Đào tạo tại chỗ: Bài 1 - Sự cần thiết của công tác đào tạo tại chỗ

31/12/2018 10:35

(kiemsat.vn)
Đào tạo tại chỗ có thể hiểu là việc đào tạo liên tục theo kế hoạch và có hệ thống cho CBCC công tác ở các phòng, ban, bộ phận tại chính đơn vị nơi người đó công tác, được thực hiện bởi lãnh đạo và CBCC có kinh nghiệm, có năng lực về kiến thức, có bản lĩnh nghề nghiệp tại chính phòng, ban, bộ phận đó.

Công tác đào tạo cán bộ ngành Kiểm sát trong những năm qua đã được lãnh đạo các cấp kiểm sát quan tâm triển khai, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, hiệu quả mang lại thì công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Kiemsat.vn xin giới thiệu loạt bài về một số giải pháp về nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ ngành Kiểm sát của tác giả Thiều Văn Thịnh, VKSND tỉnh Cao Bằng, trong đó, tập trung vào đối tượng cán bộ, công chức giúp việc cho Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Giải pháp nêu bật phương pháp “đào tạo tại chỗ”.

Bài 1 - Sự cần thiết của công tác đào tạo tại chỗ

Trong bộ máy nhà nước ta, VKSND có vị trí, vai trò rất quan trọng. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách tư pháp, VKSND huyện đã nỗ lực phấn đấu, tập trung đổi mới sâu rộng về công tác sắp xếp, bố trí cán bộ và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Hiện nay, cán bộ, công chức giúp việc cho Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát cấp huyện bao gồm Kiểm tra viên và Chuyên viên (CV), trong đó Kiểm tra viên (KTV) là chức danh tư pháp được bổ nhiệm theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sau khi đã trải qua lớp Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát và có nhiệm vụ quyền hạn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (điều 43). Đây là lực lượng cán bộ, công chức rất quan trọng, trực tiếp tham gia giúp các Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử các vụ án hình sự, và cũng chính từ những Kiểm tra viên, Chuyên viên này sẽ là nguồn cán bộ kế cận để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu trở thành những Kiểm sát viên tương lai. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có phương pháp, cách thức phù hợp để phát huy được những tố chất, sở trường bao gồm những kiến thức chuyên môn, khả năng tư duy, khả năng lập luận… của từng người từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, góp phần tạo ra được một thế hệ cán bộ trẻ giàu nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành các nhiệm vụ với kết quả cao nhất.

Các năm trước đây, việc áp dụng hình thức nào để đào tạo đối với các cán bộ trẻ cho hiệu quả và phù hợp là vấn đề trăn trở của nhiều đơn vị Viện kiểm sát địa phương, nhất là VKSND cấp huyện. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức (CBCC) từ trước tới nay vẫn luôn được Ngành kiểm sát quan tâm, chăm lo và không ngừng đổi mới như mở các lớp ĐTBD nghiệp vụ kiểm sát hoặc tổ chức các cuộc hội nghị tập huấn trên hệ thống truyền hình trực tuyến; tổ chức các cuộc thi kiến thức như Chúng tôi là Kiểm sát viên…, tuy nhiên, chất lượng, phương pháp đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ công tác. Hiện nay bên cạnh công tác đào tạo của Ngành theo kế hoạch thì có một hình thức ĐTBD đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém, có thể được thực hiện tại tất cả các cấp kiểm sát – đó là “đào tạo tại chỗ”, phương pháp này đang được triển khai thực hiện tại một số đơn vị VKSND cấp huyện, bước đầu mang lại hiệu quả rất tích cực.

Đào tạo tại chỗ có thể hiểu là việc đào tạo liên tục theo kế hoạch và có hệ thống cho CBCC công tác ở các phòng, ban, bộ phận tại chính đơn vị nơi người đó công tác, được thực hiện bởi lãnh đạo và CBCC có kinh nghiệm, có năng lực về kiến thức, có bản lĩnh nghề nghiệp tại chính phòng, ban, bộ phận đó. Tại VKSND cấp huyện, thông qua từng vụ án cụ thể, Kiểm sát viên được phân công thụ lý kiểm sát giải quyết vụ án đề xuất lãnh đạo phân công một Kiểm tra viên hoặc Chuyên viên giúp việc có khả năng và phù hợp với vụ án trong tất cả các giai đoạn tố tụng.

Quá trình đào tạo tại chỗ diễn ra thông qua chính công việc mà những KTV, CV được phân công thực hiện bao gồm các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để có thể tiến hành công việc một cách hiệu quả. Trên thực tế, thông thường mỗi KTV, CV trước khi được tuyển dụng vào Ngành kiểm sát làm việc đều có thời gian thử việc là 01 năm, thời gian thử việc có thể được coi là khoảng thời gian để người cán bộ đó tiếp xúc và làm quen với công việc của đơn vị, khi đã quen với công việc và chính thức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí công tác, KTV, CV sẽ phải tự tích luỹ kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc (khoảng 04 năm để có đủ các điều kiện tham gia kỳ thi tuyển chọn Kiểm sát viên sơ cấp). Ban đầu, khi gặp khó khăn vướng mắc, họ có thể được lãnh đạo hoặc người có kinh nghiệm lâu năm trong đơn vị chỉ bảo, nhưng đó chỉ là những kiến thức, kỹ năng cơ bản đối với một cán bộ, công chức mới vào ngành. Tuy nhiên từ năm thứ 2 của các KTV, CV trở đi, khối lượng công việc của các KSV sẽ được san sẻ rất nhiều nếu như những KTV, CV này được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống để giúp cho KSV trong công tác giải quyết án. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo tại chỗ tại đơn vị rất được lãnh đạo và các KSV chú trọng thực hiện.

Tất cả mọi người đều hiểu một điều đó là “Không ai dạy CBCC mới vào nghề tốt hơn những người có kinh nghiệm tại chính nơi họ đang công tác”. Bởi hơn ai hết, những lãnh đạo, KSV có thâm niên hiểu được công việc của mình, biết mình phải làm gì, làm như thế nào, công việc ấy có khó khăn, trở ngại gì… Vì vậy, việc “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thực hiện chuyên môn nghiệp vụ không phải là công việc ban ơn, nghĩa vụ của những KSV có kinh nghiệm mà phải được coi như là quyền được dùng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình để “hướng dẫn” cho các KTV, CV và cũng đồng thời là trách nhiệm giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Mặt khác, việc đào tạo tại chỗ không chỉ được hiểu theo hướng xuôi chiều là người cũ hướng dẫn người mới mà đây phải là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục, qua lại hai chiều giữa các thành viên trong cùng một tập thể. Đó có thể là việc KSV sẽ truyền đạt lại những kinh nghiệm trong xử lý công việc hoặc trong công tác phối hợp để đạt kết quả cao nhưng đổi lại những KSV này cũng có thể học hỏi, tiếp thu từ những KTV, CV tư duy sáng tạo, cách làm hay hoặc những kiến thức, kỹ năng mới được áp dụng và có hiệu quả cao trong công việc mà bản thân các KSV trước đây chưa được tiếp cận như việc ứng dụng trang thiết bị công nghệ thông tin để đơn giản hóa, tối ưu hóa các thủ tục tố tụng…

Để có thể thực hiện tốt công tác đào tạo tại chỗ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các KSV thì vai trò của Lãnh đạo đơn vị rất quan trong trong việc định hướng, quán triệt về tư tưởng cho các KSV để chính những KSV phải hiểu rõ được bản chất của công việc được giao là phục vụ công tác xây dựng ngành, xây dựng đơn vị vững mạnh, đoàn kết và lợi ích của công việc thông qua tiêu chí “mình giúp người, người giúp mình”. Công tác đào tạo tại chỗ phải được đưa vào kế hoạch công tác năm của đơn vị, có sự phân công trách nhiệm cụ thể và được kiểm tra thường kỳ về hiệu quả áp dụng, những mục tiêu đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện trong các hoạt động giao ban thường kỳ của đơn vị. Có như vậy mới nâng cao được trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, KSV đồng thời củng cố thêm tình đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, tăng cường hiệu quả giải quyết công việc.

Do đặc thù các khâu công tác của ngành Kiểm sát luôn có sự thay đổi theo sự biến động của tình hình xã hội nên vấn đề học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ phải được cập nhật thường xuyên, bởi mục tiêu của hệ thống pháp luật phải đi trước hoặc song cùng với sự vận động của xã hội để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo đúng trật tự. Các khâu công tác trong của Viện kiểm sát nhân dân thuộc ngành khoa học xã hội nhưng lại mang tính tổng quát của các ngành khoa học khác nên việc hiểu và vận dụng được một lượng kiến thức khổng lồ để áp dụng cho các khâu công tác đạt hiệu quả cao không phải là một điều dễ dàng, nhất là đối với các KTV, CV. Do đó, ngoài việc tự học hỏi thì các KTV, CV cần phải có sự hướng dẫn, truyền đạt về về kinh nghiệm của Lãnh đạo, KSV để từ đó khi thực hiện công tác nghiệp vụ giúp việc cho KSV thì các KTV, CV luôn luôn thể hiện tính chủ động, phẩm chất, năng lực nổi trội của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với các VKSND cấp huyện thì công tác đào tạo tại chỗ phải được coi như là một nhiệm vụ trọng tâm, công việc hàng ngày bên cạnh các nhiệm vụ khác. Việc đào tạo tại chỗ phải diễn ra liên tục, có chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương, hình thức và được thực hiện đối với tất cả CBCC của đơn vị trên tất cả các tiêu chí bao gồm bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tác phong, lối sống, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và đề cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác. Có làm tốt được như vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ và chứng minh được hiệu quả của hình thức đào tạo này so với các hình thức đào tạo khác trong công cuộc xây dựng đội ngũ CBCC ngành Kiểm sát nhân dân theo đúng tinh thần của chiến lược cải cách tư pháp.

Còn nữa

P.V

Kinh nghiệm kiểm sát, giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

(Kiemsat.vn) - Các hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự, thương mại trong xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp. Các quy định về hợp đồng vay tài sản được quy định trong BLDS đã góp phần đảm bảo sự ổn định của xã hội, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng cũng như quyền, lợi ích chung của tập thể, cá nhân. Hình thức giao dịch thông qua hợp đồng thường được các bên lựa chọn vì đó là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Lập sổ thụ lý theo dõi xử lý, quản lý đơn khiếu nại trên bảng Excel

(Kiemsat.vn) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp là rất cần thiết để theo dõi thụ lý, quản lý đơn. Bài viết sau là sáng kiến của VKSND tỉnh Lâm Đồng nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang