VKSND tỉnh Gia Lai: 7 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2018

07/01/2019 21:57

(kiemsat.vn)
Năm 2018, ngành Kiểm sát Gia Lai đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có sáng kiến, giải pháp công tác, cách làm mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018 đã xác định:“Một là, toàn Ngành tiếp tục tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; Hai là, công tác tổ chức cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2018; Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018  với những nhiệm vụ trọng tâm và đề ra 07 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, trọng tâm là đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp về nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, cụ thể như sau:

Đồng chí Nguyễn Đình Quang, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị  tổng kết công tác phối hợp liên ngành năm 2018 và đề ra phương hướng phối hợp năm 2019.

1. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ 03 giải pháp cụ thể như sau:

Một là, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo VKSND tỉnh đã quán triệt thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, kết luận và nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn công tác của Viện trưởng VKSND tối cao (1). Thực hiện tốt chủ trương “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”; đặc biệt là việc chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức cán bộ, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành đã được xác định trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC; tích cực, chủ động và nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc dư luận xã hội quan tâm, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Hai là, ngay sau khi vừa kết thúc năm công tác 2017, Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, nắm lại các công việc còn tồn của năm 2017 chuyển sang năm 2018 để có biện pháp chỉ đạo; đồng thời trước khi có Chỉ thị công tác năm 2018, VKSND tỉnh Gia Lai đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu tất cả các đơn vị nghiệp vụ hai cấp thực hiện ngay 04 nội dung quan trọng về một số chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm 2018 như: Đôn đốc Cơ quan điều tra nhanh chóng tập trung giải quyết án tồn của năm 2017; thực hiện sớm các chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2018 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đôn đốc cơ quan chức năng thực hiện, có văn bản trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát...

Ba là, Viện trưởng VKSND tỉnh trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch công tác của ngành năm 2018, trọng tâm là một số đơn vị còn có những mặt yếu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ. Cụ thể, đã thành lập 03 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 03 đơn vị cấp huyện, qua đó, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những mặt còn yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, yêu cầu khắc phục và đề ra giải pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

2. Xác định 02 khâu công tác trọng tâm, tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác năm 2018 của ngành Kiểm sát Gia Lai, đó là:

(1). Đổi mới công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ.

(2). Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Tăng cường tập huấn, học tập, nghiên cứu chuyên sâu để nắm chắc, áp dụng có hiệu quả trên thực tiễn các quy định mới của các đạo luật về tư pháp có hiệu lực từ 01/01/2018 (BLHS; BLTTHS; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức CQĐT hình sự), như: Ngoài việc mời chuyên gia của VKSND tối cao trực tiếp về địa phương tập huấn chuyên sâu trong toàn ngành, VKSND tỉnh tiếp tục xây dựng 04 chuyên đề tập huấn bằng hình thức trực tuyến.

Đến nay, qua 01 năm thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm theo tinh thần mới của luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã tích cực phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong thực tiễn áp dụng pháp luật; đối với những nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn luật của Trung ương, cơ bản cũng đã thống nhất đề nghị cấp trên xem xét kịp thời hướng dẫn.

Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai trực tiếp chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018 tại VKSND huyện Đak Đoa

4. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; trọng tâm là các giải pháp nhằm chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, nhất là từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Kiểm sát viên đã trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát nhiều hoạt động điều tra trước khi khởi tố vụ án như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người liên quan, thu thập chứng cứ, khám xét, thu giữ tài liệu, đồ vật... Đề ra chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu của ngành để phấn đấu thực hiện; tăng cường trực tiếp kiểm sát, mở rộng hơn về phạm vi và thực hiện sớm hơn trong các tiến trình tố tụng (2) ; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình nghiệp vụ, nhất là những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ cơ sở và ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.

Thứ hai, phối hợp với cơ quan chức năng ký ban hành 18 Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phù hợp với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Liên ngành tư pháp Trung ương. Ngoài ra còn ký kết mới 29 Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết án hình sự, công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự và công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Thứ ba, trong giai đoạn điều tra đã chỉ đạo Kiểm sát viên trực tiếp tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra quan trọng như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng, khám nghiệm, lấy lời khai và trực tiếp lấy lời khai người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ; kiểm sát chặt chẽ các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra... Viện Kiểm sát trực tiếp hoặc tham gia cùng CQĐT hỏi cung bị can để củng cố chứng cứ trước khi quyết định việc truy tố hoặc trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra trong những trường hợp theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyết định của Viện Kiểm sát có căn cứ và đúng pháp luật. Thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của Viện Kiểm sát trong hoạt động điều tra, nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra và trách nhiệm của Ngành trong thực hiện nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm (3).

Thứ tư, chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử các vụ án hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đã phối hợp tổ chức 04 phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự được truyền hình trực tuyến, có sự theo dõi, giám sát từ điểm cầu của Ban Nội chính Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Đề ra nhiều giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, như: Tăng cường bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm cho công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hành chính, bảo đảm không có “vùng trống” cán bộ chuyên trách trong khâu công tác này. Chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện, bảo đảm vừa nâng cao trách nhiệm của cá nhân phụ trách, vừa tranh thủ tối đa trí tuệ của tập thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm; duy trì và tăng cường phối hợp, trao đổi giữa Viện Kiểm sát cấp trên với Viện Kiểm sát cấp dưới và trao đổi, tham khảo kinh nghiệm với các đơn vị đã làm tốt, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hoặc cách làm đạt hiệu quả cao trong công tác kiểm sát bản án, quyết định, công tác thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; qua đó, học tập, nhân rộng các điển hình làm tốt, hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt công tác.

6. Thực hiện có hiệu quả 03 giải pháp cụ thể để đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ:

Một là, tổ chức có chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm; nhất là 05 phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự theo Cụm (từ 3 đến 5 đơn vị VKS cấp huyện/01 cụm/01 phiên tòa rút kinh nghiệm chung).

Hai là, Viện kiểm sát cấp tỉnh trực tiếp “Cầm tay chỉ việc” cho cấp huyện, bằng phương pháp “tỉnh và huyện cùng làm”, đó là cử cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện tham gia cùng với cấp tỉnh tiến hành trực tiếp kiểm sát tại các cơ quan tư pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Bằng giải pháp này, hằng năm, Kiểm sát viên trung cấp các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho hàng chục lượt Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức VKSND cấp huyện. Qua đó, trình độ, năng lực của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng hơn về kỹ năng nghiệp vụ và chuyên sâu hơn về nội dung công tác.

Ba là, tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” năm 2018 về công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Qua đó, tạo không khí, tinh thần nghiên cứu, học tập sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên để trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; tạo sân chơi trí tuệ, môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.

7. Thông báo nhân rộng những điển hình tập thể, cá nhân có phương pháp, cách làm hay trong công tác để các đơn vị cùng tham khảo, học tập và vận dụng (đến nay, đã ban hành 07 văn bản nhân rộng 10 lượt tập thể và nhiều lượt cá nhân có sáng kiến, phương pháp, cách làm hay đạt hiệu quả cao trong công tác). Đây là giải pháp mà VKSND tỉnh Gia Lai duy trì thường xuyên, được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá: “Gia Lai là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và có giải pháp mới, đạt hiệu quả cao trong công tác”. Từ đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân có các sáng kiến, giải pháp công tác, cách làm mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, là động lực thi đua, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Qua việc thực hiện đồng bộ 07 nhóm giải pháp trọng tâm nêu trên, trong năm 2018, VKSND tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Toàn ngành kiểm sát Gia Lai đã thực hiện đạt và vượt 90% tổng chỉ tiêu theo Quyết định 379 của Viện trưởng VKSND tối cao; có 10 đơn vị VKS cấp huyện hoàn thành đạt và vượt 100% chỉ tiêu và 07 đơn vị còn lại hoàn thành đạt và vượt từ 97% trở lên. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường; các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt cao hơn so với chỉ tiêu của ngành như: Tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 91%; tỷ lệ giải quyết án tại Cơ quan điều tra đạt 81%; tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 98,8% và tỷ lệ bắt, tạm giữ chuyển xử lý hình sự đạt 98,7%. Các chỉ tiêu về trực tiếp kiểm sát được hoàn thành đạt và vượt; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được khống chế ở mức thấp (0,33%); số lượng, chất lượng kháng nghị hình sự, dân sự đạt và vượt chỉ tiêu (hình sự đạt 90%; dân sự đạt 89%; kinh doanh thương mại, hành chính đạt 100%); phối hợp tổ chức đạt vượt chỉ tiêu các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự, dân sự, trong đó có 04 phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến các cơ quan chức năng của tỉnh; các chỉ tiêu khác trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác thanh tra việc chấp hành kỷ luật công vụ, nội vụ và các việc khác, công tác kiểm tra nghiệp vụ cũng như kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ tại các Phòng nghiệp vụ và các đơn vị cấp huyện luôn được Lãnh đạo Viện chú trọng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trách nhiệm công tố được tăng cường trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.

 


([1]) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời tổ chức học tập quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (Khóa XII) “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy  định số 102 – QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị… , gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác nghiệp vụ...

([2]) Ngoài việc nâng cao chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan điều tra cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp tỉnh tăng cường thêm việc trực tiếp kiểm sát tại 02 CQĐT cấp huyện; Viện Kiểm sát cấp huyện tăng cường và mở rộng trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tới 76 Công an cấp xã. Đã trực tiếp kiểm sát 115 cuộc; trong đó: Tại CQĐT: 26 cuộc (vượt 06 cuộc so với chỉ tiêu ≥ 20); Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: 13 cuộc; tại Công an cấp xã: 76 cuộc (chỉ tiêu đề ra thêm của VKSND tỉnh Gia Lai, ít nhất 02 Công an cấp xã và đã thực hiện vượt 24%).

([3]) Yêu cầu CQĐT khởi tố 07 vụ án và 33 bị can; đã trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để củng cố chứng cứ trước khi quyết định việc truy tố (phúc cung bị can) trên 850 lượt vụ án và hơn 1.500 lượt bị can.

Xem thêm>>>

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm

Giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và chống oan, sai

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang