Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử

02/10/2024 15:05

(kiemsat.vn)
Tội phạm công nghệ cao đang diễn ra rất phức tạp trên không gian mạng, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị rất lớn, đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên, việc điều tra, xử lý nhóm tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, tác giả rút ra một số kinh nghiệm trong từng giai đoạn giải quyết vụ án.

Thời gian vừa qua, có nhiều vụ việc chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền rất lớn, lên đến hàng tỉ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đời sống của người dân. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, tác giả rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Phương thức, thủ đoạn, cách thức thực hiện hành vi phạm tội

Đa số các đối tượng phạm tội lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân… để đưa thông tin giả nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Các đối tượng đều sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ, chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau, chuyển đến một số app tiền ảo, quy đổi ra tiền Việt Nam đồng để xóa dấu vết dòng tiền; máy chủ thực hiện hành vi phạm tội đa số đặt ở nước ngoài (Campuchia, Indonesia, Singapore, Trung Quốc…). Khi hành vi phạm tội bị người bị hại phát hiện hoặc các cơ quan chức năng tiến hành điều tra thì chúng chặn liên lạc, xóa tài khoản, xóa các dấu vết, dữ liệu điện tử… nên việc thu thập dữ liệu điện tử, tài liệu, thông tin làm căn cứ xử lý loại tội phạm này rất khó khăn, còn nhiều vướng mắc.

Từ thực tiễn, tác giả tổng hợp một số thủ đoạn phạm tội sau:

Thứ nhất, nhóm thủ đoạn nhanh chóng tiếp cận người bị hại, đưa thông tin không có thật để thao túng tâm lý, làm cho người bị hại hoang mang phải làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt tài sản:

(1) Các đối tượng gọi điện cho người bị hại báo có tiền, quà có giá trị rất lớn từ nước ngoài gửi tặng; nhắn tin trúng thưởng và yêu cầu người bị hại nộp tiền thuế nhập khẩu và các chi phí vận chuyển hàng để chiếm đoạt tài sản;

(2) Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan nhà nước khác để gọi điện thoại đưa ra các thông tin giả về việc người bị hại có liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia, có khoản tiền lớn gửi tại ngân hàng đang bị phong tỏa, yêu cầu người bị hại khai báo toàn bộ tài sản hiện có, lập tài khoản, chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm hoặc tài sản khác vào tài khoản chỉ định để chiếm đoạt tiền của nạn nhân;

(3) Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo (chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản facebook, zalo nhắn tin cho bạn bè, người thân của chủ tài khoản hỏi vay tiền để chiếm đoạt tài sản);

(4) Dịch vụ lấy lại tài khoản facebook (các đối tượng tạo trang web quảng cáo dịch vụ lấy lại tài khoản facebook, yêu cầu người dùng cung cấp tiền cọc, thông tin cá nhân);

(5) Giả mạo nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, nhân viên chăm sóc khách hàng yêu cầu người bị hại (nạn nhân) cung cấp khoản tiền vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí làm thủ tục rồi chiếm đoạt; chào bán chương trình combo du lịch trọn gói giá rẻ;

(6) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công (các đối tượng lừa nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội, làm giả biên lai chuyển tiền thành công bằng phần mềm);

(7) Chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng, dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa (giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền đã chuyển nhầm; giả danh các nhân vật có uy tín, liên hệ cung cấp dịch vụ lấy lại tiền đã mất cho nạn nhân, yêu cầu nạn nhân thanh toán trước hoặc cung cấp thông tin cá nhân).

- Thứ hai, nhóm thủ đoạn tiếp cận người bị hại trong khoảng thời gian dài, lôi kéo người bị hại đầu tư tài chính ảo để chiếm đoạt tài sản, cụ thể: (1) Kết bạn trên các hội nhóm, tham gia game show ảo kết nối tình cảm (các đối tượng thông qua mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò tiếp cận người dùng, lợi dụng tình cảm của nạn nhân lừa chuyển tiền, kêu gọi đầu tư tài chính để chiếm đoạt tài sản); (2) Kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số (gửi link thanh toán trực tuyến tham gia sàn giao dịch ảo, yêu cầu nạn nhân gửi tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt tài sản); (3) Lừa đảo làm cộng tác viên làm việc online tại nhà, lương cao (giả mạo các trang sàn thương mại điện tử tiki, shopee, lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản).

2. Kinh nghiệm giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử

2.1. Giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin

Các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng thường tinh vi, phức tạp, thường xuyên thay đổi nên Kiểm sát viên phải tiếp cận nguồn tin sớm, nắm bắt được phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, đề ra yêu cầu xác minh, truy nguyên dòng tiền của các đối tượng chuyển từ tài khoản của người bị hại đến nhiều tài khoản khác để truy nguyên dấu vết của các đối tượng phạm tội. Đồng thời, yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) áp dụng các biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản ngân hàng (tài khoản chuyển tiền chiếm đoạt của bị hại) để ngăn chặn chuyển dịch tiền chiếm đoạt của người bị hại (nếu còn số dư tài khoản lớn).

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn K bị một số đối tượng giả danh Công an hình sự tỉnh D gọi điện đe dọa, thông báo gói hàng chuyển sang Anh quốc của ông K có liên quan đến vụ án ma túy, ông K nhận 3,8 tỉ tại tài khoản của Vietinbank đang bị phong tỏa, yêu cầu ông K khai báo toàn bộ tài sản và đến ngân hàng mở tài khoản, chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm vào tài khoản đó. Hậu quả, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt 542.003.000 đồng của ông K. Ngay sau khi bị lừa, ông K đã nhanh chóng đến cơ quan Công an tố giác tội phạm. Tiếp nhận nguồn tin, CQĐT đã điều tra làm rõ dòng tiền, phong tỏa tài khoản và thu hồi 200.000.000 đồng trả lại cho ông K.

Đặc trưng của nhóm hành vi phạm tội này là các đối tượng thường xóa dấu vết vật chất truy cập mạng điện tử, viễn thông, internet bằng cách xóa tài khoản điện tử, chặn liên kết với nạn nhân nên việc truy nguyên dấu vết tội phạm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Kiểm sát viên cần chú ý nghiên cứu kỹ các tài liệu ban đầu, kiểm tra các địa chỉ ID các tài khoản xã hội của người bị hại để yêu cầu Điều tra viên kiểm tra ngay các đường link xác định địa chỉ máy chủ, truy nguyên tung tích của người thực hiện hành vi phạm tội. Thực tiễn giải quyết nhóm hành vi phạm tội này cho thấy, hiện nay đa số các máy chủ đều được đặt ở nước ngoài (Campuchia, Đài Loan, Philippines), không xác định được vị trí tại Việt Nam nên khó xử lý các đối tượng này. Do vậy, Kiểm sát viên cần lưu ý thẩm quyền điều tra, xác minh những nguồn tin này thuộc CQĐT cấp tỉnh; khi tiếp nhận nguồn tin tại CQĐT cấp huyện, tùy từng trường hợp nếu có căn cứ xác định máy chủ ở nước ngoài thì cần chuyển nguồn tin đến CQĐT có thẩm quyền giải quyết.

Đặc trưng của chứng cứ trong các vụ án liên quan đến nhóm tội danh này là dữ liệu điện tử được sao lưu vào thẻ nhớ, usb hoặc ổ cứng di động dưới dạng file html, pdf hoặc file hình ảnh, video về quá trình sử dụng trình duyệt web hoặc ứng dụng để đăng nhập. Kiểm sát viên cần chú ý, sau khi sao lưu những tài liệu này vào các thiết bị điện tử phải in các tài liệu đã trích xuất; việc thu thập dữ liệu phải có người chứng kiến, lập biên bản và xác nhận của những người liên quan.

Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên đánh giá chứng cứ sơ bộ ban đầu để xác định hành vi khách quan mà các đối tượng thực hiện có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) để định hướng điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết nguồn tin chính xác.

Quá trình giải quyết nguồn tin thường phải gia hạn thời hạn điều tra xác minh, do vậy, Kiểm sát viên phải thường xuyên đôn đốc Điều tra viên thực hiện các yêu cầu xác minh để tránh tình trạng gia hạn thời hạn điều tra xác minh giải quyết nguồn tin mà Điều tra viên không thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ.

Kiểm sát viên cần chú ý kiểm sát căn cứ ban hành các quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đảm bảo tính hợp pháp của các quyết định này. Đồng thời, thực hiện tốt các quy trình báo cáo đề xuất giải quyết nguồn tin được quy định trong Quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 111/2020 ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế số 111/2020).

2.2. Giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra

Chứng cứ trong các vụ án này hầu hết là chứng cứ điện tử, nguồn dữ liệu điện tử được CQĐT thu thập trong quá trình giải quyết nguồn tin. Kiểm sát viên cần chú ý hoạt động trưng cầu giám định nguồn dữ liệu điện tử để có thể truy nguồn gốc đối tượng phạm tội; thu thập sao kê ngân hàng, xác định danh tính các đối tượng liên quan đến dòng tiền đã chiếm đoạt của người bị hại để truy tìm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Kiểm sát việc thu thập lời khai của các đối tượng chủ tài khoản ngân hàng nhận tiền từ tài khoản của người bị hại chuyển đến để xác định mối liên quan của những người này với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp qua công tác trinh sát, CQĐT đã dò tìm được máy chủ ở Việt Nam, động viên đối tượng phạm tội đến cơ quan đầu thú, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên hỏi người đầu thú ngay từ đầu, nhất là phải tổ chức ngay cho đối tượng đầu thú thực hiện lại các thao tác, hành vi “đột nhập” vào các phương tiện điện tử, trang mạng điện tử để xác định chính xác người đầu thú là người thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Vụ án Đoàn Công N chiếm đoạt tài khoản facebook của chủ tài khoản, nhắn tin vay tiền bạn bè của họ để lấy tiền chơi game. Người bị hại đã đến Công an trình báo. Cơ quan điều tra tiến hành xác minh định vị máy chủ đã xác định được vị trí của N. Ngay sau khi đối tượng đến đầu thú, CQĐT đã thông báo cho Viện kiểm sát phối hợp cử Kiểm sát viên tham gia hỏi và cùng tổ chức cho đối tượng diễn tả lại hành vi đột nhập vào tài khoản facebook của người khác, đồng thời, thu thập lời khai của các nhân chứng khác,…

Kiểm sát viên chú ý kiểm sát các căn cứ khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn đối với bị can… theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Quy chế số 111/2020; trong đó chú ý phân biệt các dấu hiệu đặc trưng cấu thành tội danh cụ thể đã được nêu ở trên để làm căn cứ xác định chính xác tội danh khi đề xuất Lãnh đạo Viện xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với bị can.

Trường hợp vụ án có bị can, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên thu giữ các phương tiện, thiết bị điện tử của bị can để tiến hành trưng cầu, giám định làm rõ chứng cứ vật chất chứng minh phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội.

Ví dụ: Vụ án Nguyễn Mạnh Đức C đột nhập vào tài khoản của chủ tài khoản chiếm đoạt 150.000.000 đồng của chị Phạm Thị Thu H. Ở giai đoạn điều tra, CQĐT đã tiến hành cho C thực nghiệm điều tra thủ đoạn thu thập ID, thông tin của người dùng để dò mật khẩu tài khoản, lấy facebook của người dùng. Sau khi lấy được facebook, C thay đổi mật khẩu để chiếm đoạt quyền sử dụng facebook của chủ tài khoản và thực hiện hành vi lừa tiền của người thân, bạn bè chủ tài khoản.

Kiểm sát viên ban hành các yêu cầu điều tra làm rõ dòng tiền của người bị hại được chuyển đến tài khoản ngân hàng hay qua các ví điện tử, app thanh toán trung gian hoặc đầu tư tiền ảo để xóa dấu vết dòng tiền, mặt khác, Kiểm sát viên cũng cần chú ý đề ra các yêu cầu điều tra xác minh làm rõ khả năng tài chính, nguồn thu nhập, tài sản của người phạm tội để chứng minh khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Đối với các trường hợp xác định được máy chủ của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đặt ở nước ngoài, Kiểm sát viên cần chú ý đề ra các yêu cầu về tương trợ tư pháp để hỗ trợ việc thu thập chứng cứ, truy tìm dấu vết người thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp xác định được các đối tượng có dấu hiệu đồng phạm, Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên khẩn trương thực hiện thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu để điều tra mở rộng vụ án, nhanh chóng tiến hành các biện pháp khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật để ngăn chặn các đối tượng tiêu hủy chứng cứ.

Tương tự như giai đoạn kiểm sát giải quyết nguồn tin, các vụ án chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet, phương tiện điện tử thường kéo dài, phải gia hạn thời hạn điều tra để xác minh, làm rõ các đối tượng liên quan trong vụ án. Kiểm sát viên phải chú ý thường xuyên trao đổi với Điều tra viên nắm bắt diễn biến thu thập chứng cứ, kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án; thường xuyên đôn đốc Điều tra viên thực hiện các yêu cầu điều tra, báo cáo lãnh đạo Viện ban hành văn bản đôn đốc CQĐT thực hiện yêu cầu điều tra, tránh tình trạng gia hạn thời hạn điều tra mà Điều tra viên không thực hiện bất kỳ hoạt động điều tra, xác minh nào.

2.3. Giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử

Do chứng cứ trong các vụ án này là dữ liệu điện tử, nên quá trình xét xử, Kiểm sát viên cần trao đổi với Thẩm phán chuẩn bị các thiết bị để trình chiếu các dữ liệu điện tử thu thập được nhằm tăng tính thuyết phục. Đồng thời, đây cũng là phương thức ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết án hình sự, góp phần thực hiện khâu đột phá, chủ trương chung của Ngành trong việc chuyển đổi mô hình “Viện kiểm sát số” trong tương lai.

Xuất phát từ đặc trưng của dữ liệu điện tử là dễ bị hỏng, mất do virus xâm nhập, thiết bị lưu trữ không đảm bảo nên ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra các nguồn tài liệu chứng cứ điện tử được thu thập trong vụ án có đảm bảo sử dụng được tại phiên tòa hay không để yêu cầu cơ quan giám định phục hồi dữ liệu hoặc trích xuất dữ liệu điện tử được lưu giữ bảo quản khi giám định.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần phải nắm vững kiến thức về công nghệ thông tin, hiểu chính xác các thuật ngữ về công nghệ thông tin, từ đó tranh tụng với bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị huỷ do vi phạm về đánh giá chứng cứ

(Kiemsat.vn) - Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm về “Tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Nguyễn B với bị đơn bà Nguyễn Thị B của Tòa án nhân dân tỉnh P có vi phạm. Quá trình giải quyết vụ án Toà án cấp sơ thẩm có vi phạm dẫn đến cấp phúc thẩm huỷ án.

Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

(Kiemsat.vn) - Các tội xâm phạm trật tự xã hội là nhóm có nhiều tội danh, chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu các nhóm tội phạm của Bộ luật Hình sự. Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện hiệu quả công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và trả lời thỉnh thị các vụ án, vụ việc xâm phạm trật tự xã hội.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang