Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (Kỳ II)

29/10/2024 08:21

(kiemsat.vn)
Mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cần phải được thiết kế dựa vào những hiểu biết lý luận và thực tiễn nhất định. Bài viết làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng.

... (Tiếp theo Kỳ I)

3. Nhận diện về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề cần hoàn thiện

3.1. Nhận diện về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

- Về nhận thức: Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là tội phạm có mức độ ẩn rất cao, gây ra những tác hại trên nhiều mặt của đời sống nhà nước và xã hội, “đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định và an ninh xã hội, xói mòn các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ”. Ở nước ta, tham nhũng được xác định là giặc “nội xâm” và “là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng là nòng cốt.

- Về quan niệm, đặc trưng: Đảng và Nhà nước ta quan niệm thiết chế (các cơ quan, tổ chức, đơn vị) chuyên trách chống tham nhũng giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong chống tham nhũng, do vậy, có sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế này để đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả.

Về tổ chức bộ máy của Đảng, xuất phát từ nhận thức trên, Đảng ta đã thành lập tổ chức tương ứng để phòng, chống tham nhũng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Đó là, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác.

Về tổ chức nhà nước, Nhà nước ta đã thành lập các cơ quan (tổ chức, đơn vị) chuyên trách không tập trung (đa cơ quan chuyên trách) để chống tham nhũng. Theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, đó là: Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao với quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan (đơn vị).

Nghiên cứu quá trình hình thành các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cho thấy, Đảng và Nhà nước ta từng bước xác định rõ hơn các đặc trưng cơ bản của các thiết chế này, như: Tính chính trị (tính đảng), tính pháp quyền (tính hợp hiến, tính hợp pháp); tính hệ thống, tính quy trình; tính tổ chức, tính chuyên trách, tính độc lập tương đối, tính phân hoá của các bộ phận cấu thành thiết chế; tính phối hợp, liên thông giữa các bộ phận cấu thành thiết chế; tính kiểm soát, chế ước lẫn nhau của các bộ phận cấu thành thiết chế chống tham nhũng; tính giải trình của thiết chế chống tham nhũng ngày càng được định hình rõ hơn cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn.

Như vậy, nhìn một cách tổng quát, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng cả ở phương diện của Đảng cả ở phương diện của Nhà nước với các đặc trưng tương ứng của mình từng bước đã được hình thành ngày càng rõ hơn, khẳng định được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế đó trong chống tham nhũng. Đây là một trong những thành tựu lý luận và thực tiễn quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta mà bạn bè quốc tế rất quan tâm.    

- Về tính chất: Hiện nay, theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta mang tính chất chính trị - pháp lý.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mang tính chính trị, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác do Đảng quy định. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước và ở địa phương, không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vụ việc tham nhũng cụ thể, không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan khác. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đặc thù của tổ chức phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền - Đảng cộng sản Việt Nam.

Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao mang tính chất pháp lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Như vậy, thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở Việt Nam mang tính chất chính trị - pháp lý, thể hiện tính đặc thù của tổ chức các thiết chế phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.  

- Về các cơ cấu tổ chức chuyên trách phát hiện tham nhũng ở Việt Nam hiện nay:

Cơ chế chuyên trách chống tham nhũng bao gồm: Thể chế chống tham nhũng, thiết chế chống tham nhũng, phương thức hoạt động chống tham nhũng. Đến lượt mình, cơ chế chuyên trách chống tham nhũng là một bộ phận hợp thành của cơ chế rộng hơn: Cơ chế phòng, chống tham nhũng (trong phạm vi bài viết, chỉ bàn đến cơ chế chống tham nhũng, cụ thể hơn là thiết chế chuyên trách chống tham nhũng).

Theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, “quá trình” hay “khâu”, “giai đoạn”, chống tham nhũng bao gồm: 1) Phát hiện tham nhũng và; 2) Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tương ứng với quá trình, khâu hay giai đoạn đó, có các cơ quan, tổ chức, đơn vị tương ứng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhất định.

Trong đó, phát hiện tham nhũng là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là “đầu vào” của chống tham nhũng. Có phát hiện tham nhũng tốt thì mới có thể chống tham nhũng tốt. Điều này đòi hỏi phải quan tâm đặc biệt về tất cả các thông tin đầu vào: Thông tin về tham nhũng như tin báo, tố giác, tố cáo...; tiếp nhận và xử lý thông tin đầu vào; khuyến khích nhân dân tố giác, tố cáo về các hành vi tham nhũng; tạo dựng lòng tin của người dân bằng việc tiếp nhận và điều tra tất cả các các vụ việc về tham nhũng, dù là vụ việc nhỏ.

Một số trường hợp xảy ra là: 1) Tham nhũng xảy ra nhưng không được phát hiện - tham nhũng ẩn; 2) Tham nhũng xảy ra, được phát hiện, nhưng được phát hiện nhiều, ít khác nhau - có tham nhũng rõ và tham nhũng ẩn; 3) Tham nhũng xảy ra, nhưng được phát hiện toàn bộ - tham nhũng rõ hết - trường hợp lý tưởng (khó đạt được).

Các chỉ số về phát hiện tham nhũng nói lên tính hiệu quả, chất lượng của hoạt động phòng, chống, nhất là hoạt động chống tham nhũng của các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng nói riêng, của xã hội, Nhà nước nói chung. Thực tiễn phòng, chống tham nhũng ở nước ta cho thấy, tham nhũng ở nước ta ngày càng được phát hiện nhiều hơn. 

Phát hiện tham nhũng được thực hiện bằng cơ chế nhất định, đó là các quy định về thông tin liên quan đến tham nhũng, thiết chế tiếp nhận thông tin về tham nhũng, phương thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng. Theo pháp luật nước ta, việc phát hiện tham nhũng được tiến hành bằng: Tin báo, tố giác, tố cáo của nhân dân về tham nhũng; hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán...; phát triển hệ thống bảo vệ người tố giác tham nhũng; khen thưởng người tố giác tham nhũng; bảo mật thông tin người tố giác tham những; tạo niềm tin của nhân dân vào việc tố giác tham nhũng...

Có thể nói, cơ chế phát hiện tham nhũng nói chung, trong đó có thiết chế phát hiện tham nhũng ở nước ta ngày càng được định hình rõ hơn cả về thể chế, thiết chế, phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào kết quả, hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

- Về các cơ cấu tổ chức chuyên trách xử lý tham nhũng ở nước ta:

Cơ chế xử lý tham nhũng với tư cách là một bộ phận hợp thành cơ chế chống tham nhũng, cũng tương tự như cơ chế phát hiện tham nhũng, bao gồm: Thể chế chống tham nhũng, thiết chế chống tham nhũng, phương thức hoạt động chống tham nhũng (bài viết chỉ bàn đến thiết chế chống tham nhũng). Theo pháp luật nước ta hiện nay, các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng bao gồm: Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Trong các thiết chế đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đóng vai trò quan trọng.

- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế chuyên trách xử lý tham nhũng:

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các thiết chế chuyên trách xử lý tham nhũng ở nước ta được quy định ngày càng rõ ràng, đầy đủ, hoàn thiện hơn. Đó là: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Bộ Công an; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác.

Như vậy, từ những vấn đề lý luận đã được phân tích ở trên và việc nhận diện thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, có thể nói rằng, mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay là mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, độc lập tương đối, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị với các đặc điểm đặc thù của Việt Nam.

3.2. Những vấn đề đặt ra

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới chỉ rõ: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hoá liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Từ đó, việc nói về thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay cần phải được đặt trong những nội dung nói trên. Chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, về mặt lý luận, đổi mới tư duy, nhận thức lý luận về chống tham nhũng bằng việc xây dựng một quan điểm tổng quát mang tính chính trị - pháp lý về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng của Việt Nam, bao gồm các yếu tố cơ bản sau đây: 1) Quan điểm chỉ đạo tổ chức và hoạt động của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; 2) Mục tiêu của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; 3) Tổ chức bộ máy tổng quát và tổ chức bộ máy cụ thể của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; 4) Vai trò, vị trí, đặc trưng, tính chất của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; 5) Địa vị pháp lý của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng; 6) Cơ cấu tổ chức của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng (các cơ cấu cụ thể); 7) Mối quan hệ giữa thiết chế chuyên trách chống tham nhũng và các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng; 8) Các điều kiện bảo đảm tổ chức và hoạt động của thiết chế chuyên trách chống tham nhũng.

Thứ hai, tiến hành đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ thực trạng các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng hiện hành ở nước ta hiện nay. 

Thứ ba, cần tiếp tục khẳng định, duy trì và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng phi tập trung, độc lập tương đối, đa cơ quan, tổ chức, đơn vị với các đặc điểm đặc thù của Việt Nam theo hướng tiến tới thành lập cơ quan chuyên trách tập trung, độc lập, gắn kết các cơ quan của Đảng và các cơ quan của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Mô hình này phải được hoàn thiện dựa trên quan điểm tổng quát nói trên về mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng với lộ trình hai giai đoạn sau đây.

Giai đoạn từ nay đến 2030, với những nội dung sau đây:

- Tăng cường và kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước để phòng, chống tham nhũng theo hướng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

- Tập trung đột phá vào khâu phát hiện tham nhũng, coi đây là“khâu công phá” trong chống tham nhũng theo hướng: i) Hoàn thiện cơ chế phát hiện tham nhũng, bao gồm cả thể chế, thiết chế, phương thức hoạt động, xây dựng chế độ khuyến khích, bảo vệ những người tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng; ii) Bảo đảm đủ nhân lực có năng lực, nguồn lực tài chính cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; iii) Có chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

- Bổ sung một số thiết chế của Đảng và Nhà nước vào các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng như: Các ban chỉ đạo, các cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, các đơn vị cấp tỉnh, bộ phận cấp huyện của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và lực lượng kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, Ủy ban kiểm tra các cấp, một số đơn vị điều tra ở Trung ương (trong Quân đội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao), một số đơn vị của Thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước.

- Gắn kết chặt chẽ hơn nữa cơ chế chuyên trách chống tham nhũng của Đảng với cơ chế chống tham nhũng của Nhà nước, đặc biệt coi trọng vai trò của cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng cơ quan Thường trực Trung ương về phòng, chống tham nhũng về mặt nhà nước và nên chăng đó là Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, đặc biệt sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tham nhũng.

 - Hoàn thiện cơ cấu tổ chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng hiện hành theo hướng hợp nhất các cơ quan chuyên trách điều tra án tham nhũng trong lực lượng công an, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng hiện hành.

- Tăng thẩm quyền cho các thiết chế chuyên trách chống tham nhũng, nhất là xác định và quy định các thẩm quyền, thủ tục đặc biệt trong điều tra tham nhũng, phương thức thu thập chứng cứ...

 - Tăng cường tính phối hợp, tính chuyên trách, tính kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chống tham nhũng, coi trọng việc chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị chống tham nhũng.

Giai đoạn sau năm 2030 (từ năm 2030 đến năm 2045) với những nội dung sau đây:

- Nghiên cứu xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tập trung, độc lập, thống nhất về chống tham nhũng theo hướng thành lập Ủy ban giám sát/Kiểm soát quốc gia về phòng, chống tham nhũng (tên gọi có thể có nhiều phương án khác nhau).

- Nghiên cứu thành lập các thiết chế chuyên trách mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực5 (do hiến định hoặc do luật định) tập trung, thống nhất trên cơ sở tổng kết kết quả thí điểm và hợp nhất các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng hiện nay, bảo đảm ở đâu có quyền lực thì ở đó có kiểm soát, tăng cường và kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước.

GS.TS. Võ Khánh Vinh

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.

3. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.

4. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

5. Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm sát; đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

Bàn về việc xác định chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong các trường hợp cơ quan nhà nước sáp nhập, chia, tách

(Kiemsat.vn) - Trong nhiều trường hợp, thực hiện chủ trương sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính dẫn đến thực tế cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong xác định chính xác ai là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong vụ án dân sự, vụ án hành chính.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang