Kinh nghiệm thực tiễn kiểm sát điều tra vụ án hình sự
(kiemsat.vn) – Những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn công tác sẽ hữu ích cho Kiểm sát viên thực hiện quy định mới về kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo BLTTHS năm 2015.
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 06 đạo luật
Không tách vụ án khi người bị hại sau đó là bị can
VKSND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo về xử lý tội phạm công nghệ cao
Trong giai đoạn điều tra VKS có nhiệm vụ KSĐT vụ án hình sự, tức là kiểm sát việc khởi tố, điều tra, lập hồ sơ của CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kết hợp với cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 166 BLTTHS năm 2015 thì có 9 nội dung VKS phải thực hiện. Dưới đây, chúng tôi đi sâu phân tích những điểm mới của nhiệm vụ KSĐT như sau:
Điều 166 BLTTHS năm 2015 quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS. Khi KSĐT vụ án hình sự gồm kiểm sát việc lập hồ sơ và kiểm sát hành vi tố tụng của người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng. Đối tượng của công tác KSĐT gồm CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Căn cứ vào điểm 6, điểm 7 Điều 9 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 thì các “cơ quan khác” nêu trên trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) và Quân đội nhân dân (QĐND):
Trong các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Cục quản lý xuất nhập cảnh, các Cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an, Phòng quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đội an ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát giao thông, Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; Phòng cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ướng; trại giam.
Trong các cơ quan khác trong QĐND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương. Như vậy, phạm vi tiếp cận CQĐT và các cơ quan giao tiến hành một số hoạt động điều tra rất rộng. Điều đó đặt ra cho VKSND các cấp, nhất là VKSND cấp tỉnh và cấp huyện phải ký kết Quy chế phối hợp giữa VKSND và các CQĐT, Cơ quan nào tiến hành một số hoat động điều tra để VKS có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát.
Một trong những điểm mới quy định tại Điều 165 BLTTHS năm 2015 là giao cho VKS có quyền yêu cầu CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra cung cấp hồ sơ, tài liệu ở giai đoạn khởi tố bị can và giai đoạn điều tra sau khởi tố. Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhiệm vụ kiểm sát điều tra, nhất là việc phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của VKS. Theo quy định của BLTTHS năm 2003, sau khi nhận được Quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố, trong 03 ngày, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Với thời gian ngắn như vậy, rất khó khăn cho việc vừa phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, vừa đánh giá chứng cứ, xem xét các căn cứ để phê chuẩn. Trường hợp đủ điều kiện để phê chuẩn hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì VKS phải xử lý bằng việc phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Nhưng những trường hợp này cần phải điều tra làm rõ một số nội dung mới có đủ điều kiện phê chuẩn nhưng thời hạn đã hết thì không có cách nào để khắc phục.
Để cụ thể hóa các quy định của pháp luật, ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng Quy chế kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, trong đó phản ánh rõ nội dung, quy trình thời gian, đối tượng, công việc… phải thực hiện. Tuy nhiên, phải phân tích làm rõ KSV cần có những tác nghiệp cụ thể như thế nào để đạt được chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát điều tra, đảm bảo cho việc điều tra khách quan, toàn diện, không để xảy ra oan, sai. Do mỗi vụ án đều có đặc điểm riêng, mặt khác, do điều kiện thực tế của từng đơn vị nên Quy chế của ngành không thể đề cập hết các tác nghiệp cụ thể của KSV. Từ thực tiễn xử lý các vụ án, chúng tôi thấy những cách làm như sau có thể mang lại hiệu quả:
Một là, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can: Đây là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất của công tác kiểm sát điều tra. Kiểm sát viên kiểm tra tài liệu xem căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đã đảm bảo chưa, có cần bổ sung thêm nội dung gì nữa không để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hay không. Việc làm này phải tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; tránh việc vội vàng và duy ý chí khi tham mưu phê chuẩn. Trường hợp còn băn khoăn về chứng cứ, tội danh thì có thể yêu cầu CQĐT bổ sung, tài liệu, chứng cứ hoặc báo cáo lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo.
Hai là, trao đổi thông tin về vụ án, xây dựng kế hoạch hoặc thống nhất những điểm chính về phối hợp công tác điều tra, kiểm sát điều tra: Khi quản lý và xử lý tin báo hoặc được phân công thụ lý vụ án, KSV phải nhanh chóng nắm chắc diễn biến hành vi phạm tội, kết quả điều tra, thu thập có trong hồ sơ vụ án để bàn với ĐTV xây dựng kế hoạch phối hợp công tác kiểm sát điều tra và điều tra. Trong đó, nêu rõ những nội dung cần điều tra, thu thập chứng cứ, đối tượng phải xem xét, xử lý những vấn đề cần làm sáng tỏ thêm… Từ đó, thống nhất về thời gian, phương pháp thực hiện và dự kiến công tác phối hợp về sau. Trên cơ sở thảo luận giữa ĐTV và KSV để thống nhất chung về phương thức, cách thức giải quyết vụ án.
Ba là, đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án: Tùy từng hồ sơ vụ án, có thể nghiên cứu, đọc thủ tục tố tụng riêng hoặc tài liệu phản ánh chứng cứ riêng hoặc kết hợp cả hai. Nếu vụ án có nhiều hành vi thì lần lượt đọc từng hành vi từ trước đến sau, từ địa điểm gây án này đến địa điểm gây án khác, từng đối tượng hoặc nhóm đối tượng này đến nhóm đối tượng khác. Chú ý trình tự giải quyết, xử lý vụ án như tiếp nhận tin báo, lấy lời khai ban đầu, tài liệu giám định (nếu có), lời khai của bị can, người bị hại, nhân chứng. Kinh nghiệm cho thấy đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án phải thực hiện từ đầu và suốt quá trình kiểm sát điều tra; tránh việc chỉ đọc hồ sơ giải quyết tin báo, đọc khi tham mưu phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can sau đó dừng lại. Nếu khi án kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang VKS mới đọc tiếp, thì sẽ không nắm được tình trạng hồ sơ, kết quả điều tra. Mặt khác, với vụ án lớn, có hàng ngàn, chục ngàn trang tài liệu, sau khi kết thúc điều tra KSV mới đọc thì rất dễ rối về thông tin.
Bốn là, tăng cường hội ý, hội báo, sơ kết, tổng kết quá trình điều tra, xử lý vụ án: Kiểm sát viên phải thường xuyên hội ý với ĐTV để đánh giá kết quả điều tra, thu thập chứng cứ để thống nhất những nội dung và các bước phải làm tiếp theo. Tùy từng vụ án và điều kiện cụ thể của đơn vị, địa phương và mối quan hệ phối hợp để có cách thức và biện pháp cụ thể thực hiện. Trong đó, việc hội ý, hội báo thường xuyên giữa KSV và ĐTV là vấn đề quan trọng nhất, vì không ai có thể hiểu rõ hồ sơ vụ án, tiến độ điều tra, thu thập chứng cứ hơn ĐTV và KSV. Tại các cuộc hội ý này, ĐTV và KSV tự rà soát tiến độ điều tra, kết quả thu thập chứng cứ, các biểu hiện tố tụng được thể hiện trong hồ sơ như thế nào? Có gì còn thiếu sót hoặc chưa làm rõ thì khắc phục ra sao? Đối với các vụ án khó, án phức tạp về chứng cứ, tội danh thì ĐTV và KSV phải đề nghị Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS chủ trì cuộc họp để xin ý kiến chỉ đạo. Thời gian tổ chức thực hiện việc sơ kết, tổng kết nhiệm vụ nên thực hiện vào giai đoạn giữa của thời hạn điều tra hoặc vụ án sắp được kết thúc điều tra. Khi hội ý, sơ kết, tổng kết yêu cầu KSV phải nêu chính kiến của mình, đánh giá toàn diện về việc lập hồ sơ từ chứng cứ cho đến thủ tục tố tụng.
Năm là, tham gia kiểm sát hỏi cung, kiểm sát lấy lời khai nhân chứng, người bị hại: Hiện nay, Quy chế của ngành có quy định những trường hợp nào thì bắt buộc phải tiến hành kiểm sát hỏi cung và kiểm sát lấy lời khai người làm chứng, người bị hại. Nhưng chúng tôi thấy do yếu tố khách quan và chủ quan, nên nhìn chung, KSV cần quan tâm đúng mức công tác này. Đối với những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đông bị can tham gia, phạm tội nhiều lần, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài thì đặc biệt quan tâm phải kiểm sát hỏi cung bị can. Chú trọng kiểm sát hỏi cung các bị can là chủ mưu, cầm đầu, không nhận tội, không hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra… Quan tâm đúng mức kiểm sát lấy lời khai người làm chứng, người bị hại. Có nhiều vụ án, vai trò của người làm chứng, người bị hại trở thành căn cứ để xác định một đối tượng hoặc nhiều đối tượng có phạm tội hay không. Trong trường hợp này, theo chúng tôi nhất thiết KSV phải kiểm sát việc lấy lời khai. Thực tiễn xử lý các vụ án hình sự cho thấy nhiều người làm chứng vì lý do chủ quan và khách quan nên khai báo thiếu trung thực, ổn định, nên việc kiểm sát lấy lời khai giúp cho KSV đánh giá đúng hơn sự thật khách quan của vụ án, có hay không có sự kiện phạm tội, giá trị lời khai của người làm chứng, người bị hại như thế nào.
Để làm tốt vai trò kiểm sát điều tra trong các vụ án hình sự, chúng tôi thấy KSV cần chú ý thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện ngành Kiểm sát nhân dân đang thực hiện chủ trương gắn công tố với điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Theo đó, trách nhiệm chính đảm bảo cho việc điều tra khách quan, toàn diện, không để xẩy ra oan, sai thuộc về Viện kiểm sát, mà chủ thể là KSV. Vì vậy, Kiểm sát viên phải làm hết vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động kiểm sát điều tra. Nếu KSV thực hiện đúng Quy chế của ngành với trách nhiệm cao thì ít xảy ra sai sót, vi phạm. Kiểm sát viên phải làm việc với vai trò chủ động, khắc phục tư tưởng thụ động, nể nang, chờ án kết thúc điều tra mới đọc, nghiên cứu hồ sơ. Kế hoạch, phương pháp, trình tự nhiệm vụ cụ thể công tác này được vạch ra ngay từ đầu, khi có diễn biến mới thì bổ sung thêm kế hoạch kiểm sát điều tra.
Thứ hai, nhiệm vụ kiểm sát điều tra các vụ án hình sự phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, không được ngắt quãng; tất cả các hoạt động trên đều phải được ghi chép, cập nhật vào sổ sách, vào nhật ký thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ để lưu vào hồ sơ kiểm sát. Nếu thiếu hoạt động thường xuyên, chậm theo dõi hoặc chậm tiến hành các nhiệm vụ của kiểm sát điều tra thì Kiểm sát viên sẽ không nắm được tiến độ của vụ án, kết quả điều tra, thu thập chứng cứ nên không phát hiện được tồn tại, vi phạm có trong hồ sơ hoặc nội dung cần điều tra tiếp theo để bàn với ĐTV các bước làm tiếp theo. Kiểm sát viên cần sáng tạo để lựa chọn nội dung và thời gian để tham gia công tác kiểm sát điều tra như kiểm sát hỏi cung, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu… Đối với địa bàn nhiều án, KSV thụ lý kiểm sát điều tra một lúc nhiều vụ, thậm chí là hàng chục vụ, nếu không lựa chọn công việc làm thì thực hiện không hết, không chất lượng. Theo quy định của BLTTHS năm 2015, nên sử dụng tối đa yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu gửi ĐTV tổ chức thực hiện.
Thứ ba, chú trọng đúng mức nghiên cứu hồ sơ vụ án, không quá đề cao việc trao đổi thông tin, hội ý, hội báo. Vì xét cho đến cùng, tất cả các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ được phản ánh trong hồ sơ vụ án. Đọc kỹ hồ sơ vụ án là để kiểm tra lại thủ tục tố tụng, nắm hành vi phạm tội và các tình tiết khác, đồng thời kiểm tra xem ĐTV đã tổ chức thực hiện các yêu cầu điều tra, chủ trương chỉ đạo điều tra, thu thập chứng cứ như thế nào, có sai sót, vi phạm gì cần phải bổ sung, khắc phục không?.
Thứ tư, sử dụng đồng bộ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra. Qua thực hiện công tác kiểm sát điều tra để lựa chọn quyền hạn trong công tố như: Đề ra yêu cầu điều tra, hỏi cung bị can, trực tiếp xác minh, lấy lời khai để đảm bảo phê chuẩn các lệnh, quyết định và các xử lý khác của VKS có đầy đủ cơ sở pháp lý.
(Trích bài viết của tác giả Trần Thanh Thủy/Viện trưởng VKSND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tạp chí Kiểm sát số 16/2016).
Quy định mới về thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án
Các trường hợp VKS kiến nghị trong tố tụng dân sự
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.