Sử dụng chứng cứ đấu tranh với bị can trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy
(kiemsat.vn) Tội phạm mua bán trái phép chất ma túy là loại tội phạm ẩn, nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn, các đối tượng bị bắt thường quanh co chối tội, trong khi việc điều tra làm rõ nội dung vụ án phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can. Từ kết quả giải quyết vụ án “mua bán trái phép chất ma túy”, tác giả rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và sử dụng để đấu tranh với các bị can trong vụ án.
Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Những vấn đề rút ra từ thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Ngày 05/10/2022, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên tòa hình sự xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Viết H và Trịnh Văn T mua bán trái phép chất ma túy, xảy ra ngày 12/10/2019 tại thị trấn A, huyện B, tỉnh Q theo kháng cáo của hai bị cáo. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm đã tuyên, xử phạt bị cáo H 20 năm tù, bị cáo T 16 năm tù. Do đặc điểm của tội phạm mua bán trái phép chất ma túy có tính chống đối cao, cả bị cáo H và T đều từng làm công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy, có nhiều thủ đoạn, nên để có được kết quả trên, Điều tra viên đã vận dụng linh hoạt và sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm. Qua quá trình trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và sử dụng để đấu tranh với bị can, tác giả rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn như sau:
1. Nội dung vụ án
Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 13/10/2019, tổ công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thành phố N kiểm tra xe ô tô do Cao Đăng Q điều khiển, trên xe có Trần Khánh M ngồi ở ghế trước, Nguyễn Duy B và Phạm Hoàng H ngồi ở hàng ghế sau, phát hiện dưới ghế ngồi phía trước một gói chất bột màu trắng nghi là ma túy, có trọng lượng 277,10 gam được bọc trong gói nylon màu xanh kích thước 20cm x 14cm. Xác minh cho thấy đây là heroin, tổ công tác đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với B và H. Trong suốt quá trình điều tra, Nguyễn Duy B không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an thành phố N kết luận đề nghị truy tố đối với Nguyễn Duy B và Phạm Hoàng H về Tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 08/9/2020, Nguyễn Duy B khai báo được Trịnh Văn T, nguyên cán bộ Đội phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố N bảo đảm, B quen biết và đặt mua của Nguyễn Viết H công tác tại Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Q 0,5 kg ketamin với giá 240 triệu đồng. Ngày 12/10/2019, Nguyễn Duy B rủ những người trên đến thị trấn A chơi và bảo riêng Phạm Hoàng H đi nhận ma túy từ Nguyễn Viết H. Trên đường vận chuyển số ma túy này về thành phố N, B kiểm tra thấy không phải ketamin thì liên lạc với H nhưng không được (do H tắt điện thoại và hủy sim đã dùng để liên lạc) nên B gọi điện thoại báo cho T biết và yêu cầu trả hàng lấy lại tiền. T bảo B chụp hình gói ma túy gửi cho T xem. Tuy nhiên, B chưa kịp gửi hình thì bị cơ quan Công an bắt giữ. Do có tình tiết mới, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu cơ quan CSĐT Công an thành phố N chuyển tin báo liên quan đến 02 quân nhân BĐBP đến Cơ quan điều tra hình sự BĐBP giải quyết.
Ngày 20/11/2020, Tòa án nhân dân thành phố N xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Duy B tù chung thân và Phạm Hoàng H 20 năm tù về Tội mua bán trái phép chất ma túy. Đến tháng 8/2021, trong khi thi hành bản án sơ thẩm, Nguyễn Duy B đã tự tử tại trại giam nên công tác điều tra của Cơ quan điều tra hình sự BĐBP gặp nhiều khó khăn do vụ án mang tính chất truy xét, chứng cứ gốc không còn, thời gian xảy ra đã lâu nên H và T có thời gian thống nhất lời khai... Trong quá trình lấy lời khai cũng như hỏi cung, Nguyễn Viết H không thừa nhận quen biết và gặp B mua bán ma túy, còn T chỉ thừa nhận đêm 12/10/2019 có nghe việc B gọi điện thoại mắng H “bán hàng giả như bột sắn dây”. T không biết là hàng gì nên có bảo B chụp hình gói hàng giả gửi T xem nhưng không thấy nên đi ngủ.
Sáng hôm sau, T đến cơ quan CSĐT Công an thành phố N hỏi mới biết B bị bắt. T có quen biết với Nguyễn Viết H do hai người học cùng trường, có mối quan hệ một thời gian với B do từng xây dựng B làm cộng tác viên chống tội phạm ma túy nhưng đã thanh loại. T không biết gì việc H và B gặp nhau mua bán ma túy. Nếu việc chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Viết H có thuận lợi hơn vì ngoài lời khai của B, những người đi cùng B được Cơ quan điều tra cho nhận dạng và đều nhận dạng được H thì việc tiến hành lấy lời khai, hỏi cung để đấu tranh chứng minh hành vi phạm tội của T là một quá trình phức tạp. Điều tra viên hiểu rằng, đây là bị can am hiểu luật pháp, từng có nhiều kinh nghiệm điều tra, khai báo có lợi cho mình (vì chỉ có một chứng cứ trực tiếp là lời khai của B gọi điện thoại nói chuyện với T trước khi bị bắt). Với lời khai này, T có ý định trốn tránh trách nhiệm của mình.
Để chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của T, Điều tra viên đã khai thác đặc điểm nhân thân của T và B, mối quan hệ giữa hai người, lựa chọn thời điểm đưa ra lời khai của B để đấu tranh kết hợp với khai thác hình chụp gói ma túy lưu giữ trong điện thoại của B, dữ liệu thời gian liên lạc điện thoại để tác động tâm lý.
2. Một số kinh nghiệm rút ra từ quá trình giải quyết vụ án
Thứ nhất, khai thác đặc điểm nhân thân và những vấn đề liên quan của Trịnh Văn T để phục vụ hỏi cung, bao gồm những nội dung như nghiên cứu về trình độ văn hóa, quá trình công tác, mối quan hệ, nhân thân của đối tượng Nguyễn Duy B trong vụ án... Điều tra viên nhận thấy, quá trình công tác, T có nhiều thành tích trong đấu tranh chống tội phạm ma túy. Việc này giúp Điều tra viên lựa chọn chiến thuật hỏi cung, đó là không hỏi trực tiếp ngay nội dung vụ án mà tập trung làm rõ về những thành tích bị can T đã đạt được để bị can thừa nhận là người có năng lực. Sau khi T thừa nhận những vấn đề về đặc điểm nhân thân thì Điều tra viên mới bắt đầu hỏi vào những vấn đề chính như nhận thức khi biết việc B gọi điện thoại mắng H “bán hàng giả như bột sắn dây”, buộc bị can phải thừa nhận đây là câu hỏi khó vì đã khai là cán bộ có năng lực thì không thể không biết đấy là chất ma túy mà H và B vừa mua bán với nhau. Trước một vấn đề mà bị can cố tình che giấu, nay phải khai nhận thì bị can T bối rối; điều này đã giúp cho Điều tra viên hiểu rằng bị can T đang có sự dao động. Lúc này, Điều tra viên mới tác động tâm lý, khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong con người làm bị can bước đầu khai nhận hành vi phạm tội.
Thứ hai, để sử dụng những ảnh chụp chất ma túy để đấu tranh thì Điều tra viên phải thu thập tài liệu, các căn cứ khẳng định sự việc đối tượng B dùng điện thoại chụp ảnh gói ma túy là theo đúng yêu cầu của bị can T để xây dựng kế hoạch hỏi cung phù hợp. Khi đã nắm chắc nội dung sự việc và thủ đoạn che giấu tội phạm của bị can T thì Điều tra viên hỏi trực tiếp vào những nội dung, thủ đoạn đó. Khi đã phải khai về thủ đoạn che giấu thì bị can T mặc nhiên thừa nhận hành vi phạm tội. Lúc đó, điều tra viên hỏi sâu thêm về vị trí, vai trò của T kết hợp tác động tâm lý để bị can thấy rõ trách nhiệm của từng người thì việc lấy lời khai, chứng minh tội phạm sẽ thuận lợi hơn.
Thứ ba, do khung hình phạt đối với tội phạm ma túy là rất nghiêm khắc, bị can T, H thường hay thay đổi lời khai nên mỗi buổi hỏi cung, khi bị can khai nhận vấn đề gì phù hợp với tài liệu, chứng cứ thì ngoài biện pháp củng cố như ghi âm, ghi hình, viết tự khai, Điều tra viên cần phối hợp với Kiểm sát viên cùng tham gia hỏi cung để Kiểm sát viên nắm được thủ đoạn khai báo, đảm bảo quá trình điều tra khách quan, toàn diện. Giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên phải thường xuyên trao đổi, tổng hợp lại những nội dung đã đạt được cũng như chưa đạt được trong quá trình hỏi cung và lập kế hoạch hỏi cung tiếp theo. Những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình hỏi cung phải được Điều tra viên và Kiểm sát viên đưa ra thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất, kịp thời báo cáo lãnh đạo hai cơ quan những vấn đề phát sinh để có biện pháp tháo gỡ.
Thứ tư, cần làm tốt từ khâu chuẩn bị hỏi cung đến khả năng điều chỉnh bản thân, trạng thái tâm lý. Trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên phải nghiên cứu kỹ nội dung vụ án, bị can và xây dựng kế hoạch hỏi cung trình lãnh đạo Cơ quan điều tra phê duyệt trước khi thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, Điều tra viên xác định chính xác phạm vi những vấn đề cần đạt được trong mỗi buổi hỏi cung, lựa chọn những tài liệu, chứng cứ cần sử dụng và chiến thuật hỏi cung phù hợp. Kế hoạch hỏi cung cần nêu các câu hỏi cụ thể kể cả những câu thăm hỏi, tâm sự hay có mục đích làm bị can có thiện cảm với Điều tra viên và dự kiến chiến thuật cho từng nội dung tránh việc bị can thay đổi lời khai,… Trong vụ án trên, bị can H và T nhiều lần đòi thay đổi Điều tra viên thì mới làm việc. Do có sự chuẩn bị trước nên Điều tra viên đã có sự chủ động và thái độ bình tĩnh giải thích cho bị can những quy định của Điều 49, 51 Bộ luật Tố tụng hình sự về thay đổi Điều tra viên và yêu cầu bị can đối chiếu quy định pháp luật với hành vi tố tụng của Điều tra viên có gì vi phạm không để bị can thấy được sự vô lý của mình và nghiêm túc làm việc. Việc làm tốt công tác chuẩn bị còn giúp Điều tra viên bình tĩnh, tự tin trước thái độ ngoan cố, bất hợp tác của bị can.
Thứ năm, vụ án mua bán trái phép chất ma túy có địa bàn rộng trải dài từ thành phố đến các xã vùng sâu, liên quan đến nhiều người, có nhiều tình tiết phức tạp cùng với thái độ ngoan cố của bị can khiến cho việc nhận thức, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong BĐBP có lúc không thống nhất. Do đó, Điều tra viên khi được giao hỏi cung bị can trong các vụ án mua bán trái phép chất ma túy phải rèn luyện tinh thần khắc phục khó khăn, sẵn sàng hy sinh quyền lợi để hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác cần kiên trì, nhẫn nại khi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và thường xuyên báo cáo kết quả hỏi cung đến lãnh đạo đơn vị nắm được tình hình, kịp thời có biện pháp chỉ đạo.
ThS. Nguyễn Trường Giang
Tham nhũng trong mối quan hệ với buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.