Nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
(kiemsat.vn) Việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng công nghệ thông tin thời gian qua gặp nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều tra nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm này nói chung. Bài viết phân tích những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
1. Một số hạn chế, bất cập trong hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Thời gian qua, tình hình tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội. Trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (tăng 42% so với 06 tháng cuối năm 2021) 1. Đặc biệt, loại tội phạm này diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng, với nhiều thủ đoạn mới như: Giả mạo các website, trang thông tin điện tử của ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp thông tin, hỗ trợ khách hàng liên quan dịch bệnh Covid-19; sử dụng mạng xã hội đăng tải tin, hình ảnh kêu gọi từ thiện; thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, thực hiện hành vi lừa đảo; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện yêu cầu chuyển tiền xác minh nguồn gốc…
Trong quá trình phát hiện và điều tra, xử lý tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, những tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chủ yếu thông qua người bị hại hoặc thân nhân của họ trình báo trực tiếp. Bên cạnh đó, nguồn tin này còn do cơ quan, tổ chức báo tin tới hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng Internet. Những nguồn tin này cũng có thể từ quá trình xác minh, điều tra các vụ án khác hoặc quá trình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng chức năng (như Cảnh sát hình sự, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…). Trong điều tra vụ án chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của giai đoạn điều tra ban đầu, quyết định đến việc làm rõ những vấn đề phải chứng minh của vụ án. Đó có thể coi là thời điểm “giờ vàng” 2 của hoạt động điều tra, nhanh chóng xác định và truy bắt đối tượng, ngăn chặn kịp thời hoạt động tội phạm.
Về cơ sở pháp luật, hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) và các văn bản hướng dẫn hiện hành như Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021) của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân… Đặc biệt, Hướng dẫn liên ngành số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC ngày 20/7/2022 của Bộ Công an, VKSND tối cao về công tác phối hợp, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sau đây gọi tắt là Hướng dẫn số 14/HDLN). Điều này thể hiện tính chất quan trọng của hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian qua cho thấy một số khó khăn, hạn chế như sau:
Thứ nhất, việc phân định thẩm quyền và phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, Công an cấp xã… trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng còn có những vướng mắc về thẩm quyền và quy trình giải quyết. Khó khăn phát sinh với loại tội phạm này là do được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm, chưa đủ căn cứ xác định nơi phát hiện tội phạm, nơi người thực hiện hành vi phạm tội cư trú hoặc bị bắt, hoặc trường hợp nhiều cơ quan cùng tiếp nhận tin báo, tố giác trong cùng thời điểm thì việc xác định cơ quan nào là cơ quan tiếp nhận đầu tiên để thụ lý, giải quyết rất phức tạp. Mặc dù theo Hướng dẫn số 14/HDLN đối với trường hợp trên, cơ quan tiếp nhận đầu tiên sẽ thụ lý, giải quyết, tuy nhiên trên thực tế có thể xảy ra trường hợp nhiều bị hại trình báo ở nhiều nơi khác nhau nên xác định cơ quan nào là cơ quan đầu tiên cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nhiều trường hợp nạn nhân trình báo ở lực lượng Công an cấp cơ sở (Công an xã, thị trấn, đồn Công an), theo quy định của BLTTHS năm 2015, những lực lượng này có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (cấp trên trực tiếp) để phân loại, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, năng lực và kinh nghiệm xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến công nghệ thông tin của lực lượng Công an cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác cũng như quá trình điều tra loại tội phạm này.
Thứ hai, các đối tượng phạm tội chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường có hiểu biết về công nghệ thông tin, nên chủ động tính toán việc che giấu tội phạm một cách kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị tội phạm, xác định, tìm hiểu nạn nhân và nhanh chóng tẩu thoát, che đậy dấu vết tội phạm khi tội phạm hoàn thành. Đặc biệt, các đối tượng phạm tội thường xuyên sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi nhằm thực hiện tội phạm, nên khó khăn cho công tác xác minh, thu thập thông tin, xác định thủ phạm và thu thập tài liệu chứng cứ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Mặt khác, hiện nay các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng rất đa dạng, với phương thức khác nhau như tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, các trang web nhận thưởng, trang web nhận tiền quốc tế hay các hình thức nạp, gửi thẻ cào… Với mỗi phương thức lại đòi hỏi quá trình tiếp nhận và giải quyết khác nhau về mặt nghiệp vụ, nên Điều tra viên, Cán bộ điều tra cần phải có kỹ năng và trình độ nghiệp vụ để thực hiện đúng và có hiệu quả.
Thứ ba, nạn nhân và đối tượng phạm tội thường không có quá trình gặp gỡ trực tiếp mà chủ yếu trao đổi thông tin qua mạng Internet, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên việc cung cấp thông tin qua trình báo của nạn nhân rất hạn chế. Nhiều nạn nhân bị đối tượng dùng thủ đoạn tác động tâm lý, nhất là thủ đoạn lừa nạn nhân do có liên quan đến các vi phạm pháp luật, yêu cầu phải bảo mật thông tin, làm việc đơn tuyến và riêng lẻ với đối tượng, dẫn đến chính nạn nhân vô tình “hợp tác” cùng với thủ phạm để giúp chúng che giấu tội phạm tinh vi hơn, có quá trình thực hiện tội phạm dài hơn, thực hiện lừa đảo một nạn nhân một hoặc nhiều lần trong thời gian dài. Đặc biệt, các đối tượng thường xuyên trao đổi, liên lạc thông qua các ứng dụng có tính bảo mật cao trên không gian mạng, tự động xóa sau thời gian ấn định nên khó thu thập thông tin về nội dung trao đổi giữa các đối tượng.
Thứ tư, việc tiến hành các biện pháp cấp bách nhằm truy bắt thủ phạm và thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm gặp nhiều khó khăn. Khác với tội phạm truyền thống có thể truy nguyên thủ phạm theo dấu vết nóng trên cơ sở các thông tin, tài liệu xuất phát từ hiện trường, từ hệ thống dấu vết và thông tin thu giữ được về thủ phạm; việc truy nguyên đối tượng sử dụng công nghệ thông tin chiếm đoạt tài sản phải dựa trên không gian mạng, với rất nhiều các thông tin, tài liệu giả do chính đối tượng tạo ra để che giấu tội phạm, đánh lạc hướng Cơ quan điều tra. Số tiền chiếm đoạt được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau được các đối tượng thu mua từ những người khác hoặc sử dụng thẻ căn cước giả để lập lên. Nhiều trường hợp, tiền chiếm đoạt trong tài khoản được các đối tượng cầm đầu chỉ đạo các đối tượng cấp dưới rút tiền mặt trực tiếp tại các cây ATM, thậm chí đến ngân hàng rút tiền, sau đó chuyển tiền qua các tiệm vàng, hoặc các trung tâm cung cấp dịch vụ chuyển tiền. Đây được đánh giá là “nút thắt cổ chai”, cản trở quá trình điều tra tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nếu truy vết đối tượng theo hướng dòng tiền. Hơn thế nữa, trong nhiều vụ án, quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và ngân hàng chưa kịp thời, dẫn đến không kịp thực hiện các thủ tục về dừng giao dịch, phong tỏa tài khoản, xác minh sơ bộ thông tin của chủ tài khoản mà đối tượng lừa đảo sử dụng, từ đó không kịp truy xét và thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt.
Thứ năm, quá trình xác minh, kiểm tra và thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu phục vụ việc khởi tố vụ án còn gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều vụ việc, hoạt động lấy lời khai của bị hại, xác định người làm chứng thiếu kịp thời, trong khi đây là hoạt động cấp bách và có ý nghĩa quyết định đến quá trình điều tra. Hoạt động thu giữ, bảo quản các công cụ, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động phạm tội như điện thoại, máy tính của các lực lượng tiếp nhận ban đầu còn lúng túng, chưa đúng quy trình nghiệp vụ dẫn đến thu thập không đúng, không đầy đủ những phương tiện, dữ liệu điện tử cần thiết có ý nghĩa chứng minh tội phạm. Các đối tượng thường chuyển dịch tài sản thông qua các giao dịch điện tử, sau đó có các phương thức rút tiền và rửa tiền nhanh chóng ngay sau khi thực hiện tội phạm, nên rất khó khăn trong việc xác định và thu hồi, các đối tượng thực hiện các giao dịch đều là hợp lệ do nạn nhân đã cung cấp các thông tin bảo mật liên quan đến giao dịch ngân hàng, tài khoản cho đối tượng. Bên cạnh đó, nhiều vụ án đối tượng thực hiện hành vi từ nước ngoài, trong khi các thủ tục liên quan đến hợp tác quốc tế như ủy thác tư pháp, trao đổi thông tin, tương trợ tư pháp về hình sự rất phức tạp, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, có thể dẫn đến việc phải tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Thứ sáu, đối với nội dung kiểm tra xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng rất đa dạng và phức tạp. Mặc dù Hướng dẫn số 14/HDLN đã hướng dẫn về nội dung kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, tuy nhiên còn mang tính chất thủ tục chung như về nhân thân, lai lịch của người tố giác, báo tin; hành vi, thủ đoạn, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm; kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp để xác minh, phong tỏa, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Về mặt nghiệp vụ, những hướng dẫn cụ thể trong từng tình huống tương ứng với phương thức trên của tội phạm chưa được hướng dẫn cụ thể.
2. Một số lưu ý khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Từ những phân tích về khó khăn và hạn chế trong hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, theo tác giả, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin, Cơ quan điều tra cần chú ý tiến hành các hoạt động cấp bách, khai thác nhanh từ kết quả của các hoạt động lấy lời khai ban đầu của bị hại và người làm chứng, người liên quan. Cần chú trọng tiến hành hoạt động thu giữ, bảo quản các tài liệu, dữ liệu điện tử có ý nghĩa truy nguyên và chứng minh tội phạm như: Tin nhắn, thông tin, giao diện… của các tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, ví điện tử của đối tượng; dữ liệu điện tử từ hệ thống CCTV; những giấy tờ, biên lai phản ảnh việc bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác ban đầu cần nhanh chóng trao đổi ngay qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp với bị hại, người cung cấp tin báo, tố giác nhằm xác định địa chỉ và tài khoản ngân hàng mà bị hại đã chuyển tiền đến.
Liên quan đến các biện pháp cấp bách, nếu đã xác định được đối tượng, cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm cũng cần chú ý áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn ngừa việc đối tượng gây khó khăn cho công tác điều tra. Đồng thời, cần phải nhanh chóng xác định đối tượng và các thiết bị công nghệ chính được đối tượng sử dụng để tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ, sử dụng kết hợp các biện pháp nghiệp vụ và các biện pháp kỹ thuật để tìm kiếm, thu giữ các thiết bị lưu trữ của đối tượng, thu thập thông tin về các giao dịch của đối tượng. Phối hợp với các tổ chức tài chính để phong tỏa tài khoản của đối tượng, đề phòng đối tượng tẩu tán tài sản, xác minh sơ bộ thông tin của chủ tài khoản. Nếu phát hiện đối tượng có dấu hiện bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết các giao dịch và các hoạt động khác có thể gây khó khăn cho hoạt động điều tra thì cần củng cố căn cứ, đề nghị cấp có thẩm quyền ra lệnh khám xét và tiến hành ngay việc khám xét để thu giữ thiết bị, tài liệu cần thiết liên quan đến vụ án.
Thứ hai, chú trọng thu thập những phương tiện và dữ liệu điện tử trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Quá trình kiểm tra và xác minh cần chú ý nắm vững phương thức, thủ đoạn của đối tượng để tiến hành các biện pháp phù hợp. Đối với các vụ án đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội, Cơ quan điều tra cần chú ý kiểm tra cụ thể các thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, tình trạng hoạt động, xác định địa chỉ IP đăng nhập để khoanh vùng, diện đối tượng nghi vấn phạm tội. Trong trường hợp xác định được số điện thoại liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng (như số điện thoại đối tượng sử dụng để gọi đến cho bị hại, số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet banking, ví điện tử hay các dịch vụ trên mạng), cần nhanh chóng xây dựng các báo cáo tóm tắt nội dung vụ việc, xác định rõ yêu cầu và những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ cần áp dụng, thực hiện tốt quan hệ phối hợp (qua phòng PA06, Cục A06 và các nhà mạng cung cấp dịch vụ di động) nhằm nhanh chóng xác minh thông tin đăng kí thuê bao, địa điểm phát sinh cuộc gọi, tình trạng hoạt động, số IMEI của máy di động lắp các sim điện thoại... Đồng thời, tiến hành kiểm tra, xác minh các số điện thoại này đã được sử dụng để đăng ký tài khoản, dịch vụ mạng xã hội nào không? Nếu có thì xác minh, kiểm tra thông tin tài khoản, xác định địa chỉ IP đăng nhập, từ đó có cơ sở thông tin thật và địa chỉ vật lý ngoài đời thực của đối tượng…
Thứ ba, như đã phân tích, việc chiếm đoạt tài sản liên quan đến giao dịch ngân hàng, các ứng dụng thanh toán phổ biến và ngày càng phức tạp, điều này đòi hỏi quá trình tiếp nhận ban đầu cần xác định ngay tài khoản ngân hàng mà bị hại chuyển tiền đến trong trường hợp gửi tiền qua tài khoản ngân hàng. Cơ quan tiếp nhận và giải quyết cần chú ý trực tiếp cùng bị hại hoặc yêu cầu bị hại đến chi nhánh ngân hàng đề nghị phối hợp kiểm tra số tiền của bị hại chuyển đã được đối tượng sử dụng chưa. Nếu chưa sử dụng hoặc số tiền chưa chuyển thành công thì đề nghị phong tỏa tài khoản ngay. Thực hiện việc thu thập thông tin chủ tài khoản ngân hàng và các tài khoản liên quan, sao kê lịch sử giao dịch của tài khoản, đề nghị ngân hàng kịp thời trao đổi thời gian, địa điểm các tài khoản phát sinh giao dịch, trích xuất hình ảnh đối tượng trực tiếp giao dịch (nếu có)... Có những trường hợp sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, đối tượng sử dụng dịch vụ Internet banking để chuyển một phần tiền vào các ví điện tử, như: Momo, Moca, Payoo... để thực hiện các giao dịch trực tuyến, như nạp thẻ điện thoại, mua hàng online.... Đối với những trường hợp này, quá trình tiếp nhận và giải quyết cần chú ý làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử thanh toán trung gian để yêu cầu cung cấp thông tin đăng ký (gồm tên, số điện thoại, địa chỉ email), lịch sử giao dịch, địa chỉ IP đăng nhập ví điện tử để khoanh vùng đối tượng. Đặc biệt, cần kiểm tra thông tin đăng ký tên miền đối với các trang web lừa đảo nhận thưởng hay trang web nhận tiền quốc tế (các đối tượng gửi cho bị hại yêu cầu truy cập) để làm rõ và xác định công ty cho thuê tên miền, tên hoặc tài khoản cá nhân đăng ký thuê, sử dụng trang web này. Nếu công ty cho thuê tên miền hoạt động trong nước, hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì tiến hành phối hợp xác minh thông tin khách hàng đăng ký thuế và tài khoản Ngân hàng thanh toán tiền thuê tên miền hàng tháng.
Thứ tư, đặc biệt chú trọng quan hệ phối hợp trong quá trình tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thực tế cho thấy, quá trình này cần chú ý tới một số đơn vị có liên quan trực tiếp trong hoạt động kiểm tra và xác minh. Cụ thể: Cơ quan tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo cần chú ý nhanh chóng làm việc với ngân hàng nơi xảy ra tội phạm yêu cầu để tạm dừng giao dịch, phong tỏa tài khoản, xác minh chủ tài khoản ngân hàng; cần phối hợp với các đơn vị, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông để xác minh thông tin có liên quan (như log chat, số điện thoại, địa chỉ IP, thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ, nhật ký điện thoại, rà quét IMEI, rút list…); từ đó kiểm tra và xác định đối tượng nghi vấn. Trong trường hợp vụ việc xảy ra thuộc địa bàn khác thì đơn vị tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm lập biên bản tiếp nhận cần nhanh chóng thông báo đến Công an nơi tội phạm xảy ra để phối hợp thực hiện, kịp thời ngăn chặn hậu quả, thu hồi tài sản cho bị hại và truy xét ngay đối tượng phạm tội. Sau đó, đề xuất chuyển tin báo, tố giác về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp đã xác định được đối tượng nghi vấn, cần phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh đối với các đối tượng này, nhất là các vụ án mà đối tượng là người nước ngoài.
Thứ năm, nhiều trường hợp nội dung tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về vụ việc chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng rất phức tạp khi các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm khác nhau. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể và đầy đủ, nhất là đối với việc phân định và tỉ mỉ, cụ thể nội dung xác minh liên quan đến các tài khoản mạng xã hội; số điện thoại liên lạc của đối tượng, các tài khoản ngân hàng, các tài khoản ví điện tử, các trang web nhận thưởng hay trang web nhận tiền quốc tế; hình thức nạp, gửi thẻ cào… Điều này sẽ giúp các lực lượng chức năng nắm và áp dụng thống nhất quy trình, nội dung tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo vụ việc chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động này nói riêng, công tác điều tra, giải quyết vụ án nói chung.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.