Vướng mắc trong kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án
(kiemsat.vn) Không có căn cứ biểu mẫu để kiểm sát hình thức ban hành quyết định; không có căn cứ kiến nghị những nội dung được quy định tại Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020… là những vướng mắc trong quá trình kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án cần được nghiên cứu để hoàn thiện.
Về áp dụng các nguồn của luật dân sự tại tòa án
Bàn về thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người được hưởng án treo
Cần hoàn thiện quy định về nhiệm vụ quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng
Vướng mắc trong kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án
Hòa giải, đối thoại đóng vai trò quan trọng khi giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong xã hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành nhằm hạn chế các tranh chấp và không phải mở phiên tòa xét xử. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan tránh khiếu kiện kéo dài.
Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã đưa ra quy trình, cách thức mới, bên cạnh quy trình tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp của mình.
Điều 32 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu”. Theo đó, sau khi các bên hòa giải thành, Hòa giải viên sẽ tiến hành ghi nhận kết quả bằng biên bản. Nếu các bên có yêu cầu, Hòa giải viên chuyển toàn bộ tài liệu cùng biên bản hòa giải thành đến Tòa án có thẩm quyền để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án, tác giả nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc qua vụ việc cụ thể sau đây:
Ngày 06/4/2021, anh Quách Văn T và chị Nguyễn Thị X cùng có đơn yêu cầu thuận tình ly hôn. Căn cứ biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành ngày 15/4/2021, các bên đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ yêu cầu thuận tình ly hôn cùng các tài liệu kèm theo do Hòa giải viên chuyển sang Tòa án. Tòa án nhân dân quận C, thành phố H đã căn cứ các điều 32, 33, 34, 35, 36 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020; các điều 55, 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quyết định:
“1. Công nhận nội dung hòa giải thành của các bên cụ thể như sau:
1.1. Công nhận thuận tình ly hôn giữa: Anh Quách Văn T và chị Nguyễn Thị X.
1.2. Về con chung: Anh Quách Văn T và chị Nguyễn Thị X có 02 con chung…
Cháu Quách Thị Hoài L - sinh ngày 30/08/2001. Hiện nay cháu L đã trên 18 tuổi, anh chị không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết.
Cháu Quách Thị Phương A - sinh ngày 21/03/2007. Khi ly hôn, anh chị thỏa thuận cháu Phương A sẽ do anh T trực tiếp nuôi dưỡng. Anh T không yêu cầu chị X cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm miễn việc cấp dưỡng nuôi con chung cho chị X cho đến khi có quyết định khác.
Chị X được quyền thăm nom, chăm sóc con chung. Anh T và những người thân trong gia đình anh T không ai được ngăn cản.
1.3. Về tài sản chung và nợ chung: Anh Quách Văn T và chị Nguyễn Thị X xác định không có tài sản chung, nợ chung không có. Khi ly hôn, anh T và Chị X không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết.
2. Quyết định này có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Các bên, người đại diện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại Quyết định này…”.
Qua nghiên cứu Quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án nêu trên của TAND quận C, thành phố H, tác giả nhận thấy:
Thứ nhất, về hình thức của quyết định: Quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án không có trong hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 về một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 về một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, khi kiểm sát quyết định trên thì Kiểm sát viên không có căn cứ biểu mẫu để kiểm sát hình thức ban hành quyết định.
Ngoài ra, theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án thì sau khi nhận được quyết định do Tòa án chuyển đến, công chức phải vào sổ thụ lý kiểm sát quyết định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án không tiến hành thụ lý vụ việc mà ban hành quyết định ngay. Hay nói cách khác, Tòa án không thụ lý nhưng lại có kết quả giải quyết vụ việc. Điều này gây khó khăn cho Kiểm sát viên trong cập nhật, theo dõi hồ sơ kiểm sát và báo cáo kết quả, số liệu cho lãnh đạo.
Thứ hai, về nội dung của quyết định: Theo Điều 36 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này. Tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định có nội dung gây khó khăn trong việc thi hành án, ví dụ: Nội dung quyết định trên của Tòa án nhân dân quận C quyết định: “Cháu Phương A sẽ do anh T trực tiếp nuôi dưỡng”; “anh T và những người thân trong gia đình anh T không ai được ngăn cản”. Vậy anh T nuôi dưỡng cháu Phương A đến thời điểm nào? những người thân là ai?... Với nội dung không phù hợp, không rõ ràng như trên thì Viện kiểm sát có được quyền kiến nghị hay không?
Thứ ba, về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành: Khoản 2 Điều 35 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định: “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Tuy nhiên, Điều 1 và Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không điều chỉnh quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án. Nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự là những bản án, quyết định dân sự được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc quy định một quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được ban hành đặc thù theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 nhưng lại có hiệu lực bắt buộc thi hành như một quyết định được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự là không phù hợp.
Đề xuất, kiến nghị
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được kiểm sát một cách chặt chẽ, chính xác, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án cần phải tiến hành thụ lý vụ việc để có căn cứ đầu vào và đầu ra đảm bảo việc báo cáo số liệu; đồng thời, bổ sung biểu mẫu để Tòa án áp dụng cho thống nhất.
Thứ hai, trường hợp thụ lý vụ việc thì đối với kết quả giải quyết, Thẩm phán vẫn phải tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo điểm a khoản 3 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ ba, Điều 36 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 cần bổ sung quy định: Viện kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên không phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo quyết định có khả năng thi hành./.
Hoàn thiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Kỹ năng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.