Góp ý một số vấn đề tài chính trong dự thảo luật các tổ chức kinh tế hợp tác

22/05/2023 08:00

(kiemsat.vn)
chức kinh tế hợp tác, về tài chính của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, tác giả góp ý về vấn đề góp vốn, tỉ lệ vốn góp của thành viên, phân phối thu nhập và trích lập quỹ, tài sản chung không chia; từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường của tổ chức này.

1. Quy định về tài sản góp vốn vào tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo lần 3 Luật các tổ chức kinh tế hợp tác (sau đây gọi là Dự thảo) quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã. Các điều 50, 51, 52 Dự thảo quy định về tài sản góp vốn; chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn và định giá tài sản góp vốn đối với tài sản không phải là đồng Việt Nam của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, quy định của Dự thảo còn một số bất cập, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại thời điểm đăng ký thành lập, nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế thì “các thành viên tham gia định giá cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế” (điểm b khoản 2 Điều 52). Tuy nhiên, Dự thảo không dự liệu trường hợp: Trong quá trình hoạt động, tài sản góp vốn (do các thành viên góp thêm vốn hoặc do tiếp nhận vốn góp từ thành viên mới) được định giá cao hơn so với giá trị thực tế.

Thứ hai, Dự thảo chỉ dừng lại ở việc quy định các chủ thể trên phải liên đới chịu trách nhiệm vật chất bằng cách góp thêm tài sản để bù vào số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm được định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế; mà chưa quy định căn cứ để xác định mức trách nhiệm vật chất cụ thể mỗi thành viên góp vốn phải chịu. Điều này gây ra những xung đột và tranh chấp về trách nhiệm vật chất của mỗi chủ thể. Do đó, Dự thảo cần dự liệu các căn cứ để xác định trách nhiệm vật chất của các chủ thể trong trường hợp trên nếu điều lệ công ty không quy định.

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, một số quy định của Dự thảo cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng:

Một là, Dự thảo quy định cụ thể về trách nhiệm của thành viên trong trường hợp tài sản góp vốn khi thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được định giá cao hơn so với giá trị thực tế: Các thành viên cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác, tỉ lệ góp thêm, tỉ lệ trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức kinh tế hợp tác mà các thành viên phải chịu được xác định tương ứng với tỉ lệ phần trăm vốn góp được ghi trong điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác.

Hai là, trong quá trình hoạt động, tài sản góp vốn (do các thành viên hiện hữu góp thêm vốn hoặc do tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân tiếp nhận vốn góp từ thành viên mới) được định giá cao hơn so với giá trị thực tế thì: Người góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Trừ trường hợp điều lệ tổ chức kinh tế hợp tác có quy định khác, tỉ lệ góp thêm và tỉ lệ trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức kinh tế hợp tác mà người góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị phải chịu là bằng nhau.

2. Quy định về tỉ lệ vốn góp vào tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân

Điều 70 và Điều 78 Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật hợp tác xã năm 2012 theo hướng tăng tỉ lệ vốn góp tối đa của thành viên, cụ thể như sau:

(i) Tăng tỉ lệ vốn góp của thành viên vào hợp tác xã: Vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ. Vốn góp của tất cả thành viên liên kết có góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ.

(ii) Tăng tỉ lệ vốn góp của hợp tác xã thành viên, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 40% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, Điều 70 và Điều 78 Dự thảo còn bất cập và cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Tăng thêm tỉ lệ vốn góp của các thành viên hoặc bãi bỏ giới hạn tỉ lệ vốn góp này, nhằm tương thích với thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự thỏa thuận của các thành viên.

3. Quy định về phân phối thu nhập và trích lập quỹ

Điều 59 Dự thảo quy định tỉ lệ và phương thức phân phối thu nhập như sau:

 (i) Về cách thức trích lập quỹ chung không chia: Trích lập quỹ chung không chia được thực hiện sau khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân nộp thuế, hoàn thành nghĩa vụ tài chính khác và xử lý lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

(ii) Cụ thể hóa quy định về chủ thể có thẩm quyền quyết định phân phối thu nhập của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là Đại hội thành viên. Đồng thời, phần thặng dư còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên chính thức theo thứ tự ưu tiên theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ đến theo công sức lao động và theo tỉ lệ vốn góp. Phần lợi nhuận còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được phân phối cho thành viên chính thức theo thứ tự ưu tiên theo tỉ lệ vốn góp đến theo công sức lao động.

 (iii) Điều lệ được phép quy định tỉ lệ và phương pháp phân phối cụ thể.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, Điều 59 Dự thảo còn bất cập và cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng:

Thứ nhất, Dự thảo cần quy định mức nhất định về phần thặng dư còn lại sau khi đã trích lập các quỹ được phân phối cho thành viên chính thức theo thứ tự ưu tiên. Theo thông lệ quốc tế, nguồn thu nhập cần được ưu tiên cho việc trích lập vào quỹ phát triển để mở rộng quy mô tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, bởi mục đích của thành viên hướng đến là lợi ích từ dịch vụ của tổ chức, mà không phải lợi nhuận. Khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phát triển, thành viên cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn. Nếu tỉ lệ thu nhập dùng để phân phối quá lớn, tổ chức này không có nguồn lực nội tại để phát triển và cũng dễ đi chệch hướng sang mô hình của doanh nghiệp.

Thứ hai, tác giả đồng tình với quy định của khoản 2 Điều 59 Dự thảo. Theo đó, phần thặng dư còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định sẽ được phân phối cho thành viên chính thức, ưu tiên trước hết là theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Quan điểm “phần thặng dư còn được phân phối cho thành viên chính thức ưu tiên trước hết là theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ không chỉ khó khả thi mà còn gây bất hợp lý đối với người góp vốn lớn, có nguy cơ dẫn đến không khuyến khích xã viên góp vốn mà chỉ đóng góp tối thiểu, hợp tác xã có nguy cơ suy yếu vì khả năng huy động vốn hạn chế hơn. Trong thực tế, phần lớn hợp tác xã chỉ phân phối thặng dư và lợi nhuận theo vốn góp, việc phân phối dựa trên mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ chưa phổ biến” là không hợp lý. Bởi lẽ, nếu phần thặng dư còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được phân phối cho thành viên chính thức ưu tiên theo vốn góp sẽ khiến các thành viên hiện hữu tìm cách gia tăng tỉ lệ vốn góp, hạn chế tối đa sự tham gia của thành viên bên ngoài; hợp tác xã sẽ trở nên cục bộ, khó phát triển quy mô và mất đi bản chất vốn có. Nói cách khác, Điều 59 Dự thảo cần giới hạn một tỉ lệ nhất định khi phân phối thu nhập và thặng dư. Đồng thời, cần sửa đổi tên Điều luật từ “phân phối thu nhập” thành “phân phối lợi nhuận và thặng dư”.

4. Quy định về tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân

Thứ nhất, về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Điểm c khoản 3 Điều 61 Dự thảo quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân theo hướng bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế:

(i) Bổ sung một trong những nguyên tắc tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân quản lý, sử dụng tài sản chung không chia: Trường hợp tài sản chung không chia lạc hậu công nghệ, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép chuyển nhượng cho tổ chức kinh tế hợp tác khác khi đại hội thành viên và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đồng ý. Nếu không có tổ chức nào nhận chuyển nhượng tài sản này thì được phép thanh lý. Số tiền thu được phải đưa vào quỹ chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

(ii) Bổ sung trường hợp tài sản chung không chia hết khấu hao hoặc hư hỏng không thể sửa chữa để sử dụng thì được phép thanh lý. Số tiền thu được từ thanh lý được đưa vào quỹ chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Tác giả cho rằng, quy định trên của Dự thảo chưa hợp lý, còn tương đối khắt khe, làm giảm tính linh hoạt, chủ động trong quá trình quản lý tài sản chung không chia.

Nếu mục đích của quy định điều kiện chuyển nhượng chặt chẽ là nhằm giảm thiểu nguy cơ thất thoát tài sản chung không chia do Nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, thì điểm a khoản 3 Điều 63 Dự thảo đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu này, thông qua việc quy định nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Do đó, theo tác giả, Dự thảo cần bỏ quy định về điều kiện chuyển nhượng tài sản chung không chia; trao quyền tự quyết định việc quản lý, sử dụng, chuyển nhượng tài sản chung; đồng thời, ghi nhận điều này một cách minh bạch trong điều lệ hoặc quy chế của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.

Thứ hai, về xử lý tài sản chung không chia, quỹ chung không chia khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể.

Điểm b khoản 3 Điều 64 Dự thảo quy định trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương do Chính phủ quy định để giao cho tổ chức khác hoặc liên minh hợp tác xã, nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn. Tuy nhiên, tài sản chung không chia, quỹ chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Một trong những nguồn đặc thù hình thành tài sản chung không chia, quỹ chung không chia là từ kết quả trực tiếp của quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế. Do đó, việc bàn giao tài sản là kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức cho cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ mục đích khác, kể cả khi tổ chức kinh tế giải thể là chưa tôn trọng quyền sở hữu của tổ chức đối với tài sản, chưa phù hợp với nguyên tắc “kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể” theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đồng thời chưa bảo đảm việc “công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức kinh tế hợp tác”.

Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 61 Dự thảo theo hướng: Tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại sau khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương do Chính phủ quy định, trừ trường hợp có căn cứ cho thấy tài sản chung không chia, phần quỹ chung không chia được hình thành từ phần thặng dư, phần lợi nhuận của tổ chức. Trong trường hợp này, phần tài sản còn lại cần được chia cho thành viên theo tỉ lệ vốn góp nếu điều lệ không có quy định khác.

Trao đổi về việc áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

(Kiemsat.vn) - Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, có nhiều văn bản hướng dẫn việc xác định tội danh, áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đối với từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm chưa thống nhất.

Hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến và sự tham gia của Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Bên cạnh những lợi ích mà Internet mang lại, những hiểm họa hiện hữu và tiềm ẩn từ Internet đối với trẻ em là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, trong đó có tình trạng bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến. Để bảo vệ trẻ em trong khu vực khỏi tình trạng bóc lột, lạm dụng trực tuyến, ASEAN không ngừng nỗ lực hình thành cơ chế hợp tác cấp khu vực về vấn đề này. Bài viết tập trung làm rõ những đặc trưng của cơ chế hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang