Xử lý Tội nhận hối lộ theo cấu thành tăng nặng

04/04/2018 14:57

(kiemsat.vn)
Tiếp tục bình luận về Tội nhận hối lộ, bài viết này, tác giả phân tích về đường lối xử lý theo cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm đặc biệt; xử lý Tội nhận hối lộ theo quy định về hình phạt bổ sung theo Điều 354 BLHS năm 2015.

Đường lối xử lý Tội nhận hối lộ theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ nhất

Theo khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

Có tổ chức: Nhận hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm này, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án nhận hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người đồng phạm trên.

Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015 (1).

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn: Người phạm tội nhận hối lộ nhất thiết phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới nhận được hối lộ, nếu chỉ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có thì đó chỉ là tình tiết là yếu tố định tội, nhưng nếu người nhận hối lộ lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có để nhận hối lộ hoặc người nhận hối lộ đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vượt quá phạm vi thẩm quyền thuộc chức vụ, quyền hạn của họ thì lại là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là làm một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn mà mình có (vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình) như: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường ra lệnh bắt người tạm giữ hoặc tạm giam; Trưởng Công an phường, xã bắt người tạm giữ, tạm giam để đòi hối lộ; cán bộ quản lý thị trường ra lệnh khám nhà, khám người...

Để lạm dụng chức vụ, quyền hạn, trước hết người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng vượt quá chức vụ, quyền hạn đã có. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn gì nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ, quyền hạn đó để nhận hối lộ thì không phải là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.

Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này chỉ lạm dụng quyền hạn, chứ ít khi lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, quyền hạn bao giờ gắn liền với chức vụ, nên khi nói đến lạm quyền cũng là lạm dụng chức vụ. Trước đây, thuật ngữ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu như nhau. Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân đã dùng thuật ngữ “lạm dụng chức quyền” để chỉ hành vi phạm tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 8) và được giải thích là: “Lạm dụng chức quyền có thể là làm trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình” (2).

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: Đây là trường hợp người phạm tội đã nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác được xác định căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng: Nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

Phạm tội 02 lần trở lên: Nhận hối lộ 02 lần trở lên là trường hợp có từ 02 lần nhận hối lộ trở lên, mỗi lần nhận hối lộ đều đã cấu thành tội phạm và nay bị đưa ra xét xử cùng một lúc, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước đến lần phạm tội sau.

Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội 02 lần trở lên nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong các lần phạm tội đó, chỉ có 01 lần phạm tội nhận hối lộ, còn các lần khác chỉ là vi phạm kỷ luật hoặc đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (3) thì không được tính để xác định là phạm tội nhận hối lộ 02 lần trở lên.

Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước: Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước là trường hợp người nhận hối lộ biết rõ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là tài sản Nhà nước mà vẫn nhận.

Về khái niệm tài sản của Nhà nước cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước thì không cần phải bàn cãi, nhưng nếu tài sản chỉ thuộc quyền sở hữu một phần của Nhà nước thì vấn đề lại không đơn giản như: Các công ty cổ phần, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với các đơn vị kinh tế tập thể hoặc tư nhân... Nếu người nhận hối lộ biết của hối lộ là tài sản của các đơn vị kinh tế này thì có coi là tài sản của Nhà nước không?

Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc trên 50% thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu 50% thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.

Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt: Tình tiết này chứa đựng ba nội dung khác nhau: Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người phạm tội chỉ thuộc 01 trong 03 trường hợp phạm tội này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng nếu người phạm tội nhận hối lộ thuộc cả 03 trường hợp phạm tội này thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 của Điều luật.

Đòi hối lộ là người nhận hối lộ chủ động yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác thì mới làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Thực tiễn xét xử cho thấy, người nhận hối lộ không trực tiếp yêu cầu người khác phải đưa hối lộ nhưng lại có thủ đoạn gợi ý hoặc qua trung gian để gợi ý cho người khác đưa hối lộ cho mình. Trường hợp phạm tội này cũng phải coi là đòi hối lộ, thậm chí còn bị coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt để đòi hối lộ.

Sách nhiễu là trường hợp người nhận hối lộ gây khó dễ cho người khác để đòi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất của họ như: Đã có quyết định cấp đất nhưng cố tình trì hoãn việc giao quyết định cho người được giao đất; đã có chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng nhưng cố tình trì hoãn việc thanh toán cho người được đền bù; đã có bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành nhưng cố tình trì hoãn việc ra quyết định thi hành án... Nói chung, người sách nhiễu để đòi hối lộ là người không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhận hối lộ sách nhiễu để đòi hối lộ và làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Sách nhiễu là hành động tha hoá của một bộ phận công chức trong bộ máy nhà nước cần phải xử lý nghiêm khắc. Nhà làm luật coi tình tiết sách nhiễu để dòi hối lộ là yếu tố định khung hình phạt cũng là phù hợp với đạo đức xã hội thể hiện được ý chí của nhân dân.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt để nhận hối lộ là người phạm tội nhận hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người đưa hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng. Những mánh khoé, cách thức mà người nhận hối lộ sử dụng để nhận hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người khác dễ bị lừa hoặc nếu biết cũng không đối phó được như: Nhận hối lộ nhưng lại buộc người đưa phải viết giấy bán tài sản cho mình hoặc giấy biên nhận nợ; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ mua tài sản của mình với giá gấp nhiều lần so với giá thật; nhận hối lộ bằng cách buộc người đưa hối lộ chuyển vào tài khoản của mình một khoản tiền được ngụy trang dưới một hợp đồng mua bán hay đứng tên người khác... Nói chung, những mánh khoé, cách thức nhận hối lộ mà người nhận hối lộ sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.

Người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 02 năm tù đến dưới 07 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 02 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đường lối xử lý Tội nhận hối lộ theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai

Khoản 3 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, chỉ khác là của hối lộ mà người phạm tội này đã nhận là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng: Nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

Khi quyết định hình phạt nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 07 năm tù đến dưới 15 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 07 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 20 năm tù.

Đường lối xử lý Tội nhận hối lộ theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ ba

Khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015, người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, chỉ khác là của hối lộ mà người phạm tội này đã nhận là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên: Nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Khi quyết định hình phạt nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 15 năm tù đến dưới 20 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 15 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến tử hình.

Đường lối xử lý Tội nhận hối lộ theo quy định về hình phạt bổ sung

Ngoài những hình phạt chính như đã nêu trên, người phạm tội nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 5 Điều 354 BLHS năm 2015).

Việc áp dụng hình phạt bổ sung có tác dụng hỗ trợ hình phạt chính, tăng khả năng trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Đường lối xử lý Tội nhận hối lộ theo cấu thành tội phạm đặc biệt

Để xử lý hành vi nhận hối lộ ngoài khu vực Nhà nước, khoản 6 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”./.

(1). Xem thêm: Điều 17, BLHS năm 2015.

(2). Xem thêm: Vũ Thiện Kim (1980), “Trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, các tội xâm phạm tài sản của công dân”, Phòng tuyên truyền Tập san Toà án nhân dân tối cao. Hà Nội. tr. 204.

(3). Xem thêm: Điều 27, Điều 28, BLHS năm 2015.

 

(Trích bài viết: “Bình luận Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội nhận hối lộ” của Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, TCKS số 23/2017).

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang