Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hợp đồng vay tài sản

18/03/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định tương đối cụ thể về hợp đồng nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng. Tuy nhiên, quy định điều chỉnh về loại hợp đồng này vẫn còn một số bất cập, vướng mắc liên quan đến đối tượng, hình thức hợp đồng, nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền khi thực hiện hợp đồng, lãi suất vay; từ đó đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm áp dụng thống nhất, hiệu quả trong thực tiễn.

1. Quy định pháp luật về hợp đồng vay tài sản

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự  (BLDS) năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Hợp đồng vay tài sản có một số đặc điểm sau:

Hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng song vụ hoặc hợp đồng đơn vụ. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ khi mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau (Điều 402 BLDS năm 2015); có nghĩa là, quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia, có tính chất “có đi, có lại”, thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực cũng đồng thời phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Ngược lại, hợp đồng vay tài sản sẽ là hợp đồng đơn vụ khi thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên vay chuyển giao tài sản cho bên cho vay, kể từ thời điểm này mới phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể.

Đối tượng của hợp đồng vay tài sản là các loại tài sản mà cá nhân, tổ chức được phép sở hữu. Tài sản theo quy định là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản (Điều 105 BLDS năm 2015). Tuy nhiên, không phải tài sản nào được liệt kê trên cũng đều thuộc đối tượng điều chỉnh của hợp đồng vay tài sản. Bởi đối tượng của hợp đồng vay tài sản phải là các động sản. Ngoài ra, không phải động sản nào cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, bên cạnh các điều kiện chung về tính hợp pháp, động sản chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Điều này đồng nghĩa rằng, các loại vật khác như vật đặc định, vật không tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, chúng chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn tài sản. Bên cạnh đó, tài sản cho vay phải là tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, chiếm hữu, sử dụng hợp pháp của bên cho vay.

Về hình thức hợp đồng: Theo quy định thì khi giao kết, hình thức hợp đồng dân sự mà các bên tham gia có thể áp dụng là bằng miệng, bằng văn bản, bằng hành vi, bằng thông điệp dữ liệu (Điều 119 BLDS năm 2015). Như vậy, hợp đồng vay tài sản cũng sẽ có những hình thức trên và các bên sẽ được tự do thỏa thuận lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, để hạn chế tranh chấp, các bên tham gia vào hợp đồng nên lựa chọn hình thức bằng văn bản. Bởi hình thức bằng miệng chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp cho vay với giá trị tài sản không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân thiết. Một khi tranh chấp xảy ra, những hợp đồng vay tài sản bằng miệng thường rất khó chứng minh, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên.

Đối với việc xác định thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng vay tài sản, về nguyên tắc, ai là chủ sở hữu tài sản thì phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản của mình. Các bên có thể thỏa thuận cụ thể về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản trong hợp đồng vay. Nếu trong quá trình giao kết, các bên không thỏa thuận thì khi bên vay tài sản nhận tài sản cho vay sẽ là thời điểm chuyển rủi ro. Hợp đồng vay tài sản là một loại hợp đồng chuyển quyền sở hữu nên khi bên vay nhận tài sản cũng chính là thời điểm bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản và phải gánh chịu mọi rủi ro liên quan (nếu trường hợp không thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro).

Về phân loại, hợp đồng vay tài sản gồm hợp đồng vay không kỳ hạn và hợp đồng vay có kỳ hạn. Hợp đồng vay không kỳ hạn (có lãi và không có lãi) là loại hợp đồng mà bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý. Còn đối với hợp đồng vay có kỳ hạn (có lãi và không có lãi), nghĩa vụ của bên vay phụ thuộc vào kỳ hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Bất cập trong quy định pháp luật về hợp đồng vay tài sản

Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản cho thấy một số hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, về đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Trên thực tế, đối tượng của hợp đồng này thường là tiền, vì đây là tài sản trao đổi ngang giá chung cho mọi hàng hóa, thuận tiện cho việc trao đổi và thanh toán khi trả nợ. Tuy nhiên, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là tiền trong một số trường hợp lại mâu thuẫn với văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn, Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Có thể thấy, ngoại hối là đối tượng bị hạn chế trong các giao dịch. Ngoại hối cũng là tiền. Do vậy, hiện việc quy định đối tượng của hợp đồng vay tài sản chưa thật sự rõ ràng, nhầm lẫn giữa hai đối tượng là tiền và ngoại hối. Một vấn đề khác cũng được đặt ra: Tài sản hình thành trong tương lai có được xem là đối tượng của hợp đồng vay tài sản không?

Thứ hai, về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Như đã đề cập, hình thức hợp đồng vay tài sản do các bên thỏa thuận lựa chọn một trong các hình thức của hợp đồng dân sự nói chung. Tuy nhiên, luật không quy định khi nào hợp đồng vay tài sản được giao kết bằng miệng, khi nào được giao kết bằng văn bản, bằng hành vi hay bằng thông điệp dữ liệu. Do vậy, trên thực tế, đa phần các tranh chấp đều phát sinh đối với trường hợp giao kết hợp đồng vay tài sản bằng miệng vì các bên tham gia trong quan hệ hợp đồng này thường dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên họ thường chỉ vay mượn bằng lời nói, chỉ đến khi có mâu thuẫn và phát sinh tranh chấp, các bên lại không có giấy vay để chứng minh.

Ví dụ: Ngày 26/12/2016, chị L vay của bà U 20 triệu đồng, thời hạn trả ngày 26/01/2017, có giấy vay tiền do chị L ký. Trong giấy vay tiền không thỏa thuận lãi suất, nhưng có thỏa thuận bằng miệng lãi suất là 3.000 đồng/ 01 triệu/ 01 ngày. Đến hạn trả nợ, chị L chỉ trả được cho bà U 03 tháng lãi theo thỏa thuận với số tiền là 5,4 triệu đồng và không trả được tiền gốc. Bà U khởi kiện yêu cầu chị L phải có nghĩa vụ trả cho bà U số tiền vay gốc và tiền lãi. Tuy nhiên, chị L không đồng ý với yêu cầu trả lãi suất bằng miệng vì cho rằng lãi suất cao. Nếu bà U và chị L có thỏa thuận trong hợp đồng về lãi suất thì sẽ có cơ sở rõ ràng để giải quyết. Trong vụ án này, Tòa án lựa chọn cách giải quyết có lợi cho chị L, tức là sẽ đối trừ số tiền lãi đã trả vào tiền lãi theo quy định của pháp luật, nếu còn thì trừ vào số tiền vay gốc.

Thứ ba, về nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền, trong thực tiễn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo nội dung vụ án, phía nguyên đơn là bà D trình bày: “Do có quan hệ làm ăn nên bà C và bà D cho nhau vay mượn tiền nhiều lần. Năm 2010, bà C hỏi vay tiền nhưng bà D gửi tại ngân hàng chưa đến hạn rút. Ngày 05/3/2010, bà D làm thủ tục thế chấp sổ tiết kiệm để vay số tiền hơn 700 triệu đồng đưa cho bà C. Hai bên đã lập khế ước vay có nội dung thể hiện số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất và giao nhận tiền tại nhà ông H nhưng ông H không chứng kiến việc giao nhận này. Đến cuối năm 2020, bà D khởi kiện ra Tòa yêu cầu bà C trả tiền gốc và lãi theo khế ước. Tuy nhiên, phía bà C trình bày: “Yêu cầu của nguyên đơn không có cơ sở, vì bà có hỏi vay tiền nhưng bà D nói không có tiền mặt mà chỉ có tiền gửi ngân hàng. Nếu bà C chắc chắn vay thì bà D sẽ đi rút tiền. Bà D yêu cầu bà C viết khế ước vay và hẹn sẽ đưa tiền cho bà C sau khi viết khế ước từ 01, 02 ngày. Trong bản khế ước không có nội dung đã giao nhận tiền. Sau khi viết tờ giấy đó, bà C không có nhu cầu vay nữa nên không hỏi bà D về số tiền này, do sơ suất nên bà cũng không yêu cầu bà D hủy bỏ bản khế ước. Hai bên tiếp tục làm ăn với nhau, bà D từng mua nhà và vay tiền của bà C (ngày 13/9/2010, bà C cho bà D vay 600 triệu đồng) mà không nhắc gì đến bản khế ước đó”. Đối với vụ án này, có hai quan điểm trái chiều: (1) Không đủ cơ sở để khẳng định bà D đã giao tiền cho bà C vay; (2) Có đủ cơ sở để xác định bà D cho bà C vay tiền dựa trên lời thừa nhận của bà C.

Thứ tư, về lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản. Về cách tính lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, BLDS năm 2015 quy định cụ thể tại Điều 468 như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Căn cứ quy định này thì mức lãi suất quy định tại khoản 2 được tính bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1, tức là 10%/năm (tương ứng với 0,83%/tháng). Theo khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, bên cạnh tiền gốc thì bên vay còn có trách nhiệm thanh toán cho bên cho vay các khoản lãi. Và mức lãi suất cho vay theo quy định mang tính cố định là 20%, sẽ không dao động tăng, giảm hay phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Quy định này đảm bảo sự minh bạch, dễ áp dụng, tuy nhiên, vẫn gây khó khăn trong việc xác định chính xác khoản tiền vay tại từng thời điểm trong trường hợp bên cho vay liên tục nhập các khoản lãi suất vào nợ gốc và yêu cầu bên vay phải trả lãi trên toàn bộ số nợ đó. Khi đó, một câu hỏi đặt ra là, việc áp dụng lãi suất 20%/năm cho khoản vay vào thời điểm nào mới phù hợp và số tiền nào được gọi là khoản tiền vay.

3. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên, theo chúng tôi, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh về hợp đồng vay tài sản theo hướng sau:

Một là, về đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Cần quy định rõ ràng rằng ngoại hối sẽ bị giới hạn trong những trường hợp nào hoặc những điều kiện nào để ngoại hối trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Về điều kiện, theo tác giả, để ngoại hối là đồng USD hoặc ngoại tệ khác trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản thì nó phải được quy đổi sang tiền Việt Nam đồng. Đối với việc tài sản được hình thành trong tương lai có được xem là đối tượng của hợp đồng vay tài sản không, phải phụ thuộc vào sự đảm bảo của bên cho vay. Nếu bên cho vay có đảm bảo rằng, trong tương lai, số tiền hoặc tài sản đó sẽ được hình thành và thuộc phạm vi giá trị mà bên vay vay thì tài sản đó sẽ được xem là đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Ngược lại, nếu bên cho vay không đảm bảo được số tiền hoặc tài sản đó sẽ được hình thành hoặc trong trường hợp có sự cam kết cho vay nhưng tài sản đó không hình thành hay hình thành không đủ thì cũng không được xem là đối tượng của loại hợp đồng này.

Hai là, về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể khi nào các bên giao kết hợp đồng bằng miệng, khi nào bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể hay bằng thông điệp dữ liệu; dẫn đến áp dụng tùy nghi. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì việc chứng minh đối với hình thức bằng miệng rất khó khăn do không có căn cứ chính xác để chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên dẫn đến quyền lợi của bên cho vay bị ảnh hưởng khi bên vay từ chối nghĩa vụ trả nợ. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về giá trị tài sản khi vay để các bên có căn cứ lựa chọn hình thức thích hợp, giảm thiểu tối đa rủi ro và tranh chấp có thể xảy ra. Quy định này nên được điều chỉnh theo hướng bắt buộc nhưng vẫn có hướng áp dụng linh hoạt mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các chủ thể.

Trên thế giới, pháp luật một số nước có quy định về hình thức của hợp đồng vay tài sản như: Điều 653 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định nếu vay quá 50 bat thì phải lập văn bản; Điều 197 Luật hợp đồng Trung Quốc quy định việc vay tiền dùng hình thức văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận đang được pháp luật ghi nhận, theo chúng tôi, có thể quy định: Số tiền vay có giá trị từ 04 triệu đồng trở lên thì phải lập thành văn bản (cũng để phù hợp với yếu tố định lượng được quy định trong cấu thành tội phạm tương ứng của Bộ luật Hình sự). Cụ thể, cần bổ sung hướng dẫn về hình thức của hợp đồng vay tài sản như sau:

1. Hợp đồng vay tài sản có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

2. Trường hợp hợp đồng vay tài sản có giá trị từ 04 triệu đồng trở lên thì phải lập thành văn bản.

3. Trường hợp hợp đồng vay tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì bên vay phải thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ được quy định trong luật này và hợp đồng vay phải được công chứng, chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, cần bổ sung hướng dẫn về việc giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử được truyền tải thông qua thông điệp dữ liệu. Đây là hình thức không mới vì đã được Luật giao dịch điện tử năm 2005 điều chỉnh. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn còn hạn chế do tính phức tạp của thao tác công nghệ, người dân đã quen với cách thức giao kết truyền thống và lo ngại về tính bảo mật. Do đó, việc bổ sung những hướng dẫn liên quan là cần thiết.

Ba là, về vấn đề chứng minh nghĩa vụ giao tiền của bên cho vay đối với bên vay. Như tình huống được đưa ra ở trên, việc chứng minh bà D đã giao tiền cho bà C vay hay chưa vẫn không rõ ràng: Nên căn cứ vào chứng cứ là giấy tờ, văn bản trong quá trình cho vay hay căn cứ vào lời nói của bà C (người đi vay)? Theo chúng tôi, có đủ căn cứ khẳng định bà D đã giao tiền cho bà C, vì mặc dù không có chứng cứ chứng minh hai bên đã giao nhận tiền và cũng không có người chứng kiến việc giao nhận tiền nhưng chính bà C thừa nhận đã viết bản khế ước vay tiền, thừa nhận chữ ký tại bản tất toán bản kê gốc lãi và số tiền bà D rút đúng bằng số tiền ghi trên bản khế ước (Bà D cũng thừa nhận). Khi chủ thể tham gia trong quan hệ hợp đồng cho vay thừa nhận trên thực tế đã cho vay và giao nhận tiền thì cũng đồng nghĩa rằng, bên cho vay đã giao tiền cho bên vay. Trong trường hợp này, cần đảm bảo lợi ích của bên cho vay vì đây là đối tượng dễ gặp rủi ro hơn so với bên vay.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang