Vướng mắc khi áp dụng Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015

07/06/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Qua thực tế giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho thấy pháp luật còn bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng. Trong đó, có bất cập giữa quy định của Luật giao thông đường bộ với Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

… đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

…b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên…”.

Theo khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia “sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: … “8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Trong khi đó, tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: … “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định…”. Chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp khó khăn trong việc xem xét xử lý trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng khi trong trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tác giả nêu một số vụ án cụ thể:

- Về áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015:

Khoảng 14 giờ 45 phút ngày 11/02/2021, Văn Tấn B có giấy phép lái xe, trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn 0,340ml/lít khí thở, điều khiển xe mô tô 78H1-444.05 lưu hành trên đường thuộc thôn C, xã A, thành phố H, tỉnh P theo hướng Bắc - Nam. Khi đến đoạn đường  giao nhau, do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ để đảm bảo an toàn khi qua đường giao nhau nên xe do B điều khiển đã tông vào xe mô tô có kéo moóc phía sau do anh Võ Ngọc T điều khiển phía trước cùng chiều. Hậu quả, anh T chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2022/HSST ngày 05/01/2022 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố H đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 54 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Văn Tấn B 01 năm 06 tháng tù về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngày 18/01/2022, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh P không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tương tự vụ án nói trên, khoảng 20 giờ 45 phút ngày 07/12/2020, Lê Trọng T điều khiển xe mô tô 78F1-376.80 trong tình trạng có nồng độ cồn 55.85mg/100ml máu, tông vào xe mô tô biển số 78G1-316.79 do Đặng Ngọc Q điều khiển chở Nguyễn Thanh C lưu hành ngược chiều, làm Nguyễn Thanh C bị thương 65%, 02 xe hư hỏng.

Tòa án nhân dân thị xã Đ đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Lê Trọng T 01 năm tù về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo. Tòa án nhân dân tỉnh P xét xử phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự xử phạt bị cáo T 09 tháng tù.

- Không áp dụng điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015:

Vào khoảng 12h05 phút ngày 20/9/2021, sau khi ăn uống, Lê Anh H (sinh năm 2003, trú tại huyện T, tỉnh P; không có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển xe mô tô biển số 78F1-015.99  lưu hành trên đường liên xã. Khi đến đoạn đường có biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm nhiều chỗ ngoặt nguy hiểm liên tiếp, H phát hiện phía trước cùng chiều có ông Lê Đình T điều khiển xe mô tô biển số 78N3-6671 đang qua đường theo hướng lưu hành của H. Do không giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi đi qua đoạn đường có biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm, xe mô tô do H điều khiển đã đâm vào phía sau xe mô tô của T gây tai nạn. Hậu quả, ông T bị thương tích được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh P để cấp cứu và điều trị, đến ngày 27/6/2022 thì tử vong; hai xe mô tô bị hư hỏng.

Kết quả đo nồng độ cồn của Lê Anh H lúc 13h02 ngày 20/9/2021 tại Trung tâm y tế huyện T là 0,124 mg/1 lít khí thở.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 337/TgT ngày 10/11/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh P kết luận: Ông Lê Đình T bị thương tích 90%. 

Bản kết luận định giá tài sản số 09/KL-HĐĐGTS ngày 04/4/2022 của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự huyện T kết luận: Xe mô tô 78N3 - 6671 bị thiệt hại 460.000 đồng, xe mô tô 78F1 - 015.99 bị thiệt hại 1.038.000 đồng.

Bản giám định pháp y về tử thi số 127/2022/TT ngày 03/8/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh P kết luận: Ông Lê Đình T chết do nhồi máu não/Chấn thương sọ não. Công văn số 55/2022/CVGĐ ngày 09/8/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh P xác định: Ông T tử vong là có liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 20/9/2021, gây ra tình trạng chấn thương sọ não nặng (dập - xuất huyết não), dẫn đến di chứng nhồi máu não, suy kiệt, nhiễm trùng làm cho nạn nhân tử vong.

Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2022/HS-ST ngày 16/8/2022 của TAND huyện T áp dụng điểm a khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Lê Anh H 01 năm 03 tháng tù, thời hạn tù  tính từ ngày bắt thi hành án.

Như vậy, trong vụ án này, bị cáo H chỉ bị truy tố, xét xử về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (không có giấy phép lái xe theo quy định), còn việc kết quả đo nồng độ cồn khi bị cáo gây tai nạn là 0,124 mg/1 lít khí thở thì không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét.

Với việc giải quyết các vụ án như nói trên cho thấy, cùng một hành vi phạm tội nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại có những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, dẫn đến việc xử lý cuối cùng là điều khoản của BLHS và mức hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là không giống nhau.

Vấn đề đặt ra là, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” cần phải được sửa đổi cho phù hợp với khoản 1 Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia (đã sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2008 như đã nói ở trên). Việc trong cùng một thời điểm có nhiều luật quy định về một nội dung khác nhau sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng, làm hạn chế đến hiệu quả của luật và không bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

- Bất cập khi áp dụng khoản 1 và khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015:

So sánh giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 cho thấy có những bất cập, đó là: Theo quy định tại Điều 260 BLHS thì “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 1 Điều này; “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều này và “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều này.

Ví dụ: Khoảng 21 giờ 40 phút ngày 05/02/2022, Nguyễn Viết T (sinh năm 1993, trú tại huyện P, thành phố Đ; có giấy phép lái xe ô tô hạng C theo quy định), điều khiển xe ô tô tải biển số 48H-005.00. Khi đến km 116+810 Quốc lộ 19C, thuộc thôn P, xã B, huyện S, tỉnh P, T điều khiển xe ô tô lấn sang phần đường bên trái, tung vào xe mô tô 78M1-153.91 do Thái Thanh V điều khiển chở sau Lê Minh T lưu hành ngược chiều. Hậu quả, anh V chết trên đường đi cấp cứu, anh H bị thương tích 64%, xe mô tô hư hỏng thiệt hại 1.400.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HSST ngày 14/9/2022 của TAND huyện S đã áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Viết T 01 năm 03 tháng tù về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện S xử phạt bị cáo Nguyễn Viết T về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ví dụ 2: Nguyễn Văn A lái ô tô đi lấn đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều. Hậu quả là 02 người bị thương (một người 72%; một người 51%, tổng tỉ lệ thương tích là 123%). A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm).

 Như vậy, so sánh hai trường hợp trên có thể thấy, bị cáo T gây hậu quả nghiêm trọng hơn (làm chết 01 người, 01 người bị thương tích 64%) lại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ hơn so với A gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn (01 người bị thương tích 72%, 01 người thương tích 51%). Điều này là bất hợp lý trong cùng một điều luật. Tương tự với trường hợp 02 người chết, 01 người bị thương theo điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 và 03 người bị thương (tổng tỉ lệ thương tích là 201% trở lên) theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015. Do đó, quy định này cũng cần được kịp thời xem xét sửa đổi cho phù hợp.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết một số vụ án cụ thể nói trên, để bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, tác giả đề xuất sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 theo hướng: … “b. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thì “tổng tỉ lệ % tổn thương cơ thể của một người phải nhỏ hơn 100%”. Vì vậy, nên chăng xem xét quy định 01 người chết thì tỉ lệ tổn thương cơ thể là 100%. Từ đó, làm cơ sở để xác định trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông mà có 01 bị hại hoặc 02 bị hại chết và nhiều bị hại khác bị thương thì cộng các tỉ lệ thương tổn cơ thể của các bị hại trong đó 01 người chết tính là 100% để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo điểm, khoản nào của Điều 260 BLHS năm 2015.

Trách nhiệm hình sự của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong Bộ luật Hình sự Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 quy định chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài cá nhân còn có thể là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, thậm chí là cơ quan nhà nước. Việc ghi nhận rõ ràng về trách nhiệm hình sự của “đơn vị, tổ chức phạm tội” là điểm khác biệt so với Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Bàn về cách xác định thời gian bắt buộc chữa bệnh trong Bộ luật Hình sự

(Kiemsat.vn) - Hiện nay, chưa có cách hiểu thống nhất về cách xác định thời gian bắt buộc chữa bệnh theo Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo đó: Thời gian bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có được trừ vào thời hạn thi hành án không? Thời gian tạm đình chỉ điều tra do áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang