Có phải gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt?

02/04/2018 16:41

(kiemsat.vn)
Thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn cách hiểu khác nhau về việc lập và gửi biên bản hòa giải thành. Liệu Tòa án có phải gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt?

Ảnh minh họa

Khoản 5 Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải”.

Từ quy định này, trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự đã có quan điểm khác nhau về việc biên bản hòa giải thành có phải gửi ngay cho đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải không trong hai trường hợp sau:

(1) Trường hợp tại phiên hòa giải có đương sự vắng mặt, các đương sự có mặt đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của đương sự có mặt được Thẩm phán công nhận vì không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt;

(2) Trường hợp tại phiên hòa giải có đương sự vắng mặt, các đương sự có mặt đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của đương sự mặc dù có mặt có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt nhưng thỏa thuận của đương sự có mặt được Thẩm phán công nhận vì đương sự vắng mặt đã có văn bản đồng ý như thỏa thuận của đương sự có mặt.

Trường hợp sau đây là một ví dụ: 

Ông A nộp đơn ly hôn bà B và khai có nợ bà C số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông A không yêu cầu gì khác. Tòa án ra thông báo Thụ lý vụ án gửi cho bà B, bà C. Bà B có văn bản gửi Tòa án nêu ý kiến đồng ý ly hôn với ông A và đồng ý trả ½ số tiền còn nợ bà C. Bà C có văn bản gửi Tòa án nêu ý kiến do ông B và bà C có hoàn cảnh khó khăn nên bà không yêu cầu ông A, bà B phải trả nợ cho bà trong vụ án ly hôn của ông A, bà B. Tại phiên hòa giải, ông A và bà B tự nguyện thuận tình ly hôn. Thẩm phán lập biên bản ghi nhận sự tự

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành, Tòa án phải gửi cho đương sự vắng mặt. Chỉ khi nào đương sự vắng mặt có văn bản đồng ý với thỏa thuận của đương sự có mặt tại phiên hòa giải thì Thẩm phán mới được ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như quy định tại Điều 212 BLTTDS năm 2015. Lập luận của quan điểm này là các đương sự trong vụ án đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng nhau nên việc Tòa án đã gửi cho đương sự có mặt tại phiên hòa giải biên bản hòa giải thành thì Tòa án cũng phải gửi cho đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải. Lý do nữa là mặc dù đương sự vắng mặt có văn bản đồng ý như thỏa thuận, nhưng đương sự có mặt có quyền thay đổi ý kiến trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành thì đương sự vắng mặt cũng có quyền thay đổi ý kiến như đương sự có mặt tại phiên hòa giải. Tóm lại, Tòa án phải gửi biên bản hòa giải thành, biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành cho đương sự vắng mặt là cần thiết và đảm bảo sự công bằng cho các đương sự trong vụ án.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Tòa án không phải gửi biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành cho đương sự vắng mặt. Bởi vì, tại khoản 5 Điều 211 BLTTDS năm 2015 quy định biên bản hòa giải thành được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải. Điều này được hiểu Tòa án chỉ gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự tham gia hòa giải tức đương sự có mặt tại phiên hòa giải. Bên cạnh đó, việc gửi biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành cho đương sự vắng mặt là không cần thiết vì thỏa thuận của đương sự vắng mặt không ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc đương sự vắng mặt có đồng ý hay không đồng ý với thỏa thuận của đương sự vắng mặt cũng không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án.

Như vậy, Tòa án chỉ lấy ý kiến của đương sự vắng mặt nếu sự thỏa thuận của đương sự có mặt khác với ý kiến của đương sự vắng mặt đã nêu trong văn bản gửi cho Tòa án. Nếu đương sự vắng mặt đồng ý bằng văn bản thỏa thuận của đương sự có mặt thì Tòa án mới lập biên bản hòa giải thành. Điều này cũng được hiểu nếu sự thỏa thuận của đương sự có mặt phù hợp với ý kiến của đương sự vắng mặt thì Tòa án cũng không phải lấy ý kiến của đương sự vắng mặt và Tòa án cũng không phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt.

Tác giả mong nhận sự trao đổi, thảo luận của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

Xem thêm>>>

Đương sự vắng mặt, người được ủy quyền có mặt: Tòa án có hoãn phiên tòa?

Điều kiện để công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở

TAND tối cao hướng dẫn xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang