Hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến và sự tham gia của Việt Nam

24/04/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Bên cạnh những lợi ích mà Internet mang lại, những hiểm họa hiện hữu và tiềm ẩn từ Internet đối với trẻ em là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, trong đó có tình trạng bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến. Để bảo vệ trẻ em trong khu vực khỏi tình trạng bóc lột, lạm dụng trực tuyến, ASEAN không ngừng nỗ lực hình thành cơ chế hợp tác cấp khu vực về vấn đề này. Bài viết tập trung làm rõ những đặc trưng của cơ chế hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột, lạm dụng trẻ em trực tuyến.

1. Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến

- Cơ sở pháp lý:

Hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến xuất phát từ những cam kết về bảo vệ quyền trẻ em, bao gồm các thỏa thuận về xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Trẻ em vừa được hưởng quyền con người (dành cho mọi đối tượng là con người) và cũng được hưởng những quyền mang những tính chất đặc thù (dành cho đối tượng dễ bị tổn thương) bởi trẻ em là đối tượng cần nhận được sự bảo vệ đặc biệt xuất phát yếu tố thể chất và nhận thức chưa phát triển hoàn thiện như người trưởng thành. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC) năm 1989, trẻ em được xác định “là người dưới 18 tuổi, trừ khi pháp luật quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Cũng theo CRC, bên cạnh quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được tham gia thì trẻ em còn hưởng quyền được bảo vệ. Cụ thể, trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế đã đặt nền tảng pháp lý cho nhóm quyền của trẻ em trong hệ thống quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Đối với ASEAN, vấn đề hợp tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trước các hình thức bóc lột và lạm dụng được chú trọng hơn vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Đây là hoạt động cần thiết và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc hiện thực hóa những quy định được ghi nhận trong CRC, các mục tiêu được đề ra tại Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030 cũng như các thỏa thuận nội khối về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, trong đó gồm các thỏa thuận về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em. Nhiều văn kiện khu vực được thông qua. Nội dung chủ yếu của các văn kiện này là kêu gọi các quốc gia thành viên tham gia hợp tác khu vực về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, nỗ lực thực hiện các mục tiêu và cam kết về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em thông qua củng cố pháp luật quốc gia (sửa đổi, ban hành khi cần thiết); tích hợp giữa pháp luật với các chính sách, biện pháp về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em; củng cố cách tiếp cận toàn diện và đa ngành nhằm thúc đẩy quyền của trẻ em; tăng cường cơ chế quốc gia hiện tại trong thực hiện, điều phối và báo cáo thực hiện các kết luận, khuyến nghị của CRC; củng cố năng lực của cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan lập pháp, nhân viên xã hội, chuyên gia y tế và các chủ thể khác trong phát triển, thực hiện điều phối và đánh giá pháp luật, chính sách và biện pháp đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực; khuyến khích nghiên cứu và tập hợp dữ liệu về các hình thức bạo lực đối với trẻ em; tăng cường các quy định hỗ trợ các dịch vụ bảo trợ xã hội đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực và tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài (các đối tác đối thoại, các cơ quan của Liên hợp quốc…).

Sự bùng nổ của Internet và sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn tới những hệ quả khó đoán định trước đối với sự an toàn của trẻ em. Trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận Internet, đó là cơ hội cho các em được học tập, giải trí và tham gia các hoạt động trực tuyến nhưng cũng phát sinh những vấn đề liên quan tới an toàn cho trẻ em trong môi trường trực tuyến bao gồm tình trạng bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Bởi vậy, vào năm 2019 các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến năm 2019. Bên cạnh những nội dung tương tự như đã được đề cập tại Tuyên bố ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2013, Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến năm 2019 đã đề cập tới những biện pháp phù hợp với đặc thù trong hợp tác đối phó với các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến. Cụ thể, Tuyên bố đề cập tới việc cải thiện tính hiệu quả của các chương trình phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ trẻ em dựa trên quyền và sự khác biệt về giới; khuyến khích thành lập cơ quan quốc gia đặc biệt với nhiệm vụ chỉ đạo, hỗ trợ và điều phối điều tra; tăng cường các chương trình giáo dục quốc gia và chương trình giảng dạy trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức về tình dục và các hình thức lạm dụng trẻ em khác, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan trong giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đối phó với lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em.

- Cơ sở thực tiễn:

 Tỉ lệ các vụ việc về bóc lột, lạm dụng trẻ em trong khu vực có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của UNICEF, 44 triệu người dùng Internet tại Philippines là người dưới 17 tuổi, 60% trẻ em Indonesia tiếp cận Internet qua các thiết bị điện thoại, số lượng trẻ em sử dụng Internet tại Campuchia đang gia tăng với tỉ lệ 1/20 trẻ dưới 15 được dự đoán đang trực tuyến, số lượng người dùng Internet nói chung, trẻ em sử dụng Internet nói riêng tăng nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid 19. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) báo cáo sự gia tăng đáng kể của tình trạng bóc lột trẻ em bởi đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như cách ly, phong tỏa đóng cửa trường học, hạn chế đi lại dẫn tới tỉ lệ trẻ em sử dụng Internet cho việc học tập, giải trí cũng tăng lên nhanh chóng điều đó làm tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với các mối nguy hiểm trên không gian mạng. Việc hạn chế đi lại và du lịch khiến các thủ phạm bóc lột và lạm dụng trẻ em tìm cách tiếp cận trẻ em qua Internet. Bởi vậy, nguy cơ trẻ em bị lạm dụng và bóc lột trên môi trường trực tuyến càng cao. Trung tâm quốc gia về trẻ em bị mất tích và bị bóc lột cho thấy số vụ việc bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN đang tăng nhanh: Năm 2017 số vụ bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến là 290.800 vụ thì năm 2019 đã tăng lên 1 triệu vụ.

 Trong số các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến, hình thức lạm dụng tình dục trẻ em livestream (phát trực tiếp) gia tăng trên toàn cầu và ASEAN được biết đến là một trong những trung tâm của loại tội phạm này. Một xu hướng khác đó là trẻ em tự chụp ảnh hoặc quay phim và đưa lên các nền tảng xã hội, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ chủ động tấn công hoặc thuyết phục bằng cách rủ rê, kết thân trẻ em nhằm mục đích tình dục, lừa gạt hoặc thậm chí dùng tiền bạc để trẻ em chụp và chia sẻ hình ảnh cá nhân của mình. Bắt nạt trực tuyến cũng là một vấn đề phức tạp trong khu vực đòi hòi ASEAN cần có cách tiếp cận toàn diện trong những năm tiếp theo để đối phó với hình thức này.

2. Những đặc trưng của hợp tác ASEAN về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến

Bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến là một trong những hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em, cho nên hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến ASEAN có những điểm tương tự với cơ chế hợp tác chung của ASEAN về phòng, chống các hình thức bóc lột đối với trẻ em nhưng cũng có những đặc điểm riêng, đó là:

Thứ nhất, phương thức hợp tác của ASEAN về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến dựa trên cách tiếp cận dựa trên các quyền và cách tiếp cận đa ngành. Cách tiếp cận dựa trên các quyền xuất phát từ quy định của CRC là trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi ngược đãi và bỏ rơi (Điều 19) và mọi hình thức bóc lột (Điều 32-36). Trong khuôn khổ ASEAN, mục đích của cách tiếp cận dựa trên quyền là nhằm thiết lập và bảo vệ nhân phẩm, cuộc sống, sự sống còn, hạnh phúc, sức khỏe, sự phát triển và không phân biệt đối xử đối với trẻ em với tư cách là những người có quyền. Cách tiếp cận trên nhằm mục đích cân bằng tất cả các quyền mà trẻ em được hưởng trên không gian mạng. Cụ thể, việc sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên các quyền nhằm thúc đẩy trẻ em tiếp cận với Internet, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do đời tư và tự do tiếp cận thông tin của các em nhưng đồng thời công nhận quyền được bảo vệ của trẻ em trước các hình thức, nguy cơ của bạo lực và bóc lột trực tuyến, thừa nhận rằng trẻ em không thể đồng ý tham gia vào các hoạt động tình dục nhằm trao đổi lợi ích vật chất hoặc bất kỳ hình thức nào khác.

Về cách tiếp cận đa ngành, có quan điểm cho rằng cách tiếp cận đa ngành là hợp tác có chủ ý giữa các nhóm chủ thể có liên quan (Chính phủ và khu vực tư) và các lĩnh vực khác nhau  (sức khỏe, môi trường, kinh tế…) với tầm nhìn và cách tiếp cận chung để đạt được kết quả mong muốn. Trong khi đó, UNICEF giải thích cách tiếp cận đa ngành (dưới góc độ giải quyết thực tiễn gây hại đối với trẻ em) là làm việc trên các lĩnh vực khác nhau mà ở đó các chương trình và dịch vụ dành cho trẻ em được thực hiện. Như vậy, cách tiếp cận đa ngành dù được tiếp cận ở những góc độ khác nhau nhưng đều có điểm chung đó là thực hiện hợp tác trong lĩnh vực đó sẽ có sự tham gia của các chủ thể ở các lĩnh vực khác nhau bao gồm khu vực công và khu vực tư. Đối với ASEAN, tiếp cận đa ngành trong hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến cũng được hiểu tương tự đó là thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành của ASEAN (ASEAN Sectoral Bodies) với vai trò trọng tâm trong phòng ngừa và phản ứng với bóc lột và lạm dụng trẻ em. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực này cần thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể khác đó là khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Cách tiếp cận đa ngành trong hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em đặc biệt quan trọng bởi đây là lĩnh vực đa ngành đòi hòi sự hợp tác của nhiều bên như Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ… ở các lĩnh vực khác nhau là giáo dục, y tế, tư pháp, bảo trợ xã hội và các lĩnh vực khác mới có thể hợp tác hiệu quả.

Thứ hai, về các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Theo các văn bản hiện hành của ASEAN, các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến mà các quốc gia thành viên tập trung hợp tác phòng, chống bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em, bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em phát trực tiếp, rủ rê, kết thân trẻ em nhằm mục đích tình dục, tống tiền bằng cách tiết lộ các bằng chứng về hoạt động tình dục và bắt nạt trực tuyến. Như vậy, các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến được ASEAN đặc biệt tập trung phòng, chống chủ yếu hiện nay là các hình thức bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và bắt nạt trực tuyến. Bên cạnh một số hình thức lạm dụng trẻ em trực tuyến (như cách phân loại của UNODC), ASEAN còn hướng tới phòng, chống một số hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em mới xuất hiện trong không gian mạng như bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em phát trực tiếp, bắt nạt trực tuyến.

Thứ ba, về các biện pháp hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến, là sự kết hợp giữa các biện pháp được thực hiện ở cấp độ quốc gia và cấp độ khu vực, chủ yếu là các biện pháp thực hiện ở cấp độ quốc gia. Trong số các biện pháp được đề cập tại Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến, các biện pháp phòng ngừa được thực hiện ở cấp độ quốc gia chiếm số lượng chủ yếu trong hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Đặc trưng này có thể lý giải từ mục tiêu của việc hình thành các cơ chế cấp khu vực nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên củng cố khuôn khổ chính sách và pháp lý, tăng cường tính hiệu quả các biện pháp và dịch vụ bảo vệ liên ngành, xuyên biên giới trong phòng chống các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Dưới góc độ lý luận, mục tiêu dựa trên nguyên tắc đặc thù trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong khuôn khổ ASEAN đó là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN như Tuyên bố Băng Cốc năm 1967, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) năm 1976 và Hiến chương ASEAN năm 2007. Phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến giao thoa giữa chính sách, quy định về nhân quyền và lĩnh vực tư pháp của quốc gia vì vậy các quốc gia sẽ là chủ thể quyết định việc hình thành các chính sách, pháp luật quốc gia cũng như thực hiện các chính sách, thực thi pháp luật về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trong phạm vi quốc gia. Ngoài ra, thực tiễn và cách tiếp cận về phòng chống bóc lột và lạm dụng trẻ em tại các quốc gia thành viên ASEAN rất đa dạng bởi lẽ xuất phát từ sự đa dạng về hệ thống pháp luật, văn hóa, trình độ phát triển… cho nên, để đảm bảo sự hài hòa và hiệu quả cần dành sự chủ động cho các quốc gia thành viên trong việc hình thành khung chính sách, pháp luật và thực thi sao cho phù hợp với đặc thù của mỗi quốc gia.

Thứ tư, hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến có sự tham gia và phối hợp liên ngành của các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng và sự hỗ trợ của các cơ quan giúp việc trực thuộc. Các thiết chế chủ yếu tham gia vào quá trình thực hiện các biện pháp hợp tác phòng chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD) với sự hỗ trợ của Cuộc họp quan chức cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) và Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) thực hiện việc rà soát, phối hợp, điều phối và báo cáo quá trình thực hiện các biện pháp hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Trong số các thiết chế trên, Ủy ban Asean về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em được biết đến là cơ quan tư vấn cho ASEAN về các vấn đề liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em trong khối, báo cáo và hỗ trợ các công việc của Hội nghị Bộ trưởng Asean về phúc lợi xã hội và phát triển. Thành phần tham gia Ủy ban Asean về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em bao gồm đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu. Với vai trò tư vấn, Ủy ban Asean về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em triệu tập các hội thảo, các buổi trao đổi khu vực, các buổi đào tạo và tổ chức các cuộc họp tham vấn nhằm cung cấp nền tảng cho các quan chức chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia và các bên liên quan khác trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các cam kết, thoả thuận chung. Ngoài ra, Ủy ban Asean về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em kết nối với các đối tác chiến lược của ASEAN, các cơ quan chuyên ngành như SOMSWD, AICHR, ACW và các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự thông qua việc tổ chức các hội nghị trao đổi việc cập nhật các vấn đề, các xu hướng mới hoặc mới nổi cũng như nhận diện các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.

Hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến là lĩnh vực hợp tác liên ngành nên không hạn chế các thiết chế của các trụ cột cộng đồng khác tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến nên có thể có sự tham gia của Hội nghị quan chức cao cấp kỹ thuật số ASEAN, Hội nghị quan chức cao cấp về tội phạm xuyên quốc gia, Hội nghị quan chức cao cấp về giáo dục ASEAN, Hội nghị quan chức cao cấp tư pháp, Hội nghị quan chức cao cấp về lao động ASEAN…

3. Sự tham gia của Việt Nam về hợp tác phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN

Nhằm đảm bảo quyền của trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và xâm hại trực truyến nói riêng, dưới góc độ hợp tác quốc tế Việt Nam luôn là thành viên tích cực trong thực hiện các cam kết khu vực nói chung, cam kết về hợp tác phòng, chống bốc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến nói riêng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990. Việc Việt Nam gia nhập Công ước CRC đồng nghĩa chúng ta thừa nhận nghĩa vụ thực hiện mọi biện pháp luật pháp, hành chính và các biện pháp phù hợp khác để thực hiện Công ước. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cam kết và cùng đưa ra các tuyên bố, kế hoạch hành động cấp khu vực về bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột và lạm dụng, bao gồm các hình thức bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Việc thực hiện các cam kết khu vực về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến của Việt Nam được tổng hợp thông qua những kết quả sau:

Một là, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trong các giai đoạn khác nhau. Chương trình hành động hiện hành là Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 được ban hành theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021. Kết quả nổi bật tiếp theo được kể đến vào năm 2021 là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 về phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các nhiệm vụ và giải pháp được đề cập tới trong Chương trình khá toàn diện, bên cạnh những nhiệm vụ và giải pháp truyền thống, có những giải pháp đặc thù về ứng dụng công nghệ trong bảo vệ trẻ em, cụ thể là xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật và tăng cường hợp tác quốc tế. Chương trình trên có tính liên ngành cao khi có sự tham gia của các bộ đó là: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an.

Hai là, Việt Nam cũng nỗ lực nội luật hóa các quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột và lạm dụng trực tuyến thông qua sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hàng loạt văn bản luật và dưới luật như Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật trẻ em năm 2016; Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật an toàn thông tin mạng năm 2018; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm… Nhìn chung, các quy định hiện hành của Việt Nam về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột và lạm dụng trực tuyến còn thiếu và chưa đồng bộ như: Chưa hình sự hóa đầy đủ hoặc chưa hình sự hoá một số hành vi bóc lột trẻ em trực tuyến như gạ gẫm, rủ rê, kết thân nhằm lạm dụng tình dục trẻ em, bắt nạt trực tuyến, một số hành vi lạm dụng trẻ em trực tuyến; chưa có biện pháp đặc biệt bảo vệ trẻ em trở thành đối tượng trong sản xuất văn hóa phẩm có nội dung xâm hại tình dục trẻ em; hình phạt áp dụng chưa tương xứng với tội danh liên quan đến bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em; quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp trong phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em là nạn nhân của bóc lột, xâm hại trực tuyến chưa rõ ràng, cụ thể; thiếu cơ chế hợp tác cụ thể giữa các ngành và pháp luật liên quan về các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Mặc dù, Việt Nam đã thành lập Tòa án thân thiện với trẻ em nhưng chưa có quy định đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân của bóc lột và xâm hại trực tuyến khi tham gia các phiên tòa đó.

Ba là, Việt Nam đã bước đầu chú trọng đào tạo các nhân viên tham gia các dịch vụ xã hội, nhân viên chăm sóc sức khỏe, giáo viên, những chủ thể khác làm trong ngành giáo dục và cơ quan thực thi pháp luật. Các chương trình nâng cao năng lực được thực hiện đối với các chuyên gia là công chức, viên chức, cộng tác viên của các chương trình trẻ em và tình nguyện viên. Đối với nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong đó có các Cơ quan điều tra thì pháp luật Việt Nam đã quy định thẩm quyền điều tra các vụ án về bóc lột và lạm dụng trẻ em bao gồm các trường hợp bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến đó cho Cục Cảnh sát hình sự và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, với đặc thù của các hành vi phạm tội trong môi trường trực tuyến, cần thiết lập một đơn vị chuyên trách trong xử lý các vụ bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến với cán bộ được đào tạo chuyên sâu trong thực hiện điều tra các vụ án liên quan. Ngoài ra, kết quả đánh giá năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam cho thấy các nguồn lực tài chính, số lượng cán bộ và trang thiết bị hiện tại của Việt Nam chưa đủ để phục vụ cho việc điều tra các vụ án về bóc lột và lạm dụng trẻ em. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam cũng cần có sự phân bổ nhân lực và nguồn lực hợp lý trong lĩnh vực này.

Bốn là, Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế về phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến, nhất là công tác cập nhật và chia sẻ dữ liệu thông qua hợp tác với INTERPOL, ASEANAPOL, các nhân viên liên lạc thực thi pháp luật nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, tham gia Liên minh toàn cầu WePROTECT. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ của một số đối tác đã xây dựng các chương trình rèn luyện kỹ năng sống trong đó có các nội dung về lạm dụng trẻ em, khai trương app tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em vào tháng 12/2019. Việt Nam cũng kết nối với một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến như SeDev Foundation, ChildFund Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển bền vững, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam…

Như vậy, Việt Nam đã bước đầu triển khai thực hiện những cam kết trong khuôn khổ ASEAN nhằm phòng, chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến. Có thể thấy, để những hoạt động trên đi vào thực chất, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột và lạm dụng trực tuyến phù hợp với những cam kết đã tham gia; cần chủ động thiết lập và đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật và các nhân viên dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của hợp tác liên ngành giữa các cơ quan liên quan; học tập và trao đổi thực tiễn từ các nước thành viên, cũng như chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình và chính trẻ em để hạn chế tối đa tác động của những hành vi này trên không gian mạng trong thời gian tới.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang