Kinh nghiệm rút ra qua kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự bị hủy để giải quyết lại

02/10/2023 06:59

(kiemsat.vn)
Qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản, yêu cầu hủy văn bản, hợp đồng công chứng và yêu cầu hủy quyết định cá biệt” bị hủy để giải quyết lại, Kiểm sát viên rút ra một số kinh nghiệm để nhận diện vi phạm và lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế.

Nội dung vụ án

Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ánh T trình bày: Ông bà nội của bà là cố Nguyễn Tấn N (1905 - 1989) và cố Lương Thị M (1906 - 2000) có một người con duy nhất là cụ Nguyễn Tấn A (1924 - 1990). Cụ A lấy cụ Lê Thị R (sinh năm 1926) sinh được 06 người con là: Bà Nguyễn Thị Trân C, ông Nguyễn Tấn D, ông Nguyễn Tấn S, ông Nguyễn Tấn L, bà Nguyễn Thị Kim B và bà Nguyễn Thị Ánh T.

Khi còn sống, hai cố có tạo dựng được nhà tranh, vách gỗ trên diện tích 5.280m2 đất, tại thửa số 192, tờ bản đồ số 2, xã C, thành phố H, tỉnh Q, có kê khai theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đăng ký đo đạc VN 2.000 là thửa 174, tờ bản đồ số 10, diện tích 5.292m2, tại tổ 3, thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q. Thực tế hiện nay, diện tích đất là 5.589m2. Ông Nguyễn Tấn D quản lý, sử dụng từ năm 1983, đến năm 1994, ông D tự ý kê khai và được Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số E0255870, vào sổ số 00786/QSDĐ/HA ngày 18/10/1994 mà các đồng thừa kế không biết. Ông D đã bán 2.000m2 với giá 3 tỉ đồng, chia cho mỗi người 200 triệu đồng, số tiền còn lại ông D nói để xây nhà thờ nhưng không làm mà dự định xây biệt thự khi không có sự đồng ý của các đồng thừa kế. Do vậy, bà T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích còn lại là 3.589m2 hiện do ông D đang quản lý, sử dụng (là di sản thừa kế của ông bà nội bà là cố N, cố M để lại) và đề nghị hủy GCNQSDĐ cấp cho ông D.

Khi Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án, vợ chồng ông D đã tặng cho toàn bộ diện tích 3.225,7m2 đất trên thuộc thửa 223, tờ bản đồ số 03 (11), tại tổ 3, thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q cho 02 người con trai là anh Nguyễn Tấn K và anh Nguyễn Tấn G. Các anh K, G đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CQ01135 ngày 24/4/2019. Sau đó, anh K và anh G đã chuyển nhượng giả tạo cho bà Hồ Thị Thanh H (dì ruột của các anh) và đã được Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh H đăng ký biến động sang tên, đổi thửa đất số 223, tờ bản đồ số 03 (11) thành thửa đất số 174, tờ bản đồ số 11.

Bà Nguyễn Thị Ánh T yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy một phần GCNQSDĐ số E0255870, vào sổ số 00786/QSDĐ/HA ngày 18/10/1994 do UBND thị xã H (nay là UBND thành phố H) cấp cho hộ ông Nguyễn Tấn D đối với diện tích đất còn lại sau khi UBND thành phố H chỉnh lý tách thửa ngày 24/8/2010.

- Hủy GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CQ012135 ngày 24/4/2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp cho anh Nguyễn Tấn K và anh Nguyễn Tấn G.

- Hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của hộ gia đình giữa ông Nguyễn Tấn D và vợ là bà Hồ Thị Thanh V với anh Nguyễn Tấn K, anh Nguyễn Tấn G được Văn phòng công chứng Y chứng nhận ngày 03/4/2019, số công chứng 193, quyển số 01TP/CC-SCC/HĐGD đối với 3.225,7m2 đất tại thửa số 223 (174), tờ bản đồ số 3 (11), thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q.

- Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Nguyễn Tấn K, anh Nguyễn Tấn G với bà Hồ Thị Thanh H được Văn phòng công chứng H chứng nhận ngày 18/5/2019, số công chứng 02100, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD đối với diện tích 3.225,7m2 đất tại thửa 174, tờ bản đồ 11, tại thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q.

- Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cố Nguyễn Tấn N và cố Lương Thị M để lại theo diện tích đất hiện nay còn lại là 3.372,5m2 đất tại thửa số 233 (174), tờ bản đồ số 03 (11), tổ 3, thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q cho các đồng thừa kế.

Bị đơn ông Nguyễn Tấn D trình bày: Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Năm 1980, cố Nguyễn Tấn N có đăng ký, kê khai thửa đất số 192, tờ bản đồ số 02 theo Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, năm 1983, cố N chuyển về nhà bố ông (là cụ Nguyễn Tấn A) sinh sống tại xã C, thành phố H; đến năm 1989, cố N chết, nên theo Điều 14 Luật đất đai năm 1987 thì thửa đất này không phải là di sản thừa kế của cố N, cố M để lại mà là của gia đình ông. Gia đình ông quản lý, sử dụng thửa đất này từ năm 1983 đến nay. Năm 1993, ông kê khai, đăng ký quyền sử dụng thửa đất trên theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và được UBND thị xã H cấp GCNQSDĐ vào năm 1994.

Năm 2010, ông đã tặng cho 1.846,8m2 đất cho con trai là anh Nguyễn Tấn K và hiến 127,5m2 đất để làm lối đi nên diện tích còn lại là 3.225,7m2.

Năm 2019, vợ chồng ông tặng 3.225,7m2 đất trên cho các con là anh Nguyễn Tấn K, anh Nguyễn Tấn G. Anh K, anh G đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp GCNQSDĐ. Hiện nay, bà Hồ Thị Thanh H đang đứng tên diện tích đất trên do anh K, anh G đã chuyển nhượng hết diện tích 3.225,7m2 đất trên cho bà H và đã hoàn tất việc cập nhật sang tên cho bà H theo quy định.

Vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án

Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót sau:

Về thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ:

- Trong quá trình giải quyết vụ án, UBND thành phố H cung cấp hồ sơ quản lý đất đai theo Chỉ thị 299/TTg thể hiện: Cố Nguyễn Tấn N là chủ sử dụng thửa đất số 192, tờ bản đồ số 2, diện tích 5.280m2 (gồm 3.780m2 đất thổ cư, 1.500m2 đất lúa màu), ở thôn T, xã C, thành phố H, tỉnh Q. Tuy nhiên, Tòa án chưa xác minh, làm rõ tài liệu này là tài liệu được trích từ Sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính theo điểm b khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 hay sổ mục kê, sổ kiến điền, bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp theo Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.

- Tòa án chưa xác minh diện tích 1.500m2 đất nông nghiệp do cố Nguyễn Tấn N đã kê khai, đăng ký theo Chỉ thị số 299/TTg, mà hộ ông Nguyễn Tấn D được cấp GCNQSDĐ năm 1994 theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ nằm ở vị trí nào của thửa đất số 192 (nay là thửa số 174), để xác định di sản của vợ chồng cố Nguyễn Tấn N là phần diện tích còn lại của thửa số 174 sau khi trừ đi phần diện tích đất nông nghiệp nằm trong thửa số 174.

Như vậy, Toà án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa xác minh làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp, xác định đúng di sản thừa kế làm cơ sở, căn cứ vững chắc để giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác theo điểm e khoản 2 Điều 97 và Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

Về giải quyết vụ án:

- Các đương sự đều xác định thửa đất số 192, diện tích 5.280m2 trên đất có căn nhà, cây lâu năm ở tổ 3, thôn T, xã C, thành phố H do vợ chồng cố Nguyễn Tấn N, cố Lương Thị M tạo lập. Quá trình sử dụng đất, cố Nguyễn Tấn N đã kê khai, đăng ký theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 đối với thửa đất số 192, diện tích 5.280m2, trong đó 3.780m2 đất thổ cư, 1.500m2 đất lúa màu. Do đó, có đủ căn cứ để xác định nhà đất trên là di sản của vợ chồng cố N, cố M để lại. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng vợ chồng cố N không có loại giấy tờ nào được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 nên thửa đất tranh chấp không phải là di sản thừa kế của vợ chồng cố N là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và mục 1 Phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

- Năm 1983, khi cố N, cố M chuyển về sống với gia đình người con duy nhất là cụ Nguyễn Tấn A ở xã C, thị xã H (nay là 359 CĐ, thành phố H), tỉnh Q thì gia đình ông Nguyễn Tấn D (con trai cụ A, cháu nội của cố N) quản lý, sử dụng thửa đất trên. Quá trình sử dụng, hộ gia đình ông D đã đăng ký, kê khai đất theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và được UBND thị xã H cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ thửa đất nêu trên, mang số thửa 223, diện tích 5.150m2 (sau đó điều chỉnh diện tích thực tế là 5.200m2), mục đích sử dụng là thổ cư. Việc UBND thị xã H cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ thửa đất số 223 cho hộ gia đình ông D với mục đích sử dụng thổ cư, trong đó có 3.780m2 đất thổ cư của vợ chồng cố N là không đúng Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, mà hộ gia đình ông D chỉ có quyền sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp cố N đã đăng ký, kê khai theo Chỉ thị số 299/TTg.  Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định việc UBND thị xã H cấp GCNQSDĐ ngày 18/10/1994 cho hộ gia đình ông D đúng quy định pháp luật là không chính xác.

- Ngày 26/02/2019, bà Nguyễn Thị Ánh T (cháu nội cố N, con cụ A) có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của vợ chồng cố N là diện tích 3.225,7m2 đất, tại thửa số 223 (nay là thửa 174). Tuy nhiên ngày 03/4/2019, gia đình ông Nguyễn Tấn D vẫn lập văn bản phân chia tài sản chung của hộ gia đình với nội dung vợ chồng ông Nguyễn Tấn D, bà Hồ Thị Thanh V tặng cho thửa đất số 174, diện tích 3.225,7m2 cho các con trai là anh Nguyễn Tấn K, anh Nguyễn Tấn G. Sau đó, anh K, anh G đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số 174 cho bà Hồ Thị Thanh H theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18/5/2019. Như vậy, việc gia đình ông D, bà V tặng cho các con là anh K, G; sau đó hai anh này lại chuyển nhượng cho bà Hồ Thị Thanh H, trong khi bà Nguyễn Thị Ánh T đã có đơn khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế, đây là hành vi tẩu tán tài sản. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung ngày 03/4/2019, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 18/5/2019 là trái quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 và không bảo đảm quyền lợi của những người thừa kế của vợ chồng cố N, cố M.

Một số kinh nghiệm rút ra

Đây là vụ án phức tạp, có nhiều mối quan hệ tranh chấp, có nhiều người tham gia tố tụng, đương sự chủ yếu là người trong gia đình; vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật về thừa kế, về quyền sở hữu, về hợp đồng, liên quan nhiều quy định pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau... Tuy nhiên, mối quan hệ tranh chấp phát sinh chủ yếu là tranh chấp chia di sản thừa kế. Qua các vi phạm trên, Kiểm sát viên rút ra một số kinh nghiệm để nhận diện vi phạm và lưu ý như sau:

Trước hết, Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án cần nắm chắc các quy định của pháp luật về thừa kế và những quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật doanh nghiệp... và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng các thao tác nghiệp vụ theo quy định của ngành như Quy chế kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; Quy định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm; Quy định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án và Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021 của VKSND tối cao về hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế…

Đồng thời, Kiểm sát viên cần lưu ý các vấn đề cơ bản sau:

- Làm rõ vi phạm về thủ tục tố tụng, Kiểm sát viên cần xem xét, đánh giá tính hợp pháp, tính đầy đủ của chứng cứ, xem xét nguồn chứng cứ, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ do đương sự cung cấp hay do Tòa án thu thập có tuân thủ đúng quy định tại các điều 93, 94, 95, 96, 97 BLTTDS năm 2015 hay không? Đánh giá từng chứng cứ có đảm bảo tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan đến nội dung yêu cầu của đương sự theo Điều 108 BLTTDS năm 2015 không; xem xét Tòa án đã xác định đủ, đúng người tham gia tố tụng theo Điều 68 BLTTDS năm 2015 chưa; Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự; trình tự, thủ tục xem xét thẩm định, định giá tài sản hay áp dụng, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời có đảm bảo theo quy định pháp luật không?...

- Làm rõ vi phạm trong việc giải quyết nội dung vụ án, Kiểm sát viên phải xem xét quan hệ tranh chấp là gì, xác định thời điểm mở thừa kế, di sản do người chết để lại, ai là người quản lý; những ai được hưởng thừa kế do người chết để lại...; cần xem xét, đánh giá tính có căn cứ trong các yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của đương sự, xem xét thực trạng và giá trị khối di sản thừa kế, đối chiếu với quy định của pháp luật nội dung và quyết định của bản án để xem xét có hay không có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết vụ án. Cụ thể:

Về thời điểm mở thừa kế (ngày, tháng, năm người có tài sản chết). Việc xác định thời điểm mở thừa kế có vai trò rất quan trọng đối với các vấn đề thừa kế như xác định diện, hàng thừa kế, thời điểm người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại và là thời điểm di chúc có hiệu lực (nếu có). Thời điểm mở thừa kế còn là điểm đầu tiên trong việc tính thời hiệu về thừa kế và yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản.

Xác định những người thuộc diện thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật (hàng 1, 2, 3), người thừa kế bắt buộc, khước từ thừa kế, bị truất quyền thừa kế, thừa kế thế vị, lưu ý các trường hợp con nuôi, con ngoài giá thú, thai nhi, con riêng của vợ hoặc chồng. Hàng thừa kế của người để lại di sản, bao gồm những người thừa kế còn sống vào thời điểm mở khởi kiện, người thừa kế có đầy đủ năng lực pháp luật, người thừa kế không đầy đủ năng lực pháp luật, người thừa kế đã chết vào thời điểm mở thừa kế mà các con của họ đang còn sống, người thừa kế chưa sinh ra (nhưng đã thành thai) vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp người thừa kế thế vị có được xác định là đối tượng được hưởng thừa kế.

Xác định di sản thừa kế: Nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản, nghĩa vụ dân sự của người chết trước khi để lại di sản, công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc, ma chay cho người chết phải tính khi phân chia di sản. Việc xác định di sản thừa kế trên cơ sở quy định pháp luật bao gồm: Tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác có thể là phần tài sản nằm trong tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với nhiều người khác tùy theo cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó.

Đối với di sản là quyền sử dụng đất cần phải xác định loại đất là di sản thừa kế (đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…). Diện tích đất đó đã được Nhà nước giao cho người khác, đưa vào tập đoàn, hợp tác xã… trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây chưa. Đất đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa, nếu đã được cấp GCNQSDĐ thì phải xác định diện tích được cấp và diện tích thực tế đang sử dụng; nếu chưa được cấp GCNQSDĐ thì họ có các loại giấy tờ theo quy định của Luật đất đai hay không. Đối với di sản là nhà cần xác định nhà đã được cấp quyền sở hữu chưa; nếu chưa được cấp quyền sở hữu thì tài liệu nào chứng minh nhà đó thuộc quyền sở hữu của người chết.

Đối với các tranh chấp chia di sản, thời hiệu thừa kế kéo dài, Kiểm sát viên phải vận dụng nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật ở từng thời điểm khác nhau, phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong việc yêu cầu khởi kiện.

Trường hợp di sản là tài sản chung thì phải xác định được phần tài sản của người chết đang cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, góp vốn… cần phải xác định cơ sở pháp lý của từng hình thức giao dịch dân sự mà người đã chết có tài sản tham gia để xác định giao dịch nào là chấm dứt tại thời điểm người để lại di sản chết, giao dịch nào mà những người thừa kế phải thực hiện tiếp hoặc thông báo cho bên giao dịch biết thời điểm chấm dứt giao dịch.

Thực tế, những năm sau giải phóng miền Nam, một số người dân ra nước ngoài định cư, theo quy định tại thời điểm đó, họ không được quyền sử dụng nhà đất tại Việt Nam (có trường hợp nhà đất do Nhà nước quản lý, có trường hợp họ ủy quyền cho người thân quản lý), nay những người thừa kế của người đi nước ngoài đó về đòi lại tài sản để chia thừa kế. Trong trường hợp này cần xác định khi họ xuất cảnh là hợp pháp hay không hợp pháp, nhà đất đã bị Nhà nước quản lý chưa; việc ủy quyền quản lý nhà như thế nào thì mới xác định phần di sản của người chết còn lại hay không thì mới chia thừa kế.

Khi chia di sản thừa kế theo pháp luật cần bảo đảm quyền lợi ngang nhau cho những người thừa kế. Tránh trường hợp về mặt hiện vật của mỗi thừa kế là ngang nhau, nhưng giá trị thực tế của hiện vật lại chênh lệch nhau (chia diện tích đất bằng nhau, nhưng lại khác nhau về chiều ngang bám theo mặt đường).

Trong khối tài sản chung của vợ chồng, có người chết trước, người chết sau; khi có tranh chấp có phần di sản còn thời hiệu thừa kế, có phần di sản hết thời hiệu thừa kế, nên Kiểm sát viên cần phải làm rõ phần di sản hết thời hiệu, còn thời hiệu để giải quyết vụ án.

Đối với thừa kế theo di chúc, Kiểm sát viên cần xác định đó là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản (có người làm chứng không; có công chứng hoặc chứng thực không; lập tại cơ quan công chứng hoặc tại UBND xã, phường, thị trấn…) và xác định tính hợp pháp của di chúc. Trong trường hợp di chúc không phù hợp với pháp luật thì không chấp nhận thừa kế theo di chúc mà phải chia thừa kế theo pháp luật. Nếu di chúc phù hợp với pháp luật, được chấp nhận thì phải chú ý trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Đối với di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ thì phải đúng quy định về hình thức để xác định tính hợp pháp của di chúc; những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc.

Xác định yêu cầu của các bên đương sự về việc hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật hay bằng giá trị (tiền) và cụ thể như thế nào, xác định điều kiện và hoàn cảnh của những người hưởng thừa kế, thực trạng di sản để chia tài sản cho phù hợp; làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp; tâm tư, nguyện vọng của đương sự trong việc giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, cần xác định được giá trị và thực trạng tài sản có tranh chấp; xác định thực tế khối tài sản hiện đang được sử dụng như thế nào, xem xét các yêu cầu của đương sự để phân chia di sản cho phù hợp. Đối với các tài sản phải đăng ký, quản lý thì lưu ý xác định tính chất pháp lý của tài sản, xem xét về nguồn gốc, sự chuyển dịch tài sản qua các thời kỳ, quá trình thực hiện các chính sách cải tạo đối với loại tài sản này của Nhà nước để có đường lối giải quyết phù hợp. Cần chú ý, các tài liệu liên quan đến hiện trạng tài sản như: Biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản hiện trạng tài sản, đo đạc nhà đất, vị trí, kích thước, người đang quản lý sử dụng, biên bản định giá, thẩm định giá tài sản…

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống VKSND theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW

(Kiemsat.vn) - Việc xác định nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND trong giai đoạn mới xuất phát từ chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và VKSND.

Nâng cao vai trò, vị thế của VKSND qua việc thực hiện tốt quyền kháng nghị án dân sự trong giai đoạn mới

(Kiemsat.vn) - Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát là quyền năng pháp lý đã được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và các văn bản pháp luật tố tụng khác. Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát giúp đảm bảo tính công bằng, chính xác và tuân thủ pháp luật trong quá trình xét xử; đảm bảo sự cân nhắc và sửa chữa những sai sót, thiếu sót trong hành vi tố tụng và quyết định của Toà án, từ đó đảm bảo quyền lợi và lợi ích chung của công dân và xã hội.
lên đầu trang