Hành vi của K cấu thành tội “Giết người”

15/03/2018 09:07

(kiemsat.vn)
Sau khi đọc bài viết Giết người hay cố ý gây thương tích ? của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy  được đăng trên trang Kiemsat.vn ngày 17/01/2018 và một số bài viết trao đổi trên diễn đàn, tác giả cho rằng hành vi của K cấu thành tội giết người.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” và tội “Giết người” là hai loại tội phạm có ranh giới rất mong manh, mà khi một hành vi phạm tội xảy ra chính bản thân những người làm luật cũng có những quan điểm khác nhau. Thực tiễn cho thấy, với cùng một hành vi và hậu quả như nhau nhưng có quan tố tụng này cho rằng đó là tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”, ở cơ quan tố tụng khác thì xác định hành vi đó là tội “Giết người”. Do đó, việc phân biệt rõ hai loại tội danh này là rất cần thiết nhằm đảm bảo truy tố, xét xử đúng tội danh. Để xác định rõ hành vi của K và V trong vụ án mà tác giả đưa ra phạm tội gì, tôi xin chỉ ra một số yếu tố để phân biệt hai loại tội danh trên từ đó xác định tội danh của K và V.

Thứ nhất, cho rằng tội phạm cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người phân biệt bởi mục đích của người phạm tội là chỉ muốn gây thương tích hay muốn gây hậu quả chết người hay nói cách khác là ý chí của người phạm tội. Trên thực tế, để xác định ý chí chủ quan của người phạm tội là rất khó mà cần căn cứ vào hành vi khách quan của người phạm tội để xác định ý chí. Ví dụ: Một người dùng dao chặt xương chém vào đầu người khác thì không thể xác định ý chí của người đó là chỉ muốn gây thương tích.

Thứ hai, trong hai loại tội phạm này thì cường độ, vị trí tấn công của người phạm tội cũng là một yếu tố để phân biệt. Khác với tội cố ý gây thương tích, tội giết người hành vi của người phạm tội có cường độ nhanh, mạnh, liên tục vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể.

Thứ ba, với rất nhiều trường hợp thì hai yếu tố trên cũng rất khó để xác định chính xác hai loại tội danh này thì cần xem xét đến quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để phân biệt hai loại tội danh này. Đối với tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người thì để hậu quả chết người xảy ra ngoài nguyên nhân do hành vi gây thương tích phải có thêm một nguyên nhân khách quan khác, có nghĩa là bản thân thương tích đó chưa dẫn đến cái chết của người bị hại mà còn do một nguyên nhân khác tác động dẫn đến hậu quả chết người xảy ra. Đối với tội giết người thì thương tích do hành vi gây ra chính là nguyên nhân của hậu quả chết người. Hay nói cách khác, trong tội cố ý thương tích dẫn đến chết người quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người là quan hệ nhân quả gián tiếp, còn đối với tội cố ý gây thương tích quan hệ đó là là quan hệ nhân quả trực tiếp.

Như vây, đối chiếu với hành vi của K và V trong vụ án tác giả đưa ra chúng ra có thể xác định:

Hành vi của K phạm tội “Giết người” bởi những lý do sau: Thứ nhất, K có hành vi đấm, đá, đạp vào mặt, đầu của A – đó là vị trí trọng yếu trên cơ thể người với cường độ mạnh, liên tục. Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến chết của A là chấn thương do não, đây chính là thương tích do hành vi của K gây ra, có nghĩa là hành vi của K trực tiếp dẫn đến hậu quả A chết.

Hành vi của V diễn ra sau khi hành vi của K kết thúc, hành vi đó không gây thương tích dẫn đến chết người, không là nguyên nhân dẫn đến cái chết của A, khi thực hiện không có sự bàn bạc gì với nên K không phải là đồng phạm của K trong vụ án.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang