Kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra và kỹ năng phát hiện vi phạm

23/12/2018 10:09

(kiemsat.vn)
Kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra là một trong những chức năng của VKSND được quy định tại Điều 4 và Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Làm tốt công tác này không chỉ giúp cho Cơ quan điều tra khắc phục được những vi phạm còn giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Qua thực tiễn kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự cho thấy những vi phạm chủ yếu của Cơ quan điều tra như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những yêu cầu của Viện kiểm sát đề ra; Cơ quan điều tra không chuyển hoặc chuyển chậm biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra cho Viện kiểm sát; Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát gia hạn thời hạn điều tra chậm; không thông báo cho Viện kiểm sát biết thời gian và địa điểm hỏi cung bị can và sự phối hợp giữa Điều tra viên với Kiểm sát viên trong hoạt động điều tra còn hạn chế.

Kiểm sát viên và Điều tra viên trao đổi hồ sơ vụ án

Việc Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những yêu cầu của Viện kiểm sát là vi phạm khoản 1 Điều 167 BLTTHS năm 2015 vi phạm này thể hiện ở việc Viện kiểm sát đề ra yêu cầu điều tra nhưng Cơ quan điều tra không điều tra đúng và đủ những nội dung Viện kiểm sát đề ra, nhưng vẫn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam… Hoặc do Cơ quan điều tra không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ những nội dung Viện kiểm sát đề ra dẫn đến việc không đủ căn cứ để khởi tố bị can, ảnh hưởng đến việc xem xét phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can và các quyết định khác mà Cơ quan điều tra đề nghị. Do chưa khởi tố và chưa phê chuẩn khởi tố bị can kịp thời dẫn đến việc không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và các biện pháp khác như: Khám xét nơi ở, nơi làm việc của bị can để thu thập vật chứng hay tài liệu có liên quan; kê biên, niêm phong tài sản bị chiếm đoạt; đối tượng phạm tội có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ gây bất lợi hoặc tìm cách đối phó với các Cơ quan pháp luật. Từ đó việc giải quyết vụ án gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc Cơ quan điều tra chậm chuyển biên bản, tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra cho Viện kiểm sát là vi phạm khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. Từ đó, ảnh hưởng đến việc kiểm sát việc lập hồ sơ và tính kịp thời đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên cũng như việc nắm tiến độ điều tra, những vấn đề phát sinh của vụ án để cùng nhau giải quyết vụ án. Một số vụ án lớn, án phức tạp nếu có sự tham gia hỏi cung của Kiểm sát viên sẽ giúp việc điều tra được thuận lợi hơn và giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh của vụ án. Nhưng Cơ quan điều tra lại không thông báo thời gian và địa điểm hỏi cung để Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham gia kịp thời là vi phạm khoản 1 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc phối hợp không chặt chẽ giữa Điều tra viên với Kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án dẫn đến chất lượng điều tra bị hạn chế, hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần, hoặc vụ án có thể bị đình chỉ, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Để bảo đảm việc khởi tố, điều tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, Kiểm sát viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất: Khi thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra cần phải tăng cường kỹ năng phát hiện vi phạm để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị. Kiểm sát viên, phải thực hiện đúng, đầy đủ những nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu Kiểm sát viên bỏ qua hoặc thực hiện không đúng không đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn sẽ dẫn đến việc không phát hiện ra vi phạm của Cơ quan điều tra, không kiểm sát tiến độ điều tra nên không thể biết Điều tra viên có thực hiện đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát hay không.

Thứ hai: Kiểm sát viên phải gắn công tố với hoạt động điều tra, phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, không được tách rời hoạt động điều tra, Kiểm sát viên phải coi công việc của Điều tra viên như công việc của bản thân mình. Tuy nhiên không phải là làm thay cho Điều tra viên mà phải cùng nhau trao đổi, bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và định hướng đúng cho Điều tra viên trong việc điều tra vụ án, có như vậy mới phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh kịp thời và ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra.

Thứ ba: Kiểm sát viên phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nghiên cứu, áp dụng chính xác và đầy đủ những quy dịnh của pháp luật, giúp cho Kiểm sát viên không chỉ làm tốt công tác kiểm sát điều tra mà còn kịp thời phát hiện ra những vi phạm của Cơ quan điều tra.

Thứ tư: Quá trình kiểm sát hoạt động điều tra phải mở sổ theo dõi những vi phạm của Cơ quan điều tra sau đó tổng hợp để kiến nghị, việc kiến nghị không chỉ giúp cho Cơ quan điều tra khắc phục được vi phạm mà còn giúp cho công tác điều tra của Cơ quan điều tra ngày càng hoàn thiện và tốt hơn .

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên giúp công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát được nâng cao hơn, kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động điều tra để kiến nghị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, không để xảy ra sai sót./. 

                                                                         Phạm Thị Hiền

VKS tỉnh Cà Mau

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang