Cần biết về Kiểm tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân
(kiemsat.vn) Sau 13 năm Kiểm tra viên được quy định là một chức danh của Viện kiểm sát. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay Kiểm tra viên đã trở thành một chức danh pháp lý. Đội ngũ Kiểm tra viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định ở nhiều lĩnh vực công tác kiểm sát, không ngừng nỗ lực phấn đấu để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành KSND.
Năm 2018: Ngành KSND tỉnh Đắk Lắk tích cực, chủ động trong phối hợp công tác
Kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra và kỹ năng phát hiện vi phạm
1. Quá trình hình thành chức danh Kiểm tra viên của Viện kiểm sát
Năm 2005, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, xây dựng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ và mã số các ngạch Kiểm tra viên riêng cho ngành Kiểm sát, ban hành kèm theo Quyết định số 73/2005/QĐ-BNV (Quyết định số 73) ngày 27/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chức danh và các ngạch Kiểm tra viên ngành Kiểm sát, gồm: Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên cao cấp (Điều 1). Đây là văn bản đầu tiên quy định cụ thể tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát (1) cũng như tiêu chuẩn cụ thể đối với từng ngạch Kiểm tra viên về chức trách, hiểu biết, trình độ, năng lực. (2)
Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát. Trong đó, Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên hưởng phụ cấp trách nhiệm tương ứng là 15%, 20%, 25% cộng với phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung.
Căn cứ Quyết định số 73, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy định về Kiểm tra viên của ngành Kiểm sát kèm theo Quyết định số 208/QĐ/2005/VKSTC-V9 (Quyết định số 208) ngày 07/11/2005 để thống nhất thực hiện trong toàn ngành. Đây là cơ sở pháp lí để Viện kiểm sát thực hiện chính sách, thu hút công chức chuyên môn có chất lượng. Trong đó, chú trọng nhận thức về chính trị, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện đạo đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, thời gian công tác trong ngành.
Theo Quyết định số 1183/2007/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2007 của Viện trưởng VKSND tối cao thì: Viện trưởng VKSND tối cao quyết định tổ chức thi nâng ngạch Kiểm tra viên các cấp và bổ nhiệm cán bộ vào các ngạch Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên.
Ngày 01/10/2010 Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế phân cấp quản lý công chức trong ngành KSND kèm theo Quyết định số 154/2010/QĐ-VKSTC. Trong đó, về Kiểm tra viên: Viện trưởng VKSND tối cao tiếp nhận công chức từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên làm việc tại VKSND tối cao, Quyết định tổ chức thi nâng ngạch Kiểm tra viên các cấp, bổ nhiệm công chức vào ngạch Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên (trừ Kiểm tra viên ở VKSND địa phương) (3); Viện trưởng VKSND tỉnh: Cho thôi việc, chuyển ngành đối với công chức không giữ chức danh pháp lý, chức vụ quản lý, lãnh đạo từ ngạch Chuyên viên chính trở xuống (khoản 4 Điều 22); Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: Tiếp nhận công chức từ ngạch Chuyên viên và tương đương trở xuống vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, sau khi có ý kiến đồng ý tiếp nhận của lãnh đạo VKSND tối cao, Điều động công chức từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở xuống, kể cả những người giữ chức vụ quản lý, ra quyết định đối với công chức từ Chuyên viên chính và tương đương trở xuống đang công tác tại các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, kể cả những người giữ chức vụ quản lý (trừ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị trực thuộc) sau khi được Lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt đối với việc cử đi học, nâng lương, nâng ngạch, chuyển loại, nghỉ hưu, chuyển ngành. (4)
Bộ luật TTHS năm 2003, BLTTDS năm 2005, Luật TTHC năm 2010 không quy định Kiểm tra viên được tham gia tố tụng và không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên. Chính vì vậy, trong thực hiện nhiệm vụ ở các khâu công tác kiểm sát gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
2. Kiểm tra viên là chức danh pháp lý của Viện kiểm sát
Khắc phục bất cập trong thực tế, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định cụ thể tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Kiểm tra viên, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm tra viên.
Điều 90 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đã đưa ra khái niệm khảng định: “Kiểm tra viên là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND”. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao.
Quy định mới chức danh Kiểm tra viên trong BLTTHS năm 2015 (Điều 34), BLTTDS năm 2015 (Điều 46) và Luật TTHC năm 2015 (Điều 36) là người tiến hành tố tụng đảm bảo tương xứng, phù hợp với quy định về các chức danh pháp lí khác như: Cán bộ điều tra trong Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Thẩm tra viên trong Luật tổ chức TAND năm 2014.
Nhằm giúp ngành Kiểm sát triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 (Nghị quyết số 294) ngày 13/5/2015 về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên VKSND gồm 14 điều, với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với các quy định trước đó.
Về ngạch của Kiểm tra viên vẫn quy định theo 3 ngạch như các văn bản trước đây. Việc xây dựng, đề ra tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên của Nghị quyết được thừa kế những nội dung ưu việt của các văn bản trước đó, kết hợp với các tiêu chuẩn quy định trong các kỳ thi nâng ngạch Kiểm tra viên mà Bộ Nội vụ đã quy định, đồng thời căn cứ các quy định về tiêu chuẩn của Kiểm sát viên các ngạch quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014.
Điều 2 tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên cơ bản giữ các tiêu chuẩn của Quyết định số 73, Quyết định số 208, trong đó không quy định về trình độ ngoại ngữ, nhưng bắt buộc phải thi tuyển, trong đó có môn ngoại ngữ.
Đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Kiểm tra viên, ngoài tiêu chuẩn chung tại Điều 2 còn phải có đủ 3 điều kiện thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của VKSND nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát quân sự: Đang là công chức; Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên; Có khả năng giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Viện trưởng VKSND, Viện trưởng VKS quân sự. Đối với Kiểm tra viên chính, ngoài tiêu chuẩn chung phải có đủ các điều kiện sau mới có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của VKSND; nếu đang làm việc tại các VKS quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của VKS quân sự: Đã là Kiểm tra viên ít nhất 05 năm; Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ Kiểm tra viên và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên chính. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp ngoài đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2, phải có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của VKSND, nếu đang làm việc tại các VKS quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự gồm: Đã là Kiểm tra viên chính ít nhất 05 năm; Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên cấp dưới và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên cao cấp. Để được bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp và Kiểm tra viên chính bắt buộc phải trúng tuyển kỳ thi vào ngạch tương ứng.(5)
Các quy định này cho thấy tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên ngày càng chi tiết, khoa học, đề cao hiệu quả và trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến Kiểm tra viên cũng được bổ sung hoàn thiện.
Khoản 1 Điều 6 Hội đồng tuyển chọn Kiểm tra viên, xét thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp là Ủy ban kiểm sát VKSND, Ủy ban kiểm sát VKSQS các cấp. Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp ở VKSND tối cao gồm có Chủ tịch là 01 Phó Viện trưởng VKSND tối cao, 02 Phó Chủ tịch là đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và thành viên Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao, 02 thành viên khác của Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao và đại diện VKSQS Trung ương. Danh sách Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao.
VKSND cấp tỉnh; Viện trưởng VKSQS Trung ương, VKSQS cấp quân khu, công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện nộp hồ sơ tuyển chọn bổ nhiệm Kiểm tra viên các cấp. Hội đồng tuyển chọn (Uỷ ban kiểm sát) tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị Viện trưởng Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSQS Trung ương bổ nhiệm Kiểm tra viên và xét tuyển người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp. VKSND tối cao thành lập Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp. Hội đồng thi tuyển đề nghị Viện trưởng Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.
Việc miễn nhiệm, cách chức đối với chức danh Kiểm tra viên do Viện trưởng VKSND tối cao quy định(6). Về cơ cấu các ngạch Kiểm tra viên và chỉ tiêu nâng ngạch do Viện trưởng VKSND tối cao quy định trên cơ sở quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức các ngạch trong ngành KSND được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chế độ tiền lương, phụ cấp, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên quy định tại Điều 13 của Nghị quyết.
Thực hiện Nghị quyết số 294, ngày 28/9/2015, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 113/2005/TT-BQP quy định về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ VKS quân sự, quy định về Kiểm tra viên tại Điều 21.
Ngày 22/12/2015, VKSND tối cao đã ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành KSND kèm theo Quyết định 05/QĐ-VKSTC-V15 của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó có các quy định về Kiểm tra viên.
Ảnh minh họa |
3. Những quy định mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm tra viên trong tố tụng thuộc các lĩnh vực công tác kiểm sát
Thực hiện cải cách tư pháp, pháp luật tố tụng của Việt Nam đã ngày càng cụ thể hóa các chức danh pháp lý là người tiến hành tố tụng, đồng thời quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của các chức danh đó nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, trong đó có chức danh Kiểm tra viên.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên quy định chung tại khoản 4 Điều 90 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Tuy nhiên, ở từng lĩnh vực công tác kiểm sát cụ thể như sau :
Trong BLTTHS năm 2015 Điều 43 quy định, Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Kiểm sát viên bao gồm: Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự; Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; Giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác.
BLTTDS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên tại Điều 59 gồm: Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên; Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát; Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên trong TTHC được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật TTHC năm 2015 như sau: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên; Lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát; Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này.
Khi thực hiện các quy định của tố tụng nêu trên, Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.
Có thể nói đến nay, các quy định về Kiểm tra viên đã thể hiện sự bài bản, khoa học trong công tác cán bộ của ngành KSND, sự quan tâm của lãnh đạo ngành Kiểm sát đối với Kiểm tra viên – một lực lượng quan trọng của ngành đang nỗ lực vươn lên trong các lĩnh vực công tác, có vai trò quan trọng trong tổ chức bộ máy ngành Kiểm sát./.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Mục A Quyết định số 73 tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên cao cấp: Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế XHCN;Tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt …; Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; Hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Có đủ năng lực, sức khỏe, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao; Có đủ thời gian công tác thực tiễn; Không được làm những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
(2) Mục B Quyết định số 73 tiêu chuẩn cụ thể các ngạch Kiểm tra viên, Kiểm tra viên các cấp đều phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của ngành, đáng chú ý: Kiểm tra viên cao cấp phải là công chức chuyên môn nghiệp vụ bậc cao, chủ trì kiểm tra các vụ án rất phức tạp, Là cử nhân Luật trở lên, Chính trị cao cấp, quản lý Nhà nước cao cấp và nghiệp vụ Kiểm sát, 1 ngoại ngữ trình độ C, có công trình (Đề án) được Hội đồng khoa học ngành chấp nhận, áp dụng, có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên và Kiểm tra viên chính, đã là Kiểm tra viên chính hoặc Chuyên viên chính ít nhất 6 năm… Kiểm tra viên chính: Là công chức chuyên môn nghiệp vụ cao, chủ trì và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ các vụ án thuộc thẩm quyền, Là cử nhân Luật trở nên; Chính trị trung cấp, quản lý Nhà nước ngạch Chuyên viên chính, đã đào tạo về Kiểm sát, ngoại ngữ trình độ B, Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên, đã là Kiểm tra viên hoặc Chuyên viên ít nhất là 5 năm... Kiểm tra viên: Là công chức chuyên môn nghiệp vụ, giúp Lãnh đạo Viện trực tiếp kiểm tra các vụ án theo phân công, qua công tác chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý ít nhất là 3 năm, biết 1ngoại ngữ A…
(3) Xem khoản 3 Điều 8, khoản 3 Điều 11 Quy chế kèm theo Quyết định số 154/2010/QĐ-VKSTC.
(4) Xem điểm a khoản 1 Điều 25, khoản 2 Điều 25, khoản 3 Điều 25 Quy chế kèm theo Quyết định số 154.
(5) Xem các Điều 3, 4, 5, 6 Nghị quyết số 294 của UBTV Quốc hội.
(6) Xem Điều 8 Nghị quyết số 294 của UBTV Quốc hội.
Xem thêm>>>
Tập huấn nâng cao kỹ năng trong hoạt động điều tra của Điều tra viên, Kiểm sát viên ngành KSND
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính 2015
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.