Hoàn thiện thiết chế VKSND theo yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
(kiemsat.vn) Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bài viết tập trung phân tích việc hoàn thiện thiết chế Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Hoàn thiện quy định về áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự
Một số vấn đề về thủ tục tạm ngừng phiên tòa dân sự
Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đây là một dấu mốc quan trọng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới. Nghị quyết số 27-NQ/TW thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá của Đảng ta về đổi mới NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Theo đó, việc cải cách tư pháp có bước đột phá trên một số lĩnh vực, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng cao.
1. Định hướng hoàn thiện thiết chế VKSND trong NNPQ xã hội chủ nghĩa theo yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã chỉ rõ mục tiêu cụ thể, hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Từ đó, Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trong đó, VKSND là thiết chế đóng vai trò quan trọng để xây dựng nền tư pháp như mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra. Do đó, cần đưa ra những định hướng cơ bản hoàn thiện thiết chế VKSND trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Cải cách tư pháp là một nội dung quan trọng trong cải cách bộ máy nhà nước, bên cạnh công tác đổi mới lập pháp và cải cách hành chính. Đây là công tác có tác động, ảnh hướng rất lớn đến các cơ quan tư pháp, do đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã xác định đây là công tác có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Yêu cầu đặt ra đối với cải cách tư pháp trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cải cách tư pháp phải gắn liền với xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo xu hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Theo đó, VKSND cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây: Hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Như vậy, để triển khai nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, thiết chế VKSND cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện và cụ thể hơn theo hướng: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trước yêu cầu tình hình mới về phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; đối với chức năng thực hành quyền công tố, VKSND cần tập trung xây dựng một nền công tố mạnh, theo xu hướng tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; đối với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND cần tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng, nhằm bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử, để hoạt động này phù hợp với nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thứ hai, thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đây là quan điểm của Đảng thể hiện rõ tư tưởng chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thống nhất quyền lực trên cơ sở phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước.
Mục 2 Phần II Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định: Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân. Quy định này là thống nhất, phù hợp với khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, cần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế việc lạm quyền, lộng quyền, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND đã phát huy hiệu quả vai trò “kiểm soát” quyền lực nhà nước. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước giao cho VKSND thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan nhà nước trên một số lĩnh vực cần thiết trong thời gian tới.
Thứ ba, yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Hiến pháp và pháp luật trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Mục 2 Phần IV Nghị quyết số 27-NQ/TW đưa ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Hiến pháp và pháp luật trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Xây dựng ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi Hiến pháp, pháp luật; cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
Trong NNPQ xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, nhất quán và hiệu quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một mặt, đề cao việc tự giác thực hiện pháp luật, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật, mặt khác, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, nhất quán mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật với phương thức dân chủ, bảo vệ quyền con người, ít tốn kém nguồn lực nhưng đem lại hiệu quả cao.
Ngành Kiểm sát nhân dân sau 42 năm thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (còn gọi là chức năng kiểm sát chung) là minh chứng rõ nét nhất về việc VKSND đã góp phần quan trọng vào việc củng cố trật tự pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, có thể coi yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Hiến pháp và pháp luật trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ sở để trao thẩm quyền cho VKSND kiểm sát tính hợp pháp đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, yêu cầu bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, mục tiêu, vừa là đặc trưng của NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thực tế các quyền con người, quyền công dân vẫn có nguy cơ bị xâm hại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cần được bảo vệ. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có nhiệm vụ hiến định bảo vệ quyền con người, quyền công dân (khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013), đây là cơ sở để trao quyền cho VKSND có thể phát huy vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không chỉ trong lĩnh vực tư pháp, mà còn trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Thông qua việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong một số lĩnh vực, VKSND có vai trò quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp, hành chính, kinh tế, công cộng. Đây cũng là cơ sở cho việc mở rộng, trao thêm thẩm quyền cho VKSND khởi tố (khởi kiện) vụ án dân sự, vụ án hành chính trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (VKSND Trung Quốc đã thực hiện rất thành công hoạt động tố tụng công ích).
2. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 cần quy định chức năng của VKSND theo hướng: Mở rộng thẩm quyền cho VKSND trong thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong một số lĩnh vực được luật quy định. Theo đó, khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 nên được sửa thành: Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong một số lĩnh vực được luật quy định.
Thứ hai, nghiên cứu, bổ sung quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của VKSND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và chủ thể có liên quan trong các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, dược phẩm, an toàn thực phẩm, quyền và lợi ích của người có công, nhằm góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và các chính sách công mà Đảng, Nhà nước đã đề ra để phục vụ tốt cho Nhân dân.
Thứ ba, nghiên cứu giao cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực ban hành văn bản pháp quy của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống; kiểm sát xử phạt vi phạm hành chính; khởi kiện hành chính khi phát hiện vi phạm sau khi đã kiến nghị nhưng cơ quan quản lý không khắc phục trong một số lĩnh vực: Quản lý tài sản nhà nước, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ an toàn thực phẩm, dược phẩm, xử lý vi phạm hành chính..., nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục, ngăn chặn và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm đã và đang xảy ra trong nhiều năm gần đây, giảm thiểu các vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải khởi tố, xử lý về hình sự; bảo đảm pháp chế thống nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước đang đặt ra hiện nay.
Tiếp tục trao đổi về việc áp dụng tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.