Bàn về kỹ thuật lập pháp của phần chung BLHS năm 2015 (phần 2)

29/05/2017 03:51

(kiemsat.vn)
Tiếp theo kỳ trước, phần thứ hai đề cập đến những nhược điểm cơ bản thuộc chế định các trường hợp loại trừ TNHS, chế định TNHS, về biện pháp cưỡng chế hình sự, các biện pháp tha miễn và TNHS của pháp nhân thương mại.

4. Những nhược điểm cơ bản thuộc chế định các trường hợp loại trừ TNHS

Trong BLHS năm 2015 về cơ bản chế định này có nhiều ưu điểm (đã phân tích trên sách báo KHPL trong năm 2016); tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lưỡng thì các quy phạm của chế định này vẫn còn tồn tại 02 điểm hạn chế nhỏ về mặt KTLP là

Về tên gọi của Chương IV BLHS năm 2015. Thiết nghĩ về mặt logic hình thức, ở đây phải dùng cặp phạm trù nào đó để trả lời cho được 02 câu hỏi là: 1) “những trường hợp” ấy loại trừ cái gì (?) và, 2) của ai hoặc của cái gì (?), tức suy cho cùng là loại trừ cái gì và của ai hay của cái gì (chủ thể hay đối tượng nào) ? Nhưng rõ ràng là tên gọi Chương IV của BLHS năm 2015 mới chỉ trả lời được câu 1 (“loại trừ TNHS”) nhưng còn câu 2 (“của ai” hay “của cái gì”) thì vẫn chưa trả lời được mà còn đang bỏ lửng (!). Chính vì thế:

Chúng ta cần phải có sự nhận thức rõ ràng và dứt khoát về hậu quả được “loại trừ” đó là của “ai” (?). Nhưng rõ ràng là khi dùng thuật ngữ để khẳng định hậu quả được loại trừ là “TNHS” rồi thì các tác giả của BLHS năm 2015 chắc là rất khó mà tìm được câu nào cho phù hợp vì không lẽ lại dùng thuật ngữ “TNHS của người phạm tội” (?). Hoàn toàn không thể ổn, vì hành vi được thực hiện trong những trường hợp này không phải và không thể là tội phạm mà lại gọi chủ thể của hành vi ấy là “người phạm tội” thì rõ ràng là không thể được.

Bởi lẽ, nếu đã dùng phạm trù “TNHS” ở vế thứ (1) thì nhất thiết phải bổ sung thêm vào sau phạm trù ấy thuật ngữ nào đó nữa cho đầy đủ ở vế thứ (2) chứ không thể bỏ lửng trong tên gọi của Chương IV BLHS năm 2015 như vậy.

Chính vì với suy ngẫm như vậy mà gần 2 thập kỷ trước đây, ngay từ ngay trước và sau khi ban hành BLHS năm 1999, cũng như trước khi ban hành BLHS năm 2015 chúng tôi đã liên tục và kiên trì đưa ra các luận chứng về vấn đề này vì theo chúng tôi, chỉ có dùng mệnh đề “loại trừ tính chất tội phạm của hành vi” đối với những trường hợp này là phù hợp và chính xác hơn cả(2).

Do đó, theo chúng tôi cách đơn giản nhưng chính xác và chặt chẽ hơn cả là khi sử dụng thuật ngữ “những trường hợp” thì tiếp theo sau đó sử dụng cặp phạm trù “tính chất tội phạm”-TCTP (1) của “hành vi” (2) là mọi người biết ngay những trường hợp đó “loại trừ” cái gì (1) và của cái gì (2), cụ thể hơn đó là: Loại trừ TCTP của hành vi bởi lẽ: Hành vi ấy tuy về mặt hình thức có dấu hiệu nào đó của hành vi bị PLHS cấm (tức bị PLHS coi là tội phạm) nhưng được thực hiện trong những trường hợp được quy định tại Chương IV BLHS năm 2015, thì không thể coi là tội phạm nên chủ thể không phải chịu TNHS

Sự thiếu chính xác về mặt khoa học và sự thiếu nhất quán về mặt logic pháp lý trong việc sử dụng thuật ngữ chính là hạn chế tương ứng với 7 điều của Chương IV BLHS năm 2015 mà Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017 vẫn chưa khắc phục được vì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đôi khi còn có sự thiếu nhất quán trong việc sử dụng các thuật ngữ để khẳng định hậu quả pháp lý của chủ thể (đã thực hiện hành vi tuy về mặt hình thức có dấu hiệu nào đó của tội phạm do PLHS quy định nhưng xét cho cùng thì đó lại là hành vi có ích cho xã hội vì không bị PLHS cấm) trong 7 trường hợp sau:

Thực hiện hành vi trong 3 trường hợp (Điều 20 “Sự kiện bất ngờ”, Điều 21 “Tình trạng không có năng lực TNHS” và Điều 26 “Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên”) thì dùng các thuật ngữ “không phải chịu TNHS”.

Nhưng thực hiện hành vi trong 4 trường hợp còn lại (Điều 22 “Phòng vệ chính đáng”, Điều 23 “Tình thế cấp thiết”, Điều 24 “Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” và Điều 25 “Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ”) thì lại dùng các thuật ngữ “không phải là tội phạm”.

5. Những nhược điểm thuộc chế định trách nhiệm hình sự

Chế định TNHS trong BLHS năm 2015 vẫn còn giữ nguyên những hạn chế của BLHS năm 1999 trước đây như:

Một là, mặc dù là một chế định riêng biệt và trung tâm, chủ yếu và quan trọng của cả Phần chung và Phần riêng PLHS vì nó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các quy phạm của bất kỳ BLHS nào, nhưng rất tiếc là chế định TNHS vẫn chưa được điều chỉnh bằng các quy phạm riêng biệt trong một Phần (Chương) độc lập đề cập đến một loạt các ĐNPL của của ít nhất là 6 khái niệm quan trọng vẫn còn thiếu mà chính xác hơn là chưa bao giờ được ghi nhận một cách cụ thể và rõ ràng về mặt lập pháp trong PLHS Việt Nam như suốt mấy chục năm qua như: 1) TNHS là gì?, 2) chủ thể của TNHS là gì?, 3) cơ sở của TNHS là gì?, 4) điều kiện của TNHS là gì?, 5) năng lực TNHS là gì? và, 6) năng lực TNHS hạn chế là gì?,…

Hai là, cơ sở của TNHS là nội dung thuộc chế định lớn TNHS (chứ không phải thuộc chế định lớn đạo luật hình sự) nhưng BLHS năm 2015 (cũng như các BLHS năm 1985 và 1999 trước đây) lại quy định nó cùng với các quy phạm về đạo luật hình sự trong Chương I của Bộ luật ấy. Mặt khác, tên gọi của Điều 2 “Cơ sở của trách nhiệm hình sự” hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung mà nó đã ghi nhận trong điều luật này. Bởi lẽ, dưới góc độ pháp chế và bảo vệ các quyền (BVCQ) con người bằng PLHS trong NNPQ thì quan điểm được thừa nhận chung của thực tiễn TPHS và khoa học luật hình sự là:

Nếu như tên gọi là “cơ sở” của TNHS, thì nội dung của nó (TNHS) phải thể hiện được rằng cơ sở đó cụ thể là gì (“cấu thành tội phạm”, “lỗi”, hay là “việc thực hiện hành vi” bị luật hình sự cấm, …) ? mà dựa vào đó các cơ quan BVPL và Tòa án có thể truy cứu TNHS chủ thể phạm tội. Nhưng rất tiếc là nội dung được quy định trong Điều 2 BLHS năm 2015 lại là điều kiện (chứ không phải cơ sở) của TNHS khi Bộ luật ấy sử dụng thuật ngữ – “chỉ người nào… mới phải chịu”.

Mặt khác, cơ sở (1) và điều kiện (2) của TNHS là 2 phạm trù có liên quan chặt chẽ và khăng khít với nhau nhưng không thể đồng nhất, mà khác nhau vì: 1) Phạm trù trước là căn cứ chung (hành vi nguy hiểm cho xã hội được ghi nhận trong PLHS) mà chỉ có và phải dựa vào đó cơ quan TPHS có thẩm quyền mới có thể đặt ra vấn đề TNHS của chủ thể phạm tội; 2) Còn phạm trù sau là căn cứ riêng mà chỉ có khi nào tổng hợp đầy đủ chúng (5 căn cứ riêng do PLHS quy định) thì chủ thể phạm tội mới phải chịu TNHS. Vì dù có đặt ra vấn đề TNHS của một người nào đấy đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị PLHS cấm rồi, nhưng sau đó cơ quan TPHS có thẩm quyền xem xét lại tất cả các khía cạnh của vụ án thì cũng không thể buộc chủ thể của hành vi nào đó phải chịu TNHS nếu như căn cứ vào các quy định của PLHS hiện hành mà thiếu (không hội đủ) 1 trong 5 điều kiện của TNHS có tính chất bắt buộc sau đây (mà 5 điều kiện này bao giờ cũng phải tương ứng với 5 dấu hiệu của tội phạm): 1) Hành vi được thực hiện trong thực tế khách quan phải nguy hiểm cho xã hội; 2) Hành vi đó phải bị coi là tội phạm theo PLHS hiện hành; 3) Chủ thể của hành vi phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý) khi thực hiện nó; 4) Chủ thể của hành vi phải có năng lực TNHS khi thực hiện nó và; 5) Chủ thể của hành vi phải đủ tuổi chịu TNHS khi thực hiện nó

Và ba là, phân tích cách quy định như tại Điều 2 BLHS năm 2015 cho thấy, tên gọi của nó (cơ sở của TNHS) không đúng với nội dung mà nó ghi nhận (điều kiện của TNHS). Hơn nữa, dù cho Điều 2 có quy định những điều kiện của TNHS nhưng trong nội dung của nó vẫn còn thiếu vì mới chỉ có 2 điều kiện – “phạm tội” (1), tức thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội + tội (hành vi) đó “đã được BLHS quy định” (2), tức bị PLHS cấm, có nghĩa là vẫn còn thiếu 3 điều kiện nữa của TNHS – người thực hiện hành vi đó có lỗi cố ý hoặc vô ý (3), có năng lực TNHS (4) và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định (5).

6. Những nhược điểm cơ bản thuộc chế định lớn về các biện pháp cưỡng chế hình sự (với 2 chế định nhỏ thuộc nó – chế định hình phạt và chế định các biện pháp tư pháp)

Các hạn chế cơ bản về mặt KTLP thuộc chế định lớn này của BLHS năm 2015 vẫn chưa được loại trừ là:

Các quy định tại 09 điều (32, 35, 36, 38, 40, 46 – 49) thì được phân chia theo Khoản, nhưng tại 06 điều khác (37, 39, 41, 42, 43 và 45) – thì lại theo Đoạn.

Trong 2 Chương đã nêu của BLHS năm 2015 không chỉ có các quy phạm liệt kê danh mục 2 loại BPCCh hình sự (hình phạt và BPTP) đối với 2 chủ thể phạm tội (cá nhân + pháp nhân thương mại) nhưng các quy phạm cụ thể hóa về BCPL của từng hình phạt và từng BPTP chỉ mới quy định đối với 1 chủ thể (người phạm tội), còn các quy phạm này đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì lại không có (mà chúng lại được ghi nhận trong Chương XI về TNHS của pháp nhân phạm tội), mà lẽ ra cần nhất quán như vậy đối với cả 2 chủ thể phạm tội thì hợp lý hơn.

Quan điểm đúng đắn được thừa nhận chung và hoàn toàn chính xác về mặt thực tiễn áp dụng PLHS, cũng như về mặt khoa học luật hình sự là: Hình phạt chỉ được áp dụng đối với người bị kết án (mà theo BLHS năm 2015 là cá nhân và pháp nhân bị kết án) theo bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Có nghĩa là khi đề cập đến việc áp dụng “hình phạt” thì phải là áp dụng đối với “người bị kết án”, tức là cặp phạm trù “hình phạt” (1) – “người bị kết án” (2) luôn gắn kết với nhau. Nhưng rất tiếc là tại 16 điều thuộc Chương VI “Hình phạt” của BLHS năm 2015 thì: 1) có 09 điều (37 – 45) thì dùng thuật ngữ chính xác – “người bị kết án” song; 2) có 07 điều khác (30 – 36) thì lại dùng thuật ngữ chưa chính xác – “người phạm tội”. Bởi lẽ, nếu như người phạm tội đáp ứng được đủ những điều kiện do BLHS quy định và đã được Viện kiểm sát miễn TNHS rồi, thì họ đâu còn bị Tòa án đưa ra xét xử để trở thành người bị kết án và bị áp dụng hình phạt nữa…

Trong khi đối với thẩm quyền áp dụng hình phạt thì BLHS năm 2015 (Điều 30 “Khái niệm hình phạt”) quy định rất cụ thể, dứt khoát rằng hình phạt “do Tòa án quyết định” và chỉ rõ chủ thể bị áp dụng là “người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại” (mặc dù ở đây cũng có sự thiếu chính xác khi dùng thuật ngữ “phạm tội” đối với 2 chủ thể này mà lẽ ra phải là “bị kết án” mới đúng) nhưng rất tiếc là đối với BPTP thì lại thiếu hoàn toàn các điều khoản đề cập đến: 1) ĐNPL của khái niệm BPTP là gì (?); 2) Cơ quan nào có thẩm quyền áp dụng BPTP (?) và; 3) BPTP được áp dụng đối với chủ thể nào (?). Thiết nghĩ, đây chính là hạn chế cần phải được khắc phục.

7. Những nhược điểm cơ bản thuộc chế định các biện pháp tha miễn

Chế định thời hiệu trong PLHS là chế định nhân đạo nhỏ thuộc chế định nhân đạo lớn các về BPTM nhưng rất tiếc là trong BLHS năm 2015 (giống như BLHS năm 1999 trước đây) vẫn còn các hạn chế chưa được loại trừ là:

Trong khi chưa có khái niệm thời hiệu (nói chung) trong PLHS là gì (?) mà lại ghi nhận ngay ĐNPL khái niệm của thời hiệu truy cứu TNHS, cũng như ĐNPL của khái niệm thời hiệu thi hành bản án kết tội (BAKT).

Mặc dù quan điểm được thừa nhận chung hoàn toàn đúng đắn cả trong khoa học luật hình sự và thực tiễn áp dụng PLHS là chế định thời hiệu truy cứu TNHS (và cả chế định miễn TNHS nữa) là thuộc hệ thống các BPTM trong PLHS thì lẽ ra nên sắp xếp chúng ở đằng sau các chế định có liên quan đến việc giải quyết vấn đề TNHS của người phạm tội nhưng (cũng như trong BLHS năm 1999 trước đây) trong BLHS năm 2015 thì ngược lại, chúng “bị” sắp xếp trong Chương V, tức là ở đằng trước 3 chế định lớn ─ hình phạt (Chương VI), BPTP (Chương VII) và QĐHP (Chương VIII) ─ rõ ràng là toàn là bất hợp lý và rất phi khoa học. Bởi lẽ, căn cứ cả vào lý luận luật hình sự và thực tiễn áp dụng PLHS, cũng như theo logic pháp lý và trình tự giải quyết vấn đề TNHS, thì việc Tòa án áp dụng các BPTM (cả TNHS và hình phạt) bao giờ cũng chỉ được diễn ra sau khi đã xem xét các tình tiết tăng nặng – giảm nhẹ TNHS của vụ án cụ thể nào đó mà danh mục của chúng (cả trong BLHS năm 1999 trước đây và BLHS năm 2015 hiện nay đều được ghi nhận thuộc chế định QĐHP). Ví dụ: Nếu tại thời điểm xét xử vụ án hình sự Tòa án thấy bị cáo có căn cứ xác đáng và đủ điều kiện do luật định để được hưởng sự khoan hồng là không bị truy cứu TNHS (chứ chưa cần bàn đến việc miễn TNHS) do đã hết thời hiệu rồi thì sao (?).

Như vậy, rõ ràng để tránh các nhược điểm thường gặp trong việc soạn thảo BLHS, thì trình tự sắp xếp theo thứ tự lần lượt sau từng mũi tên → (từ đầu đến cuối) của 9 chế định lớn trong Phần chung BLHS tốt của một NNPQ đích thực nên chăng sẽ là: 1) Đạo luật hình sự → 2) Tội phạm → 3) Những trường hợp loại trừ tính chất tội phạm (TCTP) của hành vi → 4) TNHS → 5) Các BPCCh hình sự (tức hình phạt + BPTP hình sự) → 6) Quyết định hình phạt (QĐHP) → 7) Các BPTM; ngoài ra theo thứ tự này còn 2 chế định độc lập nữa → 8) TNHS của người chưa thành niên phạm tội và → 9) TNHS của pháp nhân phạm tội.

Mặc dù theo quy định của BLHS năm 2015 (Điều 2 và Điều 75) thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của TNHS và trong một loạt các điều có liên quan đến chủ thể của TNHS thuộc Phần chung BLHS năm 2015 cũng ghi nhận đầy đủ 2 chủ thể (cá nhân + pháp nhân) như: Các điều 30, 31, 33, 35, 46,… Nhưng rất tiếc là lại có “kẽ hở” trong một loạt các điều khác thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, thì lại không quy định gì về chủ thể sau – pháp nhân (trong đó có một loạt các điều về các BPTM) như: Các điều 27, 29, 62 – 68 (?). Như vậy, rõ ràng là nhược điểm này cần phải được khắc phục.

Trong khi chế định lớn các BPTM là nhằm thể hiện rõ tính nhân văn cao cả và nguyên tắc nhân đạo trong PLHS vì con người của một quốc gia đã long trọng tuyên bố trước toàn thế giới là xây dựng: NNPQ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhưng rất tiếc là còn có chế định nhỏ thuộc nó như chế định miễn hình phạt (Điều 59 BLHS năm 2015) chỉ vẻn vẹn có 2 dạng miễn mà lẽ ra có thể quy định được nhiều dạng miễn hình phạt hơn nữa.

Vẫn còn thiếu một loạt các ĐNPL của nhiều khái niệm rất quan trọng thuộc chế định các BPTM mà chúng có ý nghĩa to lớn và quan trọng về mặt khoa học – thực tiễn đối với việc bảo vệ các quyền (BVCQ) con người bằng PLHS nhưng BLHS năm 2015 vẫn thiếu các ĐNPL của những khái niệm ấy như: 1) Miễn TNHS là gì (?); 2) Miễn hình phạt là gì (?); 3) Miễn chấp hành hình phạt (CHHP) là gì (?); 4) Giảm mức hình phạt đã (được) tuyên là gì (?); 5) Hoãn CHHP tù là gì (?); 6) Tạm đình chỉ CHHP tù là gì (?); 7) Án tích là gì (?); 8) Đại xá là gì (?) và; 9) Đặc xá là gì (?).

Trong khi 2 chế định nhỏ sau cùng đã nêu trên (đại xá và đặc xá) đã tồn tại trong tất cả các Hiến pháp Việt Nam (từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay), thậm chí chỉ hơn 01 tháng ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với tấm lòng nhân ái thương người sâu sắc nên thậm chí trước cả khi chưa thông qua Hiến pháp năm 1946 đã ban hành Sắc lệnh số 52 ngày 20/10/1945 “Về xá miễn cho một số tội phạm” (gồm 7 điều)(3); vậy để thực hiện phương châm lời nói đi đôi với việc làm trong Phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” mà Đảng đã khởi xướng và đang kêu gọi, nên chăng cần cụ thể hóa các quy phạm hiến định (giai đoạn này là Hiến pháp năm 2013) để soạn thảo và ghi nhận các quy phạm thuộc 2 chế định này vào trong BLHS năm 2015.

8. Nhược điểm cơ bản thuộc chế định TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội

BLHS năm 2015 khi cụ thể hóa quy phạm tại Phần chung về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (HĐVV) đã ghi nhận tại 15 khoản của 15 điều tương ứng về các tội phạm do pháp nhân thực hiện một quy phạm chung giống nhau là “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ HĐVV” (các điều: 188 – 195, 200, 211, 237 – 239, 245), mà lẽ ra trước hết cần phải loại trừ hạn chế của sự chưa chặt chẽ của các quy phạm tại 2 khoản thuộc Điều 79 rồi tiếp theo sau đó hãy bổ sung thêm 03 từ “một trong các” vào quy phạm giống nhau đã nêu thành “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ HĐVV”. Trong khi đó rõ ràng là với KTLP trong Phần chung BLHS năm 2015 nếu cứ giữ nguyên mà không chỉnh sửa – sắp xếp lại câu chữ (dù chỉ là rất ít) tại Điều 79 thì rất khó mà có thể phân biệt là có bao nhiêu trường hợp bị đình chỉ HĐVV để rồi sau đó trong Phần riêng mới sử dụng thuật ngữ “một trong các” tại các khoản của các điều luật tương ứng đã nêu.

Vì vậy, để khắc phục hạn chế của sự chưa chặt chẽ về mặt KTLP của các quy phạm thuộc Phần chung BLHS năm 2015 tại Điều 79, đồng thời để góp phần phân biệt một cách rõ ràng, cụ thể các trường hợp phạm tội của pháp nhân thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thực tiễn áp dụng PLHS của các cơ quan BVPL và Tòa án, thì nên chăng các quy phạm tương ứng của Điều luật này cần được sắp xếp – SĐBS và biên soạn lại như sau:

“Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là hình phạt chấm dứt toàn bộ hoạt động của pháp nhân thương mại bị kết án (trong một hoặc một số lĩnh vực) và được áp dụng khi tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Tội phạm đã gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người;
  2. Tội phạm đã gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại do sự cố môi trường;
  3. Tội phạm đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục được hậu quả gây ra;
  4. Thành lập pháp nhân thương mại chỉ để nhằm mục đích thực hiện tội phạm”.

II. KẾT LUẬN VẤN ĐỀ

Việc phân tích khoa học dưới góc độ KTLP các quy phạm (mà ở các mức độ khác nhau có liên quan đến) Phần chung trong BLHS năm 2015(4) và trong Dự thảo Luật SĐBS ngày 10/3/2017(5) đã cho chúng ta có đầy đủ các căn cứ và xác đáng để đi đến một số kết luận dưới đây:

Một là, nên chăng BLHS năm 2015 cần có thêm thời gian thỏa đáng để cân nhắc trước sau sao cho thật cẩn trọng và kỹ càng, sâu sắc và cụ thể nhằm loại trừ hết được các điểm hạn chế của Bộ luật ấy.

Hai là, những lý do đầy tâm huyết của nhiều nhà hình sự học nước ta mà BLHS năm 2015 cần có thêm một thời gian nữa để SĐBS thêm cho kỹ là: 1) Lâu nay ở Việt Nam dân tộc ta đã có câu ngạn ngữ (bằng tiếng Hán cổ) mà các cụ già thường dùng để răn các con cháu của mình phải luôn ghi nhớ là: “dục tốc thì bất đạt” (ngụ ý rằng: Khi muốn hoàn thành một việc gì đó thì cần phải hết sức bình tĩnh mà không nên vội vàng, vì nếu như muốn nhanh thì sẽ không thành công); 2) Để cho các cơ quan BVPL và Tòa án của nước ta (nhất là ở các địa phương) khỏi lúng túng khi gặp phải những khó khăn trong việc áp dụng BLHS năm 2015 vì hiện nay Bộ luật ấy vẫn còn nhiều khiếm khuyết (mà chúng ta vẫn chưa loại trừ hết được); 3) Vì nếu như cứ cố thông qua cho được Luật SĐBS ngày 10/3/2017 (còn nhiều hạn chế) tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2017 tới đây để sau đó áp dụng BLHS năm 2015 rồi lỡ sau này lại xảy ra những bất cập trong thực tiễn vốn rất đa dạng, phong phú mà không ai có thể lường trước hết được thì sao (?); 4) Và lúc đó thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về một loạt hậu quả nhất định sẽ đưa đến.

Và cuối cùng, ba là, như vậy, từ kinh nghiệm LPHS được rút ra sau 3 lần pháp điển hóa PLHS nước nhà (vào các năm 1985, 1999 và đặc biệt là vào năm 2015 vừa qua) có thể nhận thấy rằng, trong giai đoạn đương đại ở Việt Nam việc soạn thảo các Bộ luật lớn về TPHS nên chăng để cho các cơ quan thực tiễn cao nhất trong lĩnh vực tư pháp (về truy tố hay xét xử) của đất nước (như Tòa án nhân dân tối cao hay VKSND tối cao) đảm nhiệm là hợp lý hơn cả.

2) Xem cụ thể hơn: 1) Lê Cảm, Vấn đề hoàn thiện các quy định về những trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi, Tạp chí Tòa án nhân dân, các số 3 và 4/1998; 2) Lê Cảm Chế định các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi: Về một số tình tiết chưa được ghi nhận trong PLHS Việt Nam hiện hành, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 6/2001;3) Lê Văn Cảm Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội – 2005, tr.510-517; 4) GS. TSKH. Lê Văn Cảm và ThS Mạc Minh Quang, Những kiến giải lập pháp cụ thể về chế định các trường hợp loại trừ tính chất tội phạm của hành vi trong Dự thảo II Phần chung Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tạp chí Tòa án nhân dân, số 18 – tháng 9/2014.

GS.TSKH. Lê Văn Cảm

Giám đốc Trung tâm Luật hình sự và Tội phạm học

của Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang