Điều kiện nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi

19/04/2018 14:25

(kiemsat.vn)
Vợ chồng tôi hiếm muộn. Tôi biết có một bé gái 10 tháng bị bỏ rơi tại chùa khu vực gia đình tôi sinh sống. Tôi muốn nhận cháu làm con nuôi có được không? Nếu được thì phải làm những thủ tục gì?

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi. Nhưng luật quy định rõ, những người có nhân thân xấu không được nhận nuôi con nuôi để tránh trường hợp trẻ bị xâm hại hay phải sống trong môi trường không tốt, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách và tâm hồn của trẻ.

Theo điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010, để nhận con nuôi thì vợ chồng bạn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định sau:

"1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em."

Về thủ tục: Sự việc trẻ bị bỏ rơi này cũng phải được UBND xã xác nhận và thông báo tìm thân nhân của trẻ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 25/12/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch. Khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo mà cha mẹ đẻ của đứa trẻ bị bỏ rơi không đến nhận lại thì vợ chồng bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi.

Theo quy định tại Điều 17, 18 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì hồ sơ nhận con nuôi gồm những giấy tờ sau:

- Đối với vợ chồng bạn: Đơn xin nhận nuôi con nuôi (Theo mẫu); Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (Bản sao chứng thực); Phiếu lý lịch tư pháp (bản sao chứng thực hoặc bản photo); Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (bản sao chứng thực hoặc bản photo); Giấy khám sức khỏe do Cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (không quá 6 tháng); Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế (UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp).

- Đối với đứa trẻ bị bỏ rơi: Giấy khai sinh; Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng; Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập.

Cán bộ tư pháp xã sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tư cách và mục đích nhận nuôi con nuôi của vợ chồng bạn. Nếu xét thấy việc nhận con nuôi của vợ chồng bạn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì UBND xã sẽ cấp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi cho bạn.

Xem thêm >>>

Bãi bỏ nhiều giấy tờ khi làm thủ tục nuôi con nuôi

Đã là con nuôi người khác có được chuyển về hộ khẩu của mẹ ruột không?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang