T không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

27/03/2018 10:06

(kiemsat.vn)
Hành vi của H không phải là hành vi phạm tội theo quy định của BLHS năm 1999 nên không thể cho rằng T tiêu thụ tài sản do H phạm tội mà có. Hành vi của T chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP ngày 12//11/ 2013.

 

Ảnh minh họa

* Tác giả Dương Tấn Thanh, TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Nghiên cứu quy định của pháp luật, tác giả thấy rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 1999 thì: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đối chiếu với trường hợp của Nguyễn Văn H thì hành vi trộm cắp tài sản của H không phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138 của BLHS năm 1999.

Khoản 1 Điều 250 của BLHS năm 1999 quy định Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Mặc dù Trần Tiến T biết rõ tài sản mà H đem bán cho T là do H trộm cắp mà có được nhưng T không phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì như đã nói, hành vi của H không phải là hành vi phạm tội theo quy định của BLHS năm 1999 nên không thể cho rằng T tiêu thụ tài sản do người khác (tức Nguyễn Văn H) phạm tội mà có. Hành vi của T chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau: “2.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;”

Do đó, tác giả đồng tình với ý kiến thứ 2: không thể xử lý Trần Tiến T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

 

* Ths. Lê Văn Quang, Phó Viện trưởng VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Về nội dung bài viết Trần Tiến T có phạm  tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, tác giả có ý kiến như sau:

Nguyễn Văn H, sinh ngày 12/7/2001 (15 tuổi 9 tháng 22 ngày) do H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trộm cắp 02 chiếc điện thoại di động, H bán cho Trần Tiến T; tuy T biết rõ là 02 chiếc điện thoại di động của H trộm cắp. Nhưng do H chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử H về tội “Trộm cắp tài sản” hay nói cách khác là H không phạm tội (không phải chịu trách nhiệm hình sự) mà chỉ bị xử lý hành chính.

Do vậy, tài sản là 02 chiếc điện thoại H trộm, chiếc điện thoại lần thứ nhất chưa đủ định lượng nhưng chiếc điện thoại lần thứ hai H trộm là chiếc điện thoại Sam sung GalasyS7 trị giá 8.500.000 đồng đã đủ định lượng nhưng do H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên 02 chiếc điện thoại này không phải là tài sản do khác khác do phạm tội mà có ( tức là tài sản không phải do H phạm tội mà có) mà 02 chiếc điện thoại nêu trên chỉ là tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có tức là do H vi phạm pháp luật mà có.

Từ những phân tích nêu trên quan điểm của chúng tôi cho rằng, Trần Tiến T không phạm tội  “tiêu thụ do người khác phạm tội mà có”.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang