thi hành án phải thi hành xong bản án; quan điểm khác lại cho rằng, đây là thời hạn người phải thi hành án phải bắt đầu tiến hành hành vi công vụ để thi hành án. Điều này gây khó khăn trong việc xác định có hay không việc người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án hành chính trong những vụ việc thi hành án hành chính cụ thể.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính

VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu. (Ảnh  minh họa)

Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện công tác kiểm sát việc thi hành án hành chính một cách chặt chẽ theo đúng quy định của Luật thi hành án dân sự, Luật TTHC và Nghị định số 71/2016 và đạt được các kết quả tích cực. Những kết quả đạt được là do áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể:

Một là, khi nhận được các quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự đều vào sổ thụ lý và lập hồ sơ kiểm sát theo quy định.

Hai là, hàng tháng phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự nghiên cứu hồ sơ theo dõi việc thi hành án hành chính về cả nội dung, hình thức và hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên theo dõi việc thi hành án hành chính, nhất là giữa Chấp hành viên và người phải thi hành án để giải quyết việc thi hành án theo quy định.

Ba là, tham mưu và phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi hành án hành chính tại Ủy ban nhân dân các cấp và các ban ngành liên quan để thúc đẩy tiến trình giải quyết việc thi hành án hành chính nhanh chóng, hiệu quả… Trong năm 2023, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tham mưu đề xuất, cử cán bộ tham gia hai đoàn kiểm tra, giám sát do Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập. Qua việc tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát đã tham mưu nội dung kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân hai cấp, Ủy ban nhân dân hai cấp và các cơ quan chuyên môn có liên quan có giải pháp chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thi hành dứt điểm các bản án đang còn tồn đọng trước ngày 30/9/2023 trong toàn tỉnh. Tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 26/5/2021) để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác thi hành án hành chính. Năm 2023, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh đã ký quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ( Quy chế số 129 ) về nhiều lĩnh vực phối hợp trong đó có công tác thi hành án hành chính. Việc ký kết quy chế tạo hành lang pháp lý, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa ban cán sự đảng của hai cơ quan trong việc chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong đó công tác xử lý án hành chính, công tác thi hành án hành chính luôn đặt lên hàng đầu.

3. Đề xuất, kiến nghị

Một là, nhằm tạo hành lang pháp lý để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát đối với công tác thi hành án hành chính, Luật TTHC năm 2015 cần quy định rõ về trách nhiệm trả lời, thời hạn trả lời kiến nghị hoặc thông báo kết quả thực hiện đối với kiến nghị của VKSND. Đồng thời, Luật TTHC năm 2015 cần bổ sung trách nhiệm pháp lý trong trường hợp cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án không thông báo hoặc chậm thông báo kết quả thi hành án cho Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự nhằm buộc người phải thi hành án hành chính thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc thông báo kết quả thi hành án.

Cần xây dựng và ban hành Luật thi hành án hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính; trong đó, Luật thể hiện rõ, chức năng của VKSND trong hoạt động kiểm sát thi hành án hành chính.

Hai là, liên ngành tư pháp trung ương cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về công tác thi hành án hành chính. Tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trong việc chuyển giao bản án, quyết định đầy đủ, đúng thời hạn và cung cấp số liệu kết quả xét xử án hành chính cho cơ quan Thi hành án dân sự. Đối với những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự cần kịp thời yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải thích rõ ràng, cụ thể nhằm đảm bảo việc thi hành án hành chính kịp thời, đúng quy định.

Ba là, thi hành án hành chính là lĩnh vực phức tạp, đặc thù của thi hành án hành chính là bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước, như: Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan nhà nước khác, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Do đó, cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị thì hoạt động thi hành án hành chính mới đạt hiệu quả cao hơn. Vì vậy, liên ngành tư pháp trung ương cần kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương đối với công tác thi hành án hành chính. Ban hành các biện pháp, chế tài cụ thể, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành án hành chính và xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính. Tăng cường công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Bốn là, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi hành án hành chính nhằm thống nhất việc áp dụng pháp luật về thi hành án hành chính cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao), trong đó quy định cụ thể, rõ ràng về công tác kiểm sát thi hành án hành chính; xây dựng hệ thống biểu mẫu mới trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính (Luật TTHC năm 2015 quy định thẩm quyền kiến nghị thi hành án hành chính của Viện kiểm sát nhưng đến nay Viện kiểm sát cũng chưa có mẫu kiến nghị…).

ThS. Mai Văn Linh

Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) - Hiện nay, khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong vận dụng Án lệ số 47/2021/AL để xử lý hành vi giết người chưa đạt; xác định “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng và việc áp dụng khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia như Hoa Kỳ, Thụy Điển và Nhật Bản cho thấy, đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài thì xử lý hình sự không phải là giải pháp duy nhất hoặc đầu tiên. Cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này mới là giải pháp hàng đầu và căn bản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang