Kinh nghiệm kiểm sát, giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
(kiemsat.vn) Các hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự, thương mại trong xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp. Các quy định về hợp đồng vay tài sản được quy định trong BLDS đã góp phần đảm bảo sự ổn định của xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng cũng như quyền, lợi ích chung của tập thể, cá nhân. Hình thức giao dịch thông qua hợp đồng thường được các bên lựa chọn vì đó là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp... Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.Điều 463 BLDS quy định Hợp đồng vay tài sản: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình... và những việc khác theo quy định pháp luật được quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 2014 và Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật, với nhiệm vụ, quyền hạn trên ngành Kiểm sát đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương pháp đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, VKSND cả hai cấp tỉnh Lào Cai thụ lý tổng số là: 3.212 vụ, việc (án sơ thẩm 3.096vụ, việc; án phúc thẩm 116 vụ, việc). Trong đó số vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết là: 311/3.212 vụ, việc chiếm 10,32%; phúc thẩm là: 39/116 vụ, việc chiếm 2,97 % trên tổng số. Tổng số các vụ việc trên tòa án hai cấp đã giải quyết 3.150 vụ, việc đạt 98% (trong đó: kết quả giải quyết 311 vụ, việc về hợp đồng vay tài sản: Xét xử 101 vụ, Công nhận thỏa thuận 182 vụ, đình chỉ 28 vụ do đương sự rút đơn kháng cáo). VKSND hai cấp đã ban hành tổng số 18 kháng nghị ( cấp huyện 2, cấp tỉnh 16) kháng nghị phúc thẩm 16, kháng nghị sơ thẩm 02. Kết quả kháng nghị được HĐXX chấp nhận 15, không chấp nhận 03. Ban hành 33 kiến nghị được TAND và UBND tiếp thu khắc phục sửa chữa vi phạm. Nhìn chung các vụ, việc Tòa án ND cả hai cấp đã thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Với số lượng án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản trong thời gian qua là không nhiều so với tổng số thụ lý, giải quyết các loại án mà Tòa án hai cấp đã thụ lý giải quyết, song nhiều vụ xảy ra cũng khá phức tạp, số tài sản, tiền mà các bên đem ra giao dịch lớn, các vụ án hợp đồng vay tài sản mà các bên tham gia ký kết đa số là vay tiền mặt, hoặc vay thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... có lãi suất và có thời hạn trả nợ, khi đến hạn bên vay không trả đủ tiền gốc, lãi, nên đã bị bên cho vay khởi kiện ra tòa. Có vụ cho vay với số tiền rất lớn với lãi xuất cao, lãi trả hàng tháng, khi đến hạn trả lãi bên vay không có tiền trả thì số lãi đó sẽ được cộng vào số tiền gốc đã vay và bên cho vay lại làm hợp đồng khác. Thông thường khi làm hợp đồng vay tài sản thì chỉ ghi lãi xuất theo thỏa thuận. Do đó, khi xảy ra tranh chấp thì bên vay không có tài liệu chứng cứ chứng minh cho nên HĐXX cũng không bảo vệ được quyền lợi cho bị đơn.
Kinh nghiệm trong công tác kiểm sát, giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Qua công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm dân sự đã giải quyết phát hiện một số vụ án dân sự về hợp đồng vay tài sản là tiền có sự biến tướng trong quá trình giao dịch, khi thực hiện các giao dịch thì bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký kết dưới dạng là hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất hoặc ghi nhận nợ qua việc đánh bạc, đánh đề sau đó chuyển thành hợp đồng vay tài sản (tiền) giữa các bên. Đồng thời, bên cho vay giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên vay. Khi đến thời hạn trả nợ, nếu bên vay không trả gốc và lãi thì bên cho vay yêu cầu tiến hành thủ tục mua bán chuyển nhượng nhà, đất, nếu không trả được tài sản là tiền thì họ khởi kiện ra Toà án và yêu cầu Tòa án giải quyết vụ, việc dân sự theo hợp đồng tranh chấp mua, bán chuyển nhượng nhà, đất hoặc hợp đồng vay tài sản là tiền.
Khi giải quyết những vụ án này, thấy rằng nguyên đơn có nhiều thuận lợi về chứng cứ (do các chứng cứ này đã được chứng thực hoặc công chứng) và đã được giám định về chữ viết trong các hợp đồng có kết luận của cơ quan chuyên môn và thường được Toà án chấp nhận yêu cầu của họ cho dù Toà án biết rất rõ đó là hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác. Lãi suất trong các hợp đồng này thường rất cao và vượt quá lãi suất cơ bản qui định tại Điều 468 BLDS 2015.
Để giải quyết đúng đắn vụ án khi tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ trong các giao dịch là hợp đồng đặt cọc mua, bán chuyển nhượng nhà, đất hoặc hợp đồng vay tài sản là tiền có sự biến tướng của giao dịch trái pháp luật đó là đánh bạc, đánh đề..., khi thu thập chứng cứ cần yêu cầu đương sự giao nộp các tài liệu liên quan đến việc đánh bạc, đánh đề... nếu có đủ chứng cứ để kết luận các giao dịch đó là giả tạo thì tại phiên tòa KSV cần đề nghị HĐXX áp dụng các qui định của BLDS để tuyên bố giao dịch hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của BLDS.
Kiểm sát viên khi được phân công tiến hành kiểm sát giải quyết vụ án, trong giai đoạn thu thập chứng cứ cần phải chú ý, nghiên cứu kỹ việc đánh giá chứng cứ trong các hợp đồng đặc biệt là hợp đồng đặt cọc mua bán chuyển nhượng nhà, đất có biến tướng, nếu có đủ chứng cứ để kết luận hợp đồng vay tài sản là đặt cọc bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mua bán nhà, đất là giả tạo thì Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng các qui định của BLDS để tuyên bố vô hiệu và chuyển sang xét xử hợp đồng vay tài sản với lãi suất cơ bản để buộc bên vay trả tài sản cho vay và xử lý, giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Trong hợp đồng vay tài sản cần chú ý về thời hiệu khởi kiện, và yêu cầu Tòa án giải quyết về lãi suất trong các hợp đồng, lãi suất trong các hợp đồng thường là vay có kỳ hạn và không kỳ hạn trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay... trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại thời điểm trả nợ khoản 1 Điều 468 BLDS.
Cần xác định tư cách của các bên đương sự và nghĩa vụ trả nợ của người vay: Khi kiểm sát loại án này Kiểm sát viên cần chú ý về tư cách của những người tham gia tố tụng, người khởi kiện nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đối với nguyên đơn thì cần phải xem xét có tài sản bị xâm hại hay không, có quyền khởi kiện hay không, thời hiệu khởi kiện có còn không, đối với bị đơn thì cần phải xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bị đơn và của những người có liên quan tham gia khi ký kết hợp đồng, tài sản mang ra giao dịch là tài sản chung hay tài sản riêng, nếu bị đơn là vợ chồng cùng tham gia giao dịch thì khi khởi kiện cần được đưa cả hai vào tham gia tố tụng buộc cả hai cùng có nghĩa vụ trả nợ theo quy định của BLDS và luật hôn nhân gia đình quy định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là ngang nhau và phải có trách nhiệm cùng nhau trả nợ khi có yêu cầu của người khởi kiện.
Kiểm sát viên được phân công kiểm sát trong khâu công tác này thực sự là người phải tận tụy, tâm huyết với công việc, phải có kinh nghiệm trong thực tiễn, đối với khâu công tác này là một khâu khó đòi hỏi sự nghiên cứu một cách tổng hợp các quy định pháp luật, bởi các quy định của bộ luật dân sự điều chỉnh giải quyết rất nhiều các vấn đề, các tranh chấp dân sự diễn ra trong đời sống xã hội, liên quan đến các tổ chức, pháp nhân, cá nhân..., liên quan đến rất nhiều lĩnh vực các ngành luật khác nhau, ngoài các ngành luật còn có các nghị quyết, thông tư hướng dẫn dưới luật cần cập nhật, nắm bắt kịp thời để áp dụng khi kiểm sát giải quyết các vụ, việc cụ thể. Phải là người có tâm huyết chịu khó nghiên cứu, biết vận dụng các quy định pháp luật, các quy định về chế độ chính sách... thì mới phát hiện được những sai sót khi tòa án thụ lý, giải quyết để có yêu cầu và kiến, kháng nghị kịp thời nhằm đảm bảo cho bản án khi có hiệu lực pháp luật được thi hành một cách chính xác, hạn chế việc bị cấp trên hủy bản án để giải quyết lại, và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia giao dịch được giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Trên đây là một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát thụ lý, giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nhằm hạn chế các vụ việc bị Tòa án cấp trên tuyên hủy bản án để giải quyết lại trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.