Cần bổ sung quy định về xử lý tài sản thi hành án là động vật hoang dã trong Luật thi hành án dân sự

22/04/2024 08:57

(kiemsat.vn)
Pháp luật thi hành án dân sự hiện nay không quy định về việc xử lý tài sản thi hành án là động vật hoang dã. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, việc xử lý đối với tài sản là động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quy định của pháp luật trong kê biên, xử lý tài sản trong thi hành án

Theo quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) thì bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.

Tại khoản 1 Điều 45, khoản 1 Điều 46 Luật THADS quy định: Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Theo đó, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS).

Như vậy, biện pháp kê biên tài sản được áp dụng khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng không tự nguyện thi hành. Để tiến hành kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành án và khi có căn cứ cho thấy người phải thi hành án có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành án thì mới tiến hành kê biên để thi hành án. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật THADS thì việc kê biên tài sản phải lập biên bản; biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng. Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.

Luật THADS đã quy định cụ thể về kê biên, xử lý đối với một số tài sản đặc thù, bao gồm: (1) Kê biên quyền sở hữu trí tuệ (Điều 84 ); (2) Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 89); (3) Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp (Điều 90); (4) Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ (Điều 91); (5) Kê biên vốn góp (Điều 92); (6) Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói (Điều 93); (7) Kê biên tài sản gắn liền với đất (Điều 94); (8) Kê biên nhà ở (Điều 95); (9) Kê biên phương tiện giao thông (Điều 96); (9) Kê biên hoa lợi (Điều 97). Luật THADS cũng quy định rất cụ thể về việc định giá tài sản kê biên, giao đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án, bán tài sản đã kê biên, giải tỏa kê biên tài sản…

Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản là động vật hoang dã

Nhìn chung, Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn đã quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự trong thời gian qua cho thấy vẫn còn một số bất cập, khó khăn cần được xem xét, giải quyết kịp thời. Đó là việc kê biên, xử lý đối với tài sản là động vật hoang dã.

Vụ việc thi hành án dưới đây là ví dụ:

Theo Quyết định số 01/2019/QĐST-DS ngày 24/4/2019 của TAND thị xã Đ, tỉnh P: Vợ chồng ông Lê Thanh T, bà Nguyễn Thị H ( có địa chỉ tại phường H, thị xã Đ, tỉnh P) phải trả nợ cho vợ chồng ông Nguyễn Chí T, bà Nguyễn Thị Kim H số tiền là 08 tỷ đồng; hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án. 

Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Đ tổ chức thi hành Quyết định số 01/2019/QĐST-DS nói trên của TAND thị xã Đ. Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của vợ chồng ông Lê Thanh T, kết quả cho thấy vợ chồng ông T có 01 ngôi nhà cấp 4 diện tích khoảng 25m2 tọa lạc trên diện tích đất 200m2; 01 xe ô tô tải hiệu Mitsubishi đang thế chấp vay tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Chi nhánh thị xã Đ với số tiền 4.910.108.431 đồng. Khoản nợ trên là nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH 14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội, Ngân hàng không đồng ý cho Cơ quan thi hành án kê biên tài sản này theo Luật thi hành án dân sự. Đến nay, Ngân hàng đã xử lý nhà, đất thu hồi nợ với số tiền 360.200.000 đồng, còn chiếc xe ô tô chưa xử lý.

Quá trình xác minh còn xác định: Ngoài số tài sản là nhà đất và xe ô tô nói trên, ông Lê Thanh T đang nuôi 1.000 con hổ mang thường, 264 rắn ráo trâu (có giấy phép); ông T tự nguyện giao tài sản này cho người được thi hành án. Bà H, vợ ông T đã chết do bị rắn cắn.

Tại biên bản về việc giải quyết thi hành án ngày 03/7/2020, người được thi hành án là vợ chồng ông Nguyễn Chí T, bà Nguyễn Thị Kim H đã từ chối nhận tài sản là số con rắn nói trên và yêu cầu Chi cục THADS buộc ông Lê Thanh T tự bán rắn trả nợ.

Theo quy định, trước khi ông Lê Thanh T xuất rắn phải báo cho Hạt Kiểm lâm thị xã Đ nên Chấp hành viên đã có công văn gửi Hạt kiểm lâm thị xã Đ, khi nào ông T đăng ký xuất rắn thì Hạt Kiểm lâm thông báo cho Chi cục THADS biết để phối hợp xử lý. Tuy nhiên, hiện tại số rắn nói trên không có người mua và Chấp hành viên đã thông báo tìm tổ chức, cá nhân đủ điều kiện mua nhưng đến nay không có tổ chức cá nhân nào tham gia.

Ngày 17/11/2020, Chấp hành viên làm việc với ông Lê Thanh T về việc bảo quản số rắn sau khi Cơ quan THADS kê biên thì ông T không nhận bảo quản vì ông không có tiền mua thức ăn cho rắn và rắn rất dễ chết.

Ngày 08/12/2020, Chấp hành viên ban hành công văn đề nghị Hạt Kiểm lâm thị xã Đ có ý kiến về việc bảo quản rắn của ông Lê Thanh T sau khi Cơ quan thi hành án kê biên được hay không. Ngày 10/12/2020, Hạt kiểm lâm có văn bản trả lời cơ quan này không có chức năng, nhiệm vụ liên quan trong việc bảo quản nuôi nhốt rắn. Đến nay cũng không có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện để bảo quản rắn; tại tỉnh P cũng không có trung tâm cứu hộ động vật; người phải thi hành án và Chi cục thi THADS không có nguồn tiền để mua thức ăn cho rắn, trong khi đó rắn rất dễ chết.

Rắn là động vật hoang dã, là tài sản đặc thù, người phải thi hành án tự nguyện giao cho người được thi hành án nhưng người được thi hành án không nhận nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên số rắn của ông Lê Thanh T để xử lý theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Hơn nữa, nếu có kê biên thì không ai nhận bảo quản; việc kiểm đếm, phân loại chính xác, đầy đủ các loại rắn cũng rất khó thực hiện.

Quá trình giải quyết vụ việc, có ý kiến cho rằng cần làm việc với ông Lê Thanh T để nắm chính xác số lượng, chủng loại, giá bán từng loại rắn hiện có; đồng thời làm việc với người được thi hành án để thỏa thuận việc hoãn thi hành án theo thỏa thuận của đương sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây: c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;”. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, sau khi hết thời gian hoãn thì vẫn phải tổ chức thi hành án. Và một hậu quả là việc thi hành án sẽ bị kéo dài, tồn đọng.

Theo quy định tại Điều 126 Luật THADS quy định về việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự nhưng không quy định về việc xử lý tài sản là động vật hoang dã. Trong trường hợp nói trên, do người phải thi hành án không nhận tài sản nên Cơ quan thi hành án cũng không thể giao tài sản.

Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNN ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước, cũng không quy định về vấn đề này.

Kiến nghị, đề xuất

Pháp luật thi hành án dân sự hiện nay không quy định về việc xử lý tài sản đối với động vật hoang dã. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, việc xử lý đối với tài sản là rắn như vụ việc nói trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nói chung, người được thi hành án nói riêng. Đặc biệt, điều đó dẫn đến bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án không được chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy, cần thiết phải xem xét bổ sung vào Luật THADS cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành về nội dung này. Trước mắt, liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện thống nhất.

Kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

(Kiemsat.vn) - Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen”, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cần nắm chắc các quy định của pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và thực hiện tốt một số kỹ năng cơ bản.

Nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao

(Kiemsat.vn) - Trước yêu cầu cải cách tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang