Nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao

18/04/2024 08:54

(kiemsat.vn)
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như yêu cầu của hoạt động phòng, chống tham nhũng, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là hoạt động có ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án hình sự. Hoạt động này của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao được quy định tại các điều 145, 146, 147, 148, 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VKSND tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 565/2017).

Trong những năm qua, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính riêng 06 tháng đầu năm 2023, số lượng thông tin, nguồn tin về tội phạm tăng so với cùng kỳ năm 2022, tỉ lệ phân loại, xử lý thông tin vi phạm, tội phạm đạt 92,5%, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022; tỉ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Với những kết quả đã đạt được, hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền.

Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao đọc lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Đình Cương - Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359 BLHS 2015. (Ảnh tư liệu)

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cụ thể là:

Bổ sung quy định hoặc có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục giải quyết những nguồn tin do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện. Về việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì BLTTHS năm 2015 cần bổ sung quy định hoặc có văn bản hướng dẫn về trách nhiệm trả lời đối với cơ quan, tổ chức được yêu cầu; thời hạn trả lời, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan điều tra; chế tài trong trường hợp cung cấp chậm trễ hoặc không cung cấp. Theo đó, cơ quan, tổ chức được yêu cầu cung cấp thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải cung cấp cho cơ quan yêu cầu trong thời hạn 07 ngày làm việc. Nếu người được yêu cầu có vi phạm trong việc cung cấp thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tùy tính chất, mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận và phân loại các đơn thư, tin báo về tội phạm.

Theo Điều 147 BLTTHS năm 2015, thời hạn kiểm tra, xác minh, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm được tính từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm. Trong thực tế, đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao từ nhiều nguồn khác nhau, như: Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) tiếp nhận và chuyển đến; đương sự gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành gửi. Số lượng đơn thư gửi đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao hàng năm rất lớn, nhưng trên thực tế, nhiều nội dung đơn thư tố giác tội phạm có hình thức là tố cáo, nhưng thực chất chỉ là các khiếu nại trong hoạt động tư pháp; hoặc nội dung đơn thư phản ánh các hành vi, sự việc tuy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không có dấu hiệu của các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao;…

Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét, phân loại và thụ lý giải quyết các đơn thư có nội dung tố giác, tin báo phản ánh vụ việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền. Hoạt động xem xét, phân loại nội dung đơn thư căn cứ trên cơ sở nội dung của đơn thư và các tài liệu kèm theo. Trong trường hợp nội dung đơn thư chưa đủ cơ sở để xem xét, phân loại thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao yêu cầu người làm đơn cung cấp thêm tài liệu để làm rõ.

Yêu cầu của công tác tiếp nhận, phân loại đơn thư, tin báo về tội phạm là phải bảo đảm không để lọt tố giác, tin báo về tội phạm; mặt khác, cần tránh xác minh tràn lan, gây tốn kém về nhân lực, thời gian của Cơ quan điều tra; làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tránh xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng hoặc lợi dụng quyền lực công trong hoạt động của Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Tuy nhiên, đối với các đơn thư chưa đủ cơ sở để xem xét, phân loại thì có phân công Điều tra viên tiến hành xác minh hay không, vì nếu xác minh thì sẽ không đáp ứng thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Theo quan điểm của tác giả, để đảm bảo chất lượng việc phân loại đơn thư, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra cần giao cho đơn vị chuyên trách tham mưu việc phân loại đơn thư, bố trí Điều tra viên có kinh nghiệm làm công tác này, đồng thời quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; không thụ lý giải quyết những đơn thư, tin báo không có căn cứ hoặc chưa có cơ sở xác định nội dung tố giác, tin báo về tội phạm. Sau khi đã phân loại, xác định đơn thư có nội dung tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, việc phân công thụ lý, tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố giác, tin báo về tội phạm phải thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS năm 2015, đảm bảo thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) VKSND tối cao trong công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm:

Hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là đối tượng của hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra của Vụ 6 VKSND tối cao. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa hai đơn vị cùng trực thuộc bộ máy của VKSND tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tác giả cho rằng cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước hết, cần tăng cường quan hệ phối hợp hai chiều giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với Vụ 6. Quan hệ phối hợp này phải thường xuyên, chủ động, có trách nhiệm cao; đồng thời phải giữ vững nguyên tắc trên cơ sở thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, cũng như của những người tiến hành tố tụng được phân công; bảo đảm giữ bí mật nghiệp vụ, bí mật điều tra theo quy định của pháp luật và của ngành. Không để xảy ra tình trạng “hành chính hóa” trong mối quan hệ, khi phát sinh những khó khăn, vướng mắc thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phối hợp để kịp thời tham mưu giải quyết; bảo đảm thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên.

Bên cạnh đó, gắn chặt trách nhiệm pháp lý của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với mỗi hoạt động tố tụng. Điều tra viên, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án, nguồn tin về tội phạm phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật, trước hết là các quy định của BLTTHS và văn bản có liên quan; các quy định, quy chế nghiệp vụ của ngành, nhất là các quy định về thông báo, gửi văn bản, lệnh, quyết định tố tụng, tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, xác minh cho Kiểm sát viên để kiểm sát; thực hiện đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị của Vụ 6 trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự; bảo đảm sự có mặt của Kiểm sát viên trong một số hoạt động điều tra, xác minh của Điều tra viên theo quy định của BLTTHS.

Bốn là, tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm nói riêng, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói chung:

Trong đội ngũ Điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao hiện nay, phần lớn là Kiểm sát viên, công chức của ngành Kiểm sát từ các lĩnh vực chuyên môn khác chuyển sang. Với đặc điểm này, đội ngũ Điều tra viên có ưu điểm là có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững quy định của pháp luật. Mặc dù, ngành đã quan tâm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ Điều tra viên, nhưng một bộ phận vẫn còn hạn chế về nghiệp vụ điều tra, chiến thuật điều tra, kỹ năng điều tra, nên gặp khó khăn khi đấu tranh với đối tượng phạm tội vốn là những công chức, chức danh tư pháp đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thông thạo thủ đoạn, phương thức đối phó với các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi bị phát hiện. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra là nhân tố, quyết định sự tồn tại và phát triển của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; do vậy, bên cạnh việc tăng cường phối hợp với các nhà trường, học viện trong và ngoài ngành để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần quan tâm tới việc tự đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên thông qua các hình thức như tổ chức rút kinh nghiệm về nghiệp vụ qua một số vụ án. Hoạt động điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên là hoạt động tư pháp có nhiều đặc thù, vừa phải đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp lý, nhưng đồng thời mang tính nghiệp vụ sâu sắc.

Quá trình thực hiện hoạt động giải quyết nguồn tin và điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền, Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần thường xuyên, liên tục tổng hợp những tồn tại, hạn chế cũng như kinh nghiệm điều tra theo từng vụ án, từng loại hành vi. Từ đó, hàng quý, hàng năm, tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, đồng thời tập hợp thành những bộ tài liệu về kinh nghiệm điều tra theo từng loại, như: Vụ án nhận hối lộ, vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ;…

Năm là, cần xây dựng trung tâm chỉ huy điều tra để liên thông quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, kịp thời có sự chỉ đạo của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với tổ công tác trong quá trình giải quyết nguồn tin và điều tra vụ án thuộc thẩm quyền; đổi mới phương pháp thu thập thông tin về tội phạm bằng cách xây dựng mạng lưới cơ sở, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết tố giác thuộc thẩm quyền.

Sáu là, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý nghiệp vụ và hoạt động điều tra (như số hóa hồ sơ, phần mềm tra cứu thông tin, trình tự, thủ tục đề xuất, trình ký, trung tâm chỉ huy điều tra…) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Bảy là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng định mức kinh phí đặc thù cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao xuất phát từ đặc thù về chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 148/2011/TT-BTC ngày 07/11/2011 của Bộ Tài chính theo hướng bổ sung các mục chi cho hoạt động điều tra đặc thù của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng trụ sở làm việc độc lập cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao và cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại các khu vực; đầu tư, bổ sung phương tiện, kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra như thiết bị phục vụ hoạt động điều tra đặc biệt, ghi âm, ghi hình.

Hoàn thiện thiết chế VKSND theo yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

(Kiemsat.vn) - Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bài viết tập trung phân tích việc hoàn thiện thiết chế Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

(Kiemsat.vn) - Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen”, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cần nắm chắc các quy định của pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và thực hiện tốt một số kỹ năng cơ bản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang