Toàn ngành KSND tiếp tục đổi mới tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác

04/01/2019 15:29

(kiemsat.vn)
Năm 2018, toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; triển khai thực hiện nghiêm các đạo luật mới về tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Toàn ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu được Quốc hội giao, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Viện kiểm sát các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đã tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đặc biệt, toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhất là chất lượng tranh tụng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và yêu cầu của cải cách tư pháp.

Tại các phiên tòa hình sự, Kiểm sát viên đều tích cực, chủ động tham gia xét hỏi, tranh tụng làm rõ nội dung vụ án, đặc biệt tại các phiên tòa xét xử các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế như vụ án: Phạm Công Danh, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... Đồng thời, qua kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng phát hiện vi phạm, kiên quyết kháng nghị yêu cầu hủy bỏ, khắc phục đối với các bản án có vi phạm... cũng như ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử và kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Viện kiểm sát các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt là các vụ án trọng điểm do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, được dư luận đồng tình ủng hộ; chủ động yêu cầu áp dụng các biện pháp tố tụng, tiếp tục nâng cao tỷ lệ phát hiện, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt...

Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020), bước sang năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, tập trung thực hiện tốt những yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm như:

Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; phòng, chống tham nhũng; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền...

Tăng cường chỉ đạo, phát hiện khởi tố, điều tra, truy tố các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp để răn đe giáo dục chung, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Chủ động phối hợp các ngành chức năng rà soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại. Đồng thời, tăng cường kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, khắc phục các vi phạm về thời hạn, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Phối hợp, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu để thống nhất nhận thức, thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, công vụ, công chức; tích cực xây dựng, áp dụng phần mềm vào quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành; sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin hiện có; phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thực hiện các giải pháp thiết thực, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của Ngành.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất. Quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI và Khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Nguồn Tạp chí Kiểm sát số 01/2019.

Bản tin Kiểm sát ngày 03/01

(Kiemsat.vn) - Nội dung của bản tin ngày hôm nay gồm những tin mới nhận từ VKSND thành phố Hải Phòng và VKSND các tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Nông, ĐHKS Hà Nội.

Thông tư mới về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát

(Kiemsat.vn) - Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 hướng dẫn về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hai cơ quan trong giải quyết vụ án hình sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang