Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích

17/10/2024 15:29

(kiemsat.vn)
Hiện nay, khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong vận dụng Án lệ số 47/2021/AL để xử lý hành vi giết người chưa đạt; xác định “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng và việc áp dụng khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Một số khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án giết người

Thứ nhất, về vận dụng Án lệ số 47/2021/AL ngày 25/11/2021 về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại (Án lệ số 47) để xử lý hành vi giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt:

Theo Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47,  ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại, thì cần xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án; các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí trên cơ thể của bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng của người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án giết người vẫn có quan điểm cho rằng, chỉ cần căn cứ vào yếu tố “dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể” là có thể khẳng định người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại và áp dụng Án lệ số 47 để khởi tố người phạm tội về Tội giết người, mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác như: Mâu thuẫn giữa người phạm tội và bị hại, cường độ tấn công của người phạm tội; tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại và nhân thân của người phạm tội. Do vậy, vẫn còn nhận thức chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về định tội danh giữa Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích.

Thứ hai, thực tiễn hiện nay, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao và Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1995 để xác định tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng trong Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, những hướng dẫn và kết luận này chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến việc áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” không thống nhất, phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của người đánh giá.

Thứ ba, về định tội danh trong vụ án người phạm tội dùng điện để bẫy chuột, hậu quả xảy ra là cùng lúc một người chết và một người bị thương tỉ lệ thương tích 20%.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần khởi tố người phạm tội về Tội giết người theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) và Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ khởi tố người phạm tội về Tội giết người theo điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung: “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.

Theo tác giả, trường hợp này, người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả là 01 người chết và 01 người bị thương, nên cần xử lý người phạm tội về hai tội là giết người và cố ý gây thương tích.

Thứ tư, về xử lý Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Thực tiễn hiện nay, quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất. Một số cơ quan cho rằng, hậu quả không nhất thiết là bị hại chết; một số cơ quan khác lại cho rằng, hậu quả bị hại chết thì mới cấu thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

2. Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án cố ý gây thương tích

Thứ nhất, về áp dụng khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015:

Khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Quy định này gây ra nhiều bất cập và tính khả thi không cao. Thực tế, những hành vi được mô tả tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 thường được các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý về Tội gây rối trật tự công cộng.

Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (Công văn số 89) hướng dẫn trường hợp “Do có mâu thuẫn từ trước nên một nhóm đối tượng bàn bạc chuẩn bị các loại hung khí như búa đinh, dao phay, kiếm, tuýp sắt dài nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Khi đang trên đường đi gây án thì bị phát hiện và được ngăn chặn kịp thời. Trường hợp này nhóm đối tượng trên có bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích không?”, như sau: Quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra… Do đó, các đối tượng này có đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, Công văn số 89 mới chỉ khẳng định các đối tượng đủ điều kiện về mặt hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, mà chưa đề cập đến khách thể của tội phạm.

Vấn đề đặt ra là: Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại…”, mà không khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015. Trong khi đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 thấp hơn khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, vì chưa có đối tượng bị tác động, ảnh hưởng. Vì vậy, cần bổ sung khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015 vào các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại; hoặc bãi bỏ khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015, vì những hành vi được mô tả tại khoản này đã được điều chỉnh bởi Tội gây rối trật tự công cộng.

Thứ hai, về xử lý hành vi thuộc hai khoản khác nhau của Điều 134 BLHS năm 2015:

Ví dụ: A dùng dao gây thương tích cho B tỉ lệ 35% và gây thương tích cho C tỉ lệ 21%. Do A gây thương tích cho 02 bị hại với 02 mức thương tật khác nhau (35% và 21%), nên khó xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý A theo Điều 134 BLHS năm 2015.

Có hai quan điểm về hướng xử lý A như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần truy cứu A theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”, nhằm đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần truy cứu A theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của phòng, chống tội phạm.

Theo tác giả, để thống nhất việc áp dụng pháp luật, cần hoàn thiện các quy định trên theo hướng: Bổ sung tình tiết định khung: “Gây thương tích cho 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ ...”, thay vì quy định tỉ lệ thương tật của mỗi người.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, đối với hoạt động thu thập dấu vết trên hiện trường, tử thi, dấu vết trên thân thể người bị hại; vật chứng; lời khai ban đầu của đối tượng, người làm chứng... trong vụ án giết người, cố ý gây thương tích. Đây là các hoạt động vô cùng quan trọng, phải được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; đảm bảo tính khách quan, thận trọng, toàn diện và có căn cứ pháp luật. Do đó, khi có vụ việc giết người, lãnh đạo Viện kiểm sát cần phân công ngay Kiểm sát viên tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi, kiểm sát lấy lời khai. Đối với vụ việc chưa rõ đối tượng hoặc chết nhiều người, lãnh đạo Viện phải trực tiếp tham gia chỉ đạo tại hiện trường. Kiểm sát viên cần phối hợp ngay với Điều tra viên tại hiện trường để định hướng điều tra, xác minh làm rõ hành vi của từng đối tượng tham gia.

Viện kiểm sát cần ban hành nhiều kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật để địa phương có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng đề án phòng ngừa tội phạm giết người và cố ý gây thương tích.

Thứ hai, đối với việc giám định thương tật trong vụ án cố ý gây thương tích. Kiểm sát viên cần xem xét kỹ kết luận giám định, đối chiếu với biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, bệnh án; kịp thời phát hiện các kết luận giám định không khách quan để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra oan, sai.

Thứ ba, đối với các trường hợp chưa thống nhất quan điểm khi vận dụng Án lệ số 47, cần có sự phối hợp liên ngành, hoặc phải thỉnh thị liên ngành cấp trên.

Thứ tư, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua việc giải quyết án; rút kinh nghiệm từ các vụ án cụ thể để nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, Kiểm sát viên.

Lê Văn Đông

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang