Bàn về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015
(kiemsat.vn) Trong các hình thức biểu hiện của trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại thì hình phạt là hình thức biểu hiện cơ bản, chủ yếu, thể hiện đầy đủ nhất bản chất của trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội sẽ góp phần hạn chế tình trạng pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật.
Bàn về việc xác định chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong các trường hợp cơ quan nhà nước sáp nhập, chia, tách
Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (Kỳ II)
Xác định là phạm tội chưa đạt, hay tội phạm đã hoàn thành đối với người phạm tội
1. Quy định về hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015
“Hình phạt là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được trong hệ thống các biện pháp tác động của nhà nước và xã hội đến tội phạm”. Để phòng và chống tội phạm hiệu quả, Bộ luật Hình sự “cần phải có hệ thống hình phạt đa dạng nhưng thống nhất, thể hiện đầy đủ chính sách hình sự của Nhà nước”.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), bên cạnh hệ thống hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội, còn có hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Công lý đòi hỏi phải có hình phạt áp dụng trực tiếp đối với pháp nhân thương mại đã gây thiệt hại cho xã hội đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc bị áp dụng hình phạt sẽ thúc đẩy các pháp nhân thương mại muốn tồn tại và phát triển buộc phải tiếp tục hoàn thiện mình, tăng cường kiểm soát, quản lý để hạn chế những nguy cơ có thể gây hại cho xã hội, từ đó thiết lập, cải tiến cơ chế quản lý, kiểm soát pháp nhân đó hiệu quả. Đồng thời, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng có ý nghĩa giáo dục đối với công dân và pháp nhân khác trong xã hội. Để đạt được mục đích này, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại không chỉ có tính răn đe, phòng ngừa mà còn phải phù hợp trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.
Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 33 BLHS năm 2015 thuộc 03 nhóm tội phạm: Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (22 tội); nhóm các tội phạm về môi trường (09 tội); nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (02 tội). Sở dĩ số lượng tội danh pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như hình phạt chỉ là 33 tội danh là vì “đây là vấn đề mới, phức tạp và lần đầu tiên được bổ sung vào BLHS, do vậy, cần xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại ở mức độ phù hợp và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình áp dụng BLHS. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước lần đầu quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đều thể hiện “sự thận trọng cần thiết” bằng cách khoanh vùng một số tội danh mà pháp nhân thương mại hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế”.
Để đảm bảo việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt đối với pháp nhân thương mại chính xác, trong BLHS năm 2015, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại tương đối đa dạng, đồng thời có những nét khác biệt so với hình phạt áp dụng đối với cá nhân. “Pháp nhân thương mại là một tổ chức kinh tế, do đó, hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân cũng có khác biệt so với cá nhân”.
Theo Điều 33 BLHS năm 2015, hệ thống hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại bao gồm hai loại: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Về hình phạt chính, các hình phạt này được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về mức độ nghiêm khắc, tạo ra tính hệ thống trong quy định về các hình phạt, bao gồm: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đây là các hình phạt chính được quy định và áp dụng độc lập nhưng không phải dành cho tất cả các loại tội phạm được quy định trong BLHS. Do BLHS quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội trong tổng số các tội danh được quy định tại BLHS; vì vậy, các hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại cũng chỉ được quy định đối với các tội danh này.
Về hình phạt bổ sung, các hình phạt bổ sung áp dụng đối với pháp nhân thương mại bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Các hình phạt bổ sung này không được áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng hỗ trợ cho hình phạt chính và cũng chỉ được áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi điều luật về tội phạm cụ thể có quy định hình phạt bổ sung.
Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Nội dung và điều kiện áp dụng từng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định từ Điều 77 đến Điều 81 BLHS năm 2015.
2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Thứ nhất, về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn:
Đây là các hình phạt chính, nghiêm khắc áp dụng đối với pháp nhân thương mại, đặc biệt là hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn là “tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là “chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra”. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Có ý kiến cho rằng việc BLHS năm 2015 quy định hai hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chưa thực sự phù hợp với thực tế tại Việt Nam, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. “Nếu đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại thì các cổ đông hay người lao động của pháp nhân thương mại đó sẽ giải quyết như thế nào khi mà hàng trăm lao động thậm chí hàng nghìn lao động trở thành thất nghiệp”; hoặc “liệu rằng sự chấm dứt tồn tại của pháp nhân có giải quyết được những hậu quả mà tội phạm gây ra hay không? Hơn nữa, sự chấm dứt tồn tại của pháp nhân dẫn đến nhiều người mất việc làm. Công ăn, việc làm của những người này sẽ được giải quyết như thế nào?...”.
Có thể thấy, những quan điểm trên có một số khía cạnh hợp lý. Việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân có thể ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, vi phạm của pháp nhân thương mại rất đa dạng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Có những pháp nhân thương mại được thành lập là để sản xuất, kinh doanh nhằm đạt lợi nhuận; trong quá trình hoạt động, họ đã vi phạm pháp luật trong một hoặc một số lĩnh vực. Có một số trường hợp, ban đầu, pháp nhân thương mại được thành lập chỉ nhằm thực hiện tội phạm, việc sản xuất, kinh doanh chỉ là vỏ bọc bên ngoài (hoạt động cầm chừng, hình thức) hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh không có trên thực tế (ví dụ: Thành lập doanh nghiệp với vỏ bọc trồng cây dược liệu để chế biến thuốc nhưng thực chất là sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy hoặc thành lập doanh nghiệp kinh doanh máy tính, linh kiện máy tính nhưng thực chất là tổ chức đánh bạc online trái phép…). Trong nhiều trường hợp, đây là những tổ chức tội phạm với thành viên là những người đồng phạm, mỗi đồng phạm là một mắt xích trong tổ chức tội phạm có tính chuyên nghiệp. Đối với trường hợp này, cần áp dụng biện pháp quyết liệt là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nhằm chấm dứt (xóa sổ) hoạt động phạm tội của tổ chức đó. Chính vì vậy, khoản 2 Điều 79 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động” là hoàn toàn cần thiết nhằm xóa bỏ tận gốc, ngăn ngừa không để tổ chức đó có cơ hội tái phạm. Đặt giả thiết, nếu trong tổ chức tội phạm đó có một số người lao động làm việc và không liên quan đến tội phạm do pháp nhân thực hiện thì việc pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn có thể ảnh hưởng đến việc làm của họ, nhưng hệ quả này vẫn buộc phải chấp nhận vì việc áp dụng hình phạt đó là vì lợi ích chung của cộng đồng hay nói cách khác, trường hợp này phải đặt lợi ích của xã hội lên hàng đầu.
Việc BLHS năm 2015 quy định về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội không phải là ngoại lệ. Nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng đã đề cập đến sự cần thiết phải quy định hình phạt này đối với pháp nhân: “Những pháp nhân hoàn toàn không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật sẽ bị buộc phải chấm dứt sự tồn tại. Các pháp nhân đạt được lợi ích thông qua tham nhũng, gây thiệt hại vĩnh viễn cho môi trường, gây đau đớn về thể xác và cái chết cho con người cũng như vi phạm các quyền cơ bản của con người sẽ phải chịu án tử hình (giải thể)”; hoặc “hình phạt tử hình (giải thể) đối với một pháp nhân nghe có vẻ cực đoan, nhưng nếu hành vi sai trái của công ty lan tràn đến mức công ty đó bị phá sản hoàn toàn về mặt đạo đức thì không có lý do gì để đối xử với nó khác với một công ty mất hoàn toàn khả năng thanh toán tài chính…”.
Đối với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, tại các điều luật về tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015 có quy định áp dụng hình phạt này, có thể thấy kỹ thuật lập pháp mà nhà làm luật sử dụng là quy định hình phạt này là chế tài lựa chọn bên cạnh phạt tiền. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể lựa chọn áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc phạt tiền cho pháp nhân thương mại phạm tội. Ví dụ: Nếu nhận thấy việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn có thể ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người lao động đang làm việc trong pháp nhân thương mại thì Tòa án có thể áp dụng phạt tiền. Hoặc trong một số trường hợp, nếu thấy cần thiết, Tòa án có thể tuyên hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn nhằm đảm bảo việc ngăn ngừa, khắc phục hậu quả mà pháp nhân thương mại đã gây ra. Ví dụ: Nếu để pháp nhân tiếp tục hoạt động thì sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư khu vực đó, đồng thời, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, Tòa án sẽ áp dụng đình chỉ hoạt động có thời hạn để buộc pháp nhân thương mại phải kịp thời có các giải pháp chấm dứt việc gây ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường. Tất nhiên, việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn có thể ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động làm việc trong pháp nhân thương mại trong một thời gian nhất định, nhưng áp dụng hình phạt đó là cần thiết, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp phạm tội, pháp nhân thương mại đều bị áp dụng đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn gây ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Việc áp dụng hình phạt nào đối với pháp nhân thương mại phạm tội trước hết dựa vào quy định của BLHS năm 2015 cũng như cân nhắc các tình tiết của vụ án. Không thể phủ nhận mặt tích cực của hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; vì thế, vẫn cần duy trì các hình phạt này trong BLHS năm 2015. Mặt khác, khi nghiên cứu về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, tác giả nhận thấy quy định này của BLHS năm 2015 còn có một số bất cập. Cụ thể:
Nếu pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế “tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động” theo quy định của Điều 436, Điều 439 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì khi bị Tòa án tuyên hình phạt “đình chỉ hoạt động có thời hạn”, pháp nhân thương mại không được trừ thời gian chấp hành biện pháp cưỡng chế “tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động” vào thời gian chấp hành hình phạt “đình chỉ hoạt động có thời hạn” bởi BLHS năm 2015 không quy định về vấn đề này. Theo tác giả, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của pháp nhân thương mại, thời gian pháp nhân thương mại bị “tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động” cần được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt “đình chỉ hoạt động có thời hạn”. Điều này có thể được hiểu tương tự như khi cá nhân phạm tội bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Cá nhân phạm tội là con người “hiện thực”, còn pháp nhân thương mại phạm tội là con người “trừu tượng” nhưng cả hai chủ thể này cùng là thực thể pháp lý phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội. Hai chủ thể này đòi hỏi phải được pháp luật đối xử bình đẳng.
Liên quan đến hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, BLHS năm 2015 có sai sót về kỹ thuật cần chỉnh sửa. Đó là trong cùng một điều luật - Điều 79, nhà làm luật đã sử dụng hai tên gọi khác nhau, không thống nhất. Theo khoản 1 Điều 79 BLHS năm 2015 và tên của điều luật, hình phạt này có tên gọi là: “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”; trong khi đó, diễn đạt thể hiện tại khoản 2 lại là “đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”. Thực chất, khoản 2 Điều 79 BLHS năm 2015 quy định về trường hợp pháp nhân thương mại thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong toàn bộ các lĩnh vực. Vì thế, cần khắc phục bất cập này để đảm bảo tính chính xác cũng như tính nhất quán về diễn đạt giữa quy định của khoản 1 với khoản 2 Điều 79 BLHS năm 2015.
Thứ hai, đối với phạt tiền:
Phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 77 BLHS năm 2015. Theo đó, phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Khi quyết định áp dụng phạt tiền, Tòa án cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội và sự biến động của giá cả. Những căn cứ này sẽ góp phần đảm bảo mức tiền phạt khi được áp dụng sẽ có tính khả thi, hình phạt đã tuyên đạt được mục đích của hình phạt. Ngoài ra, khoản 2 Điều 77 BLHS năm 2015 không giới hạn mức tiền phạt tối đa dành cho pháp nhân thương mại phạm tội mà chỉ đưa ra mức tiền phạt tối thiểu là 50 triệu đồng. Xét về kỹ thuật lập pháp, trong Phần các tội phạm của BLHS, đối với tội danh mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, nhà làm luật đã quy định mức tiền phạt theo khung từ mức thấp đến mức cao trên cơ sở tính nguy hiểm của hành vi phạm tội theo từng khung tương ứng. Phạt tiền có thể được quy định là chế tài duy nhất trong khung hình phạt, nhưng cũng có thể được quy định là chế tài lựa chọn bên cạnh hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Tuy nhiên, khi quy định về phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 có hạn chế là không quy định về phương thức nộp tiền phạt. Tham khảo kinh nghiệm từ BLHS Trung Quốc cho thấy, cần quy định rõ về phương thức nộp tiền phạt để đảm bảo tính răn đe cũng như tính khả thi của việc phạt tiền. Cụ thể, Điều 53 BLHS của Trung quốc quy định: “Phạt tiền có thể nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn được quy định trong bản án. Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà đơn vị có khả năng tài chính nhưng không chịu nộp phạt thì Tòa án sẽ cưỡng chế buộc phải chấp hành. Nếu đơn vị phạm tội nộp tiền phạt nhưng không đầy đủ, mặc dù có khả năng tài chính thì có thể bị thu hồi tài sản. Trường hợp đơn vị gặp khó khăn do thiên tai bất khả kháng thì có thể được giảm hoặc miễn một số khoản tiền phạt tùy theo tình hình thực tế”. Bộ luật Hình sự Trung Quốc còn quy định trường hợp đơn vị có khả năng tài chính nhưng không chịu nộp phạt thì Tòa án sẽ cưỡng chế bằng hình thức như niêm phong, phong tỏa, bán đấu giá tài sản của đơn vị để đảm bảo phạt tiền được thi hành. Đây là kinh nghiệm có thể được tiếp thu, bổ sung vào BLHS năm 2015.
Thứ ba, về hình phạt bổ sung áp dụng đối với pháp nhân thương mại:
Theo tác giả, các hình phạt này chưa thực sự đa dạng nhằm đáp ứng tốt nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Theo khoản 2 Điều 33 BLHS năm 2015, các hình phạt này chỉ bao gồm: (a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; (b) Cấm huy động vốn; (c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện chưa quy định tịch thu tài sản với tính chất là hình phạt bổ sung áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Đây là hình phạt về kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, có khả năng ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ pháp nhân thương mại phạm tội trong tương lai. Như trên đã phân tích, đối với trường hợp pháp nhân thương mại được thành lập chỉ nhằm thực hiện tội phạm, đây là trường hợp phạm tội mang tính nguy hiểm cao, do vậy, hình phạt áp dụng phải thực sự nghiêm khắc, hướng tới mục đích ngăn ngừa triệt để nguy cơ tái phạm. Nếu quy định tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung áp dụng cho pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì hình phạt này sẽ hỗ trợ hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nhằm đạt được mục đích hình phạt cao nhất. Vì vậy, cần bổ sung quy định về hình phạt tịch thu tài sản vào khoản 2 Điều 33 BLHS năm 2015, điều luật riêng về tịch thu tài sản áp dụng đối với pháp nhân thương mại tại chương XI cũng như tại điều luật về tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Từ những bất cập trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 như sau:
Thứ nhất, bổ sung Điều 78 BLHS năm 2015 như sau: … “3. Thời gian bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 79 BLHS năm 2015 như sau: “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị chấm dứt hoạt động trong toàn bộ các lĩnh vực”.
Thứ hai, bổ sung Điều 77 BLHS năm 2015 như sau: ... “3. Phạt tiền có thể nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn được quy định trong bản án. Trường hợp pháp nhân thương mại gặp khó khăn do thiên tai hoặc trường hợp bất khả kháng khác thì có thể được giảm hoặc miễn tiền phạt tùy theo tình hình thực tế”.
Thứ ba, bổ sung khoản 2 Điều 33 BLHS năm 2015 như sau: “... d) Tịch thu tài sản”.
Đồng thời, bổ sung Điều 81a về tịch thu tài sản. Cụ thể:
“Điều 81a. Tịch thu tài sản
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân thương mại để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản áp dụng đối với pháp nhân thương mại được thành lập chỉ nhằm thực hiện tội phạm”.
Bên cạnh đó, các điều luật quy định về tội cụ thể thuộc phạm vi 33 tội danh pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cũng cần bổ sung hình phạt tịch thu tài sản vào khoản cuối của điều luật.
PGS.TS. Dương Tuyết Miên
Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
6Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Bài viết chưa có bình luận nào.