Phạm tội tàng trữ ma túy, người thân có được đặt tiền bảo đảm không?

16/04/2018 08:02

Kiemsat.vn) - Con gái tôi bị cơ quan công an tạm giam để tiến hành điều tra về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi bị bắt, trong người cháu có khoảng 25g ma túy đá. Tôi muốn biết con tôi có phải là tội phạm nguy hiểm không và tôi có thể đặt tiền bảo đảm cho cháu tại ngoại được không?

Kiemsat.vn trả lời câu hỏi của ông/bà như sau:

Cụ thể, căn cứ vào điểm I khoản 2 Điều 249 Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tàng trữ các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Căn cứ khoản 2, Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 "Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù" và khoản 3, Điều 9 "Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù"

Như vậy, con gái ông/bà tàng trữ trái phép các chất ma túy có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đồng thời, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 17/2013/TLTT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSTC-TANDTC thì không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm nếu bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp con gái của ông/bà phạm tội rất nghiêm trọng (loại tội phạm về ma túy) thì sẽ không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. 

Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.

VKSND tối cao hướng dẫn công tác THQCT, KSĐT và KSXX sơ thẩm án ma túy năm 2018

(Kiemsat.vn) - Kể từ thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành, yêu cầu các VKSND địa phương nghiên cứu kỹ các điểm mới trong chương tội phạm về ma túy và bám sát nội dung hướng dẫn thực hiện trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 để triển khai thực hiện.

14 tuổi có phải chịu TNHS về hành vi tàng trữ ma túy?

(Kiemsat.vn) - Con trai tôi 14 tuổi 3 tháng, do đua đòi ham chơi, cháu bị bạn xấu lợi dụng, nhờ đi mua ma túy đá. Trên đường mang ma túy về cho bạn, cháu bị cơ quan chức năng bắt quả tang (gói ma túy đá mang trong người là 5g). Tôi muốn hỏi, con tôi chưa tròn 18 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang