Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

07/10/2024 09:22

(kiemsat.vn)
Mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần phải được thiết kế dựa vào những hiểu biết lý luận và thực tiễn nhất định. Bài viết làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng.

Mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần phải được thiết kế dựa vào những hiểu biết lý luận và thực tiễn nhất định. Bài viết làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, bao gồm: Quan niệm, đặc trưng, tính chất, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; khái quát mô hình các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng trên thế giới; nhận diện về mô hình này ở nước ta hiện nay và những vấn đề cần hoàn thiện.

1. Quan niệm, đặc trưng, tính chất, cơ cấu tổ chức của mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng

1.1. Khái quát về thiết chế chuyên trách chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng bao gồm hai bộ phận hay hai yếu tố hợp thành gắn kết chặt chẽ với nhau, lồng ghép lẫn nhau, bổ sung cho nhau, tương tác lẫn nhau là phòng ngừa tham nhũng và chống tham nhũng; trong phòng ngừa tham nhũng có chống tham nhũng, trong chống tham nhũng có phòng ngừa tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng tốt là một trong các chỉ số nói lên chống tham nhũng tốt, chống tham nhũng tốt là một trong các chỉ số nói lên năng lực, khả năng, trách nhiệm tốt của thiết chế chống tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng là hoạt động lồng ghép vào nhiều hoạt động khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau, còn chống tham nhũng là hoạt động mang tính chuyên trách.

Để phòng, chống tham nhũng cần phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng tương ứng. Cơ chế phòng, chống tham nhũng bao gồm thể chế, thiết chế và phương thức vận hành bao gồm cả nhân lực với hai cơ chế thành tố, gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau: Cơ chế phòng ngừa tham nhũng và cơ chế chống tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng hoàn thiện. Cơ chế chống tham nhũng bao gồm cơ chế chuyên trách và cơ chế không chuyên trách, trong đó cơ chế chuyên trách chống tham nhũng phải là cơ chế hoàn thiện.

Nói đến thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là nói đến cách thức tổ chức nên cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cơ cấu khác có chức năng, nhiệm vụ chuyên trách chống tham nhũng. Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành nên cơ chế chống tham nhũng nói riêng, cơ chế phòng, chống tham nhũng nói chung. Cơ chế phòng, chống tham nhũng bao gồm hai cơ chế cấu thành, gắn liền chặt chẽ với nhau, đan xen lẫn nhau là cơ chế phòng ngừa tham nhũng và cơ chế chống tham nhũng, trong đó có cơ chế chuyên trách chống tham nhũng. Cơ chế phòng, chống tham nhũng nói chung và cơ chế chống tham nhũng, trong đó có cơ chế chuyên trách chống tham nhũng nói riêng bao gồm ít nhất ba yếu tố cấu thành là: 1) Thể chế phòng, chống tham nhũng; 2) Thiết chế phòng, chống tham nhũng; 3) Phương thức phòng, chống tham nhũng.

Khi nói đến thiết chế chống tham nhũng là mới chỉ nói đến một trong ba yếu tố nói trên. Từ đó cho thấy, cơ chế chống tham nhũng bao gồm: Thể chế chống tham nhũng, thiết chế chống tham nhũng, phương thức chống tham nhũng. Đương nhiên, ba yếu tố nói trên gắn liền chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau cả trong nhận thức lý luận lẫn trong thực tiễn tổ chức chống tham nhũng. Thiết chế chống tham nhũng bao gồm thiết chế chuyên trách chống tham nhũng và thiết chế không chuyên trách chống tham nhũng. Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, với tư cách một yếu tố của cơ chế chống tham nhũng, là các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách phải được thiết lập dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn nhất định để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình, đóng góp có chất lượng, hiệu quả đối với chống tham nhũng nói riêng, phòng, chống tham nhũng nói chung.

Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm chuyên trách chống tham nhũng do luật định, được thành lập theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Ở đây, chuyên trách chống tham nhũng được hiểu là chuyên tập trung chống tham nhũng và chịu trách nhiệm về chống tham nhũng.

Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có thể được hiểu với tư cách là một thiết chế chuyên trách tổng hợp, phần lớn gắn liền với quá trình tố tụng hình sự, bao trùm toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, bao gồm: Phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (nói gọn lại là phát hiện và xử lý tham nhũng)... Phần lớn là bởi vì, chống tham nhũng không chỉ thể hiện ở việc phát hiện và xử lý bằng hình sự mà còn thể hiện ở việc phát hiện và xử lý bằng các biện pháp pháp luật khác và xử lý kỷ luật.

Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cũng có thể được hiểu với tư cách là cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách cụ thể thuộc thiết chế chuyên trách tổng hợp nói trên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể, gắn với các giai đoạn cụ thể trong chống tham nhũng. Điều đó có thể là cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách phát hiện tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách điều tra tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách truy tố tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách xét xử các vụ án tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách thi hành án tham nhũng...

1.2. Về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng

Nói đến mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, trên phương diện lý luận, là nói đến việc tổ chức bộ máy của thiết chế đó, vai trò, vị trí, đặc trưng, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm (địa vị pháp lý), cơ cấu tổ chức của thiết chế đó, mối quan hệ giữa thiết chế đó với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân nhằm mục tiêu phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Như vậy, từ quan niệm lý luận nói trên cho thấy, mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng bao gồm các yếu tố cơ bản sau: 1) Tổ chức bộ máy tổng quát và tổ chức bộ máy cụ thể của thiết chế; 2) Vai trò, vị trí, đặc trưng, tính chất của thiết chế; 3) Địa vị pháp lý của thiết chế; 4) Cơ cấu tổ chức của thiết chế (cơ cấu tổ chức tổng quát và cơ cấu tổ chức cụ thể); 5) Mối quan hệ giữa thiết chế đó với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng; 6) Mục tiêu của thiết chế.    

- Tổ chức bộ máy tổng quát và tổ chức bộ máy cụ thể của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng được hiểu là các bộ phận cấu thành khác nhau chuyên trách chống tham nhũng: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban, cơ cấu tổ chức khác nào đó chuyên trách chống tham nhũng. Tổ chức bộ máy bao gồm cả những nhân tố cấu thành nên tổ chức bộ máy đó hay nói cách khác bao gồm cả nhân sự/nhân lực cấu thành nên tổ chức bộ máy đó. Như vậy, tổ chức bộ máy của thiết chế có hai bộ phận hợp thành không thể thiếu, tách rời nhau là cơ cấu tổ chức và cơ cấu nhân sự/nhân lực của thiết chế.

- Về vai trò, vị trí, đặc trưng, tính chất của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng: Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, như tên gọi và theo nội dung của nó, giữ vị trí thứ hai sau phòng ngừa tham nhũng, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm chuyên tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực. 

Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có các đặc trưng như: 1) Tính hợp pháp, tính quy trình, tính pháp quyền; 2) Tính hệ thống, chỉnh thể, thống nhất; 3) Tính tổ chức, tính chuyên trách, tính độc lập tương đối, tính phân hoá của các bộ phận cấu thành thiết chế; 4) Tính phối hợp, liên thông giữa các bộ phận cấu thành thiết chế; 5) Tính kiểm soát, chế ước lẫn nhau của các bộ phận cấu thành thiết chế; 6) Trách nhiệm giải trình của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng.

(1) Tính hợp pháp, tính quy trình, tính pháp quyền của thiết chế (cơ quan, tổ chức, đơn vị...) chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ tổ chức và hoạt động của thiết chế (cơ quan, tổ chức) chuyên trách chống tham nhũng do pháp luật quy định, được thực hiện theo một quy trình (trình tự, thủ tục) nhất định, phần lớn gắn liền với tố tụng hình sự, tức là việc phát hiện và xử lý tham nhũng phải được pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật khác quy định; được tiến hành theo một quy trình nhất định; bảo đảm các yêu cầu, đòi hỏi của pháp quyền (tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, kiểm soát quyền lực trong chống tham nhũng...).

(2) Tính hệ thống, chỉnh thể, thống nhất của thiết chế (cơ quan, tổ chức, đơn vị...) chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là một hệ thống chỉnh thể, thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận hợp thành như một chỉnh thể thống nhất, có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ chung là chống tham nhũng hiệu quả. Chẳng hạn, đó là các bộ phận hợp thành như: Cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách phát hiện, cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách điều tra, cơ quan, đơn vị chuyên trách truy tố, cơ quan, đơn vị chuyên trách xét xử, cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách thi hành án tham nhũng, cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách giám sát phòng, chống tham nhũng... 

(3) Tính tổ chức, tính chuyên trách, tính độc lập tương đối, tính phân hóa của các bộ phận cấu thành thiết chế (cơ quan, tổ chức, đơn vị...) chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ mỗi bộ phận (cơ quan, tổ chức, đơn vị...) hợp thành thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là một tổ chức có tính độc lập tương đối, có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, mang tính chuyên trách, có tính phân hóa theo quá trình phát hiện và xử lý (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) tham nhũng.

(4) Tính phối hợp, liên thông giữa các bộ phận cấu thành thiết chế (các cơ quan, tổ chức, đơn vị) chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ, trong quá trình phát hiện và xử lý (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phải phối hợp với nhau, các hoạt động phải nhịp nhàng, được liên thông với nhau để phát hiện, xử lý hiệu quả các vụ việc tham nhũng.

(5) Tính kiểm soát, chế ước lẫn nhau của các bộ phận cấu thành thiết chế (cơ quan, tổ chức, đơn vị...) chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ, chống tham nhũng do các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng khác nhau thực hiện, do vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách đó phải kiểm soát, chế ước lẫn nhau để bảo đảm đạt được mục tiêu chống tham nhũng hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng trong chống tham nhũng.

(6) Trách nhiệm giải trình của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng thể hiện ở chỗ thiết chế chuyên trách chống tham nhũng nói chung (phải có cơ quan đại diện), các bộ phận chuyên trách chống tham nhũng phải báo cáo, giải trình về hoạt động chống tham nhũng do mình đảm trách, chịu trách nhiệm về tính liêm chính trong chống tham nhũng.

Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng mang tính chất chính trị - pháp lý.

Tham nhũng là một hiện tượng pháp lý tổ hợp, được hình thành từ các hành vi tham nhũng cụ thể do luật định. Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:

(1) Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

(2) Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các tội phạm tham nhũng tại Mục 1: Các tội phạm tham nhũng (Chương XXIII): Các tội phạm về chức vụ (từ Điều 353 đến Điều 359), và một số tội phạm tại Mục 2: Các tội phạm khác về chức vụ, bao quát hết tất cả các hành vi tham nhũng được liệt kê trong Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, đó là: Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (Điều 359); Tội đưa hối lộ (Điều 364) và Tội môi giới hối lộ (Điều 365) trong trường hợp để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi và các tội phạm khác.

Tham nhũng là một hiện tượng chính trị, bởi lẽ gắn liền với việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước vì vụ lợi trong khi thi hành công vụ. Lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước vì vụ lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao vì vụ lợi trong khi thi hành công vụ. Như vậy, nói một cách khái quát và cụ thể thì tham nhũng là một hiện tượng, một hành vi cụ thể mang tính chất chính trị - pháp lý.

Xuất phát từ nhận thức tham nhũng là một hiện tượng chính trị - pháp lý, nên việc thiết kế thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần phải bảo đảm tính chất nói trên. Do đó, chúng tôi cho rằng, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cũng phải mang tính chất chính trị - pháp lý để có sự tương thích trong nhận thức, trong thực tiễn tổ chức chống tham nhũng.

- Về địa vị pháp lý của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng: Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có hai chức năng cơ bản: 1) Chức năng phát hiện tham nhũng; 2) Chức năng xử lý tham nhũng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Ngoài ra, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng còn thực hiện chức năng phòng ngừa tham nhũng bằng chống tham nhũng, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tuân thủ pháp luật.

Để thực hiện các chức năng đó, trước hết là chức năng phát hiện tham nhũng và chức năng xử lý tham nhũng thì thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần được giao những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhất định.

Địa vị pháp lý của thiết chế chuyên trách chống tham những bao gồm các quyền hạn và nghĩa vụ/trách nhiệm nhất định trong phát hiện và xử lý tham nhũng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án). Đó là các quyền hạn và nghĩa vụ/trách nhiệm của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng nói chung và các quyền hạn và nghĩa vụ/trách nhiệm của các cơ cấu tổ chức cụ thể của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng nói riêng.      

- Về cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng: Nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, có nhiều cách phân loại khác nhau về cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng. Mỗi cách phân loại đều dựa vào những căn cứ nhất định.

+ Dựa vào “quá trình” hay “khâu”, “giai đoạn” chống tham nhũng, cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng được phân thành: 1) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị... chuyên trách phát hiện tham nhũng; 2) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị... chuyên trách xử lý (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) tham nhũng. Ở các quốc gia khác nhau, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có những tên gọi khác nhau, nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, về cơ bản, là giống nhau.

+ Dựa vào “khâu” hay “giai đoạn” phát hiện tham nhũng, cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách phát hiện tham nhũng được phân thành: Cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi xảy ra tham nhũng, cơ quan giám sát, cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật, cá nhân báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng.

+ Dựa vào “khâu” hay “giai đoạn” xử lý tham nhũng, cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách xử lý tham nhũng được phân thành các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau, về cơ bản, gắn liền với quá trình tố tụng hình sự (trong trường hợp xử lý bằng hình sự). Đó là cơ quan hay đơn vị chuyên trách điều tra các vụ án tham nhũng; cơ quan hay đơn vị chuyên trách truy tố các vụ án tham nhũng; cơ quan hay đơn vị chuyên trách xét xử các vụ án tham nhũng; cơ quan hay đơn vị chuyên trách thi hành các bản án tham nhũng... Ở các nước khác nhau, các cơ quan hay đơn vị chuyên trách cũng có các tên gọi khác nhau, nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm về cơ bản là tương đồng.

- Về mối quan hệ giữa thiết chế chuyên trách chống tham nhũng và các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng: Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có hai loại mối quan hệ: Mối quan hệ bên trong nội bộ tổ chức bộ máy của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng và mối quan hệ của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng với các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân. Đó là các mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm tra, giám sát, kiểm soát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Vấn đề quan trọng về mặt lý luận là cần phải phân định rõ các mối quan hệ đó.

- Mục tiêu của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng là phòng, chống tham nhũng hiệu quả, góp phần làm trong sạch bộ máy hệ thống chính trị nói chung, bộ máy nhà nước nói riêng.                 

2. Về mô hình các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới có các mô hình khác nhau về thiết chế chuyên trách chống tham nhũng. Nhưng dưới dạng khái quát, có thể sắp xếp thành 03 mô hình sau đây: (1) Mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, tập trung để chống tham nhũng; (2) Mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị để chống tham nhũng; (3) Mô hình sử dụng các thiết chế bảo vệ pháp luật chung để chống tham nhũng.

2.1. Mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, tập trung

Theo mô hình này, các quốc gia thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống hoặc Thủ tướng Chính phủ, có chức nămg, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được pháp luật quy định.

- Về tổ chức bộ máy, thiết chế chuyên trách này được thành lập độc lập, tách ra khỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban, bộ phận khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù ở mỗi quốc gia. Thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, tập trung cũng có tên gọi khác nhau: Ủy ban chống tham nhũng độc lập (Hồng Kông), Ủy ban diệt trừ tham nhũng (Indonesia), Cơ quan điều tra tham nhũng Singapore, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia. Trong thiết chế chuyên trách đó có các bộ phận cơ cấu nhất định (Hồng Kông), mức độ độc lập của các bộ phận đó cũng khác nhau ở các quốc gia khác nhau (Indonesia), có Cơ quan điều tra duy nhất (Singapore).

Người đứng đầu cơ quan này do Tổng thống hoặc Nhà vua bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ trưởng không có quyền can thiệp vào hoạt động thường xuyên của cơ quan này (Malaysia có Ủy ban chống tham nhũng (ACA), Singapore có Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB), Hồng Kông có Ủy ban độc lập chống tham nhũng (ICAC).

Hiện nay, mô hình này chiếm tỉ lệ không lớn trên thế giới, nó được thiết kế ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Trung Quốc,...   

- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, thiết chế chuyên trách này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm độc lập, tập trung, hoạt động có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thiết chế chống tham nhũng chuyên trách ở các nước theo mô hình này có một số nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản như: Tiếp nhận, điều tra các tố giác, tố cáo về các hành vi tham nhũng (chức năng phát hiện); điều tra và truy tố người có hành vi tham ô, hối lộ hoặc các vi phạm đạo đức nghề nghiệp khác trong đội ngũ công chức nhà nước (chức năng ngăn chặn và xử lý); kiểm tra, xem xét quá trình và phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm phát hiện những sơ hở yếu kém, sai phạm trong quản lý để nảy sinh tham nhũng (chức năng phòng ngừa); tiến hành điều tra đối với các tội phạm mà pháp luật chống tham nhũng quy định; bắt, giữ, khám xét người có dấu hiệu hoặc có hành vi tham nhũng; ra quyết định khởi tố hoặc truy tố.

- Về tổ chức nhân sự, thiết chế chuyên trách này có đội ngũ cán bộ chuyên trách chống tham nhũng với chính sách, chế độ đặc thù.

2.2. Mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, phi tập trung, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị

Đến nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới theo mô hình này. Các quốc gia không thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng tập trung mà thành lập các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận chuyên trách trong các cơ quan chức năng tương ứng (các cơ quan bảo vệ pháp luật tương ứng) để thực hiện chức năng chống tham nhũng, như: Cục điều tra chống tham nhũng thuộc Bộ Tư pháp ở Đài Loan (MJIB), Cục chống tham nhũng của cơ quan giám sát hành chính ở Ai Cập...

Những người đứng đầu cơ quan chức năng tương ứng (các cơ quan bảo vệ pháp luật tương ứng) là những người đứng đầu của các thiết chế chống tham nhũng theo mô hình này.

- Về tổ chức bộ máy, trong các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung thành lập các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận tương ứng với những tên gọi khác nhau, mang tính độc lập tương đối, phân hóa theo chuyên môn sâu. Đến lượt mình, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận chuyên môn đó bao gồm các cơ cấu tổ chức nhỏ hơn, có nhiệm vụ chống một hoặc một số loại tội phạm tham nhũng. Các cơ cấu tổ chức đó có các tên gọi khác nhau, hoạt động độc lập tương đối, trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trong chống tham nhũng. Ngoài ra, còn có các cơ quan, tổ chức, đơn vị tham mưu, tư vấn, kỹ thuật, tổ chức, hành chính, văn phòng để bảo đảm hoạt động thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả của các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung.

- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cơ bản sau: Tiếp nhận, điều tra các tố giác, tố cáo về các hành vi tham nhũng (chức năng phát hiện); điều tra và truy tố người có hành vi tham ô, hối lộ hoặc các vi phạm đạo đức nghề nghiệp khác trong đội ngũ công chức nhà nước (chức năng ngăn chặn và xử lý); kiểm tra, xem xét quá trình và phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm phát hiện những sơ hở yếu kém, sai phạm trong quản lý để nảy sinh tham nhũng (chức năng phòng ngừa); tiến hành điều tra đối với các tội phạm mà pháp luật chống tham nhũng quy định; bắt, giữ, khám xét người có dấu hiệu hoặc có hành vi tham nhũng; ra quyết định khởi tố hoặc truy tố.

- Về tổ chức nhân sự, các thiết chế chuyên trách này cũng có đội ngũ cán bộ chuyên trách chống tham nhũng với chính sách, chế độ đặc thù, nhưng không tập trung trong một thiết chế như mô hình thứ nhất mà ở các thiết chế chuyên trách tương ứng.

2.3. Mô hình sử dụng các thiết chế bảo vệ pháp luật chung để chống tham nhũng

Đến nay, số quốc gia còn lại (các quốc gia không theo hai mô hình nói trên) sử dụng các thiết chế (cơ quan) bảo vệ pháp luật chung để chống tham nhũng.

- Về tổ chức bộ máy, các thiết chế (cơ quan) bảo vệ pháp luật chung không thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, tập trung và cũng không thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, có các cơ quan độc lập bên trong, có chức năng riêng để chống tham nhũng mà chống tham nhũng được thực hiện thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tố tụng tư pháp... để phát hiện và điều tra những hành vi tham nhũng, như: Cơ quan thanh tra Quốc hội Thuỵ Điển, Cơ quan kiểm toán Thuỵ Điển, Ban thanh tra và kiểm toán Hàn Quốc, Bộ giám sát hành chính Trung quốc...

- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nhìn chung, các cơ quan này chủ yếu có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm phát hiện, điều tra, yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu, trả lời các chất vấn, giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mà không có chức năng xử lý các hành vi tham nhũng. Việc xử lý các hành vi tham nhũng do các cơ quan bảo vệ pháp luật chung như: Cơ quan điều tra, cơ quan Công tố, cơ quan Tòa án thực hiện theo quy định chung của pháp luật tố tụng hình sự.

- Về tổ chức nhân sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật chung sử dụng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan đó để chống tham nhũng; về cơ bản, không có chính sách, chế độ riêng đối với những người thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng.

Tóm lại, các nước/quốc gia theo mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng độc lập, tập trung đặc biệt coi trọng tính độc lập, tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của thiết chế chống tham nhũng. Tổ chức bộ máy ít đầu mối, tinh gọn, liên kết chặt chẽ, chịu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo. Thiết chế đó có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm pháp lý rộng lớn, đặc biệt quyền điều tra đặc biệt. Đội ngũ nhân sự chống tham nhũng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, liêm khiết, trung thành, được trả lương cao.

Các nước/quốc gia theo mô hình thành lập thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị vừa quan tâm đến tính độc lập, tính chuyên nghiệp vừa quan tâm đến tính phân công, tính phối hợp, tính kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức và hoạt động của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các thiết chế chống tham nhũng được chú trọng, phân định một cách rõ ràng, cụ thể. Trong các thiết chế đó, có một cơ quan có thẩm quyền vượt trội hơn so với các cơ quan còn lại trong hoạt động phòng chống tham nhũng, hạn chế tối đa sự can thiệp hoặc cản trở của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Đội ngũ nhân sự chống tham nhũng cũng phải đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, tinh nhuệ, liêm khiết, trung thành, được trả lương cao.

Các nước/quốc gia theo mô hình sử dụng các thiết chế bảo vệ pháp luật chung để chống tham nhũng là các nước/quốc gia có nền kinh tế phát triển, bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Sự giám sát lẫn nhau của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự kiểm soát giữa các đảng phái chính trị đã có tác động rất lớn đến việc giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay do diễn biến, tính chất tham nhũng hết sức phức tạp, các nước theo mô hình này đang có xu hướng thành lập các ủy ban hoặc cơ quan chống tham nhũng độc lập để tiến hành xem xét, điều tra hoặc tư vấn cho các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Như vậy, hiện nay trên thế giới có các mô hình khác nhau về các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước. Tuy nhiên, dù theo mô hình nào thì các thiết chế chống tham nhũng đều có hai chức năng cơ bản là: 1) Phát hiện tham nhũng; 2) Xử lý tham nhũng. Để thực hiện 02 chức năng cơ bản đó, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng có những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đặc thù do luật định.

GS.TS. Võ Khánh Vinh

Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

(Kiemsat.vn) - Các tội xâm phạm trật tự xã hội là nhóm có nhiều tội danh, chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu các nhóm tội phạm của Bộ luật Hình sự. Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị các vụ án, vụ việc xâm phạm trật tự xã hội.

Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử

(Kiemsat.vn) - Tội phạm công nghệ cao đang diễn ra rất phức tạp trên không gian mạng, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên, việc điều tra, xử lý nhóm tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, tác giả rút ra một số kinh nghiệm trong từng giai đoạn giải quyết vụ án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang