Đào tạo tại chỗ: Bài 3 - Mục tiêu của công tác đào tạo

02/01/2019 09:18

(kiemsat.vn)
Để thực hiện tốt công tác đào tạo tại chỗ đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân thì việc xác định phạm vi công tác đào tạo rất quan trọng. Phạm vi đúng, đủ sẽ là chuẩn mực trong định hướng xây dựng nguồn cán bộ Kiểm sát trong tương lai có năng lực, đủ phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ và tiến trình cải cách tư pháp.

Bài 1 - Sự cần thiết của công tác đào tạo tại chỗ

Bài 2 - Các phương pháp thực hiện

Việc thực hiện công tác đào tạo tại chỗ đối với Kiểm tra viên, Chuyên viên tại VKSND cấp huyện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo hướng chú trọng thực chất, giỏi một việc, biết nhiều việc, tạo môi trường tiếp cận thực tiễn, rèn luyện, thử thách để đánh giá cán bộ về năng lực, sở trường công tác đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiệu quả.

Theo đó, phạm vi công tác đào tạo tại chỗ cần phải được xác định và thực hiện đồng bộ trên tất cả các tiêu chí bao gồm: Bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức tác phong, lối sống, kỷ cương, kỷ luật trong công tác. Việc thực hiện công tác đào tạo tại chỗ có thể bám sát theo yêu cầu của kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính chị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” của ngành Kiểm sát. Kết quả của quá trình áp dụng phương pháp đào tạo tại chỗ đối với các KTV, CV phải đạt được những mục tiêu sau:

Đào tạo về bản lĩnh chính trị

- Có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không dao động trước những khó khăn, thử thách. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

-  Có tinh thần dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; bảo vệ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; không dao động trước sức ép, tác động tiêu cực.

-  Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mạnh dạn đề xuất các hình thức, biện pháp để ban hành các quyết định phù hợp, đúng đắn giải quyết các nhiệm vụ được giao; có sáng kiến đổi mới trong công tác. Có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có ý thức phê bình và tự phê bình, dám nói thẳng, nói thật, khách quan, không nể nang, né tránh với ý thức xây dựng.

Đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ

- Có khả năng vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu, giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ, thành thạo các thao thác, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác được giao.

- Có năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp tốt về tình hình vi phạm, tội phạm và khả năng tham gia giải quyết các vụ, việc khó khăn, tính chất phức tạp; những vụ, việc có yếu tố nước ngoài bảo đảm các yếu tố chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

- Không để xảy ra vụ, việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc xảy ra oan, sai, hoặc vi phạm quy chế nghiệp vụ của Ngành và các quy định của pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đúng nội dung, trình tự quy định tại các Quy chế nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật, chế độ báo cáo.

- Hiểu biết, nắm vững và áp dụng đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, các quy chế nghiệp vụ của Ngành, nhất là các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công tác được giao để giải quyết công việc được chính xác, có chất lượng, hiệu quả.

- Vận dụng linh hoạt, nhạy bén các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động nghiệp vụ, đồng thời biết gắn nhiệm vụ công tác được giao với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng.

- Khi đề xuất giải quyết một vụ việc, nhất là xem xét, đánh giá chứng cứ hoặc đường lối giải quyết một vụ án phải thật sự khách quan, đầy đủ, toàn diện; việc ban hành các quyết định phù hợp chính xác.

Đạo đức, tác phong, lối sống

- Thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc một cách khách quan, công bằng, đúng chính sách, pháp luật. Có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp; không thiên lệch, định kiến, áp đặt chủ quan; không bị tác động, chi phối bởi các yếu tố bên ngoài.

-  Lắng nghe ý kiến của nhân dân; tôn trọng và thực hiện tốt quy chế dân chủ; trung thực, thẳng thắn, minh bạch trong giải quyết công việc.

Kỷ cương, kỷ luật trong công tác

-  Có ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và của Ngành (quy chế công tác, kỷ luật nghiệp vụ, kỷ luật lao động, lề lối làm việc, quy tắc ứng xử, kỷ luật phát ngôn, giữ gìn bí mật nhà nước, sử dụng trang phục, nếp sống văn hóa, văn minh công sở...).

-  Thực hiện đúng với thẩm quyền được giao, không lạm quyền hoặc làm trái công vụ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc thẩm quyền đều phải được đề xuất đưa ra xử lý, giải quyết theo pháp luật, đúng người, đúng tính chất, mức độ và hành vi, hậu quả đã xảy ra.

-  Nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Có ý thức xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; có tinh thần giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Không lùi bước trước khó khăn, phức tạp trong công việc được giao; mang hết khả năng công sức để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ. Không để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng để giải quyết công việc khách quan, thận trọng, kịp thời.

- Tự giác nhận khuyết điểm về hậu quả, sai sót xảy ra trong giải quyết công việc do lỗi của bản thân. Kịp thời khắc phục những hậu quả, sai sót; không đùn đẩy, đổ lỗi của mình cho người khác./.

Đào tạo tại chỗ: Bài 1 - Sự cần thiết của công tác đào tạo tại chỗ

(Kiemsat.vn) - Đào tạo tại chỗ có thể hiểu là việc đào tạo liên tục theo kế hoạch và có hệ thống cho CBCC công tác ở các phòng, ban, bộ phận tại chính đơn vị nơi người đó công tác, được thực hiện bởi lãnh đạo và CBCC có kinh nghiệm, có năng lực về kiến thức, có bản lĩnh nghề nghiệp tại chính phòng, ban, bộ phận đó.

Đào tạo tại chỗ: Bài 2 - Các phương pháp thực hiện

(Kiemsat.vn) - Đối với các VKSND cấp huyện thì công tác đào tạo tại chỗ phải được coi như là một nhiệm vụ trọng tâm, công việc hàng ngày bên cạnh các nhiệm vụ khác.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang