Bàn về cơ sở và điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
(kiemsat.vn) Hiện nay, cơ sở và điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại còn một số vấn đề có nhận thức chưa thống nhất như: Việc chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân được biểu hiện dưới các hình thức nào? Lấy thời hiệu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có hợp lý không? Cá nhân được quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 là những chủ thể nào?
Hoàn thiện thiết chế VKSND theo yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao
1. Bất cập trong quy định của pháp luật về cơ sở và điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Thứ nhất, về cơ sở chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại (PNTM).
Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định: “Chỉ PNTM nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu TNHS”. Việc tách riêng quy định về cơ sở chịu TNHS của pháp nhân thành một khoản trong BLHS năm 2015 đã dẫn tới có cách hiểu không chính xác là: Bên cạnh tội phạm do cá nhân thực hiện thì có tội phạm do PNTM thực hiện. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 về “Khái niệm tội phạm” quy định chủ thể của tội phạm bao gồm cả người có năng lực TNHS và PNTM đã đặt ra vấn đề rằng: Lỗi, các giai đoạn phạm tội của PNTM được xác định như thế nào? Bởi lẽ, đã có quy định riêng về cơ sở chịu TNHS của PNTM, xác định PNTM là chủ thể của tội phạm thì có cần quy định các điều luật cụ thể về TNHS của PNTM như lỗi, các giai đoạn phạm tội… hay không?
Thứ hai, quy định về điều kiện chịu TNHS của PNTM.
Điều kiện chịu TNHS của PNTM được quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015. Theo đó, PNTM phải chịu TNHS khi thỏa mãn các điều kiện cần và đủ sau: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của PNTM; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM; (4) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015.
Nội dung Điều 75 BLHS năm 2015 không quy định hành vi phạm tội là của cá nhân hay của PNTM. Tuy nhiên, khi nói “hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM” thì có thể hiểu rằng, cá nhân trong mối liên hệ có tính ràng buộc pháp lý với PNTM (người đại diện, người có trách nhiệm hoặc người được PNTM giao nhiệm vụ) đã thực hiện hành vi phạm tội; hành vi phạm tội đó có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM, nhân danh PNTM và vì lợi ích của PNTM. Điều này đặt ra vấn đề còn nhiều quan điểm trái chiều là: Bản chất hành vi phạm tội của PNTM là hành vi phạm tội của cá nhân, chỉ có cá nhân là chủ thể của tội phạm, còn PNTM chỉ là chủ thể chịu TNHS, mà không phải là chủ thể của tội phạm.
Việc xác định “hành vi phạm tội nhân danh PNTM”, “vì lợi ích của PNTM” và “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM” dựa trên cơ sở nào? Theo tác giả, để xem xét vấn đề này, cần căn cứ vào loại hình của PNTM cùng bộ máy, cơ cấu, tổ chức của nó. Bởi lẽ, không phải mọi hành vi, giao dịch của PNTM đều do người đại diện quyết định, mà có những vấn đề cần có sự xem xét, quyết định của một bộ phận (đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị đối với loại hình doanh nghiệp cổ phần; hội đồng thành viên đối với doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn…). Việc “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM” có thể được biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như lời nói, văn bản (biên bản họp, nghị quyết, thư điện tử...) hoặc có thể là chỉ đạo ngầm qua hành vi, cử chỉ nhất định mà chỉ có những cá nhân cụ thể mới nắm bắt được.
Quy định về điều kiện truy cứu TNHS của PNTM: “Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này” cũng còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015, thời hiệu truy cứu TNHS được căn cứ vào phân loại tội phạm. Trong khi đó, khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 quy định việc phân loại tội phạm dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mà hình thức biểu hiện là mức cao nhất của khung hình phạt. Tuy nhiên, trong trường hợp PNTM bị áp dụng khung hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không phân loại được tội phạm theo khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015. Khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015 quy định căn cứ phân loại tội phạm đối với PNTM là: “…quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”. Vấn đề này hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu hiểu “quy định tương ứng” là căn cứ vào mức cao nhất của hình phạt áp dụng đối với PNTM trong từng tội cụ thể, thì tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS chỉ được phân loại là tội phạm ít nghiêm trọng (nếu là hình phạt tiền) và sẽ không phân loại được (nếu là hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn). Còn cách hiểu khác là: “Quy định tương ứng” là dùng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt áp dụng với cá nhân để phân loại tội phạm đối với PNTM, nghĩa là cá nhân phạm tội thuộc loại tội phạm nào thì PNTM cũng được phân loại theo loại đó, bất kể loại tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS thuộc trường hợp bị phạt tiền hay hình phạt khác. Cách hiểu này giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng dễ dàng khi phân loại tội phạm, bởi lẽ về nguyên tắc, TNHS của PNTM được xác định thông qua hành vi của người đại diện. Tuy nhiên, cách hiểu này vẫn còn mâu thuẫn do: Hình thức của loại hình phạt và mức hình phạt đối với cá nhân và PNTM là khác nhau, việc dùng chung cho một loại tội phạm chỉ đúng khi mức cao nhất của khung hình phạt đối với hai đối tượng này giống nhau về tính chất nguy hiểm; tức là không thể lấy tính chất, mức độ nguy hiểm đã được lượng hóa dành cho cá nhân để áp đặt cho một tổ chức.
Mặt khác, theo cách mô tả của các điều luật trong BLHS năm 2015, hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đều được quy định ở một điểm riêng trong khoản riêng. Trong khi đó, điểm này lại không được dẫn chiếu để đối chiếu với mức cao nhất của khung hình phạt dành cho cá nhân. Điều 79 BLHS năm 2015 cũng chỉ giải thích trường hợp nào bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, mà không có mức cao nhất của khung hình phạt để xác định loại tội phạm. Vì vậy, khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015 về phân loại tội phạm đối với pháp nhân dùng cụm từ “quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này” là không chính xác, không bao quát hết các trường hợp.
Như vậy, việc lấy thời hiệu làm căn cứ truy cứu TNHS đối với PNTM là không hợp lý, còn nhiều bất cập.
Thứ ba, về việc không loại trừ trách nhiệm của cá nhân khi PNTM phạm tội.
Khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định mối quan hệ giữa TNHS của PNTM với TNHS của cá nhân như sau: “Việc PNTM chịu TNHS không loại trừ trách nhiệm của cá nhân”. Quy định này là chưa hợp lý. Theo đó, trách nhiệm của cá nhân được đề cập phải là trách nhiệm gắn liền và trong phạm vi của tội phạm mà PNTM phải chịu TNHS. Có một vấn đề đặt ra là: Cá nhân được đề cập tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 là cá nhân trực tiếp thực hiện tội phạm hay cá nhân đã “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” việc thực hiện tội phạm (tức người lãnh đạo hay những người trong ban lãnh đạo của PNTM)?
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Một là, cần sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở chịu TNHS của PNTM.
Theo tác giả, cơ sở chịu TNHS của PNTM giống cơ sở chịu TNHS của cá nhân. Đó là việc xác định cá nhân hoặc PNTM phạm một tội được BLHS quy định, tức là thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể và các điều kiện chịu TNHS cụ thể được BLHS quy định. Do đó, không cần quy định trong Điều 2 BLHS năm 2015 nội dung PNTM phạm một tội được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, mà chỉ cần quy định PNTM phạm một tội được BLHS quy định. Theo đó, cần sửa đổi Điều 2 BLHS năm 2015 như sau:
“Điều 2. Cơ sở của TNHS
Chỉ một thể nhân hoặc PNTM nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện chịu TNHS của PNTM tại Điều 75 BLHS năm 2015.
Về điều kiện chịu TNHS của PNTM tại khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015, tác giả cho rằng cần bổ sung điều kiện để thể hiện rõ hơn việc xác định hành vi của cá nhân “nhân danh pháp nhân”, “vì lợi ích của pháp nhân” và “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân”. Bởi lẽ, với việc thừa nhận cơ sở lý luận của các học thuyết về TNHS của pháp nhân, cũng như khẳng định không phải mọi trường hợp người phạm tội phải trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội thì mới là chủ thể của tội phạm (các trường hợp đồng phạm), cần xác định PNTM là chủ thể của TNHS và cũng là chủ thể của tội phạm được thực hiện bởi cá nhân “nhân danh PNTM”, “vì lợi ích của PNTM” và “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM”. Theo đó, cần sửa đổi khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 như sau:
“Điều 75. Điều kiện xác định PNTM phạm tội và phải chịu TNHS
1. Pháp nhân thương mại được xác định là phạm tội và phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có hành vi của cá nhân phạm một trong các tội được quy định tại Điều 76;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh PNTM, vì lợi ích của PNTM và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM;
c) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”.
Ba là, cần hướng dẫn áp dụng một số nội dung về điều kiện chịu TNHS của PNTM.
- Về hoạt động “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” của PNTM cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh PNTM, vì lợi ích của PNTM gắn với từng loại hình PNTM: Tùy thuộc vào bộ máy, cơ cấu, tổ chức của pháp nhân mà việc chỉ đạo, điều hành có những hình thức khác nhau; không phải mọi hành vi, giao dịch của pháp nhân đều do người đại diện quyết định, mà tùy vào loại hình, có những vấn đề cần có sự xem xét, quyết định của một bộ phận trong PNTM. Bên cạnh đó, việc “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM” có thể được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như lời nói, văn bản, cử chỉ...
- Về quy định “việc PNTM chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân”:
Theo tác giả, cá nhân được đề cập trong Điều luật bao gồm cá nhân trực tiếp thực hiện tội phạm và cá nhân “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” việc thực hiện tội phạm (tức là lãnh đạo hoặc ban lãnh đạo của PNTM). Theo đó: Người trực tiếp thực hiện một trong những tội phạm tại Điều 76 BLHS năm 2015 sẽ chịu TNHS về cùng tội danh với PNTM, trừ trường hợp hành vi của người này không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hoặc người này không phải chịu TNHS hoặc được miễn TNHS theo quy định của BLHS năm 2015; người (hoặc những người) đứng đầu của PNTM nếu biết và thống nhất chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận cho việc thực hiện tội phạm tại Điều 76 BLHS năm 2015, thì họ cùng chịu TNHS chung về tội phạm đó với PNTM và người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Nếu có căn cứ cho rằng trong số họ có người không biết hoặc phản đối việc thực hiện hành vi phạm tội này, thì người đó không phải chịu TNHS chung về tội phạm (tội danh) của PNTM.
Cần bổ sung quy định về xử lý tài sản thi hành án là động vật hoang dã trong Luật thi hành án dân sự
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.