Trao đổi bài viết: “Trao đổi về xác định là tình tiết định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm đối với người phạm tội”
(kiemsat.vn) Qua nghiên cứu bài viết “Trao đổi về xác định là tình tiết định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm đối với người phạm tội” của tác giả Đặng Thị Thủy (VKSND TP. Hải Dương) đăng trên Tạp chí Kiểm sát online ngày 03/6/2024, tác giả xin được đưa ra ý kiến trao đổi.
Trao đổi về xác định là tình tiết định khung hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm đối với người phạm tội
Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Tham nhũng trong mối quan hệ với buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam
Tình huống được nêu ra trong bài viết là trường hợp Vũ Trung K, sinh năm 1978, trú tại thôn A, xã D, huyện E, tỉnh H. Ngày 31/10/2023, K thực hiện hành vi phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy (lượng ma túy thu giữ khi bắt quả tang là 0,75 gam heroine). Khi xem xét tiền án, nhân thân của K thấy trước đó K đã bị Tòa án nhân dân huyện E xử phạt 15 tháng tù về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, K chấp hành xong hình phạt tù ngày 16/12/2022.
Với tình huống trên, hiện còn có các quan điểm giải quyết khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Vũ Trung K phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm a, c khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự (BLHS). Quan điểm thứ hai cho rằng, Vũ Trung K phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm theo điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, theo khoa học pháp lý hình sự thì các đặc điểm về nhân thân người phạm tội như tiền án - “đã bị kết án về tội… chưa được xóa án tích” hay tiền sự - “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi…” thường được sử dụng là tình tiết định tội trong một số trường hợp mà định lượng về tính chất hoặc hậu quả của hành vi đã thực hiện chưa đạt mức tối thiểu để xử lý hình sự như đối với trường hợp thông thường. Còn khi hành vi thực hiện đã đủ định lượng về tính chất hoặc hậu quả mà BLHS quy định đối với trường hợp thông thường thì các đặc điểm về nhân thân nêu trên được xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm, tái phạm nguy hiểm hoặc nhân thân xấu - không tốt khi quyết định hình phạt. Ví dụ như: Trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản theo các điểm a, b khoản 1 Điều 173 BLHS, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo các điểm a, b khoản 1 Điều 174 BLHS mà giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng, tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS mà giá trị tiền hoặc hiện vật đánh bạc dưới 5.000.000 đồng… Ngoài ra, còn một số tội phạm cụ thể tại các chương khác nhau của BLHS cũng có quy định tương tự.
Do đó, với kết cấu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 252 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, có thể hiểu “ý đồ” của nhà làm luật khi thiết kế điểm a khoản 1 Điều BLHS là chỉ áp dụng điểm này khi khối lượng hoặc thể tích ma túy không đủ mức tối thiểu quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS. Không phải ngẫu nhiên mà nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “vi phạm” trong điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS mà không sử dụng các thuật ngữ khác như “phạm tội” hay “thực hiện hành vi tương tự”... Trong khoa học pháp lý hình sự, “vi phạm” có nội hàm rộng hơn thuật ngữ “phạm tội” nhưng tính chất của “vi phạm” thì ít nguy hiểm hơn, ở dưới mức “phạm tội” và chỉ khi có thêm tình tiết về nhân thân - tiền án hoặc tiền sự của người vi phạm kết hợp lại thì “vi phạm” mới nguy hiểm hơn, phát triển thành “tội phạm” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, với lượng ma túy thu giữ khi bị bắt quả tang ngày 31/10/2023 là 0,75 gam heroine thì hành vi mà K thực hiện đã đủ định lượng theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS là từ 0,1 gam đến dưới 5 gam nên đã đủ yếu tố định tội, K phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS. Với 01 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy trước đó mà K mới chấp hành xong hình phạt 15 tháng tù vào ngày 16/12/2022 thì K phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm nhằm đánh giá đúng bản chất hành vi phạm tội ngày 31/10/2023 của K, đồng thời phản ánh thái độ chấp hành pháp luật của K. Giả dụ K sau khi chấp hành xong án phạt tù lần này, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với khối lượng tương đương ngày 31/10/2023. Khi đó, nếu áp dụng cả điểm a và điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS ở lần K phạm tội ngày 31/10/2023 thì lần phạm tội mới này K vẫn chỉ bị xử lý theo điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS, do tiền án lần 1 đã “tích hợp” ở điểm a của lần phạm tội thứ hai và tiền án lần hai thì tiếp tục được tích hợp vào điểm a của lần phạm tội mới này, trong khi thực chất lần phạm tội mới này đã là lần phạm tội thứ ba của K mà định lượng ma túy vẫn đủ theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS, nhưng không được xem xét là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Hơn nữa, nếu giả dụ có một người khác cũng có hành vi phạm tội tương tự như K, chỉ khác duy nhất lần đầu phạm tội là tội trộm cắp tài sản. Khi đó, ở lần phạm tội thứ hai, người này bị xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều BLHS. Đến lần phạm tội thứ ba thì người này sẽ thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 2 Điều 249 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù. Trong khi đó nếu K tiếp tục phạm tội chỉ bị xử lý theo điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS có mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm tù. Như vậy không bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về các tội phạm về ma túy cần quy định, giải thích rõ ràng theo hướng điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS được áp dụng khi và chỉ khi nào người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng hoặc thể tích dưới mức tối thiểu quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 BLHS để thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Bài viết chưa có bình luận nào.